Saturday, August 15, 2020

VÀI KỶ NIỆM VỚI INTERNET VIỆT NAM (Giang Công Thế)

 


VÀI KỶ NIỆM VỚI INTERNET VIỆT NAM

Giang Công Thế  

03:23  15/08/2020  

https://www.facebook.com/giang.the.50767/posts/122793649525430

 

Các bài viết về TBT Lê Khả Phiêu vừa từ trần hay nhắc tới năm 1997 ông cho phép mở cửa internet và đó là công lao của TBT.

 

Đôi lần tiếp xúc với anh Mai Liêm Trực tôi được nghe về những đoạn trường để được cái gật đầu. Bối cảnh khi đó là Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, lo lắng của TBT về internet là đương nhiên.

 

Năm 1995 làm việc cho WB, tôi phụ trách IT cho văn phòng với 25 nhân viên cũng chỉ nhận email qua modem với trung tâm bên Washington DC, mỗi ngày hai lần, mỗi lần kéo dài khoảng 1 tiếng. Thư đến thư đi chỉ trong khoảnh khắc ấy, thời gian còn lại chỉ dùng cho công việc sở tại, dường như mọi thứ như ngừng trôi.

 

Giữa năm 1996, vô cùng vất vả với đủ mọi thủ tục, VP thuê được đường truyền thuê bao 64K (leased line) với dịch vụ 24/7 thì mọi việc trở nên khác thường. Nhớ hồi đó là mùa hè, tôi làm việc 3 ngày đêm liền với trung tâm và một anh IT ngồi bên văn phòng Bắc Kinh chỉ để lập trình, kết nối qua các thiết bị mạng có audio, video, data gọi là RLX đắt ngang cái xe Toyota.

 

Lắp lên, hạ xuống, lôi chip ra, gắn vào, thay tháo lung tung, cuối cùng thì đèn báo data chuyển sang màu xanh, anh chàng IT bên Bắc Kinh hét toáng lên, trời đất quỷ thần, vào rồi, vào rồi, như đang sút vào gôn đối phương lúc 2 giờ đêm. Tôi không biết đó là một cú nối internet lịch sử giữa Hà Nội và thế giới.

 

Lên phòng báo cho ông sếp là Bradley Babson, Trưởng đại diện WB khi đó. Ông chẳng nói chẳng rằng, nhấn chuột vào biểu tượng Internet Explorer, gõ CNN và thấy hiện lên trang. Ông cười sung sướng, nối rồi, nối rồi.

 

Hôm sau thử nốt video, Hà Nội nhìn thấy DC và sự vui mừng là vô tận dù đường truyền 64K hình ảnh chậm hơn cả phim câm thời hề Sác Lô (Chaplin). Tôi còn chĩa camera ra phố Trần Phú cho các bạn ở xa xem cảnh xích lô, xe đạp, xe máy, gánh gồng của người Hà Nội.

 

Làm ở viện Tin học (IOIT), tôi chẳng biết email và internet mặt mũi ra sao. Một nhóm nghiên cứu sau này là NetNam chuyên kết nối với Australia qua modem, và dường như đó là bí mật của một vài người. Nhưng ở WB thì tôi làm chủ cả hệ thống nối internet toàn cầu, thật may mắn.

 

Các bạn IT biết tin thi nhau đến xem internet ra sao, các tổ chức quốc tế rồi bạn cũ tò mò. Một nhóm các doanh nhân Hà Nội do anh Bùi Việt Hà bên FPT chủ trì mời tôi trình diễn internet. Sau một hồi ba hoa kiểu dân IT, tôi dẫn vài đường link vào CNN, Fox, BCC… cho các bạn xem.

 

Sỹ diện tôi nối luôn vào trang White House nhưng là .com nghĩ là bên Mỹ cởi mở. Nhưng trang hiện lên toàn các cô cởi truồng, ngoáy mông. Vội tắt đi thì cánh IT hét lên, để đó, để đó. Hóa ra whitehouse.com là trang sex, còn trang của Nhà Trắng là whitehouse.gov

 

Khi đó ở Hà Nội và TP HCM chưa được biết mùi vị internet ra sao cho tới 11-1997 và phải cảm ơn ông Mai Liêm Trực, Thứ trưởng khi đó, đã cố gắng hết mình vì công nghệ. Sau này biết thêm TBT Lê Khả Phiêu là người cho phép.

 

Nếu hỏi những biến đổi về lịch sử đất nước mà tôi đã chứng kiến, tôi sẽ nói ba sự kiện sau: 1975 – Kết thúc chiến tranh, 1986 – Đổi mới và 1997 – Mở cổng internet.

 

Thế mạnh của VN cũng có 3 lĩnh vực có thể phát triển bền vững: Nông nghiệp, IT và du lịch, thì có tới hai lĩnh vực liên quan đến 2 sự kiện. Đổi mới là khoán cho nông nghiệp và internet liên quan đến IT.

 

Việc mở cổng internet là trách nhiệm của lãnh đạo cao nhất, là một việc cần làm cho sự phát triển của quốc gia vì đó là chính sách vĩ mô.

 

Thế kỷ 21 thuộc về công nghệ. Hãy tìm giải pháp phát triển bằng công nghệ, chứ nhất định không thể là đáp án có từ thế kỷ 20 với tư duy thế kỷ 19.

 

Vĩnh biệt tướng Lê Khả Phiêu. Có khi đám IT nhớ tới TBT chỉ vì ông cho cánh trẻ được lướt net mà không phải ra trận.

 

HM. 15-8-2020

 

Viết xong lúc lễ tang TBT vừa kết thúc

Xem trên blog. https://hieuminh.wordpress.com/…/vai-ky-niem-voi-internet-…/

 

PS. Một bạn đọc hiểu đường tơ kẽ tóc vụ mở cửa internet góp ý qua inbox. Thank you.

 

1. Ông Lê Khả Phiêu ủng hộ kết nối Internet, nhưng lãnh đạo Đảng quyết định chấp thuận cho mở Internet là TBT Đỗ Mười khi đó, sau này ông Phiêu thực hiện định hướng ấy;

 

2. Người có công thuyết phục ông Mười và ông Phiêu là Bộ trưởng Đỗ Trung Tá;

 

3. Còn công của ông Mai Liêm Trực là khi đã mở Internet rồi thì mạnh mẽ cho phát triển mạnh hơn với tiêu chí “Mở đến đâu thì quản đến đấy”;

 

4. Nhà lãnh đạo nhìn ra vấn đề và chủ động thúc đẩy cho kết nối Internet là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, còn ông Mười và ông Phiêu bị thuyết phục và chấp nhận cho mở.

 

160 BÌNH LUẬN

 

·          

Barry Tranq 

Internet VN đã có chủ trương phê duyệt từ 1996, thời ĐM, để chính thức mở vào cuối 1997. Cần nói thêm, trong suốt thời kì của ông Phiêu thì internet VN phát triển còn rất lẹt đẹt.

https://m.vietnamnet.vn/.../doi-moi-tu-duy-610355.html

VIETNAMNET.VN

Đổi mới tư duy

Đổi mới tư duy

 

·          

Barry Tranq

 

https://m.thanhnien.vn/.../chuyen-tham-cung-bi-su-khi...

THANHNIEN.VN

Chuyện 'thâm cung bí sử' khi Internet vào Việt Nam

Chuyện 'thâm cung bí sử' khi Internet vào Việt Nam

 

.

Nguyễn Đức Nam 

Bác Thế viết hay. Có điều buồn là 23 năm đã trôi qua, nhưng vào internet vn chán quá. Báo mạng trăm tờ cùng nội dung lá cải như nhau; trang hay, nói thẳng nói thật... thì bị chặn không vào được...

 

 

 

 

 

 

 


No comments: