Tuesday, October 26, 2021

TRUNG QUỐC CHẠY NƯỚC RÚT TÌM KIẾM "CHIP NANO" (Thanh Hà - RFI)

 


Trung Quốc chạy nước rút tìm kiếm « Chip nano »

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 26/10/2021 - 15:52

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20211026-trung-qu%E1%BB%91c-ch%E1%BA%A1y-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-r%C3%BAt-t%C3%ACm-ki%E1%BA%BFm-chip-nano

 

Một con bọ nhỏ có thể khiến một ông khổng lồ bị tê liệt. Với diện tích chưa đầy 20% của tỉnh Quảng Đông, Đài Loan được tất cả các siêu cường kinh tế thế giới ve vãn vì nắm giữ một phần vận mệnh kinh tế toàn cầu nhờ vào những con bọ nano. Phúc hay họa cho Đài Loan trong cuộc tranh hùng Mỹ - Trung Quốc ? Bắc Kinh lệ thuộc vào « bọ » Đài Loan đến mức độ nào ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/ca1aee44-365f-11ec-93b0-005056a97e36/w:1024/p:16x9/2021-09-30T074625Z_482955289_RC270Q959OIQ_RTRMADP_3_USA-SEMICONDUCTORS-TAIWAN.webp

Logo Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) tại trụ sở chính ở Hsinchu, Đài Loan. Ảnh chụp ngày 19/01/2021. REUTERS - Ann Wang

 

Trung Quốc – Đài Loan : Gã khổng lồ và những con bọ. Đây có thể là một câu chuyện ngụ ngôn về ông khổng lồ Trung Quốc đang ráo riết săn lùng những con bọ nano, tức chỉ bằng một vài phần ngàn của một mili-mét. Về phía Đài Loan, dù chỉ « bằng cái nắm cơm » nhưng hòn đảo này lại kiểm soát 50 % thị trường chip điện tử toàn cầu và đang dẫn đầu nền công nghệ bán dẫn trên thế giới.

 

 

Gót chân Achille của ông khổng lồ Trung Quốc

 

370 tỷ đô la chip nhập khẩu, mỗi năm Trung Quốc mua bọ điện tử nhiều hơn là dầu hỏa. Tháng 5/2020 chính quyền Mỹ thời Donald Trump cấm tập đoàn sản xuất linh kiện bán dẫn Đài Loan TSMC cung cấp một số « mặt hàng nhậy cảm » cho Trung Quốc, chính xác hơn là cho tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Một phần lớn các hoạt động Hoa Vi bị chựng lại : điện thoại di động với logo hình hoa sen kém hấp dẫn. Hoa Vi đột ngột bị « hất khỏi » thị trường điện thoại thông minh cao cấp.

 

Đó mới chỉ là một thí dụ cụ thể trong số rất nhiều những thí dụ khác cho thấy chip điện tử « thế hệ mới » chiếm một vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống hàng ngày của phần lớn nhân loại. Nguy hiểm đối với Trung Quốc là Đài Loan đang dẫn đầu ngành công nghệ bán dẫn, với mũi nhọn lợi hại nhất mang tên TSMC.

 

Chỉ nội một tập đoàn này đem về một phần tư GDP cho Đài Loan. Ở vào thời điểm hiện tại, TSMC gần như độc quyền sản xuất bọ thu nhỏ dưới 7 nano, tức là dưới 7/1000 mili-mét. Mà đó lại là bộ não của những chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất. Không có chip của TSMC thì không thể có iPhone 13. Tập đoàn Apple của Mỹ sở dĩ trong năm 2007/2008 đã bán ra được hơn 1,3 tỷ chiếc điện thoại thông minh với logo hình quả táo là nhờ bọ của Đài Loan.

 

Trung Quốc ý thức rất rõ về vị trí chiến lược của Đài Loan không chỉ trên bàn cờ địa chính trị, mà cả về công nghệ mới. Trả lời đài RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu Marc Julienne Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI phân tích về vị trí chiến lược của Đài Loan chỉ nhờ những « con bọ » rất, rất nhỏ :

 

« Đài Loan là một quốc gia nhỏ bé mà bắt một ông khổng lồ như Trung Quốc phải phụ thuộc vào mình, đặt mình vào vị trí một đối tác không thể thiếu của rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới, chỉ nhờ một vào một lĩnh vực. Rất nhiều nền kinh tế từ Hoa Kỳ đến Nhật Bản đều muốn sử dụng công nghệ của Đài Loan. Gần đây Tokyo vừa loan báo TSMC mở một nhà máy tại Nhật Bản. Ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội khối, Thierry Breton đang đàm phán với công ty Đài Loan này về một dự án công nghệ Nano trên lãnh thổ châu Âu. Cần nói thêm Liên Âu đang chậm trễ trong lĩnh vực này. Nhờ nắm giữ một công nghệ của tương lai, cho nên Đài Loan đang được tất cả các cường quốc công nghệ ve vãn ».

 

 

Trung Quốc, « tòa nhà chọc trời xây trên cát »

 

Năm 2019 sáng lập viên mạng xã hội Trung Quốc Tencent, ông Mã Hóa Đằng (Pony Ma) đã không vòng vo nhận xét : Thiếu « bọ », Trung Quốc thống lĩnh thị trường máy móc điện tử nhưng thực ra chỉ là một « tòa cao ốc xây trên cát ». Phần lớn tivi, tủ lạnh, máy điều hòa … trên thế giới đều là hàng « made in China » nhưng Trung Quốc chỉ đủ sức tự cung cấp cho chưa đầy 16 % linh kiện bán dẫn cần thiết mà đấy lại là những con bọ « thô sơ » ở kích cỡ 20 nano. Nói cách khác, thiếu chip nhập từ nước ngoài - đứng đầu là Đài Loan và Hàn Quốc thì lập tức cả chuỗi sản xuất của Trung sẽ bị chựng lại ngay. 

 

Thật ra Bắc Kinh biết rõ nhược điểm của mình hơn ai hết nên đã lao vào một cuộc chạy đua với thời gian : kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trong giai đoạn 2021-2025  dự trù đầu tư gần 200 tỷ đô la với một mục tiêu rõ ràng và truyền thông Bắc Kinh nói đến một bước « Đại nhảy vọt của ngành công nghệ bán dẫn ». Nhưng theo hãng tin Bloomberg thì « kế hoạch kinh tế thứ 14 của Trung Quốc dành đến 1.400 tỷ đô la để phát triển chip điện tử thế hệ ba » bởi vì Bắc Kinh biết là bọ điện tử Trung Quốc đang bị các đối thủ Đài Loan và Mỹ bỏ lại phía sau từ « hai đến ba thế hệ » như phân tích của George Stieler, đồng sáng lập viên công ty tư vấn chuyên về thị trường điện tử Stieler Management Consulting, chi nhánh tại Thượng Hải.

 

George Stieler nhắc lại kế hoạch đầy tham vọng mang tên Made in China 2025 đề ra mục tiêu, Trung Quốc tự sản xuất đến 70 % bọ điện tử để không lệ thuộc vào bất kỳ một nguồn cung cấp nào, nhất là vào Đài Loan. Bốn năm trước kỳ hạn đó, tỷ lệ tự túc đó mới chỉ chưa đầy 16 %. Thêm một bài toán khó cho Trung Quốc là đội ngũ nhân sự chưa sẵn sàng làm chủ công nghệ mới và việc đào tạo đòi hỏi thời gian. 

 

 

Bản sao không bao giờ bằng được nguyên bản

 

Lợi thế của Trung Quốc là có nhiều phương tiện tài chính và quyết tâm của Bắc Kinh gây dựng cho tập đoàn quốc gia SMIC để đuổi kịp ông vua công nghệ bán dẫn TSMC. Thế nhưng SMIC của Trung Quốc vẫn đang chậm trễ mất từ « hai đến ba thế hệ » bọ điện tử so với TSMC của Đài Loan. Chip của tập đoàn Trung Quốc này vẫn còn to -  14 nano, nghĩa là lớn tối thiểu là gấp đôi, so với của các đối thủ Đài Loan hay Hàn Quốc. Nói cách khác, « nghệ thuật sao chép chưa đủ trình độ và vẫn chưa thể sánh được với nguyên bản ».

 

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là vào lúc xuất khẩu Đài Loan lệ thuộc đến 40 % vào Hoa Lục và đã có cả trăm ngàn doanh nghiệp Đài Loan mở cơ sở hoạt động tại Trung Quốc, bản thân TSMC có nhà máy và cơ sở tại Hoa Lục : liệu mức độ gắn kết giữa hai nền kinh tế một lớn - một bé đó có là công cụ để Bắc Kinh tận dụng và gây sức ép với nhà sản xuất chip điện tử Đài Loan hay không ? Chuyên gia Marc Julienne, Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI trả lời :

 

« Bắc Kinh không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để gây sức ép : khi thì Trung Quốc dùng đòn kinh tế - chẳng hạn như là cấm nhập khẩu trái cây của Đài Loan vào Hoa Lục, lúc thì dùng đòn chính trị, hay quân sự với các chiến dịch uy hiếp Đài Loan trên không và trên biển. Riêng với TSMC, vấn đề không đơn giản, bởi vì công nghệ chip điện tử không lệ thuộc 100 vào Đài Loan. TSMC sản xuất chip nhưng lại sử dụng một số công nghệ của Mỹ. Linh kiện bán dẫn của Đài Loan một phần do các tập đoàn Hoa Kỳ thiết kế. Do vậy quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế thuộc về Mỹ. Thành thử Trung Quốc có gây sức ép với TSMC hay với trên dưới 100.000 công ty Đài Loan ở Hoa Lục cũng vô ích khi mà TSMC không được phép xuất khẩu các sản phẩm làm ra cho Trung Quốc. Chính vì thế mà Hoa Vi gặp nhiều khó khăn ».

 

Đằng sau các con số hàng ngàn tỷ đô la Trung Quốc dành để phát triển công nghệ bán dẫn, đơn giản là « chiến tranh lạnh về công nghệ cao » giữa Washington với Bắc Kinh. Trên mặt trận này, Đài Loan trở thành một lá chủ bài của cả Mỹ lần Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Marc Julienne cho rằng đây là một trong số rất nhiều những lý do khiến chính quyền Tập Cận Bình liên tục duy trì áp lực ở mức « cao chưa từng thấy » với Đài Loan từ hơn một năm qua :

 

« Công nghệ bán dẫn khiến Đài Loan càng trở nên « hấp dẫn » trong mắt Trung Quốc và đó là một trong những động lực khiến thúc đẩy Bắc Kinh muốn nhanh chóng thâu tóm Đài Loan. Nhưng đó không là lý do duy nhất, bởi vì còn có những yếu tố về mặt lịch sử, về tư tưởng và ông Tập Cận Bình muốn khẳng định vị trí của mình phải là ngang với Mao Trạch Đông. Chính vì thế mà Bắc Kinh gần đây đã cứng rắn hơn bao giờ hết trên vấn đề Hồng Kông rồi kế tới là với Đài Loan. Tuy nhiên nhắc lại là trong quá khứ, khủng hoảng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã nhiều lần xảy ra. Có điều lần này, rõ ràng là Bắc Kinh liên tục duy trì áp lực ở mức rất cao đối với Đài Loan từ hơn một năm nay ».

 

 

Xâm chiếm Đài Loan, một công đôi việc ?

 

Vậy phải chăng vì 80 % bọ điện tử trong những máy móc thuộc dòng « công nghệ cao » chúng ta đang sử dụng đều có dấu ấn của Đài Loan cho nên một mặt Trung Quốc muốn nhanh chóng thâu tóm hòn đảo này, nhưng mặt khác TSMC và những con bọ nano cực nhỏ cũng là một dạng « bảo hiểm nhân thọ » cho một nước Đài Loan độc lập ? Marc Julienne viện IFRI trả lời :

 

« Tất cả mâu thuẫn trong trường hợp của Đài Loan nằm ở chỗ đó và đấy cũng chính là điều hết sức thú vị đối với giới quan sát. Qua Đài Loan là trường hợp của TSMC. Đài Loan và TSCM chiếm một vị trí quan trọng đến nỗi mà Trung Quốc có rất nhiều những lý do để thâu tóm cả hai. Nhưng cũng nhờ vị trí then chốt đó của Đài Loan và tập đoàn công nghệ bán dẫn này trên bàn cờ công nghệ quốc tế, và đối với cả một mảng công nghệ kỹ thuật số của các nền kinh tế phương Tây, của châu Á cho nên Trung Quốc không thể dễ dàng xâm chiếm Đài Loan, thâu tóm TSCM. Có khả năng là nhiều quốc gia trên thế giới, đứng đầu là Mỹ, sẽ không để Đài Loan rơi vào vòng kềm tỏa của Bắc Kinh, để rồi Trung Quốc làm chủ công nghệ bán dẫn ».    

 

Tính toán chiến lược trên bàn cơ kinh tế

 

Không chỉ có một mình Trung Quốc chạy đua tìm kiếm bọ nano. Ngày 14/10/2021 Tokyo thông báo dự án xây dựng nhà máy TSMC đầu tiên tại Nhật Bản. Xưởng sản xuất chip điện tử này sẽ bắt đầu hoạt động từ 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu của các tên tuổi trong ngành công nghiệp Nhật Bản như Sony hay hãng xe Toyota. Báo chí tại Đài Bắc nói đến một khoản đầu tư 7 tỷ đô la Mỹ. Giới quan sát cho rằng thuyết phục được TSMC mở nhà máy trên lãnh thổ Nhật là một « thắng lợi lớn » của chính quyền Tokyo về mặt « chiến lược » trong bối cảnh từ « mùa xuân vừa qua, chính phủ đưa bọ nano vào danh sách những ưu tiên đối với an ninh quốc gia ». Điều đó có thể giải thích phần nào lập trường cứng rắn của Nhật Bản bảo vệ chủ quyền và an ninh cho Đài Loan trước các đòn uy hiếp của Bắc Kinh. 

 

Trở lại với trường hợp của Trung Quốc, Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình châu Á, Viện nghiên cứu Montaigne Paris được báo Les Echos trích dẫn nhấn mạnh công nghệ bán dẫn là lĩnh vực mà « khoảng cách giữa mục tiêu và tiềm lực thực sự của Trung Quốc còn rất lớn » ... và « hơn bao giờ hết tương lai của nền công nghệ cao Trung Quốc tùy thuộc vào những rào cản của Âu Mỹ ». Nhà nghiên cứu June Park, đại học George Washington nhi nhận « tại thủ đô Wahsington, nhiều người đã hiểu rằng, công nghệ bán dẫn là một yếu tố chiến lược để Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới. Đầu hàng trên mặt trận này sẽ là dấu chấm hết cho thời đại vàng son của Mỹ ».

 

                                                    ***

TIN LIÊN QUAN

.

12/10/2021

Cơn khát năng lượng của Trung Quốc

.

05/10/2021

Vũ khí của Pháp trong câu lạc bộ Mỹ Nga và Trung Quốc

.

28/09/2021

Evergrande, bước ngoặt của phép lạ kinh tế Trung Quốc

 




No comments: