Friday, October 29, 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 29/10/2021 (The Economist)

 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 29/10/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

29/10/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/10/29/the-gioi-hom-nay-29-10-2021/

 

Tổng thống Joe Biden công bố một “khuôn khổ” mới cho dự luật chi tiêu xã hội trị giá 1,75 nghìn tỷ đô la, giảm từ đề xuất ban đầu 3,5 nghìn tỷ đô la. Thành phần lớn nhất trong gói này, trị giá 555 tỉ đô, sẽ được chi cho đầu tư năng lượng sạch. Phần còn lại chủ yếu được chi cho chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe cho người thu nhập thấp và người già, cũng như nhà ở giá phải chăng. Nghỉ phép chăm sóc gia đình có trả lương và miễn phí hai năm đại học là các phần bị bỏ. Các lãnh đạo Hạ viện sẽ bỏ phiếu vào thứ Năm này về dự luật bổ sung gồm 550 tỷ đô la chi tiêu cơ sở hạ tầng. Nó đã được Thượng viện thông qua.

 

Facebook đổi tên thành Meta để phản ánh các dịch vụ của mình ngoài mạng xã hội cùng tên, và đặc biệt là khoản đầu tư xây dựng “metaverse,” một môi trường thực tế ảo liên kết. Công ty đổi tên ngay giữa cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng và áp lực từ các nhà lập pháp về tin giả và nội dung có hại cho trẻ em gái vị thành niên.

 

Kinh tế Mỹ tăng trưởng hàng năm 2% trong quý 3, giảm từ 6,7% của quý 2, đánh dấu mức tăng GDP quý yếu nhất kể từ sau suy thoái vì đại dịch vào năm ngoái. Chi tiêu tiêu dùng tăng 1,6% theo tốc độ năm, giảm từ 12% của quý trước. Đợt bùng dịch vừa qua cũng như tắc nghẽn chuỗi cung ứng chính là nguyên nhân.

 

Đức và 11 nước châu Âu khác đã thúc giục Israel xem xét lại kế hoạch xây dựng hơn 3.000 ngôi nhà cho người định cư ở khu vực Bờ Tây mà họ chiếm đóng. Trước đó Israel công bố chương trình này vào thứ Tư. Đồng minh thân cận nhất của nước này, Mỹ, cũng phản đối kế hoạch, cho biết nó “hoàn toàn không phù hợp” với nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và các vùng lãnh thổ Palestine.

 

Khi tình trạng thiếu nhiên liệu tiếp diễn, Trung Quốc cho biết sẽ áp hạn việc sử dụng theo hạn ngạch đối với dầu diesel. Nga cũng tuyên bố sẽ bơm đầy các kho chứa khí đốt tự nhiên của châu Âu sau khi bơm đầy bồn của chính họ, qua đó giúp châu Âu dễ thở hơn. Tuy nhiên Nga vẫn hạn chế nguồn cung đến Moldova, khiến Ủy ban Châu Âu phải cấp cho nước này khoản trợ cấp 60 triệu euro (69,5 triệu USD) để mua khí đốt tự nhiên.

 

Cảnh sát biển Pháp bắt giữ một tàu đánh cá Anh vì đánh bắt trong vùng biển của Pháp không giấy phép. Một tàu khác cũng từng bị cảnh cáo trong cuộc đối đầu mới nhất về quyền đánh bắt cá hậu Brexit. Pháp cáo buộc nước láng giềng không cấp cho ngư dân Pháp một nửa số giấy phép họ đã hứa. Chính phủ Pháp cho biết đang cân nhắc trừng phạt, có thể từ đầu tuần tới.

 

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ cho biết các mục tiêu phát thải carbon ròng của quốc tế không thể xem như biện pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu. Thay vào đó, Bhupender Yadav nói các nước giàu phải chịu phần cắt giảm lớn hơn vì “trách nhiệm lịch sử” của họ. Ấn Độ, nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới, đã cam kết cắt giảm 33-35% tỷ lệ phát thải trên GDP (từ mức năm 2005) vào năm 2030.

 

Con số trong ngày: 200 tỷ đô la, là số tiền Mỹ có thể thu được trong mười năm nếu thực hiện đánh thuế lãi vốn (capital gain tax) khi qua đời.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Bầu cử Nhật Bản: LDP không có đối thủ

Đảng Dân chủ Tự do LDP đã lãnh đạo Nhật Bản suốt từ ngày thành lập năm 1955, chỉ trừ hai giai đoạn ngắn 1993-94 và 2009-12. Triều đại của họ chắc chắn sẽ tiếp tục sau khi cử tri đi bỏ phiếu vào Chủ nhật trong cuộc bầu cử toàn quốc cho Hạ viện Nhật Bản.

 

Cuộc bỏ phiếu diễn ra chưa đầy một tháng sau khi LDP thay Suga Yoshihide, người bị mất ủng hộ vì cách xử lý covid-19 kém cỏi. Kishida Fumio, nhà lãnh đạo mới, không phải ứng viên yêu thích nhất của công chúng nhưng cũng không gây phản đối.

 

Chiến lược của LDP dường như đang phát huy tác dụng. Hầu hết các dự đoán đều cho thấy đảng sẽ duy trì thế đa số. Có rất ít khả năng họ bị mất quyền lực, ngay cả khi mất đa số: LDP liên minh với Komeito, một đảng Phật giáo, vốn nắm giữ 29 ghế khác. Sức mạnh của LDP phản ánh sự yếu kém của phe đối lập Nhật Bản, chật vật suốt từ giai đoạn nắm quyền gần đây nhất.

 

Giáo hoàng sắp gặp Tổng thống Biden

Nhiều giám mục Công giáo Mỹ sẽ vui mừng đón xem Joe Biden gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican vào thứ Sáu. Nhưng không phải ai cũng có tình yêu trong trái tim của họ. Các giám mục bảo thủ nhất tin rằng ông Biden, một người Công giáo, đã sai về vấn đề họ coi là quan trọng nhất: phá thai. Họ muốn rút phép thông công mọi chính trị gia ủng hộ quyền lựa chọn phá thai.

 

Bản thân Giáo hoàng cũng không được nhiều người trong số họ tán thành. Mặc dù Giáo hoàng thường xuyên mô tả việc phá thai là “tội giết người,” nhưng họ vẫn muốn ông nói về nó thường xuyên hơn. Khi bình luận về các chính trị gia và chuyện phá thai, ông đã nói rằng các giáo sĩ nên “là chủ chăn đừng làm kẻ đi buộc tội.”

 

Tuy nhiên, đối với hầu hết giáo dân Hoa Kỳ, cảnh tượng tổng thống Công giáo thứ hai (sau John Kennedy) gặp giáo hoàng đơn giản là một niềm vui  lớn. Nhà Trắng cho biết hai vị sẽ nói về các vấn đề bao gồm “chấm dứt đại dịch covid-19, giải quyết khủng hoảng khí hậu và chăm lo cho người nghèo.”

 

Bức tranh kinh tế châu Âu

Các nhà kinh tế dự đoán chỉ số giá tiêu dùng tháng 10, được công bố vào thứ Sáu, sẽ cho thấy lạm phát theo năm là 3,7%. Dữ liệu của cả Đức và Tây Ban Nha, công bố vào đầu tuần này, đều cho thấy giá cao hơn dự kiến. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã thảo luận về “lạm phát, lạm phát, lạm phát” tại cuộc họp của họ vào thứ Năm, theo chủ tịch ngân hàng Christine Lagarde. Cũng như các ngân hàng trung ương khác, ECB dự kiến ​​lạm phát sẽ nhanh chóng qua đi.

 

Vào thứ Sáu, các nhà thống kê cũng sẽ công bố tốc độ tăng trưởng quý 3 của Pháp, Đức và Ý. Dự đoán ngắn hạn đã xấu đi trong những tuần gần đây khi nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Song một số nhà đầu tư vẫn lạc quan về tăng trưởng dài hạn. Chính sách tài khóa nới lỏng ở Đức và chi tiêu của quỹ đầu tư “Thế hệ tiếp theo” của EU sẽ giúp khu vực đồng euro không bị trì trệ như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu – miễn là lạm phát giảm.

 

Thêm nghiên cứu cho thấy tác dụng của vắc-xin covid-19 giảm dần qua thời gian

Một nghiên cứu của Anh được công bố hôm thứ Năm cho thấy những người được tiêm chủng covid-19 đầy đủ cũng dễ làm lây bệnh như người không tiêm chủng. Người đã tiêm phòng hết bệnh mau hơn, nhưng tải lượng virus đỉnh điểm của họ cũng tương tự như người chưa tiêm chủng. Do đó người đã tiêm và chưa tiêm có thể lây cho cùng một số lượng thành viên gia đình. Tuy nhiên, điều tạo nên khác biệt là liệu những người tiếp xúc trong gia đình đã tiêm ngừa hay chưa. Khoảng 25% số người tiếp xúc đã tiêm phòng dương tính, so với 38% ở người chưa tiêm phòng.

 

Một lý do dẫn đến kết quả không tốt là hiệu quả giảm dần của vắc xin. Dữ liệu từ các thành viên gia đình cho thấy kháng thể bị suy yếu trong vòng ba tháng sau khi tiêm liều hai. Điều này có nghĩa là những người đặc biệt dễ trở nặng có thể cần tiêm nhắc lại sớm hơn thời hạn 6 tháng. Đôi khi có thể cần đeo khẩu trang, thông gió và giãn cách xã hội, ngay cả ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, chẳng hạn như Anh.

 

 

====================================

 

THẾ GIỚI HÔM NAY : 28/10/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

28/10/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/10/28/the-gioi-hom-nay-28-10-2021/

 

Các Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ công bố một loại thuế tài sản mới cùng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% để giúp tài trợ cho gói chi tiêu xã hội đầy tham vọng của họ. Khoảng 700 người có tài sản 1 tỷ đô la hoặc thu nhập 100 triệu đô la trong ba năm liên tiếp sẽ phải trả thuế một lần cho các tài sản có thể giao dịch. Ngoài ra họ cũng phải chịu thuế lợi nhuận đầu tư. Song thượng nghị sĩ Tây Virginia Joe Manchin, người nắm trong tay lá phiếu quyết định, phản đối đề xuất này.

 

Liên minh châu Phi đình chỉ tư cách thành viên của Sudan sau khi quân đội nước này đảo chính giành chính quyền. Khối nói đảo chính là vi hiến và kêu gọi khôi phục chính phủ dân sự. Biểu tình ở thủ đô Khartoum vẫn đang tiếp tục; các công đoàn bác sĩ và công nhân dầu mỏ đã cho biết sẽ tham gia biểu tình. Đến này có ít nhất mười người đã thiệt mạng.

 

Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) phạt Ba Lan 1 triệu euro (1,2 triệu USD) mỗi ngày vì không thực hiện cải cách tư pháp theo lệnh của tòa, từ đó làm leo thang căng thẳng. Hiện Ba Lan vẫn chưa đình chỉ hội đồng kỷ luật dành cho các thẩm phán, mà ECJ cho rằng vi phạm luật EU. Ủy ban châu Âu yêu cầu giải tán hội đồng trước giữa tháng Tám. Đáp lại, Ba Lan nói họ sẽ tuân thủ nhưng không cho biết khi nào.

 

Giáo hoàng Francis sẽ đến thăm Canada để giúp hỗ trợ “hòa giải với các dân tộc bản địa,” sau khi hàng trăm ngôi mộ không tên được phát hiện vào đầu năm nay tại địa điểm của các trường học nội trú do nhà thờ điều hành. Hàng nghìn trẻ em bản địa đã bị lạm dụng và chết tại các trường này, vốn hoạt động cho đến những năm 1970. Nhiều người đã yêu cầu Giáo hoàng xin lỗi; bản thân chính phủ Canada đã xin lỗi vào năm 2008.

 

Cơ quan lập pháp Hồng Kông thông qua luật kiểm duyệt cấm phim vi phạm “lợi ích an ninh quốc gia.” Đây là một đòn nữa giáng vào danh tiếng tự do ngôn luận của thành phố, và sẽ tước đi khả năng sáng tạo của ngành công nghiệp điện ảnh nổi tiếng thế giới một thời. Nếu phạm luật, các nhà làm phim có thể đối mặt với án tù 3 năm và tiền phạt lên tới 1 triệu đô la Hồng Kông (128.400 đô la).

 

Cơ quan quản lý chống độc quyền của Nga đã mở một vụ kiện Apple vì không cho phép các nhà phát triển ứng dụng thông báo với khách hàng về các lựa chọn thay thế cho hệ thống thanh toán của họ. Nếu bị kết án vi phạm chống độc quyền, công ty này sẽ bị phạt tiền. Apple đối mặt với những lời chỉ trích tương tự ở Mỹ, song ở Nga vụ kiện được đưa ra trong bối cảnh nước này đẩy mạnh đàn áp các công ty công nghệ Mỹ.

 

Tòa án tối cao Ấn Độ đã chỉ định một ủy ban độc lập để điều tra các cáo buộc cho thấy chính phủ đã sử dụng Pegasus, một phần mềm gián điệp Israel, để hack điện thoại của các nghị sĩ, nhà hoạt động và nhà báo. Chính phủ Ấn Độ từ chối chia sẻ bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc sử dụng phần mềm, vì lý do an ninh quốc gia. Ủy ban ba thành viên ​​sẽ đệ trình báo cáo của họ trong hai tháng tới.

 

Con số trong ngày: 85%, là tỉ lệ hành khách bị giảm ở các sân bay kể từ đầu đại dịch covid-19.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

ASEAN tổ chức hội nghị thượng đỉnh dù vắng mặt Myanmar

Hội nghị thượng đỉnh hàng năm của ASEAN có nhiệm vụ thể hiện tinh thần đoàn kết vững chắc giữa mười thành viên của khối. Tuy vậy cuộc họp online dài ba ngày trong tuần này, do Brunei tổ chức, lại có khác biệt đáng kể: Myanmar không tham dự. Tướng Min Aung Hlaing, người đã lật đổ chính phủ dân cử và bỏ tù bà Aung San Suu Kyi hồi tháng 2, không được mời. Đây là hình thức trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với một nước thành viên kể từ khi ASEAN thành lập năm 1967.

 

Nguyên tắc không can thiệp có giới hạn của nó. Nếu không phản ứng trước cuộc đảo chính, ASEAN có thể làm tổn hại danh tiếng quốc tế của mình, nhất là trong bối cảnh các nước thành viên đang rất quan tâm đến cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Tổng thống Joe Biden xác nhận ông sẽ chỉ tham dự hội nghị thượng đỉnh nếu Myanmar bị loại. Việc ông tham dự rõ ràng giúp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nhẹ nhõm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường luôn được mời tham dự.

 

Samsung sắp công bố kết quả quý 3

Samsung Electronics sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào thứ Năm. Phó chủ tịch công ty, Lee Jae-yong, vừa mới ra tù. Vị lãnh đạo thế hệ thứ ba của gia đình sáng lập Samsung trước đó phải ngồi tù vì liên quan đến một vụ bê bối hối lộ. Dù sao thì các con số của Samsung chắc chắn sẽ rất mạnh mẽ: đầu tháng này, công ty cho biết lợi nhuận hoạt động quý sẽ tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái lên 15,8 nghìn tỷ won (13,2 tỷ USD).

 

Công ty được hưởng lợi trong đại dịch do nhu cầu thiết bị điện tử tăng cao cũng như tình trạng thiếu chip bán dẫn. Chi tiết về hiệu suất của bốn mảng kinh doanh chính — bộ nhớ và chip logic, màn hình, điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng — sẽ giúp giải đáp lo lắng của giới quan sát rằng mảng lợi nhuận nhất của Samsung, chip nhớ, đang khó khăn. Dự đoán kết quả xấu đã đè nặng lên giá cổ phiếu của công ty, vốn giảm 23% kể từ mức đỉnh hồi tháng 1. Công ty cũng có thể thông báo thêm về về nhà máy bán dẫn 17 tỷ đô la họ dự định xây ở Texas, cũng là nhà máy thứ hai trên đất Mỹ của Samsung.

 

Kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi dù chậm lại

Kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 3% trong quý ba, giảm so với mức 6,7% của quý hai, theo dữ liệu công bố vào thứ Năm. Có hai sự cố chính. Đầu tiên là biến thể Delta lan rộng đúng thời điểm người Mỹ bắt đầu kì du lịch hè. Thứ hai là tắc nghẽn chuỗi cung ứng đè nặng lên sản lượng.

 

Tuy nhiên thông tin về suy giảm tăng trưởng không phản ánh đúng bức tranh toàn cảnh. Bản chất của báo cáo tăng trưởng — tức việc xác định tỷ lệ tăng trưởng quý theo năm — làm phóng đại sự biến động. Trên thực tế, số liệu đầu tháng 10 cho thấy niềm tin tiêu dùng phục hồi khi biến thể Delta giảm nhẹ. Các cảng vẫn tắc nghẽn nhưng tăng chi tiêu cho các dịch vụ, chẳng hạn như nhà hàng, và giảm mua sắm trực tuyến sẽ giảm bớt một phần áp lực. Ngay cả khi tăng trưởng yếu hơn, nền kinh tế vẫn đang phục hồi.

 

Thủ tướng Tây Ban Nha chật vật trình dự thảo ngân sách

Khi trình bày chính sách kinh tế của mình, thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez sẽ phải chiến đấu trên mọi mặt trận. Phe bảo thủ đối lập cáo buộc ông nói dối. Podemos, đối tác liên minh cực tả của ông, cũng đang gây rắc rối. Họ muốn loại bỏ một cải cách thị trường lao động từ năm 2012 vốn giúp việc làm trở nên linh hoạt hơn; nhưng phe xã hội của ông Sanchez chỉ muốn chỉnh sửa nó.

 

Chưa hết, đảng Basque cấp tiến, mà chính phủ thiểu số cần phải có để thông qua luật, đã ngụ ý họ chỉ hậu thuẫn ngân sách sắp tới nếu chính phủ trả tự do cho các chiến binh bị kết án trong chiến dịch khủng bố giành độc lập cho Basque, kết thúc hồi năm 2011 (lãnh đạo của đảng sau đó phủ nhận và nói bị hiểu nhầm). Những người ly khai Catalan, mà chính phủ cũng cần sự ủng hộ của họ để thông qua ngân sách, cho biết họ muốn có hạn ngạch để đảm bảo ngôn ngữ Catalan được thể hiện trên các nền tảng phát trực tuyến. Với những người bạn như thế này, ông Sánchez chẳng cần phe đối lập làm gì.

 




No comments: