Saturday, July 16, 2022

CHUYẾN CÔNG DU GÂY TRANH CÃI CỦA BIDEN TỚI SAUDI ARABIA (Bình Phương / Saigon Nhỏ)

 



NỘI DUNG :

Chuyến công du gây tranh cãi của Biden tới Saudi Arabia

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ

.

Tổng thống Joe Biden : Mỹ « sẽ không rời bỏ » Trung Đông

Trọng Thành  -  RFI

.

================================================

.

.

Chuyến công du gây tranh cãi của Biden tới Saudi Arabia

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ

15 tháng 7, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/chuyen-cong-du-gay-tranh-cai-cua-biden-toi-saudi-arabia/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1241918344.jpg

Tổng thống Biden “cụng tay” với Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) – một cử chỉ gây tranh cãi, trong chuyến thăm của ông đến Saudi Arabia hôm nay Thứ Sáy 15 tháng Bảy 2022. Ảnh Royal Court of Saudi Arabia / Handout/Anadolu Agency via Getty Images.

 

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu 15 tháng Bảy đã đến Saudi Arabia và gặp Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman (MBS), người mà ông từng cam kết sẽ xa lánh vì vi phạm nhân quyền, trong nỗ lực thiết lập lại một mối quan hệ ngoại giao quan trọng, củng cố an ninh khu vực Trung Đông và làm tăng dòng chảy dầu mỏ toàn cầu.

 

Tấm ảnh do cung điện hoàng gia Saudi phát hành cho thấy Tổng thống Biden và Hoàng Thái tử MBS chạm nắm tay vào nhau nhanh chóng gây ra lời chỉ trích. Nhưng ông Biden khẳng định ông đã không né tránh việc thúc ép Hoàng Thái tử MBS – người thừa kế ngai vàng và là nhà lãnh đạo thực tế của Saudi Arabia – về những hành vi lạm dụng quyền lực của ông ta, đặc biệt là vụ sát hại dã man nhà báo Jamal Khashoggi của báo The Washington Post năm 2018. Tình báo Hoa Kỳ tin rằng vụ ám sát đã được đích thân ông MBS chấp thuận.

“Tôi đã nói rất thẳng thắn rằng việc một tổng thống Mỹ im lặng về vấn đề nhân quyền là không phù hợp với việc chúng tôi là ai và tôi là ai. Tôi sẽ luôn bảo vệ các giá trị của chúng tôi,” ông Biden nói sau cuộc họp với ông MBS. Ông Biden nói Hoàng Thái tử Mohammed tuyên bố ông ta “không chịu trách nhiệm cá nhân” về cái chết của Khashoggi. Nhưng “Tôi chỉ ra tôi nghĩ là ông ấy có trách nhiệm,” Tổng thống Biden nói.

 

Chủ bút báo The Washington Post Fred Ryan, mô tả là cuộc gặp Biden-MBS là “đáng xấu hổ”. Còn vị hôn thê của Khashoggi, cô Hatice Cengiz, nói với hãng tin AP rằng, ông Biden đã thụt lùi về nhân quyền. “Thật đau lòng và đáng thất vọng. Ông Biden sẽ đánh mất thẩm quyền đạo đức khi đặt dầu mỏ lên trên các nguyên tắc và giá trị,” cô nói.

 

Tổng thống Biden từ lâu đã từ chối nói chuyện với Hoàng Thái tử Mohammed. Nhưng những mối lo ngại về nhân quyền đã phần nào bị che mờ bởi những thách thức trầm trọng như tham vọng vũ khí hạt nhân của Iran và giá dầu khí tăng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

 

Về phần mình, Saudi Arabia muốn tăng cường mối quan hệ an ninh với Mỹ và bảo đảm các khoản đầu tư nhằm giúp cho nền kinh tế giảm phụ thuộc vào việc khai thác dầu.

 

Từ lợi ích của đôi bên, có vẻ như hai nhà lãnh đạo đang có những bước đi thận trọng nhằm làm ấm lại mối quan hệ Mỹ – Saudi đã bị lạnh nhạt sau vụ ám sát ông Khashoggi và Saudi Arabia tham gia cuộc nội chiến ở Yemen.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1241917628.jpg

Trước khi đến Saudi Arabia, Tổng thống Biden đã có chuyến thăm và làm việc với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine. Ảnh: Thủ tướng Israle Yair Lapid (giữa) chia tay TT Biden tại phi trường Ben Gurion ở Tel Aviv sáng nay, trước khi ông Biden bay sang Jeddah. Ảnh Israeli Government Press Office/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Sau cuộc hội đàm kéo dài ba tiếng đồng hồ tại Cung điện Hoàng gia vào hôm nay Thứ Sáu 15 tháng Bảy, Tổng thống Biden thông báo một số thỏa thuận giữa hai bên. 

 

Một thỏa thuận là lực lượng gìn giữ hòa bình của Mỹ sẽ rút khỏi hòn đảo chiến lược Tiran trên Hồng Hải vào cuối năm nay, mở đường cho Saudi Arabia phát triển các điểm thu hút khách du lịch ở đó.

 

Saudi Arabia sẽ bãi bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay thương mại của Israel qua lãnh thổ của họ, một dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia và Israel đang bắt đầu một mối quan hệ nồng ấm hơn do cả hai cùng có một đối thủ chung là Iran và cùng lo ngại Mỹ sẽ càng ngày càng thu hẹp sự hiện diện ở khu vực.

 

Ông Biden cũng cho biết đã có tiến bộ trong việc kéo dài thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen, nơi Saudi Arabia chiến đấu với các chiến binh Houthi được Iran hậu thuẫn trong nhiều năm, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

 

Về dầu khí, Hoa Kỳ không hy vọng Saudi Arabia sẽ ngay lập tức tăng sản lượng dầu khai thác để giúp giảm giá nhiên liệu đang ở mức cao và gây tổn hại về mặt chính trị cho chính quyền Biden ở trong nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Biden có vẻ nhẹ nhõm vì dường như Saudi đã có cam kết gì đó. Tổ chức Các nước xuất cảng dầu OPEC+ mà Saudi Arabia là thành viên chủ chốt đã có một thỏa thuận về mức sản lượng của từng nước; thỏa thuận hiện thời sẽ hết hạn vào Tháng Chín và khi đó Saudi Arabia có thể tăng mức khai thác dầu của họ.

 

Tổng thống Biden cũng đã đến chào và bắt tay Vua Salman, vị quốc vương 86 tuổi, người bị sức khỏe kém, trong đó có hai lần vào bệnh viện trong năm nay, giao việc nước cho Hoàng Thái tử Mohammed trông nom.

 

                                                           *** 

Ngày mai Thứ Bảy 16 tháng Bảy, Tổng thống Biden sẽ tham gia cuộc họp với các nhà lãnh đạo từ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, gồm các nước Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) – trước khi trở về Washington. Các nhà lãnh đạo của các nước láng giềng vùng Trung Đông là Ai Cập, Iraq và Jordan cũng sẽ tham dự cuộc họp. Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Biden, ông Jake Sullivan cho biết tại cuộc họp ông Biden sẽ đưa ra một “tuyên bố quan trọng” về tầm nhìn của mình đối với Trung Đông.

 

Chuyến thăm Saudi Arabia là một trong những chuyến công du tế nhị nhất mà Biden phải đối mặt. Ông đang bị những lời chỉ trích sâu sắc rằng ông đang đi ngược lại những cam kết đặt nhân quyền vào trung tâm của chính sách đối ngoại Mỹ. Tuy nhiên, nếu ông Biden đạt được thành công nào trong việc xoa dịu quan hệ với các nước Arab thì sẽ có thể mang lại lợi ích ngoại giao lớn trong việc bảo đảm sự ổn định ở một khu vực nhiều xung đột và biến động nhất thế giới.

 

-------------

Đọc thêm:

 

·         Trung Quốc giúp Saudi Arabia chế tạo tên lửa đạn đạo?

 

·         Nạn buôn người từ Việt Nam sang Saudi Arabia có sự nhúng tay của giới chức

 

·         Vì đại dịch Covid-19, Saudi Arabia công bố ngừng bắn ở Yemen

.

=================================================

.

Tổng thống Joe Biden : Mỹ « sẽ không rời bỏ » Trung Đông

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 16/07/2022 - 14:56

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220716-tong-thong-hoa-ky-trung-dong-a-rap-xe-ut

 

Hôm nay, 16/07/2022, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự hội nghị mở rộng của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (CCG). Đây là hoạt động cuối cùng của tổng thống trong chuyến công du Trung Cận Đông. Tại hội nghị, tổng thống Biden thông báo chính sách của nước Mỹ với khu vực, nhấn mạnh « sẽ không rời bỏ Trung Đông ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/3485cb5a-0487-11ed-ac0e-005056bfa79e/w:1024/p:16x9/2022-07-15T173913Z_290818910_RC2GCV96CCG7_RTRMADP_3_USA-SAUDI-ENERGY.webp

Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohamad Ben Salmane tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden tại Cung điện Hoàng gia Al Salman, ngày 15/07/2022. VIA REUTERS - BANDAR ALGALOUD

 

Tham dự hội nghị, ngoài 6 quốc gia của tổ chức CCG này (gồm Ả Rập Xê Út, Bahrein, Koweit, Oman, Qatar, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), còn có ba quốc gia Ả Rập quan trọng khác là Ai Cập, Irak và Jordani. 

 

Phát biểu trước khi hội nghị diễn ra, tổng thống Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ không để Trung Đông trở thành « một khoảng trống », nơi Trung Quốc và Nga có thể lợi dụng thời cơ để lấn sân. Hoa Kỳ không rời bỏ Trung Đông là thông điệp chính của nước Mỹ trong hội nghị này.

 

Theo AFP, an ninh và quốc phòng là một chủ đề chính của hội nghị Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Một trong các mục tiêu chính của tổng thống Joe Biden trong vòng công du Trung Cận Đông này là thiết lập một mặt trận chung để đối phó với các tham vọng của Iran.

 

Tổng thống Biden đã ca ngợi việc Ả Rập Xê Út mở lại không phận nước này cho phi cơ Israel từ ngày hôm qua là một « quyết định lịch sử ». Nhà Trắng cũng hoan nghênh việc Ả Rập Xê Út đạt thỏa thuận nối kết hệ thống mạng lưới điện của các quốc gia vùng Vịnh với Irak, quốc gia vốn phụ thuộc nặng nề vào năng lượng từ Iran, mối đe dọa số một của Mỹ và Israel tại khu vực. 

 

Tuyên bố chung Mỹ - Ả Rập Xê Út : Không thể để Iran « trang bị vũ khí hạt nhân »

 

Cũng hôm nay, 16/07/2022, ngay trước hội nghị CCG mở rộng, Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út đã ra một tuyên bố chung, khẳng định tầm quan trọng của việc không để cho chính quyền Iran sở hữu « vũ khí hạt nhân ».

 

Hãng tin Anh Reuters dẫn tuyên bố chung cho biết tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh đến cam kết của Mỹ hậu thuẫn Ryad trong việc bảo đảm « an ninh và chủ quyền lãnh thổ của Ả Rập Xê Út, và tạo điều kiện để vương quốc có được những phương tiện cần thiết để bảo vệ người dân, bảo vệ lãnh thổ chống lại các đe dọa từ bên ngoài ». Hai bên cũng nhấn mạnh đến việc cần nỗ lực ngăn chặn việc Iran can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác trong khu vực, ủng hộ các hoạt động khủng bố, thông qua các nhóm vũ trang, gây bất ổn khu vực.

 

Theo đài truyền hình nhà nước Ả Rập Xê Út, Mỹ và Ả Rập Xê Út cũng ký kết 18 thỏa thuận chiến lược trong hàng loạt lĩnh vực như năng lượng, đầu tư, viễn thông không gian, y tế, nhân chuyến đi của tổng thống Mỹ.

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

MỸ - TRUNG ĐÔNG

Dầu lửa và an ninh, trọng tâm chuyến công du Ả Rập Xê Út của tổng thống Mỹ

 

MỸ - TRUNG ĐÔNG

TT Mỹ Joe Biden đến Israel thúc đẩy đà xích lại gần nhau giữa Tel Aviv và Riyad

 

HOA KỲ - ISRAEL - IRAN

Israel muốn tìm một liên minh khu vực chống Iran nhân chuyến thăm của tổng thống Mỹ

 

 

 


No comments: