Sunday, October 31, 2021

SỐ PHẬN NHỮNG NHÀ BÁO ĐỐI LẬP DƯỚI MÓNG VUỐT PUTIN (Lê Tây Sơn – Saigon Nhỏ)

 


Số phận những nhà báo đối lập dưới móng vuốt Putin

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
31 tháng 10, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/so-phan-nhung-nha-bao-doi-lap-duoi-mong-vuot-putin/

 

“Mọi người đều hiểu đây là thời kỳ khó khăn nhất đối với báo chí Nga kể từ thời Stalin”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/Steve-Harvey--1024x683.jpg

Công Trường Đỏ  .  Steve Harvey/Unsplash

 

Thứ Sáu là ngày cảnh giác nhất đối với phe đối lập tại Liên bang Nga. Trong những căn hộ nhỏ, quá nóng, quán cà phê hay tòa soạn, các nhà báo rê chuột trên màn hình máy tính để chờ xem Tổ quốc có chụp lên họ chiếc mũ gần giống với “kẻ phản quốc” không! Đã trở thành quy luật vào hầu hết các ngày Thứ Sáu, trên trang web của Bộ Tư pháp Nga thường cho đăng danh sách mới nhất các phương tiện truyền thông và các cá nhân, được xem “đặc vụ nước ngoài”!

 

 

Từ giải Nobel hoà bình cho nhà báo đối lập Dmitry Muratov

 

Các nhà báo độc lập và đối lập xem đây là một “Sự bôi nhọ không thể biện minh được!”. Nhưng. Tổng thống Nga Vladimir Putin lại khẳng định “nó không nhằm bịt miệng hay kiểm duyệt ai, mà chỉ có mục đích thông báo cho độc giả và người xem truyền hình biết là một số phương tiện truyền thông họ đang theo dõi nhận được nguồn tài trợ từ nước ngoài”. “Luật không cấm bất cứ ai có ý kiến ​​riêng về một vấn đề nào đó mà chỉ nói về việc nhận viện trợ tiền từ nước ngoài để hoạt động hay chống phá đất nước” – ông Putin nhấn mạnh gần đây. 

 

Đối với người vừa đoạt giải Nobel Hòa bình Dmitry Muratov, một nhà báo đối lập nổi tiếng thuộc số rất ít người chưa bị bắt hoặc bị làm cho thương tật, bị ám sát thì cái gọi là “Thông báo ngày Thứ Sáu” là âm mưu mới nhất của Điện Kremlin nhằm loại bỏ tận gốc báo chí độc lập và tất cả những gì còn trụ lại được của tinh thần phản biện và phản đối hiệu quả ở nước Nga. 

 

Nếu vào thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, chiến thuật “cứng” được tình báo Nga giao cho những sát thủ được thuê, như đã xảy ra với nhà báo nữ Anna Politkovskaya, thì nay chiến thuật “mềm” tạm chiếm ưu thế với sự trợ giúp của “Luật đặc vụ nước ngoài”. 

 

Là tổng biên tập của tờ báo có bề dày chống đối Novaya Gazeta, ông Muratov đã bị mất sáu đồng nghiệp kiên định trong cuộc chiến giành sự thật. Nổi tiếng nhất trong số đó chính là Politkovskaya. Sinh ở Mỹ nhưng có khát vọng mãnh liệt phục vụ cho người dân Nga, bà đã bị bắn gục trước ngưỡng cửa căn hộ của mình ở Moscow cách đây 15 năm. 

 

Văn phòng cũ của Politkovskaya trong tòa nhà này hiện vừa là nơi bảo tồn di sản của bà vừa là phòng tác nghiệp điều tra. Các tài liệu và hình ảnh phủ lên toàn bộ một bức tường, còn các lời luận tội và các nghi phạm được nối với nhau bằng sợi chỉ màu đen. 

 

“Khi một phương tiện truyền thông bị quy tội ‘tồn tại không mong muốn’ nó lập tức trở thành kẻ thù mặc định của công chúng. Điều đó có nghĩa là tờ báo hay kênh tin tức sẽ phải ngừng hoạt động theo tôn chỉ, còn nếu muốn tồn tại nó phải chuyển hướng” – Muratov nói và cho biết ông đã trao lại tiền thưởng giải Nobel cho các tổ chức từ thiện vì trẻ em và báo chí. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/Dmitry-Berdnyk-1024x768.jpg

Dmitry Berdnyk/Unsplash

 

Vladimir Putin đã cai trị nước Nga, đầu tiên là tổng thống, rồi thủ tướng, rồi lại là tổng thống, kể từ đêm giao thừa năm 1999, khi người tiền nhiệm Boris Yeltsin chọn ông để trao quyền vì không còn đủ sức khoẻ cáng đáng nhiệm vụ sau vài lần mổ tim. Suốt 22 năm Putin bám chặt chiếc ghế quyền lực nhất nước Nga, nhiều nhà báo và chính trị gia đối lập bị sát hại không run tay và hầu như không tìm ra kẻ thuê giết họ. Điều này dễ hiểu vì chúng “giết người theo hợp đồng!”. 

 

Bà Tanya Lokshina, phó giám đốc phụ trách châu Âu và Trung Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại Moscow, nhận định:

 

 “Rõ ràng, tại Nga, việc trở thành một chính trị gia đối lập, một nhà báo độc lập hoặc một blogger đối lập là chọn lựa cực kỳ rủi ro với một bản án tử hình trên đầu. Dưới thời Putin, đã có hơn chục nhà báo bị sát hại hoặc chết trong các trường hợp đáng ngờ. Nhiều người khác bị thương tích do tấn công dã man. Nhưng có rất ít vụ được điều tra hiệu quả và tội phạm bị trừng phạt”. 

 

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi hầu như tất cả những kẻ ra lệnh giết Politkovskaya vẫn an toàn. Trong vụ giết nhà lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov bên ngoài Điện Kremlin cách nay hai năm, chỉ có năm người đàn ông đến từ Chechnya bị kết án vào năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa biết ai trả 15 triệu rúp cho chúng dù hồ sơ tòa án khẳng định có việc thuê mướn. 

 

Các chính trị gia như lãnh đạo đối lập Alexey Navalny (phải ngồi tù vì những tội danh vu khống sau khi ông bị đầu độc suýt chết ngay trên quê hương mình bởi chất độc thần kinh Novichok sản xuất bởi chính phủ Nga và được cứu sống ở Đức). Vào thời điểm này, dù chiến thuật “cứng” đã ngưng áp dụng nhưng nhiều nhà báo độc lập không tin những nguy hiểm thể xác đối với họ đã biến mất mà chỉ “tạm ngủ yên chờ ngày ngóc đầu dậy”. 

 

Bị chụp chiếc mũ “đặc vụ nước ngoài” sinh mạng của họ có thể mất bất cứ lúc nào. Những nguy hiểm khi tác nghiệp cũng nhiều hơn. Đặc biệt là khi Putin vẫn được đa số người Nga yêu thích và nhiều người đồng tình với cách hành xử tàn bạo của ông ta.

 

 

Luật đặc vụ nước ngoài gợi nhớ thời Stalin

 

Để sống sót, một số người chọn cuộc sống lưu vong. “Putin dựa vào tình yêu và lòng trung thành của hơn 70% người dân Nga (theo số liệu bầu cử của chính phủ). Ông ấy gọi mình là ‘tổng thống của đa số’ và phải trụ lại đó lâu dài để bảo đảm lợi ích của một thiểu số cận thần, xu nịnh. 

Họ không quan tâm đến việc những tờ báo đối lập bị dán nhãn đặc vụ nước ngoài, phe đối lập bị trấn áp và các lãnh đạo đối lập bị bỏ tù hay bị đánh, giết” – Muratov nói.

 

 Việc áp dụng Luật đặc vụ nước ngoài từ năm 2017, và danh sách gần đây nhất của 88 công ty và cá nhân “đặc vụ nước ngoài” là đòn giáng mạnh vào lòng can đảm, nhiệt huyết và khí tiết của những nhà báo coi công việc của họ là “nghĩa vụ yêu nước Nga”. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/Steve-Harvey-1024x683.jpg

Steve Harvey/Unsplash

 

Khi các studio của kênh truyền hình đối lập Dozhd TV (TV Rain) tràn ngập nguồn năng lượng được tân trang lại với các phòng trưng bày và cửa hàng thiết kế thì một tiếng trống cảnh báo vang lên: Từ Tháng Tám, công ty truyền thông nổi tiếng này được đưa vào danh sách “làm việc cho nước ngoài”. 

 

Chính phủ buộc kênh phải đăng cảnh báo màu đỏ lấp đầy màn hình trước khi phát sóng một chương trình. Trên mỗi bản tin trên trang Twitter của kênh cũng phải kèm theo cảnh báo: “Tin tức hay tài liệu này được tạo ra và phân phối bởi một phương tiện truyền  thông nước ngoài thực hiện nhiệm vụ của một đặc vụ nước ngoài hay một thực thể pháp lý Nga thực hiện nhiệm vụ đại lý của một điệp viên nước ngoài”.  

 

Trong những ngày Stalin còn cai trị và ám ảnh nhiều người Nga đến tận hôm nay thì việc qui chụp như vậy sẽ dẫn đến một phiên toà nhanh gọn và sẽ nhận được một viên đạn vào đầu. 

 

Đã có hàng triệu nạn nhân bị thanh trừng như thế tại Liên Xô. “Khi bạn bị xác định làm việc cho nước ngoài tức là bạn đã trở thành kẻ thù của nhà nước; chống lại quốc gia. Nhưng ở Nga với lịch sử khủng khiếp của riêng nó, hậu quả là rất lớn – Tikhon Dzyadko, Tổng biên tập của TV Rain giải thích – Vi phạm lần đầu, tôi có thể bị phạt 300,000 rúp, lần thứ hai một triệu rúp, lần thứ ba, tôi đoán là năm triệu rúp. Và sau đó nếu tôi không chịu thanh toán sẽ có phiên toà hình sự chống lại tôi và chủ sở hữu của TV Rain. 

 

May mắn, doanh thu quảng cáo vẫn chưa bị ảnh hưởng nặng nề dù nó chỉ trang trải được một phần nhỏ trong tổng chi phí. Nhưng chắc chắn quảng cáo sẽ bị ảnh hưởng vì không ai muốn quảng cáo trên một phương tiện có kèm theo dòng chữ… kênh này không yêu nước! Tôi đã thấy quảng cáo trên các trang web đối lập giảm đến 90% doanh thu. Nhưng rõ ràng, ở đây có sự phân biệt đối xử và không công bằng, khi xét về mặt kỹ thuật, bất kỳ tổ chức tin tức nào nhận tài trợ, dù không đáng kể, từ bên ngoài quốc gia đều có thể bị gắn mác “liên quan đến nước ngoài” nhưng Cơ quan Giám sát Liên bang trong lĩnh vực Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Đại chúng đã loại trừ cánh truyền thông thân chính phủ như Tass và Interfax dù chúng cũng nhận vốn nước ngoài thông qua đầu tư”. 

 

Để biện minh, Putin nêu ra trường hợp kênh truyền hình  RT, trước đây là Russia Today trụ sở tại Washington (MỸ) cũng bị tình báo Mỹ cáo buộc là một phần của “bộ máy tuyên truyền do chính phủ Nga điều hành” từ Tháng Một, 2017. Ông ta nói: “Chính sách của Nga chỉ là phản ánh luật pháp Mỹ”. Tuy nhiên, không có bất kỳ nhà báo Mỹ nào làm việc cho RT phải chạy trốn chính phủ Mỹ. 

 

Không giống như Roman Dobrokhotov, tổng biên tập của tờ The Insider đang lẩn trốn ở châu Âu. The Insider là trang web chuyên điều tra bị Nga tố cáo nhận tài trợ từ bên ngoài và là đặc vụ nước ngoài. Dobrokhotov, vợ, con và gia đình rộng hơn không tiết lộ nơi ẩn náu của mình. Tại Nga, cái cớ khép tội ông là bôi nhọ một blogger người Hà Lan thân Putin, nhưng ông phủ nhận hoàn toàn. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/Damir-Spanic-1024x516.jpg

Minh hoạ: Damir Spanic/Unsplash

 

Sau khi cảnh sát mở nhiều cuộc đột kích vào nhà riêng của ông và nhà của cha mẹ, Dobrokhotov cảm thấy đã đến lúc phải ra đi nếu không muốn điều tồi tệ hơn. 

 

Đợt điều tra mới nhất gọi là “đe dọa nhà nước” diễn ra sau khi Dobrokhotov tiếp xúc với một phương tiện truyền thông nước ngoài để phối hợp điều tra vụ đầu độc Navalny. Lập tức phương án đào thoát được tiến hành. 

 

“Mọi người đều hiểu đây là thời kỳ khó khăn nhất đối với báo chí Nga kể từ thời Stalin” – ông nói. Hy vọng việc trao giải Nobel cho Muratov (và Maria Ressa, một nhà báo đối lập Philippines) sẽ mang lại cho Tổng biên tập tờ Novaya Gazeta sự bảo vệ, ít ra là vào lúc này. 

 

Đến nay, Muratov luôn khẳng định tờ báo không nhận bất kỳ nguồn tài trợ nào từ bên ngoài nước Nga. “Nhưng nếu họ muốn chụp mũ chúng tôi làm việc cho nước ngoài, họ sẽ làm. Không có cách nào chúng tôi có thể tự bảo vệ mình trước quyết định phi pháp luật và không được xét xử này” – ông nói.




No comments: