VÀI
LỜI VỀ NGUYÊN TẮC SUY ĐOÁN VÔ TỘI NHÂN SCANDAL HỒNG ĐĂNG, HỒ HOÀI ANH
Người bị
cáo buộc phạm tội được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh điều ngược lại.
Phát biểu
nêu trên là nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự, có tính phổ quát
trên toàn thế giới.
Tuyên ngôn
phổ quát về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và
chính trị năm 1966 ghi nhận nguyên tắc này lần lượt tại Điều 11 và Điều
14.[1][2]
Hiến
chương của liên minh châu Âu về các quyền cơ bản, mà Tây Ban Nha là một thành
viên, ghi nhận nguyên tắc này tại Điều 48.[3]
Với từng
nước, nguyên tắc này có thể được ghi nhận với những hình thức thể hiện khác
nhau.
Tại Việt
Nam, nguyên tắc này được phát biểu tại Điều 31 Hiến pháp 2013, và Điều 13 Bộ luật
Tố tụng Hình sự 2015 hiện có hiệu lực thi hành.[4][5]
Áp dụng
nguyên tắc này trong trường hợp scandal của Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh, hẳn nhiên 2 nghệ sỹ này được coi là vô tội
cho đến khi được chứng minh, theo pháp luật của Tây Ban Nha, là có tội.
Nguyên tắc
suy đoán vô tội có một nội dung quan trọng là việc chứng minh tội phạm phải được
thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định, và việc kết tội phải dựa trên các
chứng cứ xác thực.
Bên cạnh
đó, việc chứng minh tội phạm và kết tội thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền.
Giữa những
ồn ào của scandal, nguyên tắc này được một số người nêu ra với ý phê phán những
người bình luận theo hướng kết tội cho 2 nghệ sỹ, và phê phán quyết định của
VTV tạm dừng phát sóng các chương trình có mặt 2 nghệ sỹ này.
Rõ ràng,
đã có vô số bình luận, với một tỷ lệ đáng kể là thái quá, theo hướng kết tội
cho 2 nghệ sỹ. Và quyết định của VTV có thể là quá sớm, và do đó, có thể là
không công bằng với Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh.
Sự phê
phán những người bình luận và quyết định của VTV, trên cơ sở của nguyên tắc suy
đoán vô tội có phần – mà không hoàn toàn hợp lý.
Nguyên tắc
suy đoán vô tội vốn là một nguyên tắc của tố tụng hình sự, là dẫn hướng mà các
cơ quan tiến hành tố tụng hình sự buộc phải tuân thủ trong quá trình xét xử vụ
án.
Nó không
nên được đồng nhất, và cũng không thể được đồng nhất, với nguyên tắc ứng xử
trong đời sống dân sự bình thường.
Nguyên tắc
này là một phần của công lý theo thủ tục, là công lý đạt được qua trình tự, thủ
tục luật định, và song song với nó là công lý theo bản thể, một thứ công lý vốn
có từ sự thật khách quan (trong khi một nghi phạm “được coi” là vô tội do chưa
được chứng minh có tội, nghi phạm đó có thể có tội trên thực tế rồi).
Theo đó,
ngay cả khi công lý theo thủ tục chưa đạt được, công lý theo bản thể đã ở đó,
và chờ được tìm ra thông qua quá trình của công lý theo thủ tục mà thôi. (Do sự
hạn chế về những điều kiện chủ quan và khách quan nào đó, công lý theo thủ tục
có thể sai khác hay thậm chí trái ngược với công lý theo bản thể.)
Tất yếu,
các cơ quan có thẩm quyền có khả năng tìm ra công lý bản thể hơn ai hết, nhờ đi
theo quá trình của công lý theo thủ tục, nhưng những người không có thẩm quyền
có khả năng tư duy, suy nghĩ và phán đoán nhất định về công lý theo bản thể.
Mặc dù
không người bình thường nào có thể khẳng định mình biết rõ toàn bộ sự thật
khách quan của vụ án, song bằng các thông tin từ truyền thông và các nguồn
khác, họ có thể phán đoán rằng các nghi phạm có phạm tội trên thực tế hay
không, từ đó có thể phát biểu phán đoán của mình, và để chừng mực, các phán
đoán nên được phát biểu bắt đầu bằng “Tôi đoán…”, “Tôi nghĩ…”.
Vấn đề của
những người bình luận theo hướng kết tội, theo người viết, không phải là hướng
kết tội (nếu họ thấy có đủ thông tin để đi theo hướng đó và thực tế là như vậy),
mà là cách diễn đạt của họ, thường là thái quá, và thường là mang tính khẳng định
thay vì phán đoán (do sự hạn chế về dân trí và văn hoá ứng xử).
Cùng lẽ
đó, cho dù 2 nghệ sĩ được coi là vô tội cho đến lúc này theo công lý theo thủ tục,
thì hình tượng của họ đã bị ảnh hưởng tiêu cực do các phán đoán về công lý theo
bản thể. Và vì là người của công chúng, họ phải chấp nhận sự hư hao về những mặt
nào đó trong đời sống dân sự bình thường.
Là một đài
truyền hình, VTV có đánh giá riêng của mình về công lý theo bản thể, đồng thời
cân nhắc về được, mất giữa việc tiếp tục hay tạm dừng phát sóng các chương
trình có mặt Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh.
Nếu trong
cân nhắc đó của VTV bao gồm cả danh dự và hình tượng của những người có mặt
trong các chương trình được phát sóng, cũng như của chính VTV, và ưu tiên chúng
cao hơn một số điều khác, thì VTV có thể tự tin về quyết định này.
_____
Chú
thích:
[1] Tuyên
ngôn phổ quát về nhân quyền năm 1948
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx
[2] Công ước
quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966
[3] Hiến
chương của liên minh châu Âu về các quyền cơ bản
https://fra.europa.eu/en/eu-charter/article/48-presumption-innocence-and-right-defence
[4] Hiến
pháp Việt Nam 2013
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx
[5] Bộ luật
Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx
.
No comments:
Post a Comment