Tuesday, August 4, 2020

NẾU CHIẾN TRANH XẢY RA Ở BIỂN ĐÔNG (Ngô Nhân Dụng)



Nếu chiến tranh xẩy ra ở Biển Đông

Ngô Nhân Dụng

04/08/2020

https://www.voatiengviet.com/a/bien-dong-chien-tranh-viet-nam-trung-quoc/5528958.html

 

Trong lúc giới ngoại giao Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tấn công nhau, Bắc Kinh cũng đang cố chứng tỏ cho cả thế giới thấy họ vẫn chủ động trong cuộc bang giao với hai nước láng giềng ở phía Nam: Việt Nam và Campuchia.

 

Trong nửa cuối tháng Bẩy, Cộng sản Trung Quốc và Campuchia ký một hiệp ước mậu dịch tự do vào ngàyThứ Hai, qua ngày Thứ Ba, họ tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các ông Vương Nghị và Phạm Bình Minh.

 

Bản hiệp ước mậu dịch tự do giữa Campuchia với Trung Cộng hoàn toàn chỉ mang tính chất tượng trưng. Giao thương giữa hai nước hiện nay nhỏ nhoi không đáng kẻ. Hơn nữa các xí nghiệp Trung Quốc đang được tự do làm ăn ở Campuchia không hề gặp trở ngại nào hết!

 

Đối với Việt Nam có vẻ phức tạp hơn. Tháng Tư vừa qua, một tàu đánh cá của người Việt Nam đã bị tàu hải giám Trung Cộng đâm ngang đánh chìm. Năm nay đến lượt Việt Nam đóng vai chủ tọa trong khối ASEAN, có thể đưa đề nghị lên án những hành động ăn cướp trên biển của Trung Cộng.

 

Hai Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và Vương Nghị chỉ họp mặt trên mạng, chắc vì từ khi bệnh dịch Covid 19 xẩy ra ở Vũ Hán Việt Nam vẫn còn lệnh cấm người Trung Quốc qua biên giới! Ông Vương Nghị lại kêu gọi hai nước tiếp tục hợp tác kinh tế, nhưng không cho biết cụ thể như thế nào, và tại sao cần nói chuyện gấp như vậy. Ông Phạm Bình Minh cho biết sẽ tặng một số tiền khoảng $100,000 đô la Mỹ để cứu giúp các nạn nhân vụ bão lụt nặng nề đang tràn ngập vùng hạ lưu sông Dương Tử. Quả thật là muối bỏ xuống Trường Giang cho trôi ra biển!

 

Những hoạt động ngoại giao mới của ông Vương Nghị chỉ cốt chứng tỏ, trong lúc tình hình quân sự ở vùng biển Đông Nam Á đang căng thẳng, họ vẫn đóng vai chủ động. Trung Cộng không thể dễ dàng biểu diễn một màn ngoại giao nào mới với các nước “khó bảo” như Philippines, Malaysia, Brunei hay Indonesia. Cho nên, Bắc Kinh chỉ có thể dùng các nước “đồng chí anh em” để đóng trò biểu diễn trên mặt trận ngoại giao, đề phòng một cuộc chạm súng có thể diễn ra.

 

Hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump chắc không muốn lâm chiến. Nhưng trong lúc tàu chiến và phi cơ hai nước cùng kéo tới vùng Biển Đông nước ta, một tai nạn bất ngờ cũng dễ biến thành xung đột lớn nếu các nhà chỉ huy quân sự tại chỗ phản ứng khi bị “khiêu khích,” trong lúc cuộc khẩu chiến giữa hai bên đang tăng cường độ.

 

Nếu hai nước đụng độ thì Trung Cộng chiếm lợi thế ngay lập tức, điều đó có thể khuyến khích giới tướng lãnh của họ có thái độ hung hăng, như khi dọa bắn hỏa tiễn vào hàng không mẫu hạm khiến Mỹ phải nhụt chí. Nhưng nếu cuộc chiến kéo dài thì những lợi thế của Trung Cộng sẽ biến mất; và đây là điều khiên ông Tập Cận Bình phải suy nghĩ, không dám làm liều.

 

Năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu cơ quan nghiên cứu Rand Corporation so sánh lực lượng quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc. Bản phúc trình của Rand nhận xét rằng khả năng của quân đội Trung Cộng còn thấp hơn Mỹ về mặt vũ khí, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm chiến trường, nhưng Bắc Kinh đang dồn nhiều nỗ lực và sẽ đuổi kịp rất nhanh. Họ đóng thêm nhiều tàu ngầm cũng như phát triển hệ thống vệ tinh nhân tạo trong lãnh vực quân sự.

 

Bản phúc trình của Rand cũng nhận xét rằng Trung Cộng có lợi thế về mặt địa dư. Biển Đông nước ta nằm ngay tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam, Trung Cộng có thể chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến, với các vũ khí, hỏa tiễn, máy bay và chiến hạm được chế tạo riêng cho khu vực chiến trường này.

 

Charlie Lyons Jones, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Australia, cho rằng quân đội Trung Cộng đã đặt trọng tâm vào mục tiêu ngăn cản không cho hải quân Mỹ đi vào vùng Đường Lưỡi Bò họ đã vẽ ra, mà gần đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố là bất hợp pháp. Để đạt mục đích này, ông Jones nhận xét, Trung Cộng đã tăng cường lực lượng phòng không và xây dựng một hàng rào phòng thủ gồm các hỏa tiễn và phi cơ thả bom đặc biệt nhắm đánh các chiến hạm.

 

Trước khi chiến tranh xẩy ra, Trung Cộng đã chiếm lợi thế vì Mỹ phải điều động quân từ các căn cứ trên đảo Guam, Australia, Philippines, Nhật Bản; trở thành những đích nhắm cho không quân cùng hỏa tiễn Trung Cộng. Trong khi đó quân Trung Cộng chiến đấu ngay trước cửa nhà mình. Trong lúc cuộc chiến tiếp diễn, Trung Cộng vẫn có thể chặn đánh các đoàn tàu tiếp viện của Mỹ một cách chính xác nhờ hệ thống vệ tinh do thám.

 

Năm ngoái, David Ochmanek, một nhà nghiên cứu quân sự thuộc Rand Corporation đã thuyết trình về những kịch bản có thể diễn ra nếu Mỹ và Trung Cộng chạm súng ở Biển Đông. Ông Ochmanek nhận định rằng khi chiến tranh bắt đầu thì Trung Cộng chiếm ưu thế rõ rệt vì họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Dù phẩm chất các vũ khí và trang bị quân sự của Trung Cộng còn thua kém Mỹ, nhưng họ có thể lấy số đông để áp đảo. Chiến hạm Mỹ điều động nhanh và vũ khí mạnh hơn Trung Cộng, nhưng Trung Cộng có thể sản xuất nhiều và kéo đến nghênh chiến với một lực lượng ào ạt.

 

Viên Bằng (Yuan Peng) chủ tịch Viện Bang giao Quốc tế ở Bắc Kinh đã so sánh tình hình hiện nay với thời gian một trăm năm trước, khi xẩy ra Chiến tranh Thế giới lần Thứ Nhất, theo bản tin Reuters. Ông khuyến cáo chính quyền Trung Cộng phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Mỹ về quân sự.

 

Hồ Ba (Hu Bo), giám đốc Trung tâm Chiến lược Hải dương thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng xung đột Mỹ Trung không thể lan rộng và kéo dài, vì hậu quả quá lớn; nhưng một khi chiến cuộc đã nổ ra thì không ai ngăn lại được.

 

Nhưng Malcolm Davis, Viện Nghiên cứu Chiến lược Australia lo ngại rằng chiến tranh vẫn có thể xẩy ra nếu giới tướng lãnh Trung Cộng nghĩ rằng bây giờ là một cơ hội hiếm có, sẽ khó lòng có cơ hội thứ hai, vì nước Mỹ đang lúng túng đối phó với bệnh dịch Covid 19, khó phản ứng nhanh chóng khi Trung Cộng nhất quyết ngăn chặn tầu chến Mỹ không cho vào Đường Lưỡi Bò của họ.

 

Nhưng khi cuộc chiến tiếp diễn kéo dài thì càng về sau lợi thế của Trung Cộng sẽ mất dần, theo ông Ochmanek thuộc Rand Corporation.

 

Các hạm đội Mỹ với các hàng không mẫu hạm dẫn đầu là những căn cứ di động có thể được tiếp tế từ các nước Philippines, Nhật Bản, Nam Hàn, còn các căn cứ trên những hòn đảo nhân tạo của Trung Cộng không khác gì các mẫu hạm, nhưng không thể di chuyển.

 

Mỹ sẽ phải tấn công vào các căn cứ không quân ở đảo Hải Nam để tiêu diệt lực lượng đối phương trước khi bị tấn công. Vì thế chiến cuộc sẽ kéo lên phía Bắc, có thể lên tới vùng eo biển Đài Loan và xa hơn nữa. Quân đội các nước đồng minh của Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, có thể giúp quân Mỹ về tiếp liệu, dưỡng thương, tin tức tình báo,vân vân. Những lợi thế của Trung Cộng, như hậu cứ tiếp viện ở gần bên chiến trường, khả năng do thám, số lượng áp đảo những máy bay, tàu ngầm, chiến hạm, sẽ bị giảm dần dần cho đến mức không đáng kể nữa.

 

Chiến tranh sẽ không làm cho nền kinh tế Mỹ suy yếu đó là điều quan trọng nhất. Tất cả những gì Mỹ đang mua từ Trung Cộng đều có thể mua ở các nước khác. Chiến tranh sẽ chỉ giúp giảm số người thất nghiệp ở Mỹ, Tổng Sản Lượng Nội Địa sẽ gia tăng để cung ứng cho chiến trường.

 

Trong khi đó thì cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Sẽ không có một thương thuyền nào dám đi qua bãi chiến trường trên mặt biển! Cả nền kinh tế Trung Quốc dựa trên xuất cảng sẽ đình trệ. Nguyên liệu, hàng tiếp liệu cho việc chế tạo, và dầu lửa sẽ không được tiếp tế, nền công nghiệp Trung Quốc sẽ suy sụp.

 

Cuộc chiến tranh chỉ kéo dài bốn tháng, nửa năm, Trung Quốc sẽ khốn đốn. Cả công trình hơn 30 năm xây dựng kinh tế sẽ phải ngưng lại, không biết bao giờ mới phục hồi.

 

Tóm lại, nều nhìn về lâu về dài, ông Tập Cận Bình sẽ phải thấy rằng không nên gây chiến với ông Donald Trump trong lúc này. Chưa kể là khi chiến cuộc bột phát thì chỉ giúp ông Trump được nhiều người Mỹ ủng hộ hơn, họ là những cử tri sẽ bỏ phiếu bầu ông Trump!

 

Một ủy viên Bộ Chính Trị Trung Cộng đã bị Mỹ cấm vận. Trong mấy ngày qua, giới lãnh đạo Mỹ tiếp tục đả kích. Mỹ mới ghi thêm vào sổ đen hai người, Bí thư và phó bí thư công ty đảng ủy của công ty XPCC, vì tội cưỡng bách lao động người Uighurs ở Tân cương. Công ty Tik Tok đang bị quốc hội Mỹ điều tra. Không biết Trung Cộng sẽ nhịn nhục đến bao giờ.

 

------------------------------

.

Trung - Mỹ có thể nổ súng tại Biển Đông hay không?

Ngô Nhân Dụng

29/07/2020

https://www.voatiengviet.com/a/trung-my-bien-dong-no-sung/5522123.html

 

Ngày 12 Tháng Bảy là kỷ niệm bốn năm ngày Tòa án Quốc tế ở The Hague tuyên bố Đường Lưỡi Bò mà chính quyền Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông nước ta hoàn toàn vô giá trị. Từ năm 2016 đến nay, Bắc Kinh vẫn bất chấp phán quyết đó, và Philippines là nước đệ đơn kiện hầu như cũng quên luôn!

 

Năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bỗng dưng nhắc nhở tất cả mọi người đừng quên bản án của Tòa Quốc tế! Ông Pompeo nhấn mạnh việc Trung Cộng tiếm nhận 90 phần trăm vùng biển Đông Nam Á là “hoàn toàn bất hợp pháp.” Ông nhắc đến tên nhiều hòn đảo của các nước từ Việt Nam, Indonesia đến Malaysia đã bị Trung Cộng chiếm đóng phi pháp, trong đó có Vanguard Bank (Bãi Tư Chính) của nước ta.

 

Trước khi ông Pompeo nói, hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã song song tiến vào vùng biển Đông Nam Á, đem theo cả hạm đội đầy đủ vũ khí thao dượt tác chiến, liên tiếp hai tuần lễ. Mẫu hạm Nimitz cũng tập trận cùng hải quân Ấn Độ, trong Vịnh Bengal, trước khi qua Trung Đông. Quân Ấn Độ và quân Trung Cộng mới bắn nhau ở vùng biên giới trên Hy Mã Lạp Sơn, mỗi bên chết mấy chục người.

 

Lần sau chót hai mẫu hạm của hải quân Mỹ cùng đi vào Biển Đông diễn ra năm 2014, khi cựu Tổng thống Obama tuyên bố “chuyển trục,” đưa lực lượng Mỹ từ vùng Địa Trung Hải qua Á châu; đồng thời Mỹ cũng đang vận động với 11 quốc gia ở Thái Bình Dương ký một hiệp ước thương mại tự do mà không cho Trung Cộng dự phần.

 

Sáu năm trước cũng như lần này, các chiến hạm Mỹ đi sát gần các hòn đảo Trung Cộng chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa, mà không báo tin xin phép, để chứng tỏ nước Mỹ không công nhận họ làm chủ, dù Trung Cộng đã thiết lập những căn cứ quân sự trên đó.

 

Trong vòng một tuần, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, đưa thêm chiến đấu cơ J-11B tới phi trường quân sự trên Đảo Phú Lâm (Woody Island), hòn đảo rộng nhất trong Quần đảo Hoàng Sa, trước năm 1974 vẫn thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

 

Quân khu Miền Nam Trung Quốc còn cho máy bay JH-7 tập trận hai ngày liên tiếp, bắn 3,000 phi đạn với chất nổ thật, trên những mục tiêu di động trên mặt biển. JH-7 là loại máy bay thả bom đặc biệt nhắm đánh các chiến hạm đang di chuyển. Lần chót oanh tạc cơ JH-7 được đem biểu diễn bắn hỏa tiễn thật ở Biển Đông là năm 2016, sau khi Tòa án quốc tế ở The Hague xử Philippines thắng kiện Trung Quốc.

 

Năm nay Trung Cộng lại biểu diễn đánh bom ở Biển Đông nước ta, trong khi hải quân Mỹ đang tập trận bất chấp những tín hiệu cảnh cáo, xua đuổi của các tàu Hải Giám. Không ai đoán trước được chuyện gì sẽ xẩy ra giữa hai cường quốc, trong lúc không khí ngày càng căng thẳng, từ khi có bệnh dịch Covid 19.

 

Xung đột Mỹ - Trung đang diễn ra trong nhiều lãnh vực: Cuộc chiến thuế quan, Huawei, Hồng Kông, nhân quyền của người Uyghurs, rồi mới đóng cửa lãnh sự quán Trung Cộng ở Houston và Trung Cộng trả đũa bằng tòa lãnh sự Mỹ ở Thành Đô. Tổng thống Donald Trump đã gọi Coronavirus là Vi khuẩn Vũ Hán (Wuhan virus) và gọi tên Kung Flu để chế nhạo, còn nghĩ tới việc cấm vận cả 92 triệu đảng viên cộng sản Trung Quốc! Mỹ mới bán $180 triệu đô la vũ khí cho Đài Loan dù Trung Cộng ồn ào phản đối. Trong Tháng Bảy, người ta thấy một chiếc máy bay không người lái (spy drone) của Mỹ, được trang bị các loại máy do thám, bay qua vùng Biển Đông rồi đi về hướng Đài Loan!

 

Trong thế kỷ 21, hai nước Mỹ và Trung Quốc, làm chủ 40 phần trăm kinh tế thế giới, sẽ kình chống lẫn nhau, không thể nào tránh được. Năm 2018, ông Kissinger, từng làm cố vấn an ninh quốc gia cho mấy đời tổng thống Mỹ, đã nói, “Theo kinh nghiệm lịch sử thì Trung Quốc và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ xung đột.” Cuộc thương chiến do Tổng thống Trump khởi xướng sẽ còn tiếp tục, dù ông Trump tái đắc cử hay không. Cuộc chạy đua làm chủ hệ thống viễn thông G5 cũng vậy.

 

Mọi người đồng ý rằng các ông Tập Cận Bình và Donald Trump không muốn chiến tranh giữa hai nước. Tổng thống Trump đã tỏ ra rất thân thiện, từng khen Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc lớn nhất trong mấy thế kỷ – xác chết của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, nếu nghe được, chắc phải giật mình cựa quậy! Sau đó ông Trump còn nâng cấp, gọi ông Tập là nhà lãnh đạo số một trong suốt lịch sử Trung Quốc! Nói thế chắc đúng ý Tập Cận Bình! Vì các ông vua đời trước như Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Minh Thành Tổ, cho tới Càn Long chỉ lo bành trướng trên lục địa châu Á, còn Tập Cận Bình mở cả Con đường Tơ Lụa trên mặt biển và đang đem tiền cùng các cố vấn, công nhân, đến tận các nước châu Phi mua ảnh hưởng!

 

Nhưng một cuộc chiến tranh có thể bất ngờ bùng lên chỉ vì những biến cố nhỏ. Năm 2001, một máy bay tình báo Mỹ bị chiến đấu cơ Trung Cộng bám sát, tai nạn đã xẩy ra chỉ cách Hoàng Sa 160km. Người phi công Trung Cộng tử nạn còn máy bay Mỹ thoát nạn nhờ hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Chính phủ hai nước đã giàn xếp ổn thỏa.

 

Năm 2018 có lúc chiến thuyền hai bên đến sát gần nhau trong Biển Đông, chỉ cách 40 mét. Nếu vì trục trặc kỹ thuật mà tàu đụng nhau, có người chết, thì không biết chuyện gì sẽ xẩy ra!

 

Cuối năm 2018, Thiếu Tướng hồi hưu La Viện (LuoYuan) thuyết trình tại Học Viện Khoa học Quân sự, đã nói thẳng rằng Trung Quốc chỉ cần bắn hỏa tiễn vào một hay hai cái hàng không mẫu hạm là đủ cho Mỹ sợ rồi. Khuynh hướng diều hâu trong quân đội Trung Cộng có thể đang lên cao, và họ có thể tính toán liều lĩnh, khi muốn lợi dụng tình trạng nước Mỹ đang lâm bệnh Covid nặng nhất thế giới – ngay các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản cũng bị vi khuẩn đe dọa.

 

Điều đáng lo ngại trong lúc này là hai nước đang tiến từ những xung đột cụ thể, như mậu dịch hay ăn cắp sản phẩm trí óc, có thể thảo luận để giải quyết, sang những vấn đề không thể giải quyết vì có tính cách chiến lược lâu dài, cho tới các vấn đề chính trị căn bản, như cách tổ chức kinh tế của Cộng sản Trung Quốc,và việc Trung Cộng xâm lấn vùng Biển Đông.

 

Nguy hiểm nhất là trong khi tàu chiến và máy bay quân sự hai nước có thể đụng chạm ngoài ý muốn, thì mối bang giao đang chuyển, từ xung khắc biến thành thù nghịch. Mỗi bên không còn tin vào lời hứa hẹn của bên kia, và không ngần ngại nói công khai như vậy. Các con đường ngoại giao có khả năng tháo gỡ các xung đột có thể bị tắc nghẽn. Khi ông Mike Pompeo gặp ông Lưu Hạc ở Hawaii tháng trước, mà không hẹn gặp nhau lần nữa, nhiều người đã nhắc tới biến cố Nhật Bản bất ngờ tấn công Pearl Harbor năm 1941; để nhắc nhở rằng cuộc chiến Thái Bình Dương đã xẩy ra dù trước đó không ai tin Nhật Bản lại dại dột gây chiến với một nước lớn gấp bốn lần mình như thế!

 

Một yếu tố cũng đáng quan tâm là năm nay dân Mỹ sắp đi bầu. Nếu trước ngày bỏ phiếu mà có một vụ xung đột quân sự lớn thì, như kinh nghiệm cũ cho thấy, dân chúng Mỹ chắc chắn sẽ đoàn kết ủng hộ vị tổng thống đương nhiệm. Những cuộc tập trận của hai hàng không mẫu hạm Mỹ cũng như các lời tuyên bố lên án Trung Cộng của Ngoại trưởng Mike Pompeo đều có thể chuẩn bị cho một biến cố như vậy.

 

Tập Cận Bình và Donald Trump sẽ không để cho chiến tranh lan rộng và kéo dài, nhưng một cuộc nổ súng ở Biển Đông vẫn có thể xẩy ra bất ngờ.

 

 

 

 

 


No comments: