Tuesday, October 26, 2021

TT BIDEN DỰ THƯỢNG ĐỈNH MỸ-ASEAN ĐỂ HUY ĐỘNG ĐỐI TÁC CHỐNG TRUNG QUỐC (RFI)

 


NỘI DUNG :

 

TT Biden dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN để huy động đối tác chống Trung Quốc

Trọng Nghĩa  -  RFI

.

Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson cùng tàu chở trực thăng Nhật Kaga trở lại hoạt động trên Biển Đông

Trọng Nghĩa  -  RFI

.

Biển Đông: Tàu Trung Quốc "quấy nhiễu" tàu Malaysia tại nhiều khu vực dầu khí

Thụy My  - RFI

 

=================================================

.

.

TT Biden dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN để huy động đối tác chống Trung Quốc

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 26/10/2021 - 14:47

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20211026-tt-my-du-thuong-dinh-asean-voi-hy-vong-huy-dong-doi-tac-chong-tq

 

Ngoài việc lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện đã bị “loại” khỏi hội nghị thượng đỉnh khối Đông Nam Á (ASEAN) mở ra hôm nay 26/10/2021 dưới quyền chủ tọa của Brunei, một sự kiện nổi bật khác được ghi nhận là sự hiện diện của tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là lần đầu tiên từ năm 2017 đến nay mà một tổng thống Mỹ tham gia thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, khối các nước mà Washington coi là then chốt trong chiến lược đẩy lùi Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1668ffe2-320b-11ec-979b-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/98d5d9837982b850bcb029c3dbe9e79016ff3011.webp

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham dự thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, tháng 10/2021. Ảnh minh họa. Nicholas Kamm AFP

 

Trong một bản thông cáo đề ngày 26/10, Nhà Trắng một lần nữa khẳng định sự gắn bó và “cam kết bền chắc (deep commitment)” của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và việc thực hiện “tầm nhìn của Mỹ về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Bản thông cáo cũng nêu chi tiết về “những sáng kiến mới để mở rộng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN”, với một ngân sách 102 triệu đô la sẽ được chính tổng thống Biden loan báo.

 

Theo hãng tin Anh Reuters, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Brunei, nước chủ tịch ASEAN hiện nay, xác nhận là tổng thống Biden dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-ASEAN, và một loạt các cuộc họp khác trong tuần này trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN và đối tác. 

 

Thái độ quan tâm đến ASEAN nổi bật trong bối cảnh từ 4 năm nay người đứng đầu nước Mỹ không tham gia các cuộc họp thượng đỉnh của khối Đông Nam Á với các đối tác. Lần cuối cùng mà người tiền nhiệm của ông Biden là Donald Trump tham dự thượng đỉnh với ASEAN là tại Manila vào năm 2017.

 

Đối với giới phân tích, cuộc gặp của đương kim tổng thống Hoa Kỳ với các lãnh đạo ASEAN lần này phản ánh nỗ lực của Washington nhằm thu hút đồng minh và đối tác trong nỗ lực đẩy lùi đà bành trướng của Bắc Kinh. 

 

Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các nước châu Á dưới chiêu bài cải thiện hạ tầng cơ sở và kinh tế, thương mại, nhưng dư luận tại nhiều nước ngày càng lo ngại trước nguy cơ bị sa vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Chính quyền của tổng thống Biden đã mô tả Bắc Kinh là thách thức dài hạn hàng đầu của Mỹ, và trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN, một giám đốc cấp cao về Đông Á tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng, ông Edgard Kagan, đã ám chỉ rõ ràng đến các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông để khẳng định rằng Washington có lợi ích trong việc hợp tác với ASEAN để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, chống biến đổi khí hậu và giải quyết “các thách thức chung về các vấn đề hàng hải”.

 

Trên cơ sở đó, nhân cuộc họp với giới lãnh đạo ASEAN, ông Biden sẽ đảm bảo rằng việc Mỹ gần đây tập trung vào khối Bộ Tứ QUAD, bao gồm cả Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, cũng như việc thành lập liên minh AUKUS (Mỹ-Anh-Úc) không nhằm thay thế vai trò trung tâm khu vực của ASEAN.

 

Trả lời hãng tin Anh Reuters, Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington, cho biết: “Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của Biden với các nhà lãnh đạo ASEAN trên cương vị tổng thống, vì vậy ông ấy sẽ muốn đảm bảo với họ rằng Đông Nam Á quan trọng đối với Mỹ”. Theo chuyên gia Hiebert, về phần mình, giới lãnh đạo ASEAN cũng rất muốn được biết rõ hơn về các kế hoạch của Hoa Kỳ tăng cường cung cấp vac-xin Covid-19 cho khu vực, và cũng như trong các lãnh vực thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng.

 

Đối với giới quan sát, việc thiếu yếu tố kinh tế trong cam kết khu vực của Hoa Kỳ là một lỗ hổng lớn, và mong đợi Mỹ quay trở lại Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương trước mắt  không có dấu hiệu được đáp ứng. Theo Reuters, một nhà ngoại giao châu Á xin giấu tên, nhận định rằng Mỹ đã “đặt ra một loại cấu trúc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, nhưng điều đó không hề có lợi cho khu vực, trong khi tất cả các nước trong vùng đều có quan hệ hợp tác ngày càng phát triển với Trung Quốc.”

.

=================================================

.

.

Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson cùng tàu chở trực thăng Nhật Kaga trở lại hoạt động trên Biển Đông

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 26/10/2021 - 12:15

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211026-t%C3%A0u-s%C3%A2n-bay-m%E1%BB%B9-carl-vinson-c%C3%B9ng-t%C3%A....BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

 

Vào thời điểm tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị họp trực tuyến với các lãnh đạo ASEAN, với hồ sơ Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự, hải quân Hoa Kỳ ngày hôm qua cho biết: Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson và nhóm tác chiến tháp tùng hiện đang hoạt động ở Biển Đông cùng với chiếc JS Kaga, một khu trục hạm chở trực thăng của Nhật Bản.

 

https://s.rfi.fr/media/display/de6de840-14ee-11ea-a27c-005056a99247/w:1024/p:16x9/carl_vinson_philip.webp

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson trên đường tới nơi tập trận cùng với hải quân Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 23/04/2017 tại vùng biển Philippines. U.S. Navy/Mass Communication Specialist 2nd Class Z.A. Landers/H

 

Trong một thông cáo báo chí, phía Mỹ xác định là nhóm tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson cùng với tàu chở trực thăng Kaga đang rèn luyện các kỹ năng bay và phối hợp chiến thuật giữa các đơn vị trên biển và trên không, cũng như các cuộc tập trận tấn công trên biển.

 

Đây là lần đầu tiên mà tàu Carl Vinson hoạt động cùng với tàu Nhật Bản ở Biển Đông kể từ khi rời căn cứ San Diego ở California (Hoa Kỳ) vào đầu tháng 8.

 

Về chiến hạm Nhật Bản Kaga, dù được gọi chính thức là khu trục hạm, nhưng trong thực tế đây là một trưc thăng mẫu hạm, có khả năng được cải tiến thành một hàng không mẫu hạm cỡ nhỏ. Một chiếc tàu cùng lớp với chiếc Kaga là khu trục hạm chở trực thăng Izumo, đã được cải tiến để có thể đón nhận loại chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Mỹ, có kỹ năng cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Theo kế hoạch, chiếc Kaga cũng sẽ được cải tiến một cách tương tự.

 

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Carl Vinson đã từ Ấn Độ Dương tiến vào Biển Đông sau khi kết thúc vào tuần trước giai đoạn hai của cuộc tập trận Malabar cùng với các lực lượng hải quân Ấn Độ, Úc và Nhật Bản cùng thuộc nhóm Bộ Tứ (QUAD).

 

Lần gần đây nhất mà chiếc Carl Vinson hoạt đông ở Biển Đông là vào tháng 9 vừa qua. Vào thời điểm đó, một nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai của Mỹ là nhóm của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cũng đã tập trận ở Biển Đông trên đường trở về căn cứ thường trú tại Nhật Bản sau khi được triển khai đến Trung Đông.

 

Qua đầu tháng 10, hai hải đội tác chiến của tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan và Carl Vinson đã đến Biển Philippines phối hợp tập trận cùng với nhóm tấn công của tàu sân bay Anh Quốc HMS Queen Elizabeth dẫn đầu và tàu chở trực thăng JS Ise của Nhật Bản.

Theo Hải Quân Hoa Kỳ, các hoạt động đang được các chiến hạm Mỹ và Nhật Bản tiến hành tại Biển Đông nằm trong chiến lược “hiện diện thường xuyên” trong khu vực.

 

Thông cáo của phía Mỹ trích lời chuẩn đô đốc Dan Martin, chỉ huy Nhóm Tác Chiến Tàu Sân Bay Số 1 nói rõ: “Các hoạt động song phương là một thành phần quan trọng của việc nâng cao năng lực cùng phối hợp để sẵn sàng ứng phó trên biển của hai bên”.

 

Theo chuẩn đô đốc Martin: “Ấn Độ-Thái Bình Dương là một khu vực năng động và bằng cách tiếp tục tiến hành các hoạt động thường xuyên với các đồng minh và đối tác của mình trên khắp các vùng biển và không phận quốc tế, Hoa Kỳ chứng tỏ thể hiện cam kết kiên định của mình trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trên biển và trên không, và đảm bảo sao cho tất cả các quốc gia đều có thể làm điều tương tự mà không phải sợ hãi hoặc bi phản đối”.

 

Nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson hiện đang hoạt động ở Biển Đông bao gồm hai tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain và USS Shiloh, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Stockdale và 9 phi đội thuộc Phi Đoàn Carrier Air Wing 2.

Các máy bay chở theo bao gồm các loại chiến đấu cơ F-35C, F/A-18E và F-18F Super Hornet, trinh sát cơ EA-18G Growlers, và các loại trực thăng E-20 Advanced Hawkeye và MH-60S Seahawk. Tàu sân bay Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ được nâng cấp để tiếp nhận được loại tiêm kích thế hệ thứ năm F-35C và máy bay cánh quạt nghiêng Ospreys.

 

Vào tháng 3 năm 2018, Carl Vinson là hàng không mẫu hạm Mỹ đầu tiên ghé thăm Việt Nam từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Tháp tùng theo chiếc Carl Vinson nhân chuyến hé cảng Đà Nẵng còn có tuần dương hạm USS Lake Champlain và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer. 

.

===============================================

.

.

Biển Đông: Tàu Trung Quốc "quấy nhiễu" tàu Malaysia tại nhiều khu vực dầu khí

Thụy My  - RFI

Đăng ngày: 26/10/2021 - 14:13

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211026-bien-dong-tau-tq-quay-nhieu-tau-malaysia-hang-ngay

 

Tàu Trung Quốc hàng ngày quấy nhiễu tàu dân sự của Malaysia tại các khu vực dầu khí ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia suốt hai năm qua, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), có trụ sở ở Washington. Báo South China Morning Post hôm nay 26/10/2021 loan tin trên.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ecb53048-3652-11ec-8d4a-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/Maritime_border_of_Malaysia.webp

Lãnh thổ Malaysia và các vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở các vùng biển bao quanh trong đó có Biển Đông (phía bắc Malaysia). © Wikipedia

 

Ông Greg Poling, giám đốc AMTI trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói rằng tuần duyên Trung Quốc nhắm đến việc « kiểm soát » bãi cạn Luconia, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, nơi tập đoàn Petronas của Malaysia có nhiều mỏ dầu khí. Tuần trước, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah dự báo tàu Trung Quốc sẽ còn đến quấy nhiễu khi Petronas tiếp tục khai thác mỏ khí Kasawari được phát hiện từ cuối 2011, trữ lượng có thể lên đến 85 tỉ mét khối. Mỏ này giàu tiềm năng đến nỗi tổng giám đốc Petronas nói rằng có thể giúp Malaysia trở thành một trong năm nhà xuất khẩu khí hóa lỏng hàng đầu thế giới.

 

Theo ông Poling, tàu Trung Quốc chủ động va chạm một cách nguy hiểm để các tàu dân sự tiếp liệu cho giàn khoan không dám nhận hợp đồng. Nếu tàu Malaysia không chịu lùi, Bắc Kinh có thể điều đến các tàu khảo sát đại dương như Hải Dương Địa Chất, vốn thường kéo theo một lượng lớn tàu dân quân biển và một số tàu tuần duyên.

 

Tuần duyên Trung Quốc gần đây cũng bắt đầu quấy nhiễu các hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Indonesia tại vùng mỏ « Tuna Block » ở biển Natuna, tương tự như đã chèn ép Việt Nam và Malaysia trong những năm qua. Điểm khác biệt là cho đến nay vẫn chưa thấy dân quân biển Trung Quốc tham gia. Tuy Indonesia không đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, nhưng đã nhiều lần xung khắc với Trung Quốc về quyền đánh cá xung quanh quần đảo Natuna.

 

Cũng theo ông Greg Poling, trong bốn năm vừa qua, Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong việc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của nhiều nước láng giềng ở Biển Đông, nhờ đã hoàn thành các căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa, làm cơ sở cho các tàu hải quân, tuần duyên và dân quân. Một báo cáo của AMTI tháng trước cho biết Trung Quốc đã triển khai radar, chiến đấu cơ, các giàn hỏa tiễn chống hạm trên Đảo Phú Lâm (Woody Island), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef).

 

Đại diện Trung Quốc tại Kuala Lumpur năm nay đã bị triệu mời hai lần, lần đầu do xâm phạm không phận Malaysia. Cho đến nay, khác với Việt Nam và Philippines, Malaysia và Indonesia vẫn tránh tố cáo các hoạt động Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng tình hình bắt đầu thay đổi.

 

                                                      ***

Các nội dung liên quan

AUKUS : Indonesia và Malaysia quan ngại về tàu ngầm nguyên tử

 

Trung Quốc quấy nhiễu dự án khí đốt của Malaysia trên Biển Đông

 

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc công du Malaysia và Indonesia

 



No comments: