Thursday, October 28, 2021

FACEBOOK BỊ TỐ TUÂN THEO CÁC YÊU CẦU CỦA HÀ NỘI (Hiếu Chân / Người Việt)

 


Facebook bị tố tuân theo các yêu cầu của Hà Nội

Hiếu Chân/Người Việt

October 26/10/2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/facebook-bi-to-tuan-theo-cac-yeu-cau-cua-ha-noi/

 

Một buổi sáng thức dậy mở điện thoại, ông Đ.H., một doanh nhân ở Sài Gòn, hết sức tức giận khi thấy bản tin (status) mà ông đăng lên trang Facebook cá nhân tối hôm trước đã bị xóa, chỉ còn dòng thông báo lạnh lùng rằng bản tin của ông đã “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” của mạng xã hội này. Ông H. là một nhà giáo dục có tiếng về chiến lược quản trị doanh nghiệp, người thường sử dụng Facebook để chia sẻ những thông tin kinh tế mà ông nghĩ học viên của ông cần phải quan tâm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/10/A1-Facebook-tuyen-truyen-Ha-Noi-1068x743.jpg

“Cá nhân Zuckerberg tự quyết định rằng Facebook sẽ tuân theo các yêu cầu của Hà Nội…,” báo Washington Post viết. (Hình minh họa: Solen Feyissa/Unsplash)

 

Trong bản tin đã bị xóa, ông trích dẫn một đoạn từ báo The Wall Street Journal ngày 20 Tháng Mười tường thuật việc ban giám đốc tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ cân nhắc rút ra khỏi dự án khai thác khí đốt Cá Voi Xanh ở bờ biển miền Trung Việt Nam: “Mỏ rất gần vùng biển tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, và các nhà phân tích nói Trung Quốc rất tích cực ngăn cản ngành khai thác dầu và khí đốt ngoài khơi của Việt Nam, làm gia tăng các rủi ro địa chính trị cho dự án.”

 

Kèm theo bản tin của báo WSJ, ông H. bình luận: “Trung Quốc (TQ) có đang thực thi chính sách cô lập kinh tế Việt Nam (VN)? Tuy không tuyên bố công khai nhưng những năm qua TQ đã thực thi một chính sách cấm vận kinh tế đối với VN. Họ đe dọa trừng phạt những ai làm ăn với VN, đặc biệt là đối với ngành năng lượng. Không chỉ là đối với những khu vực mà phía TQ gọi là ‘vùng tranh chấp,’ mà cả những dự án đã khai thác ổn định từ lâu, ở những vùng nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN mà dự án của BP là một ví dụ. Không như Mỹ, cấm vận ai, trừng phạt ai thì tuyên bố công khai, TQ không tuyên bố công khai mà ngấm ngầm gây áp lực buộc các đối tác của VN phải từ bỏ làm ăn với VN. Tôi nghĩ phía VN nên vạch mặt chính sách cấm vận kiểu này và tuyên bố phản đối chính sách cô lập, cấm vận kinh tế này của TQ đối với VN.”

 

Rõ ràng, với suy nghĩ bình thường, phát ngôn của ông H. không hề có cái gọi là “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng,” không thù hận, không kích động bạo lực hoặc khiêu dâm mà chỉ đụng chạm tới chính quyền Trung Quốc. Vậy tại sao Facebook xóa bài của ông một cách tùy tiện như vậy?

 

                                                         ***

Chuyện Facebook xóa bài của ông Đ.H. kể trên chỉ là chuyện rất nhỏ, “chuyện thường ngày” ở Việt Nam và không làm ai ngạc nhiên. Nhưng nó xảy ra vào thời điểm mạng Facebook và ông chủ của nó – tỷ phú Mark Zuckerberg – đang gây ồn ào trên truyền thông quốc tế. Có ít nhất 17 tổ chức báo chí đã mở mục “Hồ Sơ Facebook” (Facebook Papers) để tường trình những chính sách và hành vi mờ ám của mạng xã hội này, như kiểu “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài” thời chiến tranh Việt Nam hay các “Hồ Sơ Panama,” “Hồ Sơ Pandora” mới đây.

 

Một số thành viên cũ của Facebook đã ra điều trần trước Quốc Hội Mỹ và Nghị Viện Anh, tố cáo những thủ đoạn của Facebook trong việc hỗ trợ quảng bá tin giả, kích động thù ghét và bạo lực, đặt lợi nhuận lên trên các giá trị nhân văn và lợi ích công cộng mà mạng này tuyên bố theo đuổi. Một hồ sơ tố cáo Facebook cũng đã được bà Frances Haugen, cựu quản trị sản phẩm của Facebook, đệ trình lên Ủy Ban Chứng Khoán và Hối Đoái Hoa Kỳ (SEC) và đang được cơ quan này xem xét.

 

Đặc biệt, liên quan tới Việt Nam, Facebook và cá nhân ông Mark Zuckerberg đã chấp nhận thỏa hiệp, thậm chí câu kết với đảng Cộng Sản cầm quyền để kiểm duyệt tiếng nói của những người bất đồng chính kiến với chính phủ.

 

Báo The Washington Post ngày 25 Tháng Mười dẫn nguồn từ ba người am hiểu vấn đề, nói rằng vào năm ngoái, ông Zuckerberg đã phải lựa chọn, hoặc tuân theo các yêu cầu của chính quyền Cộng Sản, hoặc có nguy cơ bị đẩy khỏi một thị trường béo bở nhất của Facebook ở Châu Á. “Thế là cá nhân Zuckerberg tự quyết định rằng Facebook sẽ tuân theo các yêu cầu của Hà Nội… Trước khi diễn ra đại hội đảng [Cộng Sản Việt Nam] hồi Tháng Giêng, Facebook đã gia tăng rất mạnh việc kiểm duyệt các bài đăng ‘chống nhà nước,’ trao cho chính quyền sự kiểm soát gần như hoàn toàn nền tảng này,” báo Washington Post viết.

 

Biện minh cho sự lựa chọn của nhà lãnh đạo Facebook đứng về phía nhà cầm quyền toàn trị, một tuyên bố của công ty gửi cho báo Washington Post nói rằng, họ làm như vậy nhằm “bảo đảm các dịch vụ của Facebook luôn có sẵn cho hàng triệu người dựa vào đó hằng ngày.”

 

Cho dù Facebook có thanh minh thế nào thì chuyện Zuckerberg bắt tay với Cộng Sản Hà Nội để trấn áp những tiếng nói đối lập cũng là một thực tế không thể chối cãi và nó gây sốc cho tất cả những ai quan tâm tới quyền tự do ngôn luận và phủ bóng đen lên mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

 

Chuyện đó cũng không phải bây giờ mới xảy ra. Tháng Tám, 2018, báo Nhân Dân của đảng Cộng Sản đưa tin, Facebook “đã gỡ bỏ hàng trăm tài khoản theo yêu cầu của Việt Nam.” Tháng Tám, 2019, báo VietNamNet đăng tin “Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của đảng, nhà nước.”

 

                                                        ***

 

Facebook đã trở thành một nền tảng giao tiếp thiết yếu nhất của người Việt. Khi truyền hình và báo chí đều là công cụ tuyên truyền của đảng đầy sự dối trá, người dân sử dụng Facebook để loan tải tin tức lấy từ truyền thông tiếng Việt ở nước ngoài; các tiện ích của Facebook như Messenger giúp mọi người liên lạc với nhau một cách thuận tiện và miễn phí, dịch vụ Livestream giúp nhiều người thành “nhà báo” công dân hoạt động như một kênh truyền thông đơn giản, dễ tiếp cận và cũng dễ dàng quảng bá các thuyết âm mưu, các thông tin sai sự thực và kích động hận thù.

 

Theo Ân Xá Quốc Tế, mạng Facebook có đến hơn 60 triệu người sử dụng ở Việt Nam, mang về cho công ty này khoản doanh thu quảng cáo tới $1 tỷ vào năm 2018.

 

Nhưng thay vì đặt một nền tảng cho sự tự do biểu đạt của người dân dưới chế độ độc tài, Facebook ở Việt Nam đã biến thành một sân chơi khá hổ lốn của những kẻ bị bệnh ái kỷ, tràn lan những hình ảnh, bài viết khoe khoang khoác lác về các món ăn, các chuyến du hí mà hiếm có những thông tin thật sự thiết thực và bổ ích. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam rất thích một mạng Facebook như vậy để lôi kéo người dân vào những chuyện phù hoa mà quên đi, mà xa lánh cái thực trạng tối tăm, oan khuất của cuộc sống, của đất nước.

 

Với những người có tâm huyết, muốn sử dụng mạng xã hội để phổ biến tin tức và nhận định, chia sẻ niềm ưu tư với vận mệnh quốc gia thì Facebook là một cái bẫy chết người, nhất là sau khi ông Mark Zuckerberg cam tâm biến mạng xã hội này thành công cụ tuyên truyền cho Hà Nội.

 

Khó mà thống kê hết bao nhiêu trường hợp những người dân Việt Nam đã bị bắt, bị tù, bị phạt tiền chỉ vì một bình luận, một phát ngôn trên trang Facebook cá nhân, thậm chí chỉ vì chia sẻ một hình ảnh, một bài viết mà mình tâm đắc.

 

                                                       ***

 

Liên quan tới Facebook, ngày 26 Tháng Mười, một nhóm năm nhà báo Việt Nam, lấy tên nhóm “Báo Sạch” đang phải ra tòa tại tòa án huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.” Tội danh này căn cứ theo Điều 331 của Bộ Luật Hình Sự 2015 (tức Điều 258 của Bộ Luật Hình Sự 1999) – một điều luật hết sức mơ hồ và phi lý, mâu thuẫn với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã ký kết, hình sự hóa các hành vi lẽ ra phải được xem xét theo pháp luật dân sự. Người dân không có quyền tự do dân chủ thì họ làm sao lợi dụng nó được.

 

Đáng chú ý là nhóm “Báo Sạch” (gồm Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã và Lê Thế Thắng) là những người trẻ từng làm việc hoặc cộng tác với các cơ quan báo chí nhà nước nhưng tự họ chưa bao giờ ra một tờ báo mà chỉ hoạt động trên nền tảng Facebook.

 

“Báo Sạch” chỉ là danh xưng của một nhóm bạn “ngẫu hứng” trên Facebook để đăng tải, chia sẻ tin tức và bình luận về những vấn đề mà dư luận quan tâm như vụ án oan của tử tù Hồ Duy Hải, cưỡng chế người dân để lấy đất ở Cần Thơ, bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk dùng luận văn tiến sĩ giả… Do tin tức nhanh nhạy, tài liệu xác thực, bình luận sắc bén, trang Facebook của nhóm “Báo Sạch” thu hút đông người vào đọc; đụng chạm đến quyền lợi của một số quan chức cao cấp của chế độ. Và các nhà báo phải trả giá, có thể bằng những án tù dài.

 

Sau vụ nhóm “Báo Sạch” bị bắt và trang mạng của họ bị xóa hồi Tháng Tư năm ngoái, mạng Facebook ở Việt Nam vắng hẳn những trang thông tin bình luận đa chiều, ngay cả những cây bút cá nhân có nhiều ảnh hưởng cũng bớt phát biểu về các vấn đề xã hội, hoặc phát biểu theo kiểu “rào trước đón sau” rất nhạt nhẽo, kể cả những người chỉ dùng bút danh, vì không ai muốn đụng chạm với nhà cầm quyền công an trị một khi họ đã nắm thóp được ông chủ của diễn đàn có đông đảo người tham gia này.

 

                                                       ***

 

Trở lại vụ xóa bài của ông Đ.H. nói trên. Khi ông H. đăng bài phản đối, nhiều người vào bình luận và cho rằng, việc xóa bài có thể do các dư luận viên người Trung Quốc thực hiện ông đụng chạm đến họ. Có người nói, an ninh Việt Nam mua và sử dụng các công cụ ngăn chặn Internet của Trung Quốc nên có thể Trung Quốc nắm quyền kiểm soát mạng Facebook ở Việt Nam và kiểm duyệt nó để người Việt không thể bày tỏ ý kiến, tình cảm chống Trung Quốc. Có người thậm chí coi chuyện ông Zuckerberg lấy vợ người Trung Quốc như một yếu tố giải thích thái độ thần phục của ông chủ Facebook trước chính quyền Trung Quốc.

 

Chưa có bằng chứng khả tín nào cho những nhận định trên. Nhưng kinh nghiệm thực tế của nhiều nhà báo, nhà hoạt động ở Việt Nam cho biết các quan chức ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn theo dõi rất kỹ báo chí truyền thông tiếng Việt và thường xuyên ra lệnh cho chính quyền sở tại gỡ bỏ, xóa những tin bài hình ảnh không có lợi cho Trung Quốc, thậm chí trừng phạt các nhà báo và cơ quan báo chí đã đăng tải những tin bài đó. Hoạt động của các quan chức Trung Quốc này bây giờ lấn sang cả mạng xã hội.

 

Không gian ngôn luận ở Việt Nam vốn đã tù túng, bưng bít, bây giờ càng thêm ngột ngạt từ sự câu kết giữa nhà cầm quyền Cộng Sản với ông chủ mạng truyền thông Facebook và sự cái bóng của chính quyền Bắc Kinh. Hàng triệu người Việt vẫn sử dụng mạng Facebook hằng ngày, nhưng ước mong sử dụng thành quả công nghệ này cho công cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam xem ra ngày càng khó… [qd]

 



No comments: