Sunday, July 17, 2022

NGÀNH Y VIỆT NAM : CẦN SỰ "ĐỒNG CẢM" hay "THẤU CẢM" của NGƯỜI DÂN? (Huỳnh Wynn Trần)

 



Ngành Y Việt Nam: cần sự “Đồng cảm” hay “Thấu cảm” của người dân? 

Huỳnh Wynn Trần

16-7-2022  18:29  

https://www.facebook.com/huynhtranmd/posts/pfbid0YRomvn1ebzokRY3kJYFX5zUmT2PUWwcmSuZ76khZHHaJxTyKYMNvQQvzZ1bupUojl

 

Câu chuyện quyền Bộ Y tế VN đang hot trên mạng xã hội với những bình luận về dân ngoại đạo có nên lãnh đạo ngành Y hay không. Riêng tôi thì quan tâm đến câu nói của bà Đào Hồng Lan là “Chúng tôi rất cần sự đồng cảm” của người dân trên báo VNexpress.

 

Mới đọc tựa đề, tôi chưa hiểu ý của bà là muốn người dân “Đồng cảm” hay “Thấu cảm” khó khăn của ngành Y. Bà nói “ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn, cần sự động viên, chia sẻ của Đảng, nhà nước và sự đồng cảm của người dân.”

 

Trong y khoa, hai khái niệm “Đồng cảm” (Sympathy) và “Thấu cảm” (Empathy) là khác nhau và thường bị dùng nhầm lẫn.

 

Đồng cảm là khả năng hiểu được hoàn cảnh của người khác từ chính góc nhìn của mình, hiểu người khác đang trải qua những khó khăn dựa trên hiểu biết, hoàn cảnh, hay kinh nghiệm cá nhân của mình. Ví dụ như quý vị thấy đồng cảm khi thấy người bạn có người cha vừa mất vì bệnh ung thư mình cũng đã vừa mất cha không lâu do căn bệnh này. Đồng cảm còn có thể hiểu là sự đồng ý với những cảm xúc, những mất mát, và chia buồn với người khác.

 

Thấu cảm là khả năng hiểu được hoàn cảnh của người khác thông qua sự hiểu biết, khả năng kết nối, và cảm nhận với người đó, chứ không hẳn từ kinh nghiệm cá nhân. Ví dụ như một BS sản khoa nam giới có thể thấu cảm nỗi đau đớn thể xác khi rặn đẻ sinh con của người mẹ mặc dù anh ta chưa bao giờ sinh con. Thấu cảm không nhất thiết là đồng ý với những cảm xúc hay cảm giác của người khác.

 

Ngành Y Việt Nam cần sự đồng cảm hay thấu cảm của người dân?

 

Người dân nên hiểu những khó khăn của BS ngày đêm túc trực bệnh viện để cấp cứu những ca tai nạn giao thông do uống rượu hay cãi lộn chém gió. Người dân cần hiểu những khó khăn của những BS đi học gần 10 năm mà lương vài triệu đồng không đủ sống ở Sài Gòn. Người dân cần hiểu rõ những rủi ro mắc bệnh truyền nhiễm hay bị người thân bạo hành khi hành nghề bác sĩ.

 

Dĩ nhiên, một người dân bình thường, và kể cả bà quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, không phải là nhân viên ngành y, càng không phải là BS nên người dân khó hiểu những kinh nghiệm như chữa bệnh Covid-19 trong bộ đồ nóng kín mít, từng bị người nhà chém đánh, hay từng bị trả lương thấp. Vì vậy, người dân thường khó mà đồng cảm với nhân viên ngành Y được.

 

Thay vào đó, người dân có thể thấu cảm được những khó khăn của nhân viên ngành y khi tìm hiểu những khó khăn của nhân viên y tế hoặc thử đặt mình vào hoàn cảnh của người BS.

 

Trong Y khoa, dùng từ ngữ chính xác là yêu cầu cơ bản khi giao tiếp. Dùng một khái niệm sai có thể dẫn đến chẩn đoán và chữa trị sai.

 

Thấu cảm là sự hiểu biết một cách sâu sắc, trọn vẹn, đầy đủ người khác bao gồm cả cảm xúc lẫn lý trí. Thấu cảm có thể hiểu là một cung bậc cảm xúc cao hơn so với đồng cảm.

 

Đọc hết bài phỏng vấn, tôi nghĩ ý của bà quyền bộ trưởng y tế là cần sự thấu cảm của người dân chứ không phải sự đồng cảm.

 

Bs Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

 

p/s hình minh họa từ Saraalrumikhani

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10159953112646183&set=pcb.10159953308321183

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10159953112231183&set=pcb.10159953308321183

Quyền Bộ trưởng Y tế : ‘Chúng tôi cần sự đôngc cảm’

 

.

19 BÌNH LUẬN  





No comments: