Nguyễn
Ngọc Giao
07/07/2022 12:38
https://www.diendan.org/sang-tac/noi-niem-ham-nghi
Triển lãm “Nghệ thuật trong cõi lưu đày”
(Nice)
Nỗi
niềm Hàm Nghi
Nguyễn
Ngọc Giao
Còn ba tuần để khán giả có thể tới xem cuộc
triển lãm “ Art en exil ” tại Viện bảo tàng nghệ thuật
Á Châu của thành phố Nice (kết thúc ngày 26.6.2022). Trong một công trình
kiến trúc mỹ thuật, thanh thoát nằm trong công viên Phoenix ven bờ Địa Trung Hải.
Đây là cuộc triển lãm chưa từng có (150 hiện vật) về tác phẩm (hội họa, điêu khắc)
và cuộc đời của Hàm Nghi (1871-1944), ông vua nhà Nguyễn đầu tiên bị thực dân
phế truất và lưu đày, được biết dưới cái tên hầu như vô danh : Prince
d'Annam (Hoàng thân An Nam).
TIN MỪNG GIỜ
CHÓT : Cuộc triển lãm được kéo dài tới ngày 28.8.2022
Musée des Arts Asiatiques
405, promenade des Anglais, 06200 NICE
Thực ra, sinh thời Hàm Nghi đã có hai cuộc triển
lãm tại Paris : lần thứ nhất, tranh pastel đã được trưng bày tại Viện bảo tàng
Guimet (tháng 6.1904), lần thứ nhì, gần 60 tác phẩm (tranh dầu, pastel và tượng)
tại Galerie Mantelet - Colette Weil (tháng 11.1928). Nhưng đây là lần đầu tiên,
ban tổ chức đã tập hợp được một số lượng lớn tranh và tượng mà Hàm Nghi sáng
tác trong suốt 55 năm lưu đày. Hầu hết các tác phẩm này được mượn từ những sưu
tập riêng của hậu duệ (hay những người quen, được tặng).
https://www.diendan.org/sang-tac/noi-niem-ham-nghi/hamnghi.jpeg
Cựu hoàng Hàm Nghi (1871-1944)
https://www.diendan.org/sang-tac/noi-niem-ham-nghi/IMG_2087.jpg
Một bức tranh vô đề
Ngoài những sưu tập riêng (đây là lần đầu tiên ra mắt
công chúng), tác phẩm của Hàm Nghi hiện ở đâu ?
Năm 2010, bức tranh Chiều tà (1915)
đã về tay một nhà sưu tập sống ở Marseille trong cuộc bán đấu giá đầu tiên tại
Hôtel Drouot. Theo nhà nghiên cứu Amandine Dabat (hậu duệ 5 đời của cựu hoàng),
thì cuối năm 2021, hai bức tranh khác cũng đã được bán đấu giá. Mặt khác, theo
những nguồn tin đáng tin cậy, khi Algérie độc lập, bà Marcelle Laloë (quả phụ
Hàm Nghi) dọn về Pháp, không mang được toàn bộ tác phẩm của chồng. Một số
tranh tượng còn để lại ở biệt thự Gia Long, nay thuộc sở hữu của Bộ văn hóa
Algérie. Một viên chức bộ này nói với đoàn làm phim Đi tìm dấu tích
ba nhà vua yêu nước mùa hè năm 2008, là bốn bức tranh của Hoàng
thân An Nam đã được tặng cho Maroc, hiện được trưng bày tại Viện bảo tàng nghệ
thuật Rabat – chúng tôi chưa kiểm chứng được thông tin này, nhưng xin nêu lên với
hi vọng đặt ở độc giả định cư ở Maroc hay có dịp đi thăm thành phố Rabat.
Cuộc triển lãm ở Nice là vận hội hiếm có để
người xem có một cái nhìn tổng quan về nghệ thuật của Hàm Nghi và có một ý niệm
về bối cảnh lịch sử Việt Nam - Pháp - Algérie trong suốt một thế kỷ, từ giữa thế
kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Ấn tượng đầu tiên, là hầu như toàn bộ tác phẩm
(hội họa cũng như điêu khắc) đều biểu hiện cảm hứng ấn tượng và hậu - ấn tượng
chủ nghĩa. Cũng không lạ, năm 18 tuổi, ông đi vào hội họa dưới sự hướng dẫn của
Marius Raynaud, say mê với hội họa qua Nabis, rồi Gauguin... kết thân với nhà
điêu khắc Auguste Rodin, qua môi giới của người bạn vong niên : Judith Gautier
(con gái nhà văn Théophile Gautier, đồng thời là tác giả tập thơ Đường đầu tiên
dịch ra tiếng Pháp, nữ thành viên đầu tiên của hội đồng giải thưởng văn học
Goncourt). Con người và thế giới công nghiệp hóa hầu như vắng bóng trong hội họa
của Hàm Nghi. Tất cả dành cho thiên nhiên với muôn ngàn sắc thái : “ Biết
làm sao ! Tôi cảm thấy mùa này thiên nhiên quá sức đẹp (...). Tôi
dành hết thời gian (...) để nhìn ngắm với tất cả sự ngưỡng mộ
không mệt mỏi (...) thiên nhiên là người bạn thực sự của tôi.
Không thể nào cưỡng lại, tôi đành cầm lấy cây cọ và khung vải ” ;
“ tôi đọc trong tranh của tôi những thăng trầm của những ý nghĩ đau buồn,
những niềm vui và muôn nghìn sắc thái ”.
https://www.diendan.org/sang-tac/noi-niem-ham-nghi/expoHN.jpeg
Vài tranh & tượng trong cuộc triển lãm
Qua những dòng tâm sự viết năm 26 tuổi (trích
dẫn theo A. Dabat), tôi ngộ ra : hội họa là ngôn ngữ duy nhất để Hàm Nghi thổ lộ
với chính mình, và với thế gian. Bạn có thể phản bác : còn tiếng Việt, Hán văn
và tiếng Pháp ? Tất nhiên, thời gian đầu ở Alger, chưa học tiếng Pháp, Hàm Nghi
chỉ nói tiếng Việt. Mọi giao tiếp với quan chức thực dân đều thông qua người
thông ngôn tên là Nguyễn Bình Thanh. Tay này vừa là thông ngôn vừa là “báo cáo
viên”, Viện lưu trữ ANOM ở Aix-en-Provence còn giữ cả đống báo cáo viết tay
chăm chỉ. Người đối thoại duy nhất với nhà vua trẻ lúc đó là mấy học sinh người
Việt ở Alger, trong đó có một thiếu niên bị đi đày sang đây : Kỳ Đồng Nguyễn
Văn Cẩm (thua Hàm Nghi 4 tuổi, đỗ tú tài năm 1896). Tiếng Việt của ông thông
ngôn chắc hơi bị hạn chế, chữ quốc ngữ lại càng có vấn đề : tên Nguyễn Phúc Ưng
Lịch của nhà vua được viết là... Húng Lịch trong các bản báo
cáo viết tay. Còn “hoàng thân An Nam” năm 1904 lập gia đình với cô Marcelle
Laloë, cô này cương quyết yêu cầu chồng không nói tiếng Việt với con cái (Như
Mai sinh năm 1905, Như Lý 1908, Minh Đức 1910). Toàn bộ giao dịch của Hàm Nghi
với người khác từ đây thông qua tiếng Pháp (mà mười tháng đầu ở Alger, ông
cương quyết không chịu học) mà cuối cùng, ông đã làm chủ khá nhuần nhuyễn. Toàn
bộ thư từ trao đổi của ông với chính quyền thực dân, giới nghệ sĩ, vua quan triều
Nguyễn (bố con Khải Định, Bảo Đại) đều là những văn bản tiếng Pháp. Nhà thơ
Nga, bà T. L. Schepkina-Kupernik, gặp cựu hoàng ở Alger khoảng năm 1902, cho biết
đã được thấy những ghi chép bằng Hán tự. Nhưng theo hậu duệ nhà vua, cuối cùng,
ông đã đem đốt hết cả.
Thủ bút Hán tự của Hàm Nghi còn lại, trước hết
phải kể hai chữ 子 (Tử) và 春 (Xuân) mà ông thường ký dưới một số tranh. Nếu viết theo lối cũ,
từ phải sang trái (như thời hoàng tử Ưng Lịch học Tam Tự Kinh), thì là Xuân
Tử, mà giải thích cho bà J. Gautier, ông nói “Fils du Printemps” (đứa
con của mùa xuân). Nhưng phát âm, những khi dùng ký tự Latinh theo kiểu của
mình (ông không được học chữ quốc ngữ), ông lại viết khi thì “ Thủ
Xúong ” khi thì “ Tủ Xuân”. Điều này cũng giải thích tại
sao tên con gái lớn của ông được viết trên khai sinh là “ Nhu May ”,
trong khi ông cắt nghĩa cho bà J. Gautier (và bà đã làm một bài thơ tứ tuyệt)
là : như hoa mai.
Kết bạn với thiên nhiên, lấy nghệ thuật làm
ngôn ngữ... phần nào phản ánh sự cô lập mà Phủ toàn quyền Alger và Bộ thuộc địa
Paris đã thiết lập chung quanh Hàm Nghi suốt nửa thế kỷ đối với tất cả những gì
liên quan tới hiện thực Việt Nam. Để minh chứng điều này, xin đơn cử thời điểm
1922.
Hàng năm gia đình Hàm Nghi nghỉ hè ở Pháp.
Cũng là dịp để “ hoàng thân An Nam ” tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ Pháp (ông
thường ở nhà của J. Gautier ở Paris, rue de Washington, hay ở Saint-Enogat, biệt
thự Pré aux Oiseaux). Mùa hè năm 1922, cựu hoàng chuẩn bị đáp tàu thủy rời cảng
Alger đi Marseille, thì nhận được lệnh cấm. Năm ấy, tháng 7, hội chợ Marseille
được tổ chức với một “khách quý” là hoàng đế Khải Định. Bức thư kèm đây xác định
Khải Định rất tiếc không được gặp “ ông chú/bác thân mến”.
https://www.diendan.org/sang-tac/noi-niem-ham-nghi/KhaiDinh.png
Thư Khải Định gửi Quận công Ưng Lịch (ngày 10.7, nhận
được ngày 6.8.1922)
1922, như nhiều người còn nhớ, là năm Phan
Châu Trinh công bố “ Thất Điều Thư ” lên án vai trò bù
nhìn của Khải Định. Bức thư viết bằng Hán văn, được Phan Văn Trường dịch ra tiếng
Pháp, Nguyễn Ái Quốc ra tiếng Việt. Cả ba người (lúc đó cùng ở số 6, Villa des
Gobelins, Paris 13) đã xuống Marseille “phát truyền đơn”. Theo chứng từ của cụ
Đào Nhật Vinh (do nhà văn Sơn Tùng ghi lại), ở đây, Phan Văn Trường và Nguyễn
Ái Quốc đã gặp Phạm Quỳnh, chủ bút tạp chí Nam Phong, đi tháp tùng Khải Định.
Cuộc gặp còn được nối dài bằng một bữa ăn tối tổ chức ngày 13.7.1922 tại Villa
des Gobelins. Cụ Đào Nhật Vinh được cử làm đầu bếp “bữa ăn bắc, thết khách bắc”,
với thực đơn thuần túy dân tộc : “ mất công nhiều là món lòng lợn, rau
thơm gia vị tầm cho ra được các thứ ấy không dễ. Có thịt gà luộc, canh chua, cá
rán, thiếu rau muống luộc, cà pháo, tương Bần ”. Chủ tiệc : Phan Văn
Trường, Nguyễn Ái Quốc. “ Khách bắc ” : Phạm Quỳnh. Nhật ký ngày 13.7.22 của
ông Phạm Quỳnh (do Phạm Tôn, con trai, công bố) ghi : “ Juillet, 13,
Jeudi: ăn cơm An Nam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Rue
des Gobelins).” Trong bài Pháp du hành trình nhật ký đăng
trên Nam Phong tạp chí, tác giả viết thêm : “ Thứ năm 13 tháng 7 năm
1922 : (…) Chiều hôm nay, ăn cơm với mấy ông đồng bang ở bên
này. Mấy ông này là tay chí sĩ vào hạng bị hiềm nghi nên bọn mình đến chơi
không khỏi có trinh tử dò thám. Lúc ăn cơm trong nhà, chắc lũ đó đứng ngoài như
rươi ! Nhưng, họ cứ việc họ, mình cứ việc mình, có hề chi ! Đã lâu không được
ăn cơm ta, ăn ngon quá. Ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta thật là vui vẻ
thỏa thích. Ăn no, uống say, cười cười nói nói…Mai là ngày hội kỷ niệm dân quốc (tức
ngày quốc khánh Pháp 14/7 – Phạm Tôn chú)… Anh em đi dạo chơi một lượt
các phố đông cho biết cái cảnh ngày hội của Paris thế nào ”.
Tháng bảy 1922. Alger. Marseille. Paris, cách
đây đúng một thế kỷ. Lịch sử có những trùng hợp khá kỳ lạ.
Thêm một lý do để chúng ta, trong tĩnh lặng của
Viện bảo tàng nghệ thuật Á Châu Nice, ngắm nhìn những bức tranh phong cảnh của
“ Tử Xuân ”, lắng nghe những tiếng nói không lời.
Nguyễn Ngọc Giao
4.6.2022
No comments:
Post a Comment