Wednesday, October 27, 2021

“TƯỞNG NIỆM” 20 NĂM RA ĐỜI TALAWAS.ORG, TỜ BÁO MẠNG ĐẦU TIÊN CỦA TRÍ THỨC NGOÀI + TRONG NƯỚC (Hoàng Hưng)

 


“TƯỞNG NIỆM” 20 NĂM RA ĐỜI TALAWAS.ORG, TỜ BÁO MẠNG ĐẦU TIÊN CỦA TRÍ THỨC NGOÀI + TRONG NƯỚC    

Hoàng Hưng

25 tháng 10, 2021  lúc 23:36  

https://www.facebook.com/nhavandoclap/posts/1251949275317943

 

“TƯỞNG NIỆM” 20 NĂM RA ĐỜI TALAWAS.ORG, TỜ BÁO MẠNG ĐẦU TIÊN CỦA TRÍ THỨC NGOÀI + TRONG NƯỚC

 

HOÀNG HƯNG – TALAWAS VÀ TÔI: “DUYÊN” VÀ “NGHIỆP”

03/11/2010 | 5:22 sáng | 1 phản hồi

Tác giả: Hoàng Hưng

Category: 9 năm talawas, Báo chí - Truyền thông

 

Phải nói ngay rằng cái gì cũng là kết quả của “nghiệp”, tức những gì chất chứa, tích tụ sẵn qua thời gian, nhưng phải gặp “duyên” mới phát lộ.

 

Trong hai năm 2008, 2009 tôi có “duyên làm việc” với an ninh mấy lần. Lần nào cũng có riêng một buổi về talawas. Không hiểu sao họ cứ phong cho tôi là “đại diện talawas ở Việt Nam”. Tôi đâu có vinh dự ấy. Có lẽ vì một dạo tôi cứ công khai danh nghĩa thành viên Ban Biên tập khi làm việc với các cây bút trong nước, lại còn hai lần vác vòng hoa talawas đi viếng những nhân vật gai góc như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hữu Đang. Chỉ vì tôi có nguyên tắc làm gì cũng phải danh chính ngôn thuận, đàng hoàng, chẳng thích úp mở hở kín. Thực ra hai lần mang vòng hoa tôi không còn ở trong Ban Biên tập, nhưng tôi chủ động nói với Phạm Thị Hoài là sẵn sàng thay mặt cô làm việc này nếu cô muốn. Tất nhiên Hoài muốn.

 

Phải nói ngay cái duyên với talawas trước hết là từ cái duyên với người chủ xị của nó. Các trang mạng thuộc về thế giới ảo, nhưng tôi có thói quen của xã hội tiền-hiện đại là chỉ làm việc với những con người bằng xương bằng thịt, những người mình đã quen biết, ít nhất đã gặp một lần để cảm tính mách bảo đó là người “chơi được”. Tôi gặp Hoài từ khi Hoài chưa nổi tiếng. Rủ Hoài đi ăn ốc luộc vỉa hè rồi đến thăm nhà điêu khắc Lê Công Thành, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, trong một lần ra Hà Nội. Tôi làm báo, Hoài nghiên cứu sử. Nhưng tôi cũng làm thơ và Hoài cũng viết văn. Hoài viết bài báo đầu tiên hình như là bài phỏng vấn Hồ Xuân Hương trên tờ Lao Động Chủ nhật của Tống Văn Công (và bọn tôi), tờ báo phất cờ “đổi mới” trong làng báo quốc nội đầu năm 1990. Coi như hai chúng tôi có duyên báo chí với nhau từ đấy. Rồi tình đồng nghiệp, tình anh em, đồng chí được thử thách qua năm tháng tỏ ra vững bền, tin cậy.

 

Nếu đúng talawas ra đời từ những cuộc tụ họp của trí thức Việt Nam lập nghiệp ở Đông Đức, từ một bài viết của Hoài về thân phận trí thức Việt Nam, thì tôi có chút duyên ở đấy. Năm 2000, lần đầu tiên được phép qua phương Tây, tôi sang Berlin gặp Hoài và một số bạn viết. Trong cuộc gặp khó quên ấy, tôi kể về các hoạt động của trí thức trong nước, những cuộc hội thảo cởi mở đầu tiên của giới khoa học xã hội, nổi bật là những tham luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang. Các bạn đặc biệt ấn tượng với khái niệm “trí thức phò chính thống” của ông (Ngẫu nhiên trùng hợp: ở Hải Phòng, người ta gọi gái điếm là “phò”, và những đồ dỏm được gọi là “đồ phò”, thí dụ vải dỏm gọi là “vải phò”. Vậy trí thức “phò chính thống” theo nghĩa đường phố Hải Phòng có thể hiểu là trí thức làm điếm cho chính thống/ trí thức dỏm (nhưng được coi là chính thống). Ít lâu sau, Phạm Thị Hoài viết về đề tài này, và sáng tạo thêm khái niệm “trí thức quan văn”. Tử đó các bạn nảy ra quyết tâm xây dựng một diễn đàn để trí thức Việt có thể tự do phát biểu về những vấn đề của đất nước đối chiếu với hoàn cảnh quốc tế, ngòi bút không bị uốn bởi tư thế “phò”!

 

talawas tập họp được ngày càng đông đảo các cây bút cả quốc nội lẫn hải ngoại, phần quan trọng nhờ cái “uy” của cô Tổng Biên tập người bé con con (giống như Lê Thị Công Nhân). Ngoài văn tài độc đáo, cô có sức thuyết phục của một trí tuệ sắc sảo, phân minh, lối làm việc nghiêm túc, qui chuẩn Nhật Nhĩ Man, rất quý đối với nghề báo hiện đại – đặc biệt là công tác biên tập tôn trọng tác giả, nghiệp vụ và trách nhiệm đều cao (chỉ riêng đóng góp về nghiệp vụ làm báo cho Việt Nam, talawas cũng đáng được lưu danh). Con người Hoài rất quyết liệt nhưng cũng rất dễ thương. Cô có thể đanh đá với người này, lại thực lòng quý mến người kia. Cô đã “đả” thì khó ai chống đỡ, cô đã “nhờ” thì khó ai từ chối.

 

talawas ra đời từ cuối năm 2001, nhưng tôi, cũng là một thằng hèn trong trăm ngàn kẻ buộc phải hèn để sống thời buổi này, chỉ gửi mấy bài đã đăng trên báo quốc nội nhưng để nguyên trạng khi chưa bị “biên tập”. Mãi sau khi về hưu mới dám chính thức tham gia (nghĩa là về bản chất tôi chẳng hơn gì các ông Nguyễn Văn An, Nguyễn Đình Lộc… ngoài cái sự: trong ba mươi mấy năm làm việc cho nhà nước tôi chẳng được chút lộc nào, không cả mẩu đất cắm dùi, ngoài đồng lương đủ để không chết đói). Bài ghi nhận bước “dấn thân” của tôi với talawas là “Ngoảnh lại 15 năm” (thơ Việt Nam sau đổi mới) vào giữa tháng 6 năm 2004. Vừa viết xong định gửi cho một tạp chí thân hữu trong nước, thì đúng lúc talawas bị tường lửa (trong khi ông Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói phách là không nên tường lửa, cứ tranh luận để phân phải trái). Đã thế, tôi bèn viết thư công khai tuyên bố ủng hộ talawas, phản đối tường lửa bằng cách gửi thẳng bài viết này sang Đức.

 

Đầu 2006, talawas mở trang Chủ nhật chuyên đăng sáng tác văn học, tôi nhận lời tham gia BBT (của riêng trang này). Tập thơ Ác mộng có chủ đề những trải nghiệm tù đầy của tôi, bị mấy NXB trong nước từ chối, đã được công bố đầy đủ trên trang này. Không ít nhà văn trong nước vui vẻ góp mặt trên talawas Chủ nhật, trong đó có Tô Hoài với Ba người khác.

 

Thực tình lúc này nữ Tổng Biên tập đã kiệt sức vì hằng đêm mất ít nhất 6 tiếng cho talawas, lại thêm thôi thúc văn chương phải gác lại đã 5 năm. Một hy sinh không nhỏ. Hoài “gạ” ai thay mình cái việc “cơm nhà vác ngà voi” (vác thánh giá thì đúng hơn), tôi cũng nhiều lần được “gạ”.

 

Sức mấy! “Tôi già rồi. Tôi không làm gì được quyển lịch” (Đặng Đình Hưng). Nhưng để mặc Hoài thì không nỡ. Thế là sau một tháng, hai vợ chồng ngồi dưới gốc Bồ đề của Phật Tổ, được vợ gật đầu (tôi đã rước quá nhiều tai họa về cho gia đình, nên những việc có tiềm năng nguy hiểm từ nay phải đưa nàng xét duyệt), tôi mail cho Hoài nhận đỡ cho cô một chút trong vai biên tập viên văn nghệ khu vực quốc nội. Quyết định này chẳng dễ dàng với vợ chồng tôi, có lẽ nhờ cây Bồ đề cho được chút đức “vô úy”. Từ đấy talawas càng “chường mặt” công khai trong nước.

 

Nhưng đúng là sức khỏe không cho phép thật. Giữa năm 2007 thì tôi đành rút khỏi Ban Biên tập. Để rồi lại lãnh cái việc không vất vả bằng nhưng gay cấn hơn nhiều: mở đầu chuyên mục “Bình luận”. Hoài bảo anh chỉ mở đầu, rồi sẽ có những người khác viết. Nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, hầu như chẳng có ai! Tôi bỗng phát hiện mình trở thành cây bút “xã luận”, thật không ngờ! Nhiều người quen chẳng thèm đọc thơ tôi, nhưng rất khoái mục “Bình luận talawas”. Ban Biên tập đã chọn một bài (bài phản ứng tắp lự về sáng tạo “lề bên phải” của ông 4T) để thay mặt talawas tham gia một sự kiện nghệ thuật quốc tế lớn: Triển lãm nghệ thuật hiện đại documenta 12 tại Kassel.

 

Một kỷ niệm “vui” về mục “Bình luận”. Sau khi bài “Khát vọng dân chủ lên tiếng trong một đám tang” lên mạng, tôi và một biên tập viên talawas cùng nhận được một email của ai đó hỏi: Tôi rất muốn tham gia Đảng Dân chủ của ông Hoàng Minh Chính. Xin hướng dẫn làm thế nào? Hai chúng tôi cười ngất. Thì ra người ta thăm dò xem có liên kết gì giữa talawas với Đảng Dân chủ. Tôi nào biết Đảng Dân chủ ở đâu? Ông Hoàng Minh Chính tôi cũng chưa hề biết mặt. Đến cả các thành viên Ban Biên tập talawas, tôi cũng chỉ biết vài người có công việc liên quan. Mới biết người ta tối kỵ “tổ chức”. Hai lần tôi khởi xướng/ tham gia khởi xướng kiến nghị tập thể (vụ Thơ Trần Dần, vụ Bát Nhã) là hai lần an ninh truy vai trò của tôi ở talawas. talawas đâu có dính gì đến? Và bản thân nó cũng chưa thể gọi là “tổ chức”.

 

Một tổ chức nghệ thuật châu Á mời tôi thuyết trình về talawas. Điều tôi minh định với cử tọa đến từ nhiều châu lục: talawas là một diễn đàn “độc lập” chứ không “đối lập” với chính quyền. Với an ninh Việt Nam, tôi cũng khẳng định thế. Nhưng an ninh cứ nhất định kết luận nó là “phản động”, mặc dù tôi nêu cho họ thấy tính mơ hồ, tùy tiện của khái niệm “phản động”. Dẫn chứng: gần 30 năm trước, an ninh cũng khăng khăng bảo tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm là “phản động” để rồi sau Đổi mới nó được coi là kiệt tác!

 

talawas cố gắng thêm đến cuối 2008 thì phải chuyển sang hình thức Blog để đỡ vất vả cho Ban Biên tập và cập nhật thời sự nhanh hơn. Tôi lại tham dự như một blogger tích cực. Thời kỳ này điều thú vị nhất là tôi rủ rê được nhà báo lão thành cách mạng Tống Văn Công tái xuất giang hồ trên diễn đàn này, từ chỗ ký bút hiệu Thiện Ý đến chỗ công khai tên thật, làm sôi nổi công luận với bản góp ý cho Đảng để tránh sụp đổ.

 

Một năm nay tôi xa dần talawas để dành thời gian và sức lực ít ỏi của mình cho một diễn đàn mới: Bauxite Việt Nam. Nó bám sát những chuyện bức thiết, sinh tử với dân tộc trong lúc này. Mà cũng từ cái duyên với mấy người bạn quý: Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn. Thì cũng là thành viên talawas cả chứ gì.

 

talawas đánh dấu sự đồng thanh “mở miệng” của trí thức “không phò chính thống”. Cái “nghiệp” là tâm huyết với đất nước của người có chút hiểu biết, có lương tri và tự trọng, khát vọng tự do dân chủ. Cơ hội gặp gỡ nhau giữa người trong nước, kẻ ngoài nước, người gốc “cộng” hay “xã”, kẻ gốc “quốc” hay “gia”, người mộng văn chương, kẻ ham chính trị… nhờ thời Internet, là cái “duyên”. talawas với tôi cũng như không ít bạn bè tôi là “duyên” mà cũng là “nghiệp”. Gặp duyên thì tụ, hết duyên thì tán, còn cái “nghiệp” hết kiếp này e chưa dứt!

 

25/10 – 31/10/2010

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1251949101984627&set=pcb.1251949275317943

Ảnh: Hoàng Hưng với vòng hoa talawas viếng Nguyễn Hữu Đang

 

.

37 BÌNH LUẬN

 




No comments: