Friday, August 21, 2020

VĂN HÓA KHOA HỌC & CUỘC CHIẾN CHỐNG SỰ PHI LÝ (Pierre Darriulat)

 


Thanh Xuân dịch

21 Tháng Tám, 2020

http://vanviet.info/van-de-hom-nay/van-ha-khoa-hoc-cuoc-chien-chong-su-phi-l/

 

Đứng trước nhiều vấn đề hệ trọng sống còn như biến đổi khí hậu toàn cầu, năng lượng hạt nhân, hay bùng nổ dân số thế giới, đại dịch Covid-19, con người thường thiếu khả năng tiếp cận duy lý chín chắn mà thường để cảm xúc và tri thức hạn chế chi phối hành vi.

 

https://tiasang.com.vn/Portals/0/Van%20hoa%20KH%20va%20phi%20ly%20anh%201.jpg

Biến đổi khí hậu khiến băng ở Nam Cực tan nhanh với tốc độ chưa từng thấy trước đây. Nguồn: edf.org

 

Năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng khá an toàn, kể cả khi đã tính tới thiệt hại tồi tệ nhất từ thảm họa Chernobyl. Tuy nó đòi hỏi quy trình quản lý hết sức chuyên nghiệp với những quy tắc an toàn và đạo đức ngặt nghèo và vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa mãn tuyệt đối, như vấn đề xử lý chất thải và tháo dỡ các nhà máy hết vòng đời, nhưng tất cả những điều đó không cản trở việc khai thác năng lượng hạt nhân một cách an toàn. Chúng ta vẫn cần tiếp tục đầu tư R&D một cách mạnh mẽ để tiến bộ và đạt được các giải pháp kỹ thuật mới cho những vấn đề còn tồn tại. Tất cả những sự thực này vốn rất rõ ràng, có căn cứ số liệu đầy đủ, lẽ ra không nên gây tranh cãi. Nhưng đến nay sau nửa thế kỷ, con người vẫn không thể thảo luận về chúng một cách duy lý. Hậu quả là người ta, ít nhất là ở các nước được coi là đã phát triển, dần dần bỏ qua một nguồn năng lượng có thể đóng vai trò trọng yếu trong chính sách năng lượng của thời đại chúng ta.  

 

Biến đổi khí hậu toàn cầu cũng là một thực tế không thể chối cãi. Cũng như thực tế là các hoạt động của con người, cụ thể là phá rừng và tiêu thụ nhiên liệu gốc hóa thạch, là nguyên nhân đáng kể. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác là điều không dễ dàng. Chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ về mức độ dao động, hay mức độ bền vững của hệ cân bằng kiểm soát sự ổn định trong trao đổi nhiệt trên Trái đất. Đây là điều cần tính đến để làm sáng tỏ tối đa về chính sách năng lượng. Chúng ta cũng cần chuẩn bị các giải pháp làm giảm nhẹ tác hại, bao gồm việc di cư khỏi những châu thổ đang chìm dần do nước biển dâng. Những vấn đề này cần được giải đáp một cách duy lý. Các quyết sách phải dựa vào cứ liệu thay vì cảm xúc. Nhưng thực tế không như vậy. Ngày nay quyết sách của các xã hội được thúc đẩy bởi những hình ảnh biểu tượng như gương mặt đáng yêu đầy biểu cảm của một cô bé Thụy Điển dẫn đầu phong trào Climate March, hay vẻ tội nghiệp của chú gấu Bắc Cực chới với trên tảng băng trôi.

 

Sự bùng nổ dân số thế giới là một trong những vấn đề cấp bách hàng đầu của hành tinh trong thời chúng ta, sẽ dẫn tới sụp đổ về lâu dài. Nó gây những hậu quả nghiêm trọng như gia tăng đói nghèo, khủng hoảng lương thực, cạn kiệt và ô nhiễm tài nguyên thiên nhiên, áp lực di cư từ phía Nam nghèo đói của hành tinh lên phía Bắc giàu có. Nhưng chúng ta đã thất bại trong việc giải quyết vấn nạn này một cách có trách nhiệm. Đơn giản là chúng ta lờ nó đi. Trước những vấn đề sinh tử, chúng ta tiếp cận đầy cảm tính và biến chúng thành những đề tài nhạy cảm cấm kỵ.

 

Đại dịch coronavirus đang diễn ra là một minh chứng đáng buồn cho sự thiếu chín chắn của con người khi đối diện những thách thức toàn cầu. Việt Nam may mắn tránh được phần nhiều những tổn thất to lớn, một phần do chính sách khôn ngoan của Chính phủ trong việc cách ly và truy dấu tiếp xúc nguồn lây nhiễm. Điều này khiến chúng ta dễ đánh giá vấn đề một cách bình tĩnh, tránh những phản ứng cực đoan và nhạy cảm.

Điều chủ yếu tôi muốn bình luận là các quốc gia đã không có khả năng quyết định một cách duy lý về thời điểm chấm dứt cách ly và tái mở cửa. Nhưng trước hết tôi xin bắt đầu bằng một số thông tin cơ bản trước.

 

Thông tin truyền tải bởi truyền thông cho thấy đa số công chúng không quen làm những phép tính đơn giản: họ gặp khó khăn khi vận dụng các con số. Người ta đi so sánh số người chết ở Trung Quốc với Thụy Sĩ, bất chấp chênh lệch về dân số giữa hai quốc gia; Trump tuyên bố trước công chúng rằng 99% các ca nhiễm virus hoàn toàn không gặp nguy hiểm, trong khi tỉ lệ tử vong rõ ràng trên 4%; đưa ra phân tích dài dòng về tỷ lệ nhiễm bệnh mà không hề thảo luận về các tiêu chí và chính sách xét nghiệm đằng sau các con số đó; viện dẫn cái gọi là dự đoán theo mô hình mà không ý thức rằng chúng dựa trên những giả định mong manh: R0, chỉ số đo lường số người, trên trung bình, có thể bị lây nhiễm từ một người bệnh, đến nay vẫn chưa thể ước tính chắc chắn, phụ thuộc vào cả không gian lẫn thời gian.

 

Khi đánh giá những con số lớn, chúng ta thường thiếu sự tham chiếu. Với tuổi thọ tiêu chuẩn của con người ngày nay chừng 25 nghìn ngày (xấp xỉ 70 năm) và dân số thế giới là 8 tỷ người, tỉ lệ người chết hàng ngày đơn giản là tỉ lệ giữa hai con số này, 320 nghìn người chết/ngày. Ở Việt Nam tỉ lệ là 4000 người chết/ngày. Trong khi đó, số người chết trên toàn cầu do Covid-19 từ khi dịch xuất hiện đến nay là 570 nghìn, trung bình xấp xỉ 5000/ngày trong vòng 100 ngày qua, chiếm 1,5% tỉ lệ người chết thông thường. Trong lịch sử, đại dịch cúm 1918 làm chết 50 triệu người, số người nhiễm bệnh khoảng 500 triệu, bằng một phần ba dân số thế giới. Những cuộc đại dịch như vậy cướp đi nhân mạng tương đương hoặc nhiều hơn cả những cuộc chiến tranh quy mô lớn, Thế chiến thứ I làm chết 20 triệu người, Thế chiến thứ II làm chết 60 đến 80 triệu người. Chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam làm chết khoảng 3 triệu người Việt.

 

Hậu quả thường thấy của tư duy cảm tính khi đứng trước các vấn đề cấp bách toàn cầu là con người bị chia rẽ; họ trở nên giận dữ, chỉ biết xỉ mắng nhau và không thể đối thoại một cách duy lý. Họ chụp mũ nhau và chỉ dành sự lắng nghe cho những người cùng mù quáng theo đuổi niềm tin giáo điều giống mình. Những nhà khí hậu học như Judith Curry ở Mỹ và một số tổ chức hoạt động vì khí hậu mang tinh thần thực tiễn trên thế giới, từng tìm cách thiết lập đối thoại giữa các bên về vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng rồi thất bại.

 

https://tiasang.com.vn/Portals/0/van%20hoa%20khoa%20hoc%20-%20anh%20thay.jpg

Làm sao để quyết định mở cửa trở lại sau một giai đoạn dài cách ly? Các nhà làm chính sách cần căn cứ, thước đo để so sánh giữa sức khỏe và kinh tế. Ảnh: Image: REUTERS/Navesh Chitrakar

 

Sự vô nghĩa của những chia rẽ như vậy được minh chứng qua những biểu hiện cụ thể: ở Mỹ nếu bạn bầu cho phe Dân chủ người ta sẽ coi bạn là người tin vào biến đổi khí hậu, cổ súy cho việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, tin rằng điện gió và điện mặt trời có thể giải quyết vấn đề năng lượng, nhầm lẫn giữa 16-18 nghìn nạn nhân sóng thần Fukushima với vài trăm nạn nhân sự cố nhà máy hạt nhân Daiichi; còn nếu bạn bầu cho phe Cộng hòa người ta sẽ coi bạn là người lảng tránh biến đổi khí hậu, tin rằng đại dịch đang hoành hành chỉ là tin giả ngụy tạo bởi phe cánh tả để hãm hại Trump, bạn cổ súy cho khí đá phiến và khoan hút dầu xa bờ mà không hề quan tâm tới môi trường.

 

Các mạng xã hội làm biến đổi sâu sắc môi trường của chúng ta. Bất cứ ai cũng có thể lên tiếng trên toàn thế giới bằng một cú nhấp chuột. Dù bạn nói đúng hay sai cũng không quan trọng, chỉ cốt sao thu hút được bao nhiêu “likes” và bao nhiêu “followers”. Đáng buồn là hình thái truyền thông này ngay lập tức được vận dụng bởi những chính khách muốn thu hút và thao túng cử tri. Đây là một ví dụ gần đây về vị Tổng thống Mỹ, đăng trên Twitter về một vị cựu Phó Tổng thống, hiện đang là ứng cử viên đối lập ông ta: “Joe Biden điên khùng thích tỏ ra là một tay cứng rắn. Thực ra ông ta yếu đuối, cả về tinh thần và thể chất, thế mà ông ta còn đe dọa tấn công tôi, lần thứ hai, bằng vũ lực. Ông ta còn chưa biết tôi đâu, nhưng ông ta sẽ rớt đài nhanh chóng và đau đớn, khóc lóc đầm đìa. Đừng có dọa người nhé Joe!” Cũng thật đáng buồn là cung cách phát ngôn này đang trở nên phổ biến và định hình cách mọi người trên thế giới suy nghĩ.

 

Quay lại vấn đề chính của bài viết này: làm sao để quyết định mở cửa lại một quốc gia sau một giai đoạn dài cách ly? Sự thiếu căn cứ trong việc đưa ra một quyết định như vậy thể hiện rõ ràng trên thế giới trong những tháng qua. Về phía các chuyên gia về sức khỏe, dịch tễ học, virut học, và giới y tế mong muốn một cách tiếp cận khôn ngoan, trong bối cảnh họ vẫn chưa hiểu đầy đủ về cơ chế virus lây lan và bị bất ngờ trước những đợt bùng phát trên diện rộng. Về phía các nhà kinh tế và xã hội học, họ thấy được những tổn thất gây ra bởi cách ly trong xã hội quá lâu, và thường có quan điểm ngược với giới y tế. Trong khi đó, các chính khách và mạng xã hội thường tham gia vào cuộc tranh luận một cách hấp tấp, và làm tồi tệ thêm bằng những xét đoán cảm tính, phi lý, gây hấn, và thường gây hiểu sai.

 

Chúng ta thiếu thước đo để so sánh thiệt hại giữa sức khỏe và kinh tế. Một bên đo bằng số người chết, phía bên kia là đồng tiền. Ít năm trước tôi viết một bài báo trên Tia Sáng nhan đề Giải thiêng về tuổi già1 trong đó tôi xin trích lại vài dòng:

 

Để xác định điều gì là có lợi và điều gì có hại cho nhân loại, chúng ta cần một thang giá trị, một khung đạo đức mà mọi người có thể nhất trí. Trên thực tế, mỗi người có quan điểm riêng về những vấn đề như phòng tránh thai, phá thai, sự chết không đau đớn… Vì vậy, ở đây chúng ta cần nỗ lực tối đa để tiếp cận một kịch bản lý tưởng nơi mọi người có thể chia sẻ những giá trị đạo lý chung. Cá nhân tôi tin rằng kéo dài sự sống trong cộng đồng là một điều tiến bộ nếu đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người sống tới tuổi già trong tình trạng sức khỏe tốt, thay vì chúng ta chỉ đơn giản là cộng thêm tuổi thọ cho tất cả mọi cá nhân. Tiến bộ nghĩa là sống tốt hơn chứ không chỉ là lâu hơn; tiến bộ nghĩa là tăng thêm giá trị cuộc sống cho mỗi năm tháng chứ không phải là cộng thêm năm tháng vào cuộc sống.

 

Chúng ta nên tôn trọng những giá trị nhân văn và quyền bình đẳng, nhưng hãy cẩn trọng với sự giáo điều. Ví dụ, lập luận rằng sự sống phải được coi trọng một cách vô hạn, thậm chí thiêng liêng một cách vô hạn, tới mức không thể đong đếm bằng con số, theo tôi là điều không thể chấp nhận […] Tôi cho rằng mạng sống của một đứa trẻ có giá trị hơn của một người già. Nếu tôi chết đi ngày mai thì đó chỉ là mất đi vài năm tháng cuối đời; cha mẹ và nhiều bạn bè của tôi đã không còn, nên cái chết của tôi chẳng ảnh hưởng gì tới họ; tôi đã được hưởng phần của mình trong cuộc sống, những vui buồn và cơ hội hoàn thành giấc mơ cá nhân. Nhưng nếu một đứa trẻ ngày mai chết đi thì đó là mất mát nhiều thập kỷ đời người; cha mẹ và mọi người xung quanh em sẽ đau buồn sâu sắc; em sẽ không còn cơ hội hưởng thụ cuộc sống, thậm chí không có cơ hội mơ ước và phấn đấu; cái chết của em có thể coi là một bất công không thể chấp nhận, còn cái chết của tôi chỉ là một kết cục tự nhiên do số phận sớm muộn sẽ đến. […]

 

Điều tôi muốn nói đơn giản là chúng ta hãy thoát khỏi những tư duy giáo điều và những vùng cấm, suy nghĩ một cách lý trí thay cho cảm tính, hay tệ hơn là phi lý, và giải thiêng một cách tối đa những vấn đề liên quan tới tuổi già và cái chết. Bên cạnh số lượng các ca tử vong, số lượng người bệnh mà hạ tầng y tế của một quốc gia có thể tiếp nhận là một thước đo khác để đánh giá ảnh hưởng của đại dịch: số lượng giường trong bệnh viện, bao nhiêu máy thở, kit thử, v.v. là những tham chiếu hữu ích cần xét đến. Hơn nữa, những áp lực lên ngành y tế còn làm suy giảm đáng kể năng lực dịch vụ của nó, gây nên hậu quả gián tiếp từ đại dịch. Một nghiên cứu công bố ngày 1/7 trên tạp chí The Lancet 2 đã khiến UNICEF 3 lên tiếng lo ngại về những hậu quả gián tiếp như vậy: hơn 6000 trẻ em dưới năm tuổi có thể chết mỗi ngày nếu không có những hành động khẩn cấp; bên cạnh đó, họ cảnh báo cách ly xã hội có thể là tác nhân làm chết nhiều người hơn Covid-19, rằng nguy cơ trẻ em chết vì sốt rét, viêm phổi, hay tiêu chảy ở các nước đang phát triển đang gia tăng do tình trạng đại dịch Covid-19 và “vượt xa nguy cơ tử vong trực tiếp bởi virus corona”. Với những trường hợp như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể dùng cùng một thước đo là số lượng ca tử vong để so sánh thiệt hại giữa các kịch bản chính sách.

 

Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, chúng ta không thể dùng cùng một thước đo như vậy. Nhiều công bố nghiên cứu về tác động kinh tế – xã hội của đại dịch, nội dung tóm tắt (abstract) của một trong số đó 4 thể hiện khá rõ những vấn đề thường được xét đến: Đại dịch Covid-19 […] làm bùng phát những lo sợ về nguy cở khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Giãn cách xã hội, tự cách ly và giới hạn đi lại dẫn tới sụt giảm lực lượng lao động trên mọi ngành kinh tế và làm thiệt hại nhiều việc làm. Các trường học phải đóng cửa, nhu cầu sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp suy giảm. Trái lại, nhu cầu thiết bị y tế tăng đáng kể. Nhu cầu lương thực thực phẩm cũng gia tăng do bùng phát tâm lý mua sắm và tích trữ phòng dịch.  

 

Đây hẳn là những lập luận đúng đắn với căn cứ số liệu được cung cấp từ nhiều phân tích được công bố gần đây và có thể dễ dàng tiếp cận qua internet. Nhưng thước đo cho những thiệt hại bởi đại dịch, cụ thể bởi chính sách phong tỏa, không thể đủ để cung cấp những lập luận duy lý cho các nhà lãnh đạo khi quyết định chấm dứt giai đoạn phong tỏa. Hệ quả là những quan điểm cực đoan cho rằng phong tỏa gây hại nhiều hơn lợi thường được đưa ra mà không thể được phản biện đầy đủ từ những người ủng hộ các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ. Sự hỗn loạn được thể hiện rõ rệt ở Mỹ, qua những tranh cãi trái ngược công khai giữa Tổng thống Mỹ và các chuyên gia cố vấn.

 

Như đã đề cập, chúng ta thiếu một thước đo được chấp nhận rộng rãi cần thiết để quyết định điều gì có lợi hay hại cho nhân loại, làm cơ sở cho các quyết sách. Những thách thức toàn cầu chúng ta đang đối diện đòi hỏi những quyết sách hiệu quả ở tầm toàn cầu. Virus corona hay khí thải CO2 không hề phân biệt biên giới lãnh thổ, nhưng các quốc gia lại đang tự cố thủ trong cô lập. Vương quốc Anh rời bỏ liên minh EU. Mỹ rời bỏ tổ chức Y tế Thế giới và xây lên bức tường sắt phía Nam nhằm ngăn chặn dòng di cư từ châu Mỹ Latin. Thế giới chúng ta đang sống thay đổi quá nhanh để có thể thích nghi. Chủ nghĩa dân túy đang trên đường thống trị sân khấu chính trị, xu hướng phát xít lộ rõ ở nhiều nước, nền dân chủ mọi nơi đang lâm nguy. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo độ lượng và dũng cảm, với tầm nhìn dài hạn toàn cầu, thế nhưng những nhà tỉ phú, ông trùm, những anh hề truyền hình đang chiếm lĩnh sân khấu. Một bức ảnh gần đây của Donald Trump quảng bá cho một nhãn hiệu thực phẩm đóng hộp trong bối cảnh nước Mỹ đối diện một đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng có thể coi là một hình ảnh biểu tượng; chúng ta cần những nhà lãnh đạo đặt lợi ích quốc gia lên trên bản thân, thay vì ngược lại.

 

https://tiasang.com.vn/Portals/0/Van%20hoa%20KH%20va%20phi%20ly%20anh%204.jpg

Tổng thống Trump quảng cáo đồ hộp. Nguồn: Medium.

 

Không phải ngẫu nhiên mà tôi thường lấy tình cảnh nước Mỹ để minh họa cho sự thiếu chín chắn của con người. Không thể nghi ngờ đó là quốc gia có nền khoa học phát triển nhất. Nhưng đó cũng là nơi người ta cổ súy mạnh nhất cho những giá trị tư bản – lý tưởng được họ tuyên truyền là hãy trở nên giàu có; họ là nơi có vị tổng thống cho xịt hơi cay những người chống đối ôn hòa chỉ để tạo không gian cho ông ta đến nhà thờ và triệu tập giới truyền thông chụp bức ảnh bản thân mình cầm cuốn kinh thánh. Đó cũng là đất nước với dòng khẩu hiệu “Chúng ta tin vào Chúa”, vị Chúa mà người ta cho rằng đã sáng tạo nên thế giới chỉu trong bảy ngày, vị chúa đã ban cho Donald Trump làm tổng thống, như lời cựu thư ký truyền thông Nhà trắng, vị Chúa đã bị lợi dụng vô độ bởi các chính khách và các tay truyền giáo trên truyền hình vì lợi ích bản thân của họ. Sự thô lỗ trên những dòng tweet từ vị tổng thống của họ sẽ được lịch sử nhớ đến như biểu tượng cho sự suy thoái của nền văn minh thời đại chúng ta.

 

Bản thân chúng ta cũng cần tự cảnh tỉnh. Trên mỗi quốc gia đều đang có tình trạng văn hóa khoa học bị yếm thế trước những điều cảm tính và phi lý. Người trí thức chưa được coi trọng và lắng nghe. Văn hóa khoa học chưa thể làm được điều căn bản nhất trong sứ mệnh của nó: trao cho mỗi cá nhân khát vọng tư duy một cách độc lập. Hai mươi lăm thế kỷ trước, Khổng Tử từng nói với các vị vua: người có thể cách chức các vị tướng, nhưng không thể ngăn những người nông dân hèn kém nhất tự suy nghĩ theo ý mình. Nhưng ở thời của Khổng Tử, tâm trí con người còn chưa bị TV và các mạng xã hội thao túng bởi.

 

Thanh Xuân dịch

——-

 

1. Bản gốc tiếng Anh của tác giả dùng tựa đề Ageing population. Nguồn:  https://tiasang.com.vn/-dien-dan/Giai-thieng-ve-tuoi-gia-10754

 

2. Roberton et al., Early estimates of the indirect effects of the COVID-19 pandemic on maternal and child mortality in low-income and middle-income countries: a modelling study.

 

3. Nguồn: https://www.unicef.org/press-releases/covid-19-devastates-already-fragile-health-systems-over-6000-additional-children

 

4. Maria Nicola et al., June 2020, The socio-economic implications of the coronavirus pandemic (COVID-19): A review, Int. J. Surg., 78, 185

 

5. https://www.au.org/church-state/march-2019-church-state-magazine/people-events/god-wanted-trump-to-be-president-press

Nguồn: https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Van-hoa-khoa-hoc–cuoc-chien-chong-su-phi-ly-25404

 

 

 

 

 


No comments: