Wednesday, October 6, 2021

TÔN TẠO TƯỢNG ĐÀI TRẦN HƯNG ĐẠO : CẦN THỈNH LƯ HƯƠNG VỀ VỊ TRÍ CŨ (TS Nguyễn Thị Hậu)

 


Tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo : Cần thỉnh lư hương về vị trí cũ  

TS. Nguyễn Thị Hậu

13:48 | Thứ tư, 06/10/2021

https://nguoidothi.net.vn/ton-taotuong-dai-tran-hung-dao-can-thinh-lu-huong-ve-vi-tri-cu-31564.html

 

Tượng đài cùng với lư hương trong không gian đô thị Sài Gòn – TP.HCM không chỉ là cảnh quan kiến trúc mà quan trọng hơn, là một địa điểm, cảnh quan nằm trong hệ thống những di tích tâm linh, mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng dân cư từ nhiều nguồn gốc, nhiều nơi chốn đã tập hợp sinh sống ở đây.

 

·         Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị phương án sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo

·         Dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo: cần sửa ngay một quyết định vội vã

 

Cuối tháng 9.2021, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết thành phố sẽ công bố phương án thiết kế, tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Sau khi công bố, thành phố mời người dân góp ý phương án trùng tu tượng, phù điêu, màu sắc, lư hương…

 

Ngày 1.10.2021, thông tin trên báo chí cho biết Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo kết quả kiểm định và phương án sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh (Phường Bến Thành, Quận 1). Theo đó, Sở Xây dựng kiến nghị thực hiện sửa chữa theo nguyên tắc không làm thay đổi đặc điểm tạo hình, màu sắc của bệ tượng và thân tượng; giao Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa phối hợp trong quá trình lập thiết kế, thi công sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo…

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/b8f66ea4-664e-4251-ba41-1e7ddc40ec90.jpg

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh (Phường Bến Thành, Quận 1) là nơi người dân thường đến tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ từ hơn 50 năm nay. Ảnh: Hữu Khoa

 

TP.HCM vừa trải qua thời gian dịch bệnh căng thẳng, tuy chưa thực sự bước vào thời kỳ an toàn nhưng cuộc sống cần được trở lại tình trạng “bình thường mới”. Chỉnh trang đô thị nói chung, trong đó có khu vực bến Bạch Đằng là một việc cần thiết, bắt đầu ngay lúc này cũng mang ý nghĩa đó.

Vì vậy nhiều người đón nhận thông tin trên với sự đồng tình.

 

Tuy nhiên, trong kiến nghị của Sở Xây dựng chưa nói đến việc cần thỉnh lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần về lại vị trí cũ. Suốt thời gian qua, nhất là trong những tháng dịch bệnh căng thẳng, đây là một việc mà đông đảo người dân thành phố mong đợi và hy vọng chính quyền thành phố sớm thực hiện.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/88027fef-3cb6-4df0-9e6a-abb257abb0f9.jpg

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh do điêu khắc gia Phạm Thông tạo tác. Bức ảnh chụp tượng đài đang trong giai đoạn hoàn thiện năm 1967 đã thấy lư hương được đặt trang nghiêm từ ban đầu. Ảnh: Ron Ryan

 

Có thể nói, việc di dời lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần là không hợp cả tình và lý. Hơn nữa, cách thức di dời lư hương không thể hiện sự tôn kính với vị anh hùng dân tộc và không phù hợp với nơi thể hiện tâm linh của cộng đồng.

 

Nay thành phố tiến hành chỉnh trang, sửa chữa khu vực công viên và tượng đài thì cần phải phục hồi lại cảnh quan quen thuộc và có ý nghĩa lịch sử của khu vực này: thỉnh lư hương trở về vị trí cũ, để nhân dân có điều kiện bày tỏ lòng tôn kính với Đức Thánh Trần bằng những nén tâm nhang tại đây.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/9017bf79-0915-4844-b145-cf75bf9734bf.jpg

Lễ Giỗ Đức Thánh Trần trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh vào những năm đầu 1990. Ảnh: Phong Quang

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/74adce7d-361c-41c4-99a4-15fe5ea3066e.jpg

Phía trước tượng đài Trần Hưng Đạo còn dấu vết bệ đặt lư hương, đã di dời ngày 17.2.2019 (Ảnh chụp lúc 10g sáng 14.9.2021). Ảnh: Phúc Tiến

 

Từ cả trăm năm, ngàn năm trước, một hòn đá, một cái cây khi được con người thờ cúng đã là tâm linh. Tượng Phật, tượng các vị Thánh dù trong chùa, trong đền thờ hay ngoài trời khi có lư hương thì đã là nơi thờ cúng, “có thờ có thiêng”, ông bà mình đã đúc kết như vậy.

 

Tại nhiều đô thị Việt Nam, các tượng đài các vị anh hùng dân tộc thường có lư hương. Lư hương gắn liền với tượng đài cả về hình thức kiến trúc và một tập quán tốt đẹp của người dân là dâng hương tưởng niệm.

 

Tượng Đức Thánh Trần ở TP.HCM cũng vậy!

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/85b1c97a-1d29-44c3-bfbc-fde163bad30b.jpg

Tượng đài Trần Hưng Đạo uy nghi với màu vàng đồng rực sáng những năm đầu 1990. Ảnh: Phong Quang

 

Tượng đài cùng với lư hương trong không gian đô thị Sài Gòn – TP. HCM không chỉ là cảnh quan kiến trúc mà quan trọng hơn, là một địa điểm, cảnh quan nằm trong hệ thống những di tích tâm linh, mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng dân cư từ nhiều nguồn gốc, nhiều nơi chốn đã tập hợp sinh sống ở đây.

 

Thiếu sự gắn kết này, thành phố chỉ còn những con người xa lạ không có sự đồng cảm với nhau, không có mối liên hệ giữa các thế hệ. Thiếu sự hiện diện của những di tích, tượng đài nhắc nhở truyền thống lịch sử - văn hóa chung, đô thị chỉ là những khối bê tông vô hồn.

 

Chính quyền thành phố mong muốn được nhân dân đóng góp ý kiến về việc chỉnh trang đô thị nói chung và khu vực tượng đài Đức Thánh Trần nói riêng, là thể hiện sự tôn trọng người dân, thấu hiểu mong muốn của dân, đồng cảm với tâm linh của dân... Chính quyền, bằng sự chính danh của mình, trên cơ sở những lời “thuận ngôn” của cộng đồng, cần thực hiện ngay việc thỉnh lại lư hương của Đức Thánh Trần về vị trí cũ một cách trang trọng.

 

Đó là thái độ trân trọng lịch sử và lòng tôn kính với vị anh hùng dân tộc. Sài Gòn – TP.HCM luôn tự hào là “thành phố nghĩa tình” thì nghĩa tình ấy đầu tiên là với nơi mình đang sinh sống, tình nghĩa với những gì lịch sử để lại, tình nghĩa còn là giữ gìn Lễ Nghĩa với tiền nhân.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/17ed160b-9c18-4a36-ad81-7482c34064a5.jpg

Lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh đã bị di dời về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo trên đường Võ Thị Sáu (Quận 1). Ảnh: Khả Hòa

 

Chỉnh trang, tu bổ khu vực công viên và tượng Đức Thánh Trần nên phục hồi nguyên trạng những gì vốn có, bảo toàn sự trang nghiêm mà giản dị ở đây. Đừng làm mới một cách lòe loẹt, xa lạ với cảnh quan quen thuộc với người dân thành phố.

 

Nếu có thể, tiết kiệm kinh phí dự kiến chi cho việc này dành để hỗ trợ thêm cho các bác sĩ, nhân viên y tế đang trên tuyến đầu chống dịch bệnh, hoặc dành hỗ trợ cho hàng ngàn trẻ em mồ côi vì dịch bệnh...

 

TS. Nguyễn Thị Hậu

 

------------

 

LIÊN QUAN

 

·         Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị phương án sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo

 

·         TP.HCM sẽ mời người dân góp ý phương án tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo

 

·         Quận 1 đề xuất 32,5 tỷ đồng tu sửa tượng Trần Hưng Đạo và chỉnh trang Công viên Mê Linh

 

·         Dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo: cần sửa ngay một quyết định vội vã

 

·         Quận 1 nói về việc di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo

 

.                     

============================

.

.

Quận 1 dời lư hương tượng đài Trần Hưng Đạo về đường Võ Thị Sáu 

VnExpress

Thứ hai, 18/2/2019, 12:58 (GMT+7)

 https://vnexpress.net/quan-1-doi-lu-huong-tuong-dai-tran-hung-dao-ve-duong-vo-thi-sau-3882657.html

 

Mang lư hương trước tượng đài ở trung tâm Sài Gòn về Đền Đức Thánh Trần được quận 1 cho là để việc thờ phụng trang nghiêm.

 

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2019/02/18/bi-thu-qua-n-1-7151-1550480153.jpg

Bà Trần Kim Yến tại buổi làm việc hôm nay. Ảnh: Hữu Công.

 

Ngày 18/2, làm việc với Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư quận ủy quận 1 Trần Kim Yến báo cáo các nội dung kinh tế, xã hội của quận năm qua, trong đó đề cập đến lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

 

Trên địa bàn quận 1 có tượng đài Trần Hưng Đạo (tại Công Trường Mê Linh) và Thánh Gióng (vòng xoay ngã 6 đường Cách Mạng Tháng Tám) vừa được UBND TP HCM cho phép tu sửa, chỉnh trang lại.

 

Hôm qua, quận 1 đã trang trí lại khu vực tượng đài Hưng Đạo Vương, dời lư hương trước tượng đài về đền thờ trên đường Võ Thị Sáu. "Việc này để phục vụ người dân tham quan. Còn chuyện thờ cúng, dâng hương dâng hoa chúng tôi đưa về đền Đức Thánh Trần. Đến ngày 16 tháng Giêng (20/2) sẽ đặt lư hương vào đúng vị trí thờ phụng", bà Yến nói.

 

Việc quận 1 di dời lư hương gặp phải phản ứng của một số người. Họ cho rằng đã tước đi chỗ thờ phụng Đức Thánh Trần của người Sài Gòn trong hàng chục năm qua. Trao đổi với báo chí sau buổi làm việc, bà Yến cho biết động thái này của quận cũng nhằm phục vụ việc thờ phụng được đúng chỗ, trang nghiêm hơn.

 

"Có thể một số người cho đây là vấn đề nhạy cảm nhưng quận thấy việc này bình thường. Đặt lư hương giữa công viên, là nơi công cộng, để thờ thì không phù hợp lắm. Quận không phải là không có nơi để người dân thể hiện tâm linh, mà có hẳn ngôi đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo nên đưa lư hương về đó", bà Yến giải thích.

 

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2019/02/18/BK3A5522-500x0-2025-1550466870.jpg

Tượng Trần Hưng Đạo ở Công Trường Mê Linh. Ảnh: Thành Nguyễn.

 

Tượng đài Trần Hưng Đạo cao 4 m được đặt trên bệ ba cạnh cao 12 m, ốp đá màu nâu, 3 mặt đế tượng có 6 mảng phù điêu diễn tả các trận tiêu diệt giặc ngoại xâm. Còn tượng đài Thánh Gióng có bệ cao 6 m, bên ngoài tô đá rửa.

 

Hai tượng đài được xây dựng từ trước năm 1975 bằng bêtông cốt thép, chưa được xếp hạng di tích và không thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa. Cả hai công trình hiện đã xuống cấp.

 

Hữu Công

 




No comments: