Saturday, October 30, 2021

GẶP GỠ TẠI NGHI TÀM (Nguyễn Thế Hùng - Viet-Studies)

 


Gặp gỡ tại Nghi Tàm (Phần 1)   

Nguyễn Thế Hùng  -  Viet-studies

11/10/2021

https://baotiengdan.com/2021/10/11/gap-go-tai-nghi-tam/

 

Hình ảnh những dòng người chen chúc, mệt mỏi, đói khát, đội mưa nắng, bất kể đêm ngày, đang tìm mọi cách vượt qua các chốt chặn Covid, cố thoát khỏi Sài gòn về quê, làm quặn lòng hầu khắp đồng bào ta mấy tháng nay. Lắm hôm, lúc nửa đêm hoặc khi gà gáy, GS Vương vẫn dựng tôi dậy để trải lòng. Lúc thì bừng bừng căm phẫn, lúc thì trầm ngâm quặn hỏi: Vì sao?

 

Tại mấy chú dân phòng, mấy anh cảnh sát, tại các hàng rào, các biển cấm, hay tại các Ủy ban chống dịch, hay còn tại gì nữa,… Ông bảo người ta phải dứt áo rời quê chen vô Sài Gòn kiếm sống, những mong đổi đời. Bây giờ Covid làm phá tan những nỗ lực, những giấc mơ ấy. Liệu chúng ta có thể tìm thấy cái gì phía sau mọi quyết định “nhào vô và chạy bỏ” kia không?

 

Những câu hỏi đó đã đưa chúng tôi đến gặp nhau ở Nghi Tàm. Tôi xin ghi chép lại buổi gặp mặt đó.

 

Buổi gặp mặt gồm ba thế hệ. Thế hệ I, gồm những người sinh ra trước khi Việt Minh cướp được chính quyền vào 1945, gồm có Cụ Nguyễn Đình Cống 1937, Lê Đăng Doanh 1944, và Phạm Chi Lan 1943. Thế hệ II, gồm những người sinh ra sau khi Việt Minh thắng lớn ở Điện Biên 1954, gồm Vương, Thịnh, Hoài, Thiên, Hùng, Đại. Và thế hệ III, sinh ra từ những năm 1980, khi đó không còn thấy bóng dáng Việt Minh, những người yêu nước ngây thơ và trong sáng, khi đó chỉ còn nhũng người yêu nước có điều kiện, yêu nước là yêu CNXH hoặc những người vào hệ thống để tham nhũng, để trở thành những quản trị quốc gia đầy cơ hội.

 

Sau lời giới thiệu, GS Trần Ngọc Vương trình bày ý tưởng của mình. Ông mở đầu bằng ý tưởng xây dựng XHCN của hơn 40 năm trước. Hồi đó, Nghệ An di dân lên núi để lấy đất làm ruộng, làm pháo đài công nghiệp hóa. Nên dân gian có câu “Mạ vô sân, Dân vô rú, Đụ vô vòng”.  Một thời kiêu ngạo sau chiến thắng 1975, giới lãnh đạo khi đó nghĩ rằng có thể xây dựng đất nước bằng những ý chí biến sỏi đá thành cơm. Lúc đó, họ cũng nghĩ các huyện sẽ là các pháo đài để tiến lên XHCN. Nhưng rồi các pháo đâì ấy lặng lẽ biến mất, không còn để lại dấu vết nào, hệt như các pháo đài Covid hiện nay.

 

Sau thời các pháo đài XHCN, đất nước rơi vào khủng hoảng, chiến tranh ở hai đầu biên giới, giá lương tiền, sự sập đổ của Liên Xô và Đông Âu, Hội nghị Thành Đô, bạn Vàng 16 chữ, các quả đấm thép kinh tế, rồi chống tham nhũng, bảo vệ và xây dựng đảng,… Mấy chục năm liên tục xoay xở với các tình huống, và hôm nay là tình huống Covid.

 

Trong chuỗi các tình huống ấy, chưa bao giờ, chưa có ai nghĩ đến hai chữ “an cư, lạc nghiêp”. Người dân cứ tự đi, tự chạy, tự nhào vô, tự chạy ra,… Còn đảng toàn trị thì làm gì? Họ soạn ra các nghị quyết, về rất nhiều vấn đề, về mọi khía cạnh của cuộc sống, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông thôn mới, văn hóa mới, thậm chí cả 4.0 và chuyển đổi số nữa.

 

GS Vương bảo phải “sự phát triển phải bắt đầu từ những nền tảng tại chỗ”. Nền tảng ấy là một nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún, tự cung tự cấp. Nhưng trong cái tập hợp nông thôn rời rạc đó, có những làng nghề, quy tụ những bộ óc sáng tạo, cực kỳ linh hoạt, thích ứng nhanh, biết tiếp cận cái mới, biết khai thác lợi thế toàn cầu từ internet, và biết làm việc cho thị trường.

 

Nếu chính phủ biết quy hoạch, nông dân trong các làng đó có thể an cư, có thể lạc nghiệp, biến từng làng thành city, số người phải bỏ đi sẽ giảm xuống, và các mô hình đó sẽ là nông thôn mới. Việc xây dựng nông thôn mới không còn là một phong trào làm mấy con đường bê tông hẹp đến nỗi hai xe ô tô không tránh nhau được. Ông bảo muốn phát triển tại chỗ mà lớn lên lên cần phải làm các việc sau: trả lại ruộng cho dân, giải phóng lao động, phát huy kinh nghiệm làng nghề, quy hoạch theo vùng lãnh thổ, xây dựng kỹ năng cộng đồng.

 

Ông cũng cung cấp cơ sở lý thuyết cho việc trả ruộng cho dân trên cơ sở luật La Mã cổ. Tại Mục 3 điều 4 của luật này ghi “Quyền tư hữu là bất khả xâm phạm”. Quyền này tạo nên ý thức công dân. Trong khi đó, xã hội Việt Nam không có cái ý thức đó. Chúng ta chỉ có ý thức “thần dân”. Chúng ta thích nói về các đế vương, về các lãnh tụ, thích học theo họ, thần thánh hóa họ.

 

Ngay cả Đại thi hào như Nguyễn Đình Chiểu cũng chỉ có thể nghĩ được “Nợ cơm áo phải trả đến hình hài”. Mấy ngàn năm nay chúng ta bị khép trong cái vòng kim cô rằng ta là thần dân của ai đó. Ta là vật sở hữu của một vị vương nào đó. Chợt nhớ lại hồi mình cùng Ngô Duy Bình lên Lạng Sơn thăm Toàn Thắng mùa đông năm 2005. Đang la cà ở chợ Đông Kinh, Bình gặp một anh bạn đi lính cùng. Tay bắt mặt mừng. Anh ấy hỏi Bình lên Lạng Sơn làm gì?

 

Bình nói lên thăm người bạn là Toàn Thắng. Anh bạn kia hãnh diện khoe với Bình rằng “Tôi là thần dân của bạn anh đấy”. Trời ơi, Thắng chỉ là một vị Phó Bí Thư luân chuyển, vậy mà tâm trạng người dân đã nghĩ như vậy! Thế thì còn đâu cái sự đàng hoàng của một LINH HỒN trong vũ trụ nữa. Mấy chục năm qua chúng ta đã phá đi cái gọi là văn hóa cũ, nhưng chưa xây được cái tâm lý mới nào khác thay cho tâm lý “thần dần”. Còn lâu lắm mới có thể có cái gọi là tâm lý “công dân”.

 

Cho nên, theo Vương, trả lại ruộng, trả lại quyền tư hữu, thì sẽ xây dựng dần dần được tinh thần công dân, sẽ giải phóng được lao động tại chỗ. Khi đó người dân có thể bớt phải ly hương để mưu cầu hạnh phúc ở nơi khác. Hoặc nếu có “nhào vô” Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, chẳng hạn,… thì trong lòng họ luôn nghĩ tôi là người có cái sở hữu thiêng liêng, không phải chỉ riêng mảnh đất của ta, do ông bà để lại đâu đó ở Nam Định hay Lao Cai… hơn nữa và trên tất cả, ta còn sở hữu một linh hồn bất diệt nữa.

 

Vương dừng lại sau hơn 1h nói liên tục. Tiếp đó, Mr. Lê Đăng Doanh nói về những thăng trầm trong quản trị quốc gia từ sau 1975. Theo Ông, hình như ông Lê Duẩn muốn giữ cho miền Nam đi theo TBCN một thời gian, theo nghị quyết 24. Nhưng vì khám phá ra một chi bộ lớn của ĐCS Tàu ở Quận 5 mà ông quyết định cải tạo ngay, theo hướng cả nước đi lên CNXH.

 

Rồi ông muốn xây dựng CNXH bắt đầu từ cấp huyện. Hóa ra, theo ông Doanh, tác giả 400 pháo đài cấp huyện lại là Việt Phương, một nhà thơ, thật lạ. Các nhà thơ vốn bay bổng. Họ là những linh hồn nhậy cảm, nhưng nếu làm kinh tế thì họ kém cả các võ sỹ quyền anh. Chỉ khi GS Phan Đình Diệu và GS Hoàng Tụy phản đối thì Lê Duẩn mới quên dần vụ 400 pháo đài cấp huyện. Sau Lê Duẩn tất cả các TBT đều không được quy hoạch. Họ chưa từng nghĩ mình sẽ chiếm vị trí quyền lực nhất, trước khi thành TBT. Khi thành sếp cao nhất của quốc gia, cái trước hết họ nghĩ là giữ quyền, giữ đảng, chứ chưa bao giờ nghĩ đến “an cư, lạc nghiêp”, dù họ có nói chính quyền này là chính quyền vì dân.

 

Mr. Doanh cũng nói rằng sau vụ Covid thì kinh tế sẽ khủng hoảng sâu sắc và có thể lạm phát lớn nữa. Mình không dám cắt lời ông Doanh, nhưng thầm nghĩ rằng, tại sao không có một linh hồn nào dám mơ ước lên làm TBT để lái dân tộc đi theo một hướng văn minh hơn. Họ chỉ cố giữ cái đảng của họ. Mà không nghĩ rằng đảng chỉ là một nhóm lợi ích lớn nhất trong các nhóm lợi ích hiện nay. Cái nhóm ấy đang bất lực trước sóng gió mà dân tộc đang phải đương đầu.

 

Sau đó, Mr. Trần Đình Thiên nói về sự xung đột giữa bộ máy và sự phát triển. Đã có lúc tưởng rằng Kinh tế thi trường (KTTT) đã liên thông tất cả, không những các DN mà mọi hộ nông dân đều có thể làm việc cho thị trường. Nông dân không tự cung tự cấp nữa, vậy mà con Covid và sự ngăn sông cấm chợ của các anh dân phòng đã phá tan tất cả sự lưu thông ấy, phá tan cái thành tựu nhỏ nhoi mà thị trường đã xây dựng trong mấy chục năm qua.

 

Covid cho thấy chỉ cần một biến cố là bộ máy có thể sập. Vậy tức là bộ máy rất yếu. Thực sự chúng ta đã và đang phải đương đầu với một cái crisis, nhưng chúng ta sợ từ này. Báo chí bao giờ cũng tránh từ này. Theo Thiên, muốn bộ máy khỏe lên phải có lý thuyết về bộ máy. Nó sinh ra để làm gì, trách nhiệm của nó đến đâu. Hà nội chẳng hạn, đây là một bộ máy lãng phí nhất. Ở Hà nội có đủ các người tài từ khắp nơi dồn tụ về, Thanh Nghệ, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định,…

 

Vậy tại sao nhiều người tài thế mà “vận khộng vội được đâu”. Thiên bảo, Hà Nội muốn phát triển thì phải đuổi bớt người tài đi. Tại sao vậy, khi đó người tài sẽ cạnh tranh thực sự, ai ở lại là người tài thật. Thiên không ăn cơm trưa, anh phải đi Hải Phòng. Anh ấy đang giúp Hải Phòng xây dựng một cơ chế phát triển đặc thù. Hải Phòng có đủ lợi thế, giao thương nội địa và hải ngoại, con người táo bạo và khôn ngoan, lại ở cái địa thế phong thủy đặc biệt nữa chứ.

 

Hải Phòng là điểm hút năng lượng từ Hymalaya qua Hoàng Liên Sơn về đến Hạ Long và chạm đến điểm sâu nhất của Thái Bình Dương. Nếu Hải Phòng phát triển nó sẽ vượt Hải Nam để thành một trung tâm có tầm quốc tế. Nếu Hải Nam lên trước thì Hải Phòng sẽ bị đè và Việt Nam mất đi một cơ hội ngàn năm. Hải Phòng có thể đóng vai trò đầu tầu kinh tế lớn hơn cả Sài Gòn nữa. Mình không biết Thiên có thành công trong ý tưởng của anh không. Nhưng thực sự đây là một ý tưởng táo bạo. Mình nghĩ nếu kế hoạch của Thiên thành công thì Hải Phòng chính là một cái làng “an cư, lập nghiệp” lớn mà GS Vương đã nói trên kia.

 

Madame Phạm Chi Lan cũng nói về sự yếu kém của bộ máy hiện tại. Trong đại dịch không thấy vai trò Doanh nghiệp. Vị thế của hệ thống y tế tư nhân vốn vô cùng lớn trước đại dịch Covid, thì trong dịch này bị thổi bay. Đây là lần đầu sau 35 năm đổi mới, thị trường đã bị dẹp bỏ bởi nhà nước, bởi dân phòng, công an, quân đội và các vị bí thư. Bà cũng nói về những ứng xử của TQ với giới siêu giàu hiện nay. Họ đang diệt giới siêu giầu (các doanh nhân, các nghệ sỹ,…) như kiểu đả hổ diệt ruồi mấy năm trước. Có thể là một bước để loại bỏ mọi ảnh hưởng tư nhân quá lớn đối với nhà nước.

 

ĐCS không muốn bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào có ảnh hưởng lớn được phép tồn tại. Nếu Việt Nam học tập phương pháp này thì bọn Phạm Nhật Vượng sẽ sớm chết, giới tư sản dân tộc sẽ chết. Và chúng ta sẽ đi đến một ngõ cụt tối tăm dài hàng trăm năm nữa. Cũng như ta đang học cách chống dịch Zero F0 của Tàu. Nó chỉ giả vờ, khi nào ta học xong bài học của đàn anh, ta kiệt quệ, ta sập bẫy, thì nó bảo ngu cho chết.

 

GS Nguyễn Đình Cống muốn nói nhiều. Ông đã chuẩn bị kỹ từ nhiều ngày trước, nhưng hôm nay GS Vương đã giành hết thời gian nên GS Cống không còn có thể nói được gì. Ông xin 10 phút. Ông bảo ở tầm quốc gia có ba cái sai cơ bản:

 

– Đảng chưa bao giờ nghĩ về cách con người đang tiếp xúc với vũ trụ qua cái gì? Nhưng ông Quang, ông Thanh đều làm mả to.

 

– Hệ thống và bộ máy quá thối nát, Covid bộc lộ cho ta biết sự thối nát ấy.

 

– Lúc nào cũng muốn đi đầu, muốn sánh vai với cường quốc năm châu, từ xuất khẩu gạo, tôm cua, đến thi toán Quốc tế, đến bóng đá,… Hãy chịu lùi lại, đi sau cũng được miễn là đi một cách chắc chắn trên con đường văn minh. Muốn vậy, phải xem nhiệm vụ phát triển kinh tế là quan trọng thứ hai, nhiệm vụ “an cư” là thứ nhất.

 

Buổi họp kết thúc lúc 12h. Quyên và Thúy đã chuẩn bị một bữa cơm văn phòng giản dị. Đại mua xúc xích. Mọi người uống rượu và nhắc đến anh Mẫn, người đã dậy mình cách nấu rượu ngon. Mình dự định sẽ mời các bạn một bữa rượu với thịt hun khói làm theo công thức của anh Mẫn. Sắp đến ngày giỗ đầu anh ấy. Ôi thân phận con người. Anh Văn Đình Mẫn là một con người kiên cường và đầy sáng tạo. Anh ấy yêu nước có khi còn hơn chúng ta. Trong thân phận một người Mỹ gốc Việt mất quốc tịch VNCH từ năm 1975 anh ấy đã lặn lội về sống tại Sóc Sơn 20 năm cuối đời và chết trên đường về Mỹ tháng 11-2020.

 

Mình cũng định nói về ý chí tự do của các lượng tử không-thời gian ở kích thước nhỏ nhất, kích thước Planck và nền công nghiệp mặt trời. Nhưng hôm nay hết giờ rồi. Hẹn dịp khác, hôm nay uống rượu đã.

 

Hôm sau, mình tóm lại cuộc họp này cho Đỗ Đức Thắng. Anh bảo Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad đã quy hoạch an dân bên nước đó một cách rất tài tình. Những thanh niên lớn lên trong những làng biên giới hẻo lánh có thể tiếp cận với thế giới toàn cầu và phát triển hài hòa mà không phải ly hương.

 

Hóa ra cái góc nhìn của GS Vương về đại dịch thật sâu sắc. Ông cũng quặn lòng thương xót giới cần lao, nhưng hơn cả ông nhìn thấy cái nguyên nhân sâu xa, có chiều kích lịch sử và có logic phát triển.  Cần phải “an cư mới lạc nghiệp”, đơn giản mà lại chính xác, an cư thì không phải bỏ chạy. Các nhà quản trị quốc gia hiện nay của chúng ta chưa bao giờ nghĩ về vấn đề này. Họ còn lo xây dựng đảng, và lo chống thế lực thù địch trong nhân dân.

 

Mình nghĩ, trong lịch sử chúng ta đã bao lần phải chiến đấu chống Tàu. Nhưng sau mỗi lần chiến thắng nó thì ta lại học nó nhiều hơn. Học nó từ mô hình xây dựng đất nước, thiết kế vương triều, đến cách trị dân. Mà như Madame Phạm Chi Lan lo lắng có khi lại sắp học cả cách bóp nghẹt các nhà tư sản dân tộc như Phạm Nhật Vượng nữa.

 

Nếu coi mỗi lần chống giặc như một cú va chạm lịch sử, thì thời hiện đại chúng ta đã va chạm với Pháp, với Nhật, với Mỹ, sao không học các nền văn minh ấy trong quản trị quốc gia để mà lớn lên. Học cách yêu con người để nhân bản hơn, ngay cả trong cơn đại dịch Covid này. Chỉ có “yêu người” mới tìm được cách làm cho họ “an cư”.

 

                                                     ***

 

Gặp gỡ tại Nghi Tàm (Phần 2)

Nguyễn Thế Hùng  -  Viet-Studies

30/10/2021

https://baotiengdan.com/2021/10/30/gap-go-tai-nghi-tam-phan-2/

                                                   

Sau buổi gặp gỡ tại Nghi Tàm ngày 6-10-2021, mấy anh em chúng tôi lại gặp nhau lần 2. Sự bức xúc về các cuộc tháo chạy của hàng ngàn người bằng xe máy, xe đạp, thậm chí cả bằng chân trần nữa khỏi Sài Gòn vẫn thôi thúc chúng tôi. Như TS Trần Đình Thiên đã nói, ai không đau khổ về cuộc “di tản mới” này có lẽ không còn là người Việt nữa.

 

Lần trước GS Vương đã nhấn mạnh “chỉ có an cư mới lạc nghiệp”, mới tránh được các cuộc tháo chạy, như định mệnh của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Ông nhấn mạnh vào các vấn đề:

 

– An cư lạc nghiệp- những khái niệm và điều kiện cho an cư lạc nghiệp.

 

– Những kinh nghiệp thất bai: Các khu công nghiệp (KCN), các dây chuyền công nghệ tự động cao, các khu nhà trọ xập xệ, mỗi phòng mười mấy mét vuông, các lớp mẫu giáo lùa gió,… những hình ảnh này không phải đều không phải là nông thôn mới an cư lạc nghiệp.

 

– Các cơ hội còn lại: Quy hoạch phát triển nông thôn, xây dựng các làng công nghiệp hóa quy mô nhỏ, giảm tải cho các thành phố lớn (megacities).

 

Anh có xem bóng đá không?

 

Lần này bạn Đại mời được TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp. TS Sơn hôm nay là diễn giả chính. Ông vóc người nhỏ mà thanh mảnh, mái tóc đã bạc nhiều, nhưng dáng vẻ rất nhanh nhẹn. Khi ông bước vào, Đại sứ Đinh Hoàng Thắng hồ hởi chào và hỏi sao ông học trường Trỗi mà hiền thế, không gấu như tôi tưởng. TS Sơn chỉ một bạn gần đấy nói, anh này cũng trường Trỗi mà cũng hiền khô.

 

TS Đặng Kim Sơn là con trai một vị tướng nổi tiếng ở Điện Biên Phủ, tướng Đặng Kim Giang. Ông là một nhà nghiên cứu lão luyện trong nông nghiệp, là người luôn có những suy nghĩ về nông dân, về thân phận của họ và ước mơ “mưu cầu hạnh phúc” của nông dân.

 

Ông kể vào khoảng những năm 1990, một lần đi dự hội nghị ở Brazil. Khi bước vào phòng họp, mọi người hoan hô ầm ầm, ông quay phải quay trái nhìn xem họ hoan hô ai, không có ai ngoài ông. Và ông thực sự lúng túng. Họ hỏi “anh có xem bóng đá không?”

Ông bảo có. Vậy nếu một ngày nào đó, mà đội Việt Nam thắng đội Brazil thì có đáng được hoan hô không? Ông bảo không thể tin đội Việt Nam có thể thắng đội bóng hàng đầu thế giới. Họ bảo các anh đang thắng, thắng đậm đấy. Các anh chỉ quen uống trà ngàn năm nay, chưa bao giờ trồng cafe, mà mới mấy năm các anh đã trở thành nhà xuất khẩu cafe hàng đầu thế giới rồi.

 

Lời khen ấy như cứa vào tim ông. Sao nhỉ? Nông dân Việt Nam làm được nhiều cafe, nhiều tiêu, nhiều điều,… lại cả cá, tôm, lúa, chè… mà vẫn khổ, vẫn phải “chạy vô-nhào ra” các KCN và chưa bao giờ có thể tự tin bước lên một đẳng cấp mới. Cũng như đội tuyển bóng đá Việt Nam đã thắng vài trận nhưng vẫn là đội bóng đẳng cấp dưới.

 

Các anh có máy chiếu không?

 

Khi bắt đầu buổi thuyết trình, TS Sơn hỏi “các anh có máy chiếu không?” Thật không may hôm đó máy chiếu hỏng. Loay hoay mãi không sửa được, đành dùng một máy tính có màn hình lớn để ông trình bày. Ông bảo không có máy chiếu ông không thể trình bày được, vì bài nói của ông phải có số liệu.

 

Ông nhấn mạnh, khi chúng ta chỉ trích người điều hành yếu kém, nhưng bản thân mình lại phản biện cảm tính, thiếu số liệu thì lỗi lại ở chúng ta. Và ông đã làm điều ngược lại, từng câu nói, từng góc nhìn của ông đều được dẫn chứng bởi các số liệu từ những nguồn nghiên cứu, điều tra khoa học tin cậy. Những con số thực sự đã biết nói, đôi khi còn khiến người nghe phải tự phủ nhận lại những quan điểm trước đây của chính mình khi nhìn vào số liệu, bảng biểu.

 

Một phần những số liệu này cũng đã được ông xuất bản trong cuốn sách mới đây mà ông làm chủ biên “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam”. Bài của ông khá dài, khá nhiều số liệu và chúng tôi sẽ cố gắng tóm tắt tinh thần chính (về số liệu cụ thể thì những ai quan tâm có thể liên hệ với tác giả để trao đổi chi tiết hơn). Logic trình bày của ông bắt đầu từ thực trạng, sau đó tìm nguyên nhân, và đề xuất giải pháp. Ông có so sánh với những nước xung quanh, để nhìn rõ hơn mô hình cần xây dựng ở Việt Nam.

 

Nói về thực trạng hiện tại ở Việt Nam, ông lại bắt đầu từ góc nhìn khá xa mà sau đó mới thấy gần gũi và sắc bén. Để bước vào sân chơi của nước có thu nhập trung bình cao thì Nhật Bản đã phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 8.5% trong 11 năm, Hàn Quốc 9.5% trong 14 năm và Trung Quốc 10% trong 15 năm liên tục. Với Việt nam, đã 4 kỳ kế hoạch liên tiếp, các chỉ số tăng trưởng luôn đạt thấp hơn những mục tiêu đề ra.

 

Muốn tăng tốc, Việt Nam đang áp dụng mô hình ưu tiên đầu tư vào các nhóm ngành chính có tốc độ tăng trưởng cao. Dù là nước nông nghiệp “rừng vàng biển bạc” nhưng đầu tư toàn xã hội vào Nông lâm thủy sản suốt 20 năm (1995-2015) lại thấp hơn rất nhiều so với ưu tiên đầu tư cho các khu vực Công nghiệp-Xây dựng và Dịch vụ bởi hai mảng này có khả năng đem lại tỉ lệ tăng trưởng cao.

 

Chúng ta đôi khi chỉ nhìn thấy giải cứu nông sản (dưa hấu, xoài, cam,…) mà ít nói tới giải cứu công nghiệp, giải cứu xây dựng. Thực tế thì chính khu vực kinh tế đô thị cũng là nơi có nhiều sản phẩm dư thừa do chênh lệch cán cân đầu tư, do thị trường trong nước có sức mua yếu vì đa số cư dân sống ở nông thôn chỉ có mức thu nhập bằng nửa số nhỏ hơn dân cư đô thị.

 

Sự chênh lệch thu nhập của lao động tại thành thị cao hơn ở nông thôn đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, theo đúng quy luật giá cả của tài nguyên. Sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị càng lớn dần khi một bên nhiều việc làm, điều kiện sống tốt, quá tải dân số, sản xuất dư thừa với một bên là thu nhập thấp, điều kiện sống kém, thiếu nhân lực và sức mua kém.

 

Chúng ta đã cố gắng nhiều trong các chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp nhưng nhìn vào những con số thống kê mới thấy tuy nông thôn được phát triển nhưng thành phố lại tiến nhanh hơn rất nhiều. Và ông đã đưa ra những con số, cứ khô khan phần trăm, chấm phẩy nhưng lại làm rõ nguyên nhân của những dòng dịch chuyển ngầm của tảng băng mà ta đang mới nhìn thấy phần nổi các con số cụ thể về sự khác nhau giữa nông thôn và thành thị.

 

Đó là người thanh niên nam và nữ ở nông thôn đều có chiều cao, cân nặng kém hơn ở đô thị; trình độ học vấn, năng lực tay nghề, năng suất lao động của lao động nông thôn thấp hơn đô thị; tỉ lệ chết non, suy dinh dưỡng của trẻ em nông thôn cao hơn đô thị; tỉ lệ đói nghèo, thu nhập trung bình, tiền để dành thành thị cao gấp 2 lần nông thôn. Một thống kê đáng kinh ngạc là tỉ lệ tự tự ở Tây Nam Bộ cao nhất nước.

 

Hai hàng rào đối với người di cư

 

Dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị là qui luật nhưng lại bị “hai hàng rào cản” chia thành hai dòng người: Trình độ chuyên môn khác nhau mở cho “lao động chính thức” được đóng bảo hiểm, được tuyển dụng, có công đoàn bảo vệ ra khỏi nông thôn nhưng đưa dòng lao động yếu thế sang “phi chính thức”, làm chui không hợp đồng, không bảo hiểm và không tham gia bất cứ nghiệp đoàn nào.

 

Cả hai dòng người này ra khỏi nông thôn, lại bị hàng rào “khả năng cung ứng dịch vụ tại đô thị” chặn lại. Vì đô thị không đủ chỗ ở, giao thông ùn ứ, trường học, bệnh viện quá tải,… và việc làm chính thức hạn hẹp nên chỉ những người  may mắn có việc làm tại chỗ hoặc nhập được hộ khẩu, còn số đông trở thành “lao động di cư” sống trong các khu nhà trọ, không được hưởng đầy đủ các dịch vụ như trường học, bệnh viện, văn hóa,… chấp nhận làm “công dân hạng hai”, không có cơ hội định cư trên mảnh đất họ đổ mồ hôi xây dựng.

 

Như vậy, lực lượng thanh niên thoát khỏi nghề nông may mắn nhất là vào được các KCN, cơ quan, doanh nghiệp có lương mỗi tháng vài triệu, chịu đựng làm việc tăng ca, chấp nhận trạng thái “di cư”, ở trong các khu trọ tồi tàn chấp nhận bị loại thải ở tuổi 35 – 45. Còn đa số lao động làm mọi nghề “phi chính thức” xe ôm, cửu vạn, thợ xây, ô sin,… không được bảo vệ, không có tương lai. Không được “an cư” nơi đất mới nên cái nghiệp họ đang hành không thể gọi là “lạc nghiệp”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/10/NghiTam1.jpg

Ảnh tư liệu

 

Tại sao người lao động lại phải đánh đổi bằng mọi giá để vượt qua các rào cản kia nhằm tìm bằng được việc làm cho mình? Hỏi đã là trả lời, chính họ đã không tìm thấy cơ hội việc làm cho mình trong mảng nông nghiệp không được đầu tư tại quê hương mình. Các dòng đầu tư công nghiệp và chế tạo, các dòng vốn FDI tập trung vào khu vực lân cận trong 11 tỉnh phía bắc (đóng góp 30% ngân sách) và 6 tỉnh phía nam (đóng góp 42% ngân sách).

 

Nền kinh tế đất nước như một đoàn tàu có hai đầu (đẩy và kéo) là Sài Gòn và Hà Nội (kèm một số tỉnh ĐBSH và ĐNB) còn các toa là những tỉnh thành khác thì thụ động, đóng góp âm (thu 43% nhưng chi 71%) vào lực đẩy phát triển. Mô hình tăng trưởng kinh tế này tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường nếu những biến cố tương tự như Covid-19 xảy ra trong tương lai.

 

Bệnh viện 5 sao, trường học 5 sao, nhà vườn 5 sao ở nông thôn

 

Giải pháp nào cho thực trạng trên? Nguyên nhân nằm ở chênh lệch cán cân đầu tư thì giải pháp liệu có đơn giản là phân bổ đều đầu tư, hay còn gọi là phân bổ kinh tế như một số người thích dùng từ này? Chưa kể sự chạy đua đầu tư giữa các địa phương lại bị đánh đổi bằng những cái giá về môi trường, tài nguyên và năng lượng. Những hệ lụy lại bị trả giá ở nhiều thế hệ sau.

 

Ông Sơn đưa ra mô hình phát triển bao trùm, hai tập hợp nông thôn và thành thị giao thoa chung nhau để biến cả nước là thị trường, sức mua là toàn dân.

 

Tổ chức lại một số dịch chuyển mới để tạo cơ hội đem đô thị về nông thôn. Phát triển cả nông thôn và đô thị gắn kết nhau về cảnh quan, môi trường, cơ sở hạ tầng, dịch vụ (như xây dựng hệ thống giao thông, các khu đô thị thấp tầng có sân vườn, bệnh viện, trường học cao cấp), tăng đầu tư công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, phát triển sinh kế phi nông nghiệp ở nông thôn, xì hơi bớt “quả bom” 40% lao động nông thôn không có việc làm.

 

Với tốc độ đô thị hóa đạt 3,2%/năm thì sau 2035-40 tỉ lệ đô thị hóa sẽ đạt 50%. Khi sự chênh lệch mức sống nông thôn và thành thị được thu hẹp, thì mỗi người nông dân sẽ có cơ hội phát triển trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra và đất nước toàn dụng lao động. Đó là mô hình giao thoa đô thị-nông thôn mà những nước có một số điều kiện khởi đầu như Viêt Nam đã phát triển thành công như Hàn Quốc, Đài Loan, Israel.

 

Ông cũng phân tích kĩ hơn cơ hội “cửa sổ vàng” về dân số. Cái cửa sổ này sẽ mở ra cho mỗi nước có 1 lần trong quá trình phát triển trong vài chục năm. Các nền kinh tế đi trước đã tận dụng cơ hội vàng về lao động kịp thời bằng toàn dụng lao động và nay dân họ bắt đầu già thì đã kịp giầu. Còn Việt Nam chúng ta, cửa sổ vàng về lao động đã mở, có lẽ đã được nửa thời gian, chúng ta chưa giầu và sắp già. Có thể chúng ta sẽ mất cơ hội và một người trẻ sẽ phải lao động nuôi vài người già, quỹ bảo hiểm sẽ vỡ, cả ở quy mô gia đình và quy mô quốc gia.

 

Chắc hẳn giải pháp nào cũng không bao giờ có kết quả nếu thiếu sự trao đổi, nhận thức cùng nhau để đi tới những hành động chung. Nếu cả xã hội, từ người lãnh đạo, đến các chuyên gia, và cả người nông dân nữa, đều nhận thức được về cơ hội, về giải pháp, thì có thể giải phóng một năng lượng to lớn, dẫn đến những thay đổi lớn. Ông mong muốn mỗi người ở vị trí của mình sẽ đóng góp công sức, dù nhỏ cho công cuộc chung này.

 

Sau đó, TS Phạm Gia Minh nói về bèo hoa dâu và những tiềm năng của nó trong nông nghiệp như có thể làm phân bón, làm thức ăn chăn nuôi, cải tạo môi trường. Bèo hoa dâu có năng lực hấp thụ và chuyển hóa CO2 gấp 3 lần các loại cây khác. Theo ông bèo hoa dâu là một tác nhân quan trọng của cuộc cách mạng nông nghiệp mới.

 

Cuối cùng TS Nguyễn Ngọc Chu nhận xét rằng Đặng Kim Sơn đã đưa ra lời giải cho một mô hình kinh tế mới, không chỉ an cư lạc nghiệp, mà cho một bài toán tổng thể làm sao phát triển đất nước hài hòa hơn, hạnh phúc hơn. Đó là giải pháp giao thoa đô thị và nông thôn thành một miền phát triển đồng nhất, cung cấp việc làm toàn dụng cho hơn 30 triệu lao động phi chính thức. Họ sẽ trở thành những người lao động chính thức, đầy sáng tạo. Nhưng ông cũng bảo ngay cả minh quân (nếu có), có chấp nhận giải pháp của TS Sơn, cũng chưa biết bắt đầu từ đâu. Do đó, phải nghiên cứu tiếp, cụ thể hơn, khả thi hơn

 




No comments: