Báo
động về tình hình sức khỏe của bà Phạm Đoan Trang trong tù
Đằng Vân -
Saigon Nhỏ
21 tháng 10, 2021
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/09-Doan-Trang.jpg
Nhà hoạt động nhân
quyền Phạm Đoan Trang – Ảnh: Facebook Pham Doan Trang
Ngày 20 Tháng Mười năm 2021, các luật sư bào chữa
cho bà Phạm Đoan Trang, đã gởi đến một số cơ quan chức năng Đơn Kiến nghị,
trong đó nói rõ về tình hình sức khỏe của bà Trang, đồng thời đề nghị thay đổi
biện pháp tạm giam đối với bị cáo. Bà Phạm Đoan Trang, nhà hoạt động nhân quyền
đã bị nhà nước Cộng sản Việt Nam truy tố về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999”. Bà bị
bắt vào ngày Sáu Tháng Mười năm 2020, tại một nhà trọ ở Sài Gòn. Dự kiến phiên
tòa xét xử bà Trang sẽ được mở vào ngày Bốn Tháng Mười Một tại Hà Nội.
***
Sau đây là nguyên văn Đơn Kiến nghị:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2021
ĐƠN KIẾN NGHỊ
(Về tình trạng sức khỏe của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang và thay đổi biện
pháp tạm giam đối với bị cáo)
Kính gửi:
– TÒA ÁN NHÂN DÂN TP. HÀ NỘI
– TRẠI TẠM GIAM SỐ 01 HÀ NỘI
Đồng kính gửi:
– GIÁM ĐỐC CÔNG AN TP. HÀ NỘI
– VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TP. HÀ NỘI
– HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TP.HÀ NỘI
Chúng tôi gồm các luật sư Nguyễn Hà Luân, luật
sư Lê Văn Luân, luật sư Phạm Lệ Quyên – VPLS Hưng Đạo Thăng Long cùng một số luật
sư có tên dưới đây:
1. Luật sư Ngô Anh Tuấn – VPLS Ngô Anh Tuấn;
2. Luật sư Nguyễn Văn Miếng – VPLS Hồng Đức;
3. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc – VPLS Trịnh Vĩnh Phúc;
4. Luật sư Đặng Đình Mạnh – VPLS Đặng Đình Mạnh.
Là các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Đoan
Trang (Sinh năm 1978) trong vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 373/2021/TLST – HS
ngày 01/09/2021 về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam. Hiện tại bị cáo Phạm Thị Đoan Trang đang bị tạm giam tại Trại tạm giam số
01 Hà Nội.
Vào hồi 15h ngày 19/10/2021, các luật sư Lê
Văn Luân, Ngô Anh Tuấn, Phạm Lệ Quyên đã gặp và trao đổi với bị cáo Phạm Thị
Đoan Trang tại Trại tạm giam số 01 Hà Nội. Tại cuộc gặp ngày hôm đó, bà Trang
đã trao đổi rất nhiều và nhấn mạnh về tình hình sức khỏe của mình, nhận thấy rằng
nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài mà không được khám, chữa kịp thời có thể sẽ
nguy hiểm đến tính mạng của bà Trang, vì vậy, chúng tôi làm văn bản này gửi tới
các Quý cơ quan với những nội dung và đề nghị như sau:
1. Về tình
hình sức khỏe của bà Phạm Thị Đoan Trang
Đã hơn 1 năm qua, kể từ khi bị tạm giam (cho tới
ngày trao đổi với các Luật sư), bà Trang gặp phải rất nhiều vấn đề về sức khỏe
bao gồm: (i) tình trạng kinh nguyệt của bà thường kéo dài tới 15 ngày mỗi tháng
(rong kinh) khiến cơ thể bà lúc nào cũng trong tình trạng thiếu máu, ảnh hưởng
tới sinh hoạt hằng ngày; (ii) vấn đề huyết áp thấp của bà cũng phải được lưu ý
đặc biệt khi bà thường xuyên rơi vào tình trạng đau đầu, mệt mỏi, run tay,
chân; (iii) vết thương cũ ở hai chân của bà nhiều lần bị đau nhức khiến cho việc
di chuyển hết sức khó khăn nhất là trong thời tiết lạnh giao mùa. Những biểu hiện
nêu trên của bà Trang đã diễn ra liên tục trong thời gian dài (khoảng 01 năm) dẫn
đến sức khỏe của bà ngày càng yếu đi trầm trọng, hiện tại cân nặng của bà chỉ
còn 48kg (sụt 10kg so với thời gian mới bị tạm giam).
Sau khi tiếp nhận các thông tin từ phía bà
Trang, thông qua việc tham vấn ý kiến từ một số bác sĩ chuyên khoa về vấn đề
này, chúng tôi nhận thấy rằng bà Trang hiện đang gặp phải những đe dọa nghiêm
trọng về sức khỏe. Bà đã chia sẻ rằng trước khi bị tạm giam, bà đã từng khám tại
Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) với kết quả chẩn đoán: có dấu hiệu của khối u
(u nang) và kèm theo một số nội dung tư vấn có liên quan để phòng ngừa. Do đó,
vấn đề kinh nguyệt kéo dài có thể là một trong những nguyên nhân dẫn dến tình
trạng huyết áp thấp của bà, và khiến bà Trang bị sút cân, thậm chí biểu hiện
này còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm như: rối loạn máu và
hooc-mon, bệnh tuyến giáp, tổn thương tử cung và nhiều bệnh khác, nhưng nguy hiểm
hơn đây có thể là dấu hiệu của bệnh u nang buồng trứng (ung thư).
Bà cũng cho biết thêm rằng bà đã nhiều lần trực
tiếp trao đổi với phía Trại tạm giam về tình hình sức khỏe của bản thân, đồng
thời đã đề nghị được khám chữa bệnh nhưng cho đến thời điểm hiện tại (ngày gặp
các Luật sư) thì bà vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào hoặc sự thăm khám
đúng mức nào từ các bác sĩ hoặc nhân viên y tế của Trại tạm giam số 01 Hà Nội.
Cũng tại buổi làm việc với Luật sư, bà đã
thông tin thêm với các Luật sư về sự việc có một số người tự giới thiệu là nhân
viên y tế của Bộ Công an đã đến hỏi thăm sức khỏe của bà vào ngày 02/06/2021.
Tuy nhiên, tại buổi gặp ngày hôm đó, họ cũng chỉ dừng lại ở việc hỏi thăm qua
tình hình sức khỏe mà không thực hiện bất kỳ biện pháp khám bệnh, chẩn đoán lâm
sàng hoặc thực hiện các xét nghiệm nào khác cũng như không đưa ra những hướng dẫn
về liệu trình chăm sóc sức khỏe cho bà, mặc dù bà đã nêu đầy đủ tình trạng sức
khỏe lúc đó của mình. Hiện tại, với những biểu hiện mà bà đã trải qua (vẫn còn
tiếp tục xảy ra và chưa được điều trị kịp thời) khiến bà vô cùng lo lắng cho sức
khỏe của bản thân.
Quyền được bảo hộ về sức khỏe nói chung và được
chăm sóc y tế nói riêng của bị can, bị cáo là một trong những quyền cơ bản và
quan trọng được quy định rất rõ ràng tại nhiều văn bản pháp luật, cụ thể:
+ Hiến pháp 2013 quy định mọi người đều có quyền
được pháp luật bảo hộ về sức khỏe (Điều 20) và có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức
khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế (Điều 38);
+ BLTTHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định
mọi người đều được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe (Điều 11);
+ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2019 quy định
người bị tạm giam có quyền được và bảo đảm chăm sóc y tế (Điều 9.1);
Theo đó, mọi người bao gồm cả bị can, bị cáo –
những người đang bị tạm giam đều phải được hưởng quyền “được pháp luật bảo hộ về
sức khỏe” như đã liệt kê.
Và, đối với các cơ sở giam giữ, theo quy định
của pháp luật, phải có trách nhiệm bảo đảm thi hành những quyền cơ bản trên đối
với bị can, bị cáo, được dẫn chiếu với một số cơ sở sau:
+ Các trại tạm giam có nhiệm vụ bảo đảm cho
người bị tạm giam thực hiện các quyền của mình theo quy định của Luật Thi hành
tạm giữ, tạm giam 2015 và pháp luật có liên quan (Điều 13.1.d);
+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có
trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giam giữ trên địa bàn, tổ chức khám bệnh, chữa
bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 7.4 Nghị định 120/2017/NĐ-CP
ngày 06/11/2017);
+ Cơ sở giam giữ phải có trách nhiệm đưa đối
tượng quản lý được khám, chữa bệnh khi vượt quá khả năng chuyên môn điều trị của
đơn vị y tế tại cơ sở giam giữ đến nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện hoặc
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nơi gần nhất (Điều 5.1 Thông tư liên tịch
số 07/2015/TTLT-BCA-BQP-BYT ngày 19/10/2015 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ
Y tế).
Như vậy, theo đúng diễn biến trao đổi từ phía
bà Trang về mặt thực tế, quyền được chăm sóc y tế và bảo hộ về sức khỏe của bà
Trang chưa được đảm bảo cơ bản và đầy đủ theo quy định pháp luật cũng như chưa
nhận được sự quan tâm kịp thời từ phía Trại tạm giam số 01 Hà Nội (cùng các cơ
quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm khác), trong khi bà Trang đã nhiều lần đề
nghị mà vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Điều này không chỉ dẫn đến sự sa
sút nghiêm trọng về thể chất cũng như tinh thần của bà Phạm Thị Đoan Trang
trong thời điểm hiện tại (thậm chí gây hưởng hoặc để lại di chứng, hậu quả cho
tương lai nếu tiếp tục kéo dài) mà còn ảnh hưởng đến cả quá trình giải quyết vụ
án, cũng bởi lẽ đó mà ngay chính trong BLTTHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã
quy định rằng việc xét xử có thể phải tạm ngừng nếu do tình trạng sức khỏe của
người tham gia tố tụng (bao gồm bị cáo) không được đảm bảo (Điều 251).
2. Các đề
nghị và dựa trên sự cấp thiết cũng như tính hợp pháp
Căn cứ tại Điều 73 BLTTHS 2015 về nghĩa vụ của
người bào chữa phải giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của họ, cũng như dựa trên các quyền của bị cáo Phạm Thị Đoan
Trang, trong tình trạng cấp thiết về sức khỏe như đã nêu ra với mức độ nghiêm
trọng đáng kể, chúng tôi khẩn thiết gửi tới các Ông/bà có thẩm quyền những đề
nghị sau:
1. Đề nghị TAND TP.Hà Nội (cơ quan thụ lý vụ án) kịp thời tiến hành xác nhận
tình trạng suy giảm sức khỏe của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang, từ đó phối hợp với
Trại tạm giam số 01 để tiến hành các thủ tục cho bà Phạm Thị Đoan Trang được
khám chữa bệnh; trong trường hợp xét thấy điều kiện khám chữa bệnh tại Trại tạm
giam số 01 Hà Nội không đáp ứng đủ điều kiện về trang thiết bị cũng như chuyên
môn thì phải tiến hành đưa bà Trang đến các cơ sở khám chữa bệnh khác để thăm
khám; dựa trên tình hình thực tế và diễn biến sức khỏe Tòa án ban hành quyết định
hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị cáo và thay đổi sang biện pháp ngăn chặn
khác để đảm bảo cho gia đình có điều kiện để chăm sóc và đồng thời thuận tiện
cho việc chữa bệnh của bà Trang;
2. Đề nghị Trại tạm giam số 01 Hà Nội thực hiện khám chữa bệnh sơ bộ cho bị
cáo Phạm Thị Đoạn Trang ngay (với mọi phượng tiện hiện có) và trên cơ sở đó
thông báo tới TAND TP.Hà Nội để có các biện pháp khám chữa bệnh chuyên sâu tiếp
theo (nếu vượt quá khả năng hoặc do diễn biễn nặng và trở nhanh của bệnh) cho
bà Trang;
3. Đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội (quản lý trực tiếp), VKSND TP.Hà Nội
(kiểm sát tố tụng) và HĐND TP.Hà Nội (theo chức năng đại diện) có biện pháp chỉ
đạo, giám sát đối với vụ việc của bà Phạm Thị Đoan Trang và lên kế hoạch thanh
tra việc áp dụng pháp luật về chế độ bảo đảm sức khỏe của các bị can, bị cáo
trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
Kính thưa các Ông/Bà cùng các Quý cơ quan có
thẩm quyền và trách nhiệm!
Sức khỏe của bà Phạm Thị Đoan Trang đang trong
tình trạng vô cùng cấp thiết, vì vậy kính đề nghị các Ông/Bà và các Quý cơ quan
sớm đưa ra những biện pháp cũng như các chỉ đạo sớm nhất (kịp thời) để tránh dẫn
đến những chuyển biến nguy hiểm hoặc nghiêm trọng hơn cho bị cáo.
Trân trọng cảm ơn!
Mọi văn bản tố tụng đề nghị gửi về địa chỉ:…
(Nguồn: Facebook Võ
Văn Tạo)
.
No comments:
Post a Comment