Vận
động tẩy chay Nga-Trung: Chuyến công du không như kỳ vọng của Mỹ
PV/VOV-Praha
Thứ 2, 11:29, 17/08/2020
VOV.VN - Chuyến công du các nước Trung và Đông Âu của
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Nga-Trung đã kết thúc
không như mong đợi.
Trong bối cảnh cuộc chiến
công nghệ Mỹ - Trung đang trở nên gay gắt; mức độ ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc
tới khu vực đang ngày càng rõ ràng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
với những toan tính chiến lược có mục đích thúc đẩy chiến dịch làm giảm ảnh hưởng
của Nga và Trung Quốc tới khu vực này, đồng thời thể hiện vai trò và tầm ảnh hưởng
của Mỹ tới Trung và Đông Âu nói riêng, châu Âu nói chung, qua đó, tạo thế đối
trọng với những ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của Nga - Trung Quốc tới khu
vực này trong thời gian qua.
https://images.vov.vn/w800/uploaded/4bpdy3ykolq/2020_08_17/1_htmf.jpg
Ngoại trưởng Mỹ
Mike Pompeo thăm 4 nước Trung và Đông Âu từ 11-15/8. Ảnh: altanliccouncil
Những điểm nhấn
trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ
Chuyến thăm 4 nước Trung
và Đông Âu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (từ 11-15/8) bước đầu đã đạt được một
số kết quả nhất định. Chuyến công du này thể hiện chính sách coi trọng, không bỏ
rơi các đồng minh của Mỹ trong khu vực, cũng như cạnh tranh tầm ảnh hưởng chính
trị và kinh tế với Nga và Trung Quốc tại đây. Ở mỗi điểm dừng chân, Ngoại trưởng
Mỹ Mike Pompeo đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra trước chuyến thăm, đặc biệt
là các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc và
Nga tới khu vực này cũng như việc tái bố trí binh sỹ Mỹ sau khi rút quân khỏi Đức.
Trong lĩnh vực về an ninh
mạng, tại các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu (gồm 4
nước là Séc, Áo, Slovenia, Ba Lan), Ngoại trưởng Mỹ đã có những khuyến cáo về mối
nguy hại khi hợp tác với các tập đoàn của Trung Quốc và Nga. Ông Pompeo nhấn mạnh
về tầm quan trọng đối với vấn đề an ninh mạng hiện nay, đảm bảo nguyên tắc an
ninh, an toàn thông tin trước những thách thức từ Trung Quốc.
Trước đó, Mỹ từng nhiều lần
cảnh báo các nước rằng tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc là mối đe dọa đối
với an ninh của các đồng minh. Điều này cũng được các nước như Séc, Ba Lan đồng
tình. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Séc Andrej Babis, Ngoại trưởng Mỹ Mike
Pompeo đề cập tới chiến lược 5G của Trung Quốc, coi đây trở thành vấn đề hàng đầu
trong trạm dừng chân đầu tiên của ông ở Praha.
Ngoại trưởng Mỹ Mike
Pompeo cũng nhắc lại sự kiện hơn 30 quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á - Thái
Bình Dương đã cùng thông qua một nguyên tắc bảo mật cho mạng 5G được kí vào
tháng 5/2019 với tên gọi “Đề xuất Praha”. Ông chỉ ra rằng, hai bên đã có thảo
luận về hợp tác năng lượng và trao đổi về Sáng kiến Ba Biển, nhận định đây sẽ
là nền tảng thúc đẩy sự kết nối giữa các quốc gia Trung và Đông Âu trong các dự
án hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, năng lượng, kỹ thuật số… qua đó, rút ngắn khoảng
cách với Tây Âu, đồng thời tăng cường mối
quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tại Slovenia, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp nước chủ nhà Anze Logar
đã ký một tuyên bố "loại bỏ những nhà cung cấp viễn thông không đáng tin cậy"
khỏi mạng 5G. Tuy không đề cập trực tiếp tới tập đoàn công nghệ Huawei của
Trung Quốc, nhưng với cam kết của Slovenia trong việc đánh giá kỹ lưỡng nhà
cung cấp, Huawei được ngầm hiểu là đối tượng được nhắc đến trong tuyên bố này.
Động thái này diễn ra
trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn đang tiếp tục chiến dịch
thuyết phục các đồng minh loại bỏ các tập đoàn viễn thông của Trung Quốc như Huawei
ra khỏi tiến trình xây dựng mạng không dây tốc độ cao này.
Tại điểm dừng chân cuối
cùng của chuyến công du các nước ở Trung và Đông Âu, việc tái bố trí binh sĩ Mỹ
tại Warsaw cũng là vấn đề được dư luận khu vực đặc biệt quan tâm. Ngoại trưởng
Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak đã ký một thỏa
thuận Hợp tác Quốc phòng nâng cao đặt ra quy định pháp lý cho sự hiện diện bổ
sung của quân đội Mỹ tại Ba Lan.
Việc ký kết này sẽ bổ
sung cho các điều khoản thỏa thuận hiện tại của các lực lượng NATO, đồng thời
cho phép tăng cường và hiện đại hóa cơ sở bằng cách cho phép các lực lượng Mỹ
tiếp cận các cơ sở quân sự được bổ sung của Ba Lan.
Theo báo cáo, hiện có khoảng 4.500 lính Mỹ đang đóng quân tại Ba Lan,
nhưng khoảng 1.000 binh lính nữa sẽ được bổ sung theo một thỏa thuận song
phương được công bố vào năm 2019. Trước đó, hãng thông tấn nhà nước PAP dẫn lời
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết, quân số Mỹ tại Ba Lan
có thể được nâng lên mức 20.000 quân nếu cần thiết.
Ngay sau khi kí thỏa thuận
hợp tác quốc phòng mới, mở đường cho việc tái triển khai quân đội Mỹ từ Đức
sang Ba Lan vào ngày 15/8. Mỹ mong muốn truyền tải thông điệp và cam kết không
bỏ rơi các đồng minh truyền thống, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
https://images.vov.vn/w800/uploaded/4bpdy3ykolq/2020_08_17/3_mzcw.jpg
Buổi lễ ký thỏa thuận
hợp tác Mỹ - Ba Lan.
Mặt khác, Mỹ muốn cho các
nước thấy sự linh hoạt trong việc bố trí lực lượng, trong đó ưu tiên lực lượng
để củng cố khả năng phòng thủ sườn phía Đông NATO khu vực được đánh giá đang chịu
những ảnh hưởng từ Nga.
Việc Mỹ rút quân khỏi Đức
cũng nhằm thể hiện quan điểm cứng rắn của chính quyền Mỹ trước việc Đức chưa thực
hiện cam kết tăng chi tiêu cho quốc phòng lên 2% GDP. Thông qua động thái này,
Mỹ muốn truyền thông điệp đến các đồng minh là hãy thực hiện cam kết trước khi
nhận được sự bảo trợ an ninh của Mỹ. Điều này Mỹ đã phần nào đạt được mục tiêu
khi các nước thành viên NATO, trong đó có Séc, Ba Lan đều cam kết tăng chi tiêu
cho quốc phòng.
Kết quả không như
kỳ vọng
Trong chuyến thăm 4 nước
Trung và Đông Âu lần này, tại điểm dừng chân đầu tiên là Praha, Mỹ đã không thể
đạt được một số mục tiêu đề ra của chuyến thăm khi chính phủ Séc không đồng ý
kí biên bản ghi nhớ với Mỹ về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Dukovany ở
phía Đông Nam, Cộng hòa Séc.
Bộ trưởng ngoại giao Séc
cho biết việc ký kết biên bản này có thể gây ảnh hưởng tới quy trình khai báo với
Ủy ban châu Âu (EC). Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Séc Karel
Havlicek cho biết, Công ty điện lực quốc gia CEZ sẽ lựa chọn nhà thầu một cách
bình đẳng và công khai. Việc thực hiện một biên bản ghi nhớ có thể là những tín
hiệu tiêu cực đến EC. Dự án xây dựng được lên kế hoạch khởi công vào năm 2029
và lò phản ứng hạt nhân mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2036.
Hiện nay, có 5 công ty
tham gia đấu thầu xây dựng nhà máy điện ở Dukovany gồm các công ty của Mỹ,
Pháp, Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặt khác, trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ về mức
độ ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga tới Séc, Thủ tướng Babis thể hiện rõ lập trường
của Séc không chịu tác động bởi quốc gia nào và cho rằng, Séc cũng như nhiều quốc
gia trong khối đang đi theo một chiến lược chung của Liên minh châu Âu.
Còn ở điểm dừng chân tiếp
theo là Áo, Ngoại trưởng Mỹ cũng không thể thuyết phục nước này phản đối việc
xây dựng Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bởi lẽ Đức là quốc gia láng giềng và là đối
tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Áo. Vì vậy, Áo không thể lên tiếng ủng hộ
quan điểm của Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vì điều này sẽ đi ngược lại lợi
ích của chính nước Áo và ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp với người hàng xóm
này.
Theo giới phân tích, động
thái của Séc và Áo chứng tỏ Mỹ chưa thể áp đặt lợi ích của mình và lợi ích kinh
tế trong hợp tác với các đối tác này, dù có chịu sức ép to lớn về chính trị,
ngoại giao.
Ngay cả Slovenia, quốc
gia quê hương của đệ nhất phu nhân Melania Trump, sự kỳ vọng ban đầu cũng không
đạt được như mong muốn. Mặc dù một tuyên bố chung về mạng 5G đã được hai bên ký
kết nhưng mục tiêu giảm mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc tới quốc gia này là điều
khó khả thi. Bởi lẽ, theo báo cáo của chính phủ nước này, Huawei hiện là nhà sản
xuất smartphone phổ biến thứ hai tại Slovenia. Hãng thông tấn quốc gia STA của
Slovenia cũng cho biết công ty này sẵn sàng đàm phán với chính phủ
Slovenia để đảm bảo các vấn đề an ninh bao gồm cả thỏa thuận không do thám trên
các thiết bị viễn thông do công ty này cung cấp.
Mỹ toan tính gì
sau chuyến thăm Trung và Đông Âu?
Chuyến thăm các nước
Trungvà Đông Âu diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp,
khi Nga và Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng đến các quốc gia phía Đông
châu Âu, đặc biệt là các quốc gia Balkan.
Do đó, giới phân tích
đánh giá đây là bước đi mạnh mẽ của Mỹ để ngăn chặn những ảnh hưởng của Nga và
Trung Quốc tới các quốc gia này. Kết thúc chuyến công du 4 nước Trung – Đông Âu
của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chưa thực sự đạt được mong muốn của Mỹ khi chưa
thể kéo các nước có tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung và Đông Âu lại gần hơn với nước
này, cũng như nâng tầm ảnh hưởng tới khu vực phía Đông Lục địa già.
Tuy nhiên, giới phân tích
cho rằng một điểm tích cực trong chuyến công du lần này của Mỹ là chuyến thăm
đã tạo lợi thế nhất định cho đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua
vào Nhà Trắng.
https://images.vov.vn/w800/uploaded/4bpdy3ykolq/2020_08_17/4_lyxm.png
Ngoại trưởng Mỹ
Mike Pompeo phát biểu. Ảnh: news.cgtn
Có thể thấy, với chuyến
công du này, chính quyền Mỹ đã cho dư luận trong nước và quốc tế nhận thấy
chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không bỏ rơi các đồng minh tại châu Âu và
sẽ tiếp tục thực hiện cam kết là “chiếc
ô an ninh” bảo vệ các nước trong khu vực, qua đó tạo được sự ủng hộ mạnh
mẽ từ các đối tác và đồng minh.
Đối với dư luận trong nước
Mỹ, thông qua việc nêu cảnh báo về mối nguy hại về an ninh khi hợp tác giữa các
nước châu Âu với các tập đoàn của Trung Quốc và Nga, chính quyền Tổng thống
Donald Trump đã khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giới kinh doanh,
đầu tư của Mỹ trong việc tìm kiếm các đối tác ở nước ngoài trong lĩnh vực năng
lượng, mạng 5G, công nghiệp quốc phòng.
Những điều này sẽ giúp tổng
thống Mỹ Donald Trump có nhiều ưu thế hơn khi lấy được sự ủng hộ của các tầng lớp
trong cuộc đua Tổng thống Mỹ với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden vào tháng 11 tới./.
--------------------
.
.
Ngoại
trưởng Mỹ thăm Đông Âu: Một mũi tên trúng nhiều đích
VOV.VN - Chuyến đi mang
theo nhiều thông điệp không chỉ gửi tới các đối thủ truyền thống như Trung Quốc,
Nga hay các đồng minh quan trọng.
PV/VOV-Praha
.
----------------------
.
.
Tin liên quan
.
Ngoại
trưởng Mỹ thăm châu Âu, tìm đồng minh cạnh tranh với Trung Quốc và Nga
.
Ngoại
trưởng Mỹ tin tưởng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ được gia hạn
.
Ngoại
trưởng Trung Quốc phản bác những chỉ trích của Ngoại trưởng Mỹ
.
Ngoại
trưởng Mỹ: Biển Đông không phải “đế chế hàng hải” của Trung Quốc
.
Tuyên
bố của Ngoại trưởng Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
.
Ngoại
trưởng Mỹ: Trung Quốc tập trận ở Biển Đông là sự khiêu khích lớn
No comments:
Post a Comment