Thursday, October 21, 2021

5 ĐIỀU TÔI HỐI TIẾC KHI HỌC LUẬT Ở VIỆT NAM (Trịnh Hữu Long - Luât Khoa)

 


 

5 điều tôi hối tiếc khi học luật ở Việt Nam

TRỊNH HỮU LONG  -  LUẬT KHOA

21/10/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/10/5-dieu-toi-hoi-tiec-khi-hoc-luat-o-viet-nam/

 

Nếu hồi đó chủ động làm những chuyện này, tôi có thể đã là một sinh viên luật rất khác.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/10/sinh-vien-luat-1024x536.jpg

5 điều hối tiếc khi học luật  .   Đồ họa: Luật Khoa/ Canva.

 

 

Tôi vào trường luật cách đây 17 năm, nghĩa là… Chà! Nghĩa là tôi gần gấp đôi tuổi của những tân sinh viên luật năm nay. Kể từ vài năm trở lại đây, thỉnh thoảng tôi lại thả hồn vào cái ý tưởng quay lại trường luật, nhưng là một trường luật ở nước ngoài, để học luật một lần nữa. Lý do vì tôi luôn cảm thấy tiếc nuối bốn năm học luật ngày xưa của mình.

 

Xin chia sẻ năm điều tôi hối tiếc và luôn ước giá như mình có thể trở lại để làm khác đi. Để tránh mọi hiểu nhầm thì tôi chỉ làm nghề tư vấn luật một thời gian ngắn, phần lớn sự nghiệp của tôi cho tới nay là một nhà báo chuyên về pháp luật.

 

1. Điều hối tiếc đầu tiên là… đăng ký học luật

 

Thời tôi học cấp 3, đầu những năm 2000, ngành luật đang dần nổi lên vì cơ hội việc làm rất đa dạng. Tôi đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Luật Hà Nội mà không thực sự hiểu mình đang lao đầu vào cái gì, cũng chẳng có ai hiểu chuyện để tư vấn hướng nghiệp cho tôi.

 

Mãi sau này, khi đã ra trường đi làm rồi, tôi mới thấy đó là một quyết định tuy không tệ nhưng cũng không đủ tốt. Ấy là vì tôi nhận ra đứa trẻ 18 tuổi mới học xong lớp 12 là tôi khi ấy không đủ kiến thức và trải nghiệm cuộc sống để học luật. Tôi e rằng điều này cũng đúng với nhiều sinh viên luật khác ở Việt Nam.

 

Hiển nhiên bạn cũng có thể nói rằng trừ Mỹ và một số nước khác ra thì hầu hết các nước đều tuyển cử nhân luật từ học sinh phổ thông, chứ không có mấy nước buộc người ta phải học một bằng đại học xong rồi mới cho học luật. Tôi không phủ nhận chuyện đó, tôi cũng nghĩ bạn hoàn toàn có thể học luật “ngon lành” ngay sau khi học xong cấp 3 như nhiều người bạn tôi đã làm được. Nhưng, tôi nghĩ trong điều kiện Việt Nam thì học luật sau khi học đại học xong, thậm chí sau một thời gian đi làm, có thể sẽ là lựa chọn tốt hơn cho nhiều người khác.

 

Học luật không phải là học văn bản luật. Luật bắt nguồn từ đời thường và phục vụ đời thường. Nó phải dựa trên lý lẽ. Học luật, do vậy, phải là học lý lẽ và dùng lý lẽ đó để hiểu văn bản luật và chất vấn ngược lại văn bản luật. Đó mới là tinh thần học luật mà tôi mong muốn có.

 

Để học được và vận dụng lý lẽ, một sinh viên luật cần tư duy logic. Nhưng có tư duy logic không không đủ. Bạn phải có chất liệu để tư duy. Giống như muốn giải phương trình thì ngoài phương pháp giải, người ta phải biết các biến số cụ thể của nó là gì thì mới giải được. Ở đâu ra chúng ta có các chất liệu đó? Tôi nghĩ cách tốt nhất để có được các chất liệu đó là học đại học một ngành xã hội khác như lịch sử, xã hội học, kinh tế học, rồi ra trường đi làm một vài năm để hiểu đời thường và nhặt nhạnh chất liệu từ đời thường.

 

Đó là chưa kể, ở Việt Nam, đời thường có khi dạy chúng ta về tư duy logic và lý lẽ tốt hơn nhà trường. Lý do vì nhà trường không khuyến khích học sinh, sinh viên phản biện, mà khuyến khích học thuộc. Tư duy logic trong nhà trường chỉ được dùng để giải Toán chứ không được dùng để biện luận.

 

Tôi không có ý khuyên bạn nên học luật ngay sau khi hết lớp 12 hay không. Tôi chỉ khuyên bạn nên cân nhắc rất kỹ điều này, tìm những giảng viên luật hay luật sư đáng tin cậy để hỏi. Sau này khi bạn làm luật sư hay thẩm phán, công việc của bạn sẽ liên quan trực tiếp tới thân phận của rất nhiều người. Đó là gánh nặng mà những người hành nghề luật phải mang.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/10/image-5.png

Bảng tin nội bộ ở Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: saostar.vn

 

2. Không đọc gì khác ngoài giáo trình

 

Thực sự thì không đến nỗi vậy, nhưng tôi toàn đọc sách không liên quan lắm tới luật.

 

Môi trường học luật của tôi hồi đó, mà chắc bây giờ vẫn vậy, khiến cho động lực học tập của sinh viên là lấy điểm cao, hoặc để qua môn. Nghe thì có vẻ chính đáng và chẳng có gì sai. Vấn đề nằm ở chỗ điểm số của bạn phụ thuộc vào việc bạn học thuộc được văn bản luật hay không và trả lời có đúng những gì giáo trình nói hay không, chứ không phụ thuộc vào khả năng lập luận của bạn.

 

Thậm chí, hồi ấy sinh viên chúng tôi còn nói nhỏ với nhau là khi thi vấn đáp thì phải trả lời đúng như lời giảng viên đó nói, chứ không được trả lời như giảng viên khác nói. Tôi cũng chẳng buồn kiểm chứng xem chuyện đó có thật hay không, có lẽ đúng với giảng viên này và không đúng với giảng viên kia.

 

Nếu như chỉ cần học vậy là có thể đạt điểm khá, giỏi thì tội gì phải đọc gì khác ngoài giáo trình và vở ghi chép, phỏng ạ? Nhưng bạn đầu tư bốn năm cuộc đời mình cho trường luật thì có lẽ nên tìm cách thu lợi được nhiều hơn thế.

 

Tôi hối tiếc vì hồi đó tôi không tìm đọc các sách luật chuyên khảo, các tạp chí luật học, các báo cáo của các tổ chức lớn, và giáo trình của các trường luật miền Nam trước năm 1975. Đó là những cuốn mà tác giả tìm cách trình bày vấn đề, cho chúng ta biết các luồng quan điểm khác nhau và cả cách biện luận của tác giả.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2019/01/an-le-vung-tap-2-1024x538.jpg

Bìa sách “Án lệ vựng tập“, một công trình quý giá của Thẩm phán, Chánh án Trần Đại Khâm. Sách được in năm 1968 tại Sài Gòn. Ảnh: Facebook Thú Chơi Sách.

 

Tôi cũng hối tiếc vì hồi đó không tìm đọc sách triết học chính trị và triết học pháp lý. Cũng như bao sinh viên khác, tôi không có thiện cảm với các môn Mác – Lê-nin nên nghe tới triết học là bỏ chạy. Mãi sau này ra trường đi làm vài năm rồi tôi mới biết có cả một bầu trời trong những cuốn sách triết học mà Nhà xuất bản Tri Thức hồi đó bắt đầu ấn hành.

 

Tôi sẽ trở thành một sinh viên rất rất khác nếu như hồi đó tôi chủ động đi tìm những cuốn sách này. Than ôi…

 

3. Không học tiếng Anh

 

Dĩ nhiên là có học vì trong trường có dạy, trung tâm có dạy, nhưng học cũng… gần như không, phần lớn vì bản thân không ráng học.

 

Đây là sai lầm mà tôi sẽ mãi hối tiếc. Lợi ích chung của việc thành thạo tiếng Anh thì thôi tôi khỏi phải bàn. Còn lợi ích cụ thể với một người học luật như tôi thì cũng rất nhiều.

 

Thú thực sách tiếng Việt không đến nỗi không có, nhưng tác giả tự kiểm duyệt nhiều, cách hành văn lại khá khô khan, muốn tìm hiểu thì hầu như phải dựa vào sách dịch, mà ngôn ngữ dịch ở ta lại khá là trúc trắc. Khi lớn lên, tôi mất đi hứng thú đặc biệt với sách mà tôi có khi còn nhỏ, việc đọc sách tiếng Việt do vậy phải dựa vào nỗ lực nhiều hơn. Đọc sách tiếng Anh giúp tôi tìm lại được hứng thú đó. Bởi vậy tôi không đồng ý với những người suốt ngày chê dân Việt Nam ta lười đọc mà không nhìn lại xem kho tàng sách vở của ta hiện nay thế nào.

 

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác sung sướng khi lần đầu đọc hiểu được sơ sơ một số tài liệu luật tiếng Anh, rồi sau này là sách luật tiếng Anh, rồi các bài báo học thuật về luật, rồi các đạo luật và bản án của các tòa án Mỹ. Bởi vậy, việc làm báo trong lĩnh vực pháp luật của tôi trở nên thuận lợi hơn vô cùng nhiều. 

 

Thời tôi mới làm báo, tầm năm 2011-2012, một đồng nghiệp đi trước của tôi khi biết tôi không đọc được tài liệu tiếng Anh đã buông lời cảm thán thế này: Tao biết tiếng Anh rồi mới đi làm báo, nên thực sự tao không hiểu làm báo mà không biết tiếng Anh thì làm thế nào.

 

Giờ nghĩ lại cái thời chưa biết tiếng Anh của bản thân, quả thực, tôi cũng… rùng mình.

 

4. Không học luật qua các vụ cụ thể

 

Nhiều người “ngoại đạo” có lẽ sẽ ngạc nhiên và thắc mắc, rằng ủa học luật mà không học các vụ việc, vụ án, các hồ sơ cụ thể thì học thế nào, ủa học gì kì zậy, ủa tóm lại thực sự là mày có đi học không, ủa ủa rồi mày đi học zậy thì toi cơm rồi còn gì, v.v.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/10/image-29-1024x536.jpeg

Ảnh minh họa: Đại học Luật Hà Nội.

 

Thôi thì cứ bình tĩnh, vì tình hình chung ở các trường luật thời tôi học nó là như vậy. Về cơ bản, chúng tôi chỉ đọc lý thuyết trong giáo trình, đọc văn bản luật, và phân tích các tình huống… giả định. Giời cao đất dày ơi, tình huống thật thiếu chi mà phải giả định, phỏng ạ? Thế nhưng cái thời ấy nó thế, thời bây giờ tôi đoán không khác là bao. Chúng tôi học rất nhiều lý thuyết, rất nhiều luật nội dung, nhưng không biết gì mấy về luật thủ tục.

 

Năm cuối tôi có đi làm ở một hãng luật, tiếp xúc trực tiếp với các hồ sơ vụ việc cụ thể trên thực tế, từ đó mới vỡ ra là mình có thể học được nhiều cỡ nào qua những công việc khá giản đơn này của nghề luật sư tư vấn. Sau này đi làm thì dĩ nhiên là còn học được nhiều thứ nữa.

 

Nhưng bước ngoặt thực sự là khi tôi bắt đầu làm báo và chuyên đào bới các vụ tranh chấp đất đai giữa nông dân với chính quyền. Tôi nhận được những tập hồ sơ dày hàng tấc và bắt đầu hiểu câu chuyện đất đai trên thực tế ra sao, những điều bất hợp lý của pháp luật đất đai là gì, và thế bế tắc trong các tranh chấp giữa nông dân và chính quyền ra sao. Bài học hay nhất về luật đất đai mà tôi học được, hóa ra, không phải từ các giảng viên trường luật, mà từ một cụ ông nông dân tuổi thất thập ở Văn Giang, Hưng Yên khi đó đang có tranh chấp đất với chính quyền.

 

Vậy nên nếu được trở lại trường luật, tôi sẽ đi tìm các vụ án, các vụ tranh chấp, các hồ sơ vụ việc để đọc; tìm các phiên tòa để dự; và hơn thế nữa, là xin đi thực tập ở các hãng luật càng sớm càng tốt.

 

5. Không đi dự các hội thảo

 

Ai thích đi dự các hội thảo đây? Chắc ngoài những người đi dự được nhận phong bì ra thì chẳng ai ham hố? 

 

Không. Đi dự hội thảo vô cùng tốt cho việc học luật mà thời sinh viên tôi không biết, và điều tôi luôn tự trách là tại sao không thử đi dự vài cuộc xem sao.

 

Hội thảo là nơi bạn có thể gặp gỡ các chuyên gia hàng đầu trong một lĩnh vực nào đó, nghe họ trình bày một vấn đề và nghe các cuộc thảo luận sau đó. Đó là cách học thường là tốt hơn so với lối học thầy giảng – trò chép ở trường.

 

Điều rất bổ ích ở các hội thảo là các diễn giả sẽ cập nhật cho bạn những nghiên cứu mới, những cuộc tranh luận pháp luật đương thời, những luồng quan điểm đương thời về một vấn đề.

 

Và sau cùng, nhưng không kém phần quan trọng, hội thảo là nơi đáng ra tôi đã có thể làm quen và thiết lập được mối quan hệ với các chuyên gia, các luật sư, thậm chí với những người không những chỉ giỏi chuyên môn mà còn tâm huyết với đất nước. Đáng tiếc, tôi đã không làm.

 

                                                         ***

 

Nói tiếc năm điều là nói vậy thôi chứ thực sự tôi phải tiếc đến 50 điều. Nhưng thôi chia sẻ như vậy để nếu bạn có đọc được thì tham khảo, vì một trong 45 điều hối tiếc còn lại của tôi là đã không chủ động đi tìm người đi trước để hỏi những chuyện căn bản như thế này.


 

Bài phản ánh trải nghiệm riêng của tác giả, một cựu sinh viên Đại học Luật Hà Nội. Bạn cũng có thể chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi qua email bbt@mail.luatkhoa.org.




No comments: