Friday, October 8, 2021

GIẢI NOBEL HÒA BÌNH 2021 ĐƯỢC TRAO CHO HAI NHÀ BÁO ĐẤU TRANH VÌ TỰ DO NGÔN LUẬN (tổng hợp)

 


NỘI DUNG :

 

Giải Nobel Hòa bình 2021 được trao cho hai nhà báo

Vũ Ngọc Yên

.

Nobel Hòa Bình 2021 vinh danh tự do báo chí

Thanh Hà  - RFI

.

Nobel hòa bình được trao cho hai nhà báo đấu tranh vì tự do ngôn luận

Reuters /  VOA

.

Nhà báo Philippines và Nga được Nobel Hòa bình, nhấn mạnh tự do   

BBC Tiếng Việt

.

=======================================

.

.

Giải Nobel Hòa bình 2021 được trao cho hai nhà báo

Vũ Ngọc Yên

08/10/2021

https://baotiengdan.com/2021/10/08/giai-nobel-hoa-binh-2021-duoc-trao-cho-hai-nha-bao/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/10/1-19-630x420.jpg

Hai nhà báo Maria Ressa (trái) và Dmitry Muratov

 

Ngày 8.10.2021, Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy thông báo giải Nobel Hòa bình năm nay về tay nhà báo Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.

 

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, Berit Reiss-Andersen cho biết tại thủ đô Oslo, hai nhà báo được vinh danh vì những nỗ lực dấn thân cho tự do báo chí ở đất nước của họ. Cả hai đã “dũng cảm” đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, mà theo ông Tự do ngôn luận là “điều kiện tiên quyết cho dân chủ và hòa bình bền vững”.

 

Muratov đã can dự liên tục cho tự do báo chí và quyền của giới viết báo ở Nga qua nhiều thập niên và trong những hoàn cảnh nhiều khó khăn. Ông là một trong những người sáng lập tờ báo độc lập “Novaja Gazeta”. Bất chấp những vụ ám sát nhà báo và những lời đe dọa chống lại tờ báo, Chủ biên Muratov vẫn duy trì tờ báo và cự tuyệt không từ bỏ đường lối độc lập của tờ báo.

 

Ressa đã sử dụng quyền tự do ngôn luận để vạch trần sự lạm dụng quyền lực, bạo lực và chính trị độc đoán ở Phi luật Tân (Philippines). Nữ ký giả Ressa đồng sáng lập Rappler, một Diễn đàn trực tuyến điều tra vào năm 2012. Ressa đã thể hiện bản lĩnh là một nhà báo kiên cường không sợ hãi, quyết tâm bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Diễn đàn Rappler luôn tường thuật thông tin chỉ trích cuộc chiến chống ma túy đẫm máu mà Tổng thống dân tuý Rodrigo Duterte khởi động.

 

Ủy ban Nobel ở Oslo, năm nay đã nhận được 329 đề cử, trong số đó có 234 đề cử cho các cá nhân và 95 cho các tổ chức. Đây là số lượng đề cử cao thứ ba cho đến nay – sau kỷ lục 376 vào năm 2016.

 

Giải Nobel Hòa bình là giải Nobel duy nhất được trao không phải ở Stockholm, mà ở Oslo. Giải này được coi là giải thưởng chính trị danh giá nhất trên thế giới.

 

Ngoài giải Hoà bình còn có các giải Nobel cho Y khoa, Vật lý, Hoá học và Văn chương đã được công bố trước đó.

 

Ngày 4-10, Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển thông báo, giải Nobel Y học năm 2021 thuộc về 2 nhà khoa học người Mỹ: David Julius và Ardem Patapoutian, ”vì những khám phá của họ về cơ chế cảm nhận nhiệt độ và xúc giác của con người”. Nhà khoa học Arden Patapoutian là người Mỹ gốc Liban.

 

Ngày 5-10, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển cho biết, giải Nobel Vật lý năm 2021 được trao cho nhà khoa học Syukuro Manabe (Nhật), Klaus Hasselmann (Đức) và Giorgio Parisi (Ý).

 

Ba nhà khoa học được vinh danh nhờ công trình nghiên cứu “về mô hình vật lý khí hậu Trái Đất và định lượng các dự báo chính xác về khí hậu ấm lên trên toàn cầu” cũng như những đóng góp đột phá vào sự hiểu biết của giới khoa học về các hệ thống vật lý phức tạp.

 

Ngày 6 -10 , Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đã công bố Giải Nobel Hóa học 2021 về tay hai nhà khoa học Benjamin List (Đức) và David W.C. MacMillan (Anh) nhờ nghiên cứu phát triển xúc tác hữu cơ bất đối xứng.

 

Ngày 7-10, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố quyết định trao Giải Nobel Văn chương năm 2021 cho nhà văn Abdulrazak Gurnah (Tanzania), đã có những tác phẩm thể hiện những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu mâu thuẫn giữa các nền văn hóa và châu lục.

 

Abdulrazak Gurnah sinh ra ở đảo Zanzibar (Tanzania) nhưng sống tị nạn ở Anh vào cuối thập niên 1960. Ông đã xuất bản 10 tiểu thuyết và một số truyện ngắn với chủ đề về những người lưu vong và di cư. Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: Paradise, Desertion, By the Sea, Memory of Departure và Pilgrims Way.

 

Abdulrazak Gurnah là người đoạt giải Nobel Văn chương thứ sáu trong lịch sử sinh ở châu Phi. Người đầu tiên là Albert Camus nhận giải năm 1957, sinh ở Algeria năm 1913. Tiếp theo là Wole Soyinka (1986) người Phi châu đầu tiên, Naguib Mahfouz (1988) người Ai Cập đầu tiên, Nadine Gordimer (1991) và J. M. Coetzee (2003), đều đến từ Nam Phi.

 

Ngày 11.10.2021 sẽ công bố giải Nobel Kinh tế. Đây là giải thưởng duy nhất không được nhắc trong di chúc của nhà phát minh chất nổ Alfred Nobel (1833-1896).

 

Tất cả các giải thưởng Nobel có giá trị khoảng 9 triệu đồng Krone Thụy điển, tương đương 830.000 €. Lễ trao giải Vật lý, Hóa học, Y khoa và Văn chương được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) ngày 10/12, ngày từ trần của Alfred Nobel. Riêng giải Nobel Hòa bình được Ủy ban Nobel của Quốc hội Na Uy trao tại thủ đô Oslo cũng vào ngày 10.12.

 

Trong di chúc, Nhà sáng lập giải Nobel nêu nguyện vọng giải thưởng lập ra để trao cho những cá nhân hay tổ chức góp phần xây dựng tình hữu nghị, huynh đệ giữa các dân tộc cũng như giải thể hay giảm quân đội ở mọi quốc gia trên thế giới.

.

=========================================

.

.

Nobel Hòa Bình 2021 vinh danh tự do báo chí

Thanh Hà  - RFI

Đăng ngày: 08/10/2021 - 14:58

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211008-giai-nobel-hoa-binh-2021

 

Giải Nobel Hòa Bình 2021 được trao cho hai phóng viên : bà Maria Ressa người Philippines và nhà báo Nga Dmitri Mouratov. Trong thông cáo hôm 08/10/2021, Ủy Ban Nobel tại Na Uy nhấn mạnh, giải thưởng này nhằm vinh danh hai phóng viên « can đảm đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận » tại Philippines và Nga, họ đồng thời là đại diện cho những tiếng nói bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới  

 

https://s.rfi.fr/media/display/051453ae-282e-11ec-b324-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP21281362814162.webp

Ảnh ghép minh họa : Nhà báo Nga Dmitri Muratov (T), tổng biên tập tờ Novaya Gazeta và nhà báo Philippines Maria Ressa, đồng sáng lập trang Rappler, được Viện Hàn Lâm Na Uy trao giải Nobel Hòa Bình, ngày 08/10/2021. AP - Mikhail Metzel/Aaron Favila

 

Bà Maria Ressa, 58 tuổi, là đồng sáng lập viên báo mạng Rappler hồi 2012. Phương tiện truyền thông này đã xoáy vào « chiến dịch chống ma túy gây nhiều tranh cãi và đẫm máu do chính quyền của (tổng thống Philippines, Rodrigo) Duterte » tiến hành.

 

Về phần phóng viên Mouratov, 59 tuổi, ông là một trong những người đã thành lập và cũng là tổng biên tập của tờ báo độc lập Novaya Gazeta. « Từ nhiều thập niên qua, Dmitri Mouratov bảo vệ tự do ngôn luận tại Nga trong những điều kiện khó khăn nhất ». Vẫn theo Ủy Ban Nobel, bà Ressa cũng như đồng nghiệp Nga Mouratov, « đại diện cho tất cả các phóng viên bảo vệ lý tưởng này ở mọi nơi trên thế giới mà nền dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện càng lúc càng bất lợi ».

 

Điện Kremlin gửi lời chúc mừng đến nhà báo Dmitri Mouravov nhấn mạnh đến « sự can đảm » và « tài năng » của một trong hai giải Nobel Hòa Bình 2021. Về phần đại sứ Mỹ tại Matxcơva, ông John J. Sullivan cũng có lời « chúc mừng » một « người bạn » dám « nói lên sự thật với chính quyền Nga ».

 

Báo Novaya Gazeta đã có những bài điều tra về các vụ hành quyết không xét xử nhắm vào những người đồng tính tại Tchetchenia. Cũng tờ báo này tham gia vào vụ điều tra của nhóm phóng viên quốc tế trong vụ mang tên "Panama Papers", tiết lộ về những thiên đường thuế khóa.

 

AFP nhắc lại Novaya Gazeta liên tục bị chính quyền Nga gây áp lực. Từ khi bắt đầu hoạt động năm 1993, sáu phóng viên của tờ báo này đã bị sát hại. Trong số đó có bà Anna Politovskaia. Hôm qua 07/10/2021 là đúng kỷ niệm 15 năm ngày nữ phóng viên Politovskaia với nhiều bài điều tra về tình hình tại Tchetchenia và những vụ vi phạm nhân quyền, bị ám sát.

 

Chưa bao giờ Ủy Ban Nobel Hòa Bình vinh danh quyền tự do báo chí. Hai khôi nguyên năm nay đã vượt qua 329 đối thủ được đề xuất để nhận giải thưởng cao quý này. Theo truyền thống, danh sách đó luôn được Viện Hàn Lâm Oslo giữ kín.

 

                                                         ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Nobel Hòa Bình 2020 vinh danh Chương Trình Lương Thực Thế Giới

.

Giải Nobel Hòa Bình 2019 về tay đương kim thủ tướng Ethiopia

.

Nobel Hòa Bình 2017: Tổ chức chống hạt nhân ICAN nhận giải thưởng

 

.

================================================

.

.

Nobel hòa bình được trao cho hai nhà báo đấu tranh vì tự do ngôn luận

Reuters /  VOA

08/10/2021

https://www.voatiengviet.com/a/nobel-h%C3%B2a-b%C3%ACnh-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-trao-cho-hai-nh%C3%A0-b%C3%A1o-%C4%91%E1%BA%A5u-tranh-v%C3%AC-t%E1%BB%B1-do-ng%C3%B4n-lu%E1%BA%ADn-/6262688.html

 

https://gdb.voanews.com/E2ECEDDD-08E2-41D8-8C29-054AC720EF33_w650_r1_s.jpg

Tổng biên tập Novaya Gazeta, ông Dmitry Muratov, và Giám đốc điều hành Rappler, bà Maria Ressa, được trao giải Nobel Hòa bình 2021

 

Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai ký giả nổi tiếng với những bài báo thường làm các nhà cai trị Philippines và Nga nổi giận, được trao giải Nobel Hòa bình hôm 8/10. Ủy ban Giải Nobel nói rằng giải thưởng này là sự ủng hộ dành cho quyền tự do ngôn luận đang bị đe dọa trên toàn thế giới.

 

Hai nhà báo được trao giải ‘vì đã dũng cảm đấu tranh cho tự do ngôn luận’ ở nước họ, Chủ tịch Berit Reiss-Andersen của Ủy ban Giải Nobel Na Uy phát biểu tại cuộc họp báo.

 

“Đồng thời, họ là đại diện cho tất cả các nhà báo đã đứng lên vì lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí đang đối mặt với ngày càng nhiều thù nghịch,” bà chủ tịch nói thêm.

 

“Báo chí tự do, độc lập và dựa trên sự thật nhằm để chống lại sự lạm dụng quyền lực, dối trá và tuyên truyền chiến tranh.”

 

Muratov là tổng biên tập của tờ báo điều tra Nga Novaya Gazeta, vốn đã thách thức Điện Kremlin của Tổng thống Vladimir Putin với các cuộc điều tra về hành vi sai trái và tham nhũng, và đưa tin sâu rộng về cuộc xung đột ở Ukraine.

 

Khi Reuters phỏng vấn ông sáu năm trước, phía bên kia văn phòng ông cách một hội trường là chân dung sáu nhà báo của Novaya Gazeta bị sát hại từ năm 2001, bao gồm Anna Politkovskaya, vốn nổi tiếng với việc đưa không hề sợ hãi về các cuộc chiến tranh của Nga ở Chechnya và đã bị bắn chết trên cầu thang nhà bà vào ngày sinh nhật của ông Putin năm 2006.

 

Muratov, 59 tuổi, là người Nga đầu tiên giành giải Nobel Hòa bình kể từ cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev mà bản thân ông đã giúp thành lập Novaya Gazeta với số tiền ông nhận được từ giải thưởng vào năm 1990.

 

Ressa, 58 tuổi, là người Philippine đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa bình. Bà lãnh đạo công ty truyền thông kỹ thuật số Rappler do bà đồng sáng lập năm 2012, và đã có vai trò nổi bật qua các phóng sự điều tra, bao gồm cả các vụ sát hại quy mô lớn trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của cảnh sát.

 

“Chống chính quyền là điều điên rồ: Tôi không có mục đích làm việc đó, nhưng nó trở nên cần thiết cho công việc của tôi,” bà viết trên Financial Times hồi tháng 12.

 

“Tôi đã bị bắt vì mình là nhà báo – vì đã cho đăng các bài báo trung thực mà những người nắm quyền ác cảm – nhưng điều này chỉ càng để tháo tôi khỏi xích xiềng, để giúp tôi hiểu những gì đang xảy ra và vạch ra con đường phía trước.”

 

Đây là giải Nobel Hòa bình đầu tiên dành cho các nhà báo kể từ khi nhà báo Đức Carl von Ossietzky được vinh danh vào năm 1935 vì đã tiết lộ chương trình tái vũ trang bí mật hậu chiến ở nước ông.

 

Vào tháng 8, một tòa án Philippines đã bác bỏ một vụ kiện vu khống nhằm vào bà Ressa. Đó là một trong những vụ kiện nhằm vào bà vì các bài báo chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte.

 

Cảnh ngộ của Ressa, một trong nhiều nhà báo được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm vào năm 2018 với thành tích đấu tranh chống nạn áp bức báo chí, đã làm cho thế giới quan ngại về sự sách nhiễu truyền thông ở Philippines, một quốc gia từng được coi là chuẩn mực cho tự do báo chí ở châu Á.

 

Tại Moscow, Nadezhda Prusenkova, một nhà báo tại Novaya Gazeta, nói với Reuters rằng các nhân viên của tòa báo rất ngạc nhiên và vui mừng.

 

Chúng tôi sốc. Chúng tôi không biết,” Prusenkova nói. “Tất nhiên chúng tôi hạnh phúc và điều này thực sự tuyệt vời.”

 

Người đứng đầu Ủy ban Giải Nobel, Reiss-Andersen, nói rằng ủy ban này đã quyết định gửi thông điệp về tầm quan trọng của báo chí nghiêm cẩn vào thời điểm công nghệ đã làm cho việc lan truyền tin thất thiệt dễ hơn bao giờ hết.

 

“Chúng tôi thấy rằng mọi người đang bị báo chí thao túng, và ... báo chí dựa trên sự thật, chất lượng cao trên thực tế ngày càng bị hạn chế,” bà nói với Reuters.

 

Đó cũng là cách để mọi người thấy được hoàn cảnh khó khăn cuả các nhà báo, nhất là dưới các chính quyền ở Nga và Philippines, bà nói thêm.

 

“Tôi không hiểu rõ về tâm trí của cả ông Duterte và ông Putin. Nhưng những gì họ sẽ nhận thấy là ánh mắt chú ý dồn về phía đất nước của họ, và ở đó họ sẽ phải bảo vệ tình hình hiện tại, và tôi tò mò không biết họ sẽ phản ứng thế nào,” bà Reiss-Andersen nói với Reuters.

 

Điện Kremlin đã chúc mừng ông Muratov.

 

“Ông ấy đã kiên trì làm việc theo lý tưởng của mình, ông ấy tận tụy với nó, ông ấy tài năng, ông ấy dũng cảm,” phát ngôn nhân Dmitry Peskov nói.

 

Giải Nobel sẽ giúp cho cả hai nhà báo được quốc tế biết đến nhiều hơn và có thể truyền cảm hứng cho một thế hệ nhà báo mới, ông Dan Smith, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cho biết.

 

“Chúng tôi thường mong rằng được quốc tế biết đến nhiều hơn thực sự có nghĩa là quyền và sự an toàn của những cá nhân này sẽ được bảo vệ nhiều hơn,” ông nói với Reuters.

 

Giải Nobel Hòa bình sẽ được trao vào ngày 10/12, nhân dịp kỷ niệm ngày mất của nhà công nghiệp Thụy Điển Alfred Nobel, người sáng lập giải thưởng.

 

======================================

.

.

Nhà báo Philippines và Nga được Nobel Hòa bình, nhấn mạnh tự do   

BBC Tiếng Việt

8 tháng 10 2021, 16:16 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-58843017

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/B891/production/_120994274_ressa_muratov_reuters_getty.jpg Maria Ressa và Dmitry Muratov

 

Giải Nobel Hòa bình 2021 đã được trao cho Maria Ressa và Dmitry Muratov vì cuộc chiến giành quyền tự do ngôn luận ở Philippines và Nga.

 

Nhà báo Philippines Maria Ressa bị kết tội phỉ báng

Quanh vụ Philippines bắt nhà báo Maria Ressa

Giải Nobel Hóa học cho công trình tạo phân tử mới

 

Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2021 cho Maria Ressa và Dmitry Muratov vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

 

Tin này ngay lập tức đã được nhiều người Việt Nam chia sẻ trên mạng Facebook với câu hỏi "Khi nào thì có nhà báo, nhà đấu tranh VN được vinh dự này?".

 

Trả lời BBC News cùng ngày, bà Maria Ressa nói từ Philippines rằng "các nhà báo ở châu Á và những nơi khác sẽ vẫn cứ phải tiếp tục làm công việc của mình, và cần sẵn sàng chấp nhận bị trừng trị khi câu chuyện họ nêu ra không vừa lòng ai đó".

 

Bà Ressa và ông Muratov nhận Giải thưởng Hòa bình vì "đã dũng cảm đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận ở Philippines và Nga".

 

Ủy ban Nobel Na Uy nói: "Họ là đại diện của tất cả các nhà báo đứng lên bảo vệ lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi."

 

Theo Ủy ban, Maria Ressa, sinh năm 1963, sử dụng quyền tự do ngôn luận để vạch trần việc lạm dụng quyền lực, sử dụng bạo lực và chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng ở quê hương Philippines.

Năm 2012, bà đồng sáng lập Rappler, một công ty truyền thông kỹ thuật số dành cho lĩnh vực báo chí điều tra.

 

Là một nhà báo và là Giám đốc điều hành của Rappler, Ressa đã là một người bảo vệ quyền tự do ngôn luận không sợ hãi.

 

Rappler đã tập trung sự chú ý chỉ trích vào chiến dịch chống ma túy giết người, gây tranh cãi của chế độ Duterte.

 

Còn tại Nga, Dmitry Andreyevich Muratov, sinh năm 1961, trong nhiều thập kỷ đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Nga trong những điều kiện ngày càng thách thức.

 

Năm 1993, ông là một trong những người sáng lập tờ báo độc lập Novaja Gazeta.

 

Kể từ năm 1995, ông đã giữ chức vụ tổng biên tập của tờ báo trong 24 năm.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/B78C/production/_120888964_a2a5b5d8-6ee6-493b-abce-7f2f9686521c.jpg

Maria Ressa và Dmitry Muratov

 

Novaja Gazeta là tờ báo độc lập nhất ở Nga hiện nay, với quan điểm cơ bản là phê phán quyền lực, theo Ủy ban Nobel Na Uy.

 

Kể từ khi thành lập vào năm 1993, Novaja Gazeta đã chỉ trích tham nhũng, bạo lực của cảnh sát, bắt giữ trái pháp luật, gian lận bầu cử...

 

Kể từ khi tờ báo ra đời, sáu nhà báo của tờ báo đã thiệt mạng, bao gồm cả Anna Politkovskaja, người đã viết các bài báo tiết lộ về cuộc chiến ở Chechnya.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0603/production/_120993510_nobel_peace_prize_vietnamese_640-nc.png

Giải Nobel Hòa Bình qua con số

 

Ủy ban Nobel Na Uy nói: "Nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, sẽ khó có thể thúc đẩy thành công tình huynh đệ giữa các quốc gia, giải trừ quân bị và một trật tự thế giới tốt đẹp hơn trong thời đại của chúng ta. Do đó, việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay được gắn với các quy định trong di chúc của Alfred Nobel."

 

Ủy ban Nobel Na Uy tại Oslo, Na Uy đã công bố giải thưởng này.

 

Giải thưởng năm ngoái thuộc về Chương trình Lương thực Thế giới vì những nỗ lực giải quyết nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu.

 

 

Xem thêm:

Vì sao ông Lê Đức Thọ từ chối nhận Nobel Hòa bình 1973?

ICAN đoạt giải Nobel Hòa bình

Khôi nguyên Nobel Hòa bình trở lại Pakistan

 

                                               ***

TIN LIÊN QUAN

 

Có đúng là ông Lê Đức Thọ hoàn toàn không muốn nhận Nobel Hòa bình 1973?

8 tháng 10 năm 2021

.

Nhà báo Philippines Maria Ressa bị kết tội phỉ báng trên mạng

15 tháng 6 năm 2020

.

Time vinh danh các phóng viên bị giết, bị tù là 'Nhân vật của Năm'

11 tháng 12 năm 2018

.

Quanh vụ chính quyền Duterte bắt nhà báo nổi tiếng Maria Ressa

14 tháng 2 năm 2019

.

Philippines: Maria Ressa, người sáng lập trang Rappler lại bị bắt

29 tháng 3 năm 2019

.

Vụ án Phạm Đoan Trang: Đã hoàn tất điều tra, có thể sớm xét xử?

3 tháng 9 năm 2021

.

'Hai nhóm tự nhận đại diện NXB Tự do' sau khi Phạm Đoan Trang bị bắt

1 tháng 6 năm 2021

.

Nhân quyền VN 2020: 'Tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn'

14 tháng 1 năm 2021

.

Giải Nobel Hóa học cho công trình tạo phân tử mới

6 tháng 10 năm 2021

.

Tiết lộ thú vị về Việt Nam trong hồi ký Đại sứ Mỹ Ted Osius

5 tháng 10 năm 2021




No comments: