Tuesday, April 14, 2009

GIỚI THIỆU SÁCH "CÔNG ƯỚC BIỂN 1982...."

Công ước biển 1982 và chiến lược biển của Việt Nam
Thương Huyền
16:59 10/04/2009
http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30692&cn_id=335069#
(ĐCSVN) – T.S Nguyễn Hồng Thao cùng 3 tác giả khác vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Công ước biển 1982 và chiến lược biển của Việt Nam”. Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành.
Năm 1994, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 có hiệu lực. Việt Nam cũng đã phê chuẩn công ước này. Công ước được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Ở Việt Nam, Công ước có ý nghĩa rất đặc biệt, xác nhận và khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của nước ta đối với các vùng biển và thềm lục địa, phù hợp với chính sách nhất quán của Nhà nước ta nhằm giải quyết những tranh chấp về các vùng biển và thềm lục địa với các nước láng giềng thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Kể từ khi gia nhập Công ước đến nay, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể nhằm thực hiện các điều khoản của Công ước. Những nỗ lực của Việt Nam được thể hiện rõ nét trên những lĩnh vực liên quan đến Công ước như an ninh – quốc phòng, đối ngoại, giao thông vận tải biển, thủy sản, dầu khí, bảo vê và giữ gìn môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, bưu chính viễn thông, xây dựng bản đồ biển và giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển.

Cuốn sách có thành 3 phần: Phần thứ nhất giới thiệu về biển Đông và vị thế của Việt Nam trên biển, chính sách và luật biển của Việt Nam qua các thời kỳ. Phần thứ 2 tóm tắt quá trình xây dựng và phát triển pháp luật quốc tế về biển với dấu mốc quan trọng là Công ước biển 1982 và việc Việt Nam gia nhập công ước này. Phần thứ 3 cung cấp thông tin chi tiết về quá trình Việt Nam thực hiện Công ước 1982 trên những lĩnh vực cụ thể.

Phần thứ nhất, tác giả nhấn mạnh, biển Đông là tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam với 3260km bờ biển, 2773 đảo ven biển với tổng diện tích khoảng 1630km2. Biển trở thành nguồn tài nguyên vô giá của Việt Nam với tài nguyên động vật (khoảng 2030 loài cá; 500 loài động vật, 2500 loài động vật thân mềm, 1647 loài giáp xác, 700 loài giun, 350 loài động vật da gai và 150 loài hải miên, cùng hàn trăm loài động thực vật quý hiếm khác); tài nguyên thực vật (14 loài cỏ biển, đa dạng loài chiếm 150.000 ha rừng ngập mặn); tài nguyên khoáng sản (dầu khí, than, cát thủy tinh, phân chim, đá hoa cương, tài nguyên muối và hóa phẩm biển, tài nguyên băng cháy…); tài nguyên du lịch với nhiều bãi biển, vịnh, các hệ sinh thái…; tài nguyên giao thông vận tải biển… Những tài nguyên này khiến kinh tế biển và ven biển của nước ta luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 10%/năm). Chỉ tính riêng năm 2005, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 48% GDP cả nước.
Do lợi thế và lợi ích mà biển mang lại, nên chúng ta cũng gặp phải những thách thức lớn liên quan tới 7 trong tổng số 16 tranh chấp biển ở biển Đông; tranh chấp chủ quyền trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam đã có ý thức tiến ra biển, có chính sách biển và luật biển từ rất sớm. Giai đoạn 1945 trở về trước, Việt Nam đã mở rộng lãnh thổ và vùng biển về phía đông và phía nam, tổ chức các hoạt động khai thác và nghiên cứu biển, tổ chức các cuộc tuần tra trên biển, tổ chức phòng thủ bờ biển…. Giai đoạn 1945-1975, do chiến tranh liên miên, chúng ta ít có điều kiện mở rộng ra hướng biển, nhưng chính quyền Sài Gòn lúc đó quản l‎ý trực tiếp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thực hiện các hoạt động cần thiết để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên 2 quần đảo. Giai đoạn 1975 đến năm 1986, chúng ta đã khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo”. Thể hiện quyết tâm tiến ra biển của mình, Việt Nam đã ký‎ Công ước Biển 1982. Từ năm 1986 đến nay, chúng ta đã hoạch định và thực thi chính sách quốc gia về biển, bao gồm các chiến lược: phát triển mạnh mẽ ra hướng biển, kết hợp chiến lược phát triển kinh tế biển với chiến lược bảo vệ quốc phòng – an ninh trên biển.

Phần thứ 2: Việt Nam tham gia công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Các tác giả giới thiệu về Công ước 1982 ở các nội dung: công bước về các vùng biển, công ước về bảo vệ môi trường biển, công ước về quản lý‎ và bảo tồn tài nguyên biển; công ước về đấu tranh chống các tội phạm trên biển; công ước thiết lập các tổ chức quốc tế riêng về luật biển.
Việt Nam đã áp dụng các quy định trước khi Công ước 1982 có hiệu lực (1973-1994), tiếp thu và vận dụng các quy định của Công ước để mở rộng và bảo vệ các quyền lợi trên biển, đặc biệt trong việc hình thành quan điểm chính thống của Nhà nước về các vùng biển, trong xây dựng hệ thống pháp luật về biển, điều chỉnh các hoạt động trên biển; trong các hoạt động quản l‎ý biển, trong giải quyết các tranh chấp về phân định biển. Khi phê chuẩn Công ước biển 1982, Việt Nam đã dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia lâu dài và liên quan đến chủ quyền, hòa bình và phát triển của đất nước, là cơ sở để chúng ta rà soát và hoàn chỉnh các luật lệ cần thiết bảo vệ trật tự pháp lý‎ và tài nguyên môi trường vùng biển và thềm lục địa, yêu cầu các nước khác tôn trọng pháp luật và lợi ích chính đáng của Việt Nam; Sau khi phê chuẩn Công nước, phần lớn các quy định của Công ước đã được Việt Nam vận dụng làm cơ sở cho các hoạt động trên biển của mình. Đây là bước đi tất yếu, khẳng định quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp l‎ý mới, công bằng trên biển.

Phần 3: Việt Nam và việc thực hiện Công ước 1982. Từ khi phê chuẩn công ước, Việt Nam đã áp dụng để xác định vùng biển của đất nước; quy hoạch phát triển vùng biển và thực hiện Công ước trên tất cả các lĩnh vực: an ninh quốc phòng, đối ngoại, giao thông vận tải biển, thủy sản, dầu khí, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, bưu chính viễn thông, xây dựng bản đồ biển, giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển.

Phần kết luận, các tác giả khẳng định, trong quá trình thực hiện Công ước, Việt Nam luôn là một quốc gia có đóng góp tích cực cho giải thích và thực hiện Công ước, cho việc làm sáng tỏ và làm giàu thêm các nội dung của Công nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần giải quyết một số tồn tại để thực hiện có hiệu quả hơn Công ước 1982 như trong pháp lý‎ và đối ngoại, chính sách biển, việc nội luật hóa các quy định của Công ước; trong đảm bảo an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn, trong quản lý‎ tài nguyên sinh vật biển, trong khai thác dầu khí… Việt Nam cần tiếp tục tham gia các công ước chuyên ngành hàng hải, thủy sản, dầu khí, tìm kiếm cứu nạn để bảo đảm tốt nhất các quyền lợi của mình trên biển, thuận tiện cho các hoạt động biển và mở rộng hợp tác quốc tế.

Các từ khóa theo tin:
Thương Huyền

No comments: