https://www.facebook.com/thuyduong2890/posts/pfbid0MzM3fBm7iujtmjtGjsfbec26rNsaXhp6ShmDHtLdg61ryx9LwP5G3LVMPpAtRWswl
Người
trẻ đi Campuchia để bị ngược đãi, bị bóc lột, bị mua bán không phải là
chuyện mới. Hồi giữa năm ngoái, người ta chuyền tay nhau những clip người trẻ bị
chích điện, bị đánh đập dã man, bị tra tấn. Nhưng lúc đó, không có gì để xác
minh nguồn gốc những clip được quay ngắn trong những gian phòng nhỏ hẹp, dù rằng
các trang đưa tin đều nói bị “nạn” tại Campuchia.
Nay, chuyện rõ mồn một là tại Campuchia và người
trẻ Việt là đối tượng bị mua bán, lừa gạt, hãm hại. Ngoài hai chữ đau lòng,
chúng ta đều không biết giải quyết thế nào.
Nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra nguyên nhân
nhằm giảm thiểu những thảm cảnh đau đớn này. Tôi tự hỏi:
– Có bao nhiêu cô gái Campuchia, bao nhiêu cô
gái Thái, bao nhiêu cô gái Singapore, bao nhiêu cô Malaysia qua VN bán dâm? Và
có bao nhiêu cô gái VN qua các nước đó bán dâm?
– Tại sao chỉ có người lao động, người trẻ VN
bị lừa bán sang Campuchia mà không thấy người Campuchia bị lừa bán sang VN theo
hình thức tương tự?
Con nít ở chúng ta học hết lớp 9 thì sẽ làm gì
nếu không học lên cấp 3 được? Có người nói sẽ học nghề và tới 18 tuổi đi làm kiếm
sống. Vấn đề là 3 năm học nghề đó học được cái gì, trường nghề Trung cấp bao cả
cấp 3 ở VN có bao nhiêu cái thật sự dạy đàng hoàng chuyên sâu để học sinh ra
trường nuôi đủ thân mình? Tụi nhỏ được định hướng nghề ra sao? Ra trường tìm việc
ra sao? Mức lương có đảm bảo nhu cầu sống hay không? Chiến lược tiến thân học
lên nâng cao tay nghề như thế nào?
Đây chính là nhu cầu và chiến lược thiết yếu
giữ chân người trẻ, người lao động ở lại trong nước. Đến con chim còn biết bay
đi kiếm cánh đồng lúa chín hay bãi cỏ năng dồi dào thì con người đi tìm nguồn sống
là lẽ đương nhiên. Nếu tại địa phương đáp ứng được nhu cầu hướng nghiệp và cơ hội
việc làm tốt thì người ta có bỏ đi không?
Trách nhiệm này thuộc Bộ Giáo dục thì ít nhưng
thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì nhiều. Vậy mà, trong lúc dân đang
rên xiết vì câu chuyện người trẻ tìm việc ở Campuchia bị mua bán thì Bộ trưởng
Đào Ngọc Dung của bộ này lại nói chuyện khắc lại bia mộ Vô Danh của Liệt sĩ?
Tôi thật không biết nếu có thể lên tiếng thì các anh linh Liệt sĩ sẽ lo cho tấm
bia mộ hay lo cho thế hệ trẻ đang chịu khổ, đang bị mua bán như gia cầm?
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có thấy
trách nhiệm của mình trong sự vụ này hay không? Và thông qua sự vụ này, Bộ có định
hướng cụ thể nào cho tương lai không?
Đừng vinh vào những con số, những bản thành
tích. Hãy nhìn vào sự thật phụ nữ VN từng đoàn đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc
cho đến sau này đi bán dâm ở nước ngoài. Đàn ông thì đi bán nội tạng, cho đến
câu chuyện thùng container đông lạnh năm nào để làm bài học cảnh tỉnh. Khi người
ta không tìm được cơ hội tại nơi mình sống, buộc họ phải đi tìm cuộc sống ở một
nơi khác là lẽ thường tình.
Giới trẻ lớn lên nhìn lớp trẻ lớn hơn ngụp lặn
trong cơ cực mà cái được hưởng và quyền lợi, sự bảo hộ gần như không có, chúng
có muốn giãy giụa tìm đường thoát cho một tương lai không? Và ra đi dường như
là điều tất yếu.
Trách nhiệm của Tuyên giáo?
Tuyên giáo là cơ quan định hướng tuyên truyền
và giáo dục. Với quyền lực của Tuyên giáo, tôi tin Tuyên giáo nằm trên Bộ Thông
tin-Truyền thông, trên cả Bộ Văn hoá.
Đã có một thời chúng ta thấy nhan nhãn khắp
nơi là phim nói về cô dâu Việt lấy chồng xứ Đài khổ sở, báo chí đâu đâu cũng
đăng thảm cảnh cô dâu Đài, hài kịch cũng tếu táo chuyện cô gái bị gạt lấy chồng
Đài Loan. Giữa trùng trùng Game show hài nhảm, drama ca sĩ lộ quần xì lip, vợ
anh này ngủ với chồng cô kia, chủ đề hoa hậu chọn bồ cho đến quảng cáo “tôi
chưa có bạn trai” được gạ giá vài ngàn. Thì trách nhiệm thời sự cảnh báo của giới
nghệ sĩ đang ở đâu? Trong câu chuyện Campuchia lần này, tôi chưa đọc được bất kỳ
bài báo thực địa nào của phóng viên Ngoại Biên, phóng viên Ngoại Biên của các
Toà soạn đâu?
Tại Việt Nam, không có bất kỳ cơ quan tuyên
truyền nào vượt qua được Tuyên giáo, cũng không có bất kỳ công ty truyền thông
nào thắng nổi Tuyên giáo. Vậy nếu Tuyên giáo ra tay tuyên truyền mạnh cảnh báo
nguy cơ bị mua bán, bạo hành, ép chuộc ở nước ngoài cho người dân thì khả năng
nâng cao nhận thức và hiểu biết về rủi ro sẽ tăng lên rất nhiều. Từ đó, giảm
thiểu được những hậu quả to lớn về người về nhân tâm như hiện nay. Hiện nay, cá
nhân tôi chưa thấy động thái gì hoặc nếu có mà chưa đủ lớn để tôi và nhiều người
dân khác nữa nhìn thấy chăng?
Trước
có Thuyền nhân, sau có cô dâu xứ Đài, cô dâu xứ Hàn, bán thận, bán thân rồi giờ
là lừa bán từ trẻ em tới thanh niên, thử hỏi lấy gì vinh quang, lấy gì tự hào?
Có Tiên Rồng nào lạ thường vậy không? Dân nhìn dân đau lắm, lãnh đạo có đau
chăng?
.
No comments:
Post a Comment