Wednesday, August 26, 2020

KẾ HOẠCH NGÀN TÀI NĂNG và THAM VỌNG CỦA TRUNG QUỐC (Hiếu Chân / Người Việt)

 


Kế hoạch Ngàn Tài Năng và tham vọng của Trung Quốc

Hiếu Chân/Người Việt

Aug 25, 2020

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ke-hoach-ngan-tai-nang-va-tham-vong-cua-trung-quoc/

 

Kế hoạch Ngàn Tài Năng của Trung Quốc, bề ngoài là một chương trình tuyển mộ nhân tài, nhưng thực chất là một thủ đoạn gián điệp công nghệ, mua chuộc các nhà khoa học Mỹ và phương Tây để thủ đắc các thành quả nghiên cứu, giúp Trung Quốc tiến lên trong khi gây thiệt hại cho các nước khác.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/08/A1-Ke-hoach-Ngan-Tai-Nang-1536x1022.jpg

Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới một số lĩnh vực công nghệ cao như vật lý lượng tử, công nghệ sinh học, công nghệ nano và vật liệu mới, vật liệu siêu dẫn, y học… Trong hình, một nhà sinh vật học chuyên ngành công nghệ nano nghiên cứu tế bào não bằng kính hiển vi. (Hình minh họa: Jean Pierre Clatot/AFP via Getty Images)

 

Hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Tám, Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) bắt giữ ông Zhengdong Cheng (Trịnh Chánh Đông), một nhà nghiên cứu của đại học Texas A&M, cáo buộc ông này nhận tiền tham gia chương trình tuyển mộ tài năng của chính phủ Trung Quốc trong khi thực hiện nghiên cứu khoa học cho Cơ Quan Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (NASA).

 

Vụ bắt giữ xảy ra chỉ một tháng sau ngày chính phủ của Tổng Thống Donald Trump đột ngột ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Houston, Texas, gần trường đại học Texas A&M và tố cáo tòa lãnh sự này là căn cứ của hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ.

 

Theo cáo trạng của Bộ Tư Pháp, ông Cheng tham gia kế hoạch “Ngàn Tài Năng” (Thousand Talents Plan, TTP; tiếng Hán: Thiên Nhân Kế Hoạch) – một kế hoạch “nhằm thu hút, tuyển mộ và nuôi dưỡng các tài năng khoa học xuất sắc nhằm thúc đẩy sự phát triển khoa học, kinh tế và an ninh quốc gia của Trung Quốc,” nhận tiền của chính phủ Trung Quốc mà không khai báo với cơ quan hữu quan ở Hoa Kỳ.

 

Vụ bắt giữ ông Cheng gợi nhớ chuyện một giáo sư danh tiếng của Đại Học Harvard, ông Charles Lieber, trưởng Khoa Hóa Học và Sinh Hóa, bị bắt hôm 28 Tháng Giêng, 2020, với cáo buộc đã nói dối việc nhận hàng triệu đô la tài trợ từ Trung Quốc và làm việc cho Đại Học Công Nghệ Vũ Hán một thời gian dài mà không khai báo với chính phủ Hoa Kỳ.

 

Cũng trong ngày cuối tuần, tờ nhật báo lớn nhất nước Úc, The Australian, đăng một bài điều tra công phu, tố cáo 32 nhà nghiên cứu, giảng viên tại hầu hết các trường đại học lớn của Úc có hành vi giống hệt ông Cheng và ông Lieber: Đều tham gia chương trình Ngàn Tài Năng, đều nhận tiền của chính phủ Trung Quốc và đều man khai hoặc giấu nhẹm các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ và Úc, kể cả các trường đại học nơi họ làm việc.

 

“Chính phủ Trung Quốc đang tích cực tuyển mộ các nhà khoa học hàng đầu của Úc cho một chương trình nghiên cứu bí mật; họ cung cấp những mức lương hậu hĩ cùng nhiều bổng lộc khác nhưng đòi hỏi các phát minh do những nhà khoa học này tạo ra phải được cấp bản quyền ở Trung Quốc và nhà khoa học phải tuân theo luật lệ của Trung Quốc,” báo The Australian viết.

 

Kế hoạch Ngàn Tài Năng là một chương trình tuyển mộ nhân tài do chính phủ trung ương Trung Quốc đề ra năm 2008 và đẩy mạnh từ năm 2013. Chương trình này dành ra một ngân sách khổng lồ để chiêu mộ người tài giỏi trong các lĩnh vực công nghệ cao từ khắp thế giới làm việc cho Trung Quốc, giúp Trung Quốc tiến nhanh, bắt kịp thậm chí vượt qua phương Tây về khoa học công nghệ trong một thời gian ngắn. Lúc đầu kế hoạch này nhắm tới những học giả và nhà nghiên cứu gốc Hoa, thành danh và có địa vị khoa học ở các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Châu Âu, sau đó mở rộng cho tất cả các nhà nghiên cứu nổi tiếng không nhất thiết là người gốc Hoa.

 

Những người tham gia chương trình TTP được đãi ngộ rất tốt; như trường hợp Giáo Sư Charles Lieber trường Harvard kể trên đã được Đại Học Công Nghệ Vũ Hán (Wuhan Technology University, WUT) cấp hơn $1.5 triệu để lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ nano ở Vũ Hán, được lãnh khoản lương tháng $50,000, và khoản trợ cấp sinh hoạt $150,000 mỗi năm “trong một thời gian dài” từ năm 2012 đến năm 2017. Mức đãi ngộ này các giáo sư đầu ngành ở Mỹ và nhiều nước khác nằm mơ cũng không thấy được! Theo Tiến Sĩ William Hannas, thành viên cao cấp của Cục Tình Báo Trung Ương (CIA) và hiện là giáo sư Đại Học Georgetown, kế hoạch TTP đã có hơn 10,000 nhà nghiên cứu tham dự.

 

Sẽ không có gì đáng nói nếu Trung Quốc sắm vai Mạnh Thường Quân, tài trợ các nhà khoa học để họ yên tâm nghiên cứu, tìm ra những phát minh mới, công nghệ mới phục vụ cuộc sống của con người. Nhưng thực tế cho thấy, Trung Quốc không hào phóng như vậy; đồng tiền họ bỏ ra luôn phải sinh lời và kế hoạch TTP thực chất là một chiến thuật mua chuộc các nhà nghiên cứu, qua đó mà thủ đắc những thành quả khoa học và công nghệ có giá trị cao gấp nhiều lần so với số tiền mà Bắc Kinh bỏ ra.

 

Trong lúc các nhà điều tra Mỹ tập trung vào hành vi gian lận tài chính, khai man của các nhà nghiên cứu tham gia kế hoạch TTP của Trung Quốc, người Úc quan tâm tới những khía cạnh khác, quan trọng hơn: mất tài sản trí tuệ.

 

Theo báo The Australian, rất nhiều thành quả mà các nhà khoa học được trong các công trình nghiên cứu thực hiện bằng ngân sách của chính phủ Úc – tức là từ tiền đóng thuế của người dân – đã được họ bí mật chuyển cho Trung Quốc, bản quyền thuộc về các trường đại học Trung Quốc, theo hợp đồng mà họ đã ký kết với chính phủ Trung Quốc khi tham gia TTP. Hợp đồng này, mà báo The Australian có được, thậm chí còn quy định nhà nghiên cứu không được tiết lộ sự tham gia TTP của mình khi chưa được phép, nghĩa là bắt buộc họ phải “man khai” với chính phủ và trường đại học phương Tây nơi họ làm việc.

 

Trong 32 giáo sư, nhà nghiên cứu của Úc tham gia kế hoạch TTP, báo The Australian nêu lên một vài trường hợp tiêu biểu nhất, giúp chúng ta nhận ra thực chất của kế hoạch này.

 

Giáo Sư Brad Yu là chủ nhiệm Khoa Trí Tuệ Nhân Tạo của Đại Học Curtin, có chuyên môn sâu về tự động hóa thiết bị bay không người lái (drone). Ông hưởng lương công việc toàn thời gian tại Đại Học Curtin, và đã được chính phủ Hoa Kỳ cùng chính phủ Úc tài trợ hơn $4 triệu đô la Úc để nghiên cứu đề tài chiến tranh không gian, cách thức điều động hàng nghìn drone vào một cuộc tấn công phối hợp có hiệu quả.

 

Nhưng ông Brad Yu cũng là thành viên kế hoạch Ngàn Tài Năng, làm việc tại Đại Học Hàng Châu – một cơ sở đào tạo có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc. Trường này có hai phòng thí nghiệm quốc phòng, năm khu vực nghiên cứu vũ khí riêng và bí mật về thông tin “cho phép nó nghiên cứu các vũ khí bí mật và các dự án công nghệ quốc phòng.” Thông tin của Đại Học Curtin cho biết, sau khi được bổ nhiệm trưởng khoa hồi đầu năm ngoái, ông Brad Yu dành hầu hết thời gian làm việc ở Trung Quốc.

 

Tương tự như vậy, báo The Australian chỉ ra các trường hợp ông Ruibin Zhang (Trương Thụy Bân), giáo sư toán chuyên về lý thuyết trường lượng tử của Đại Học Sydney, tham gia kế hoạch TTP năm 2018; Giáo Sư Yi-binh Cheng (Trình Nhất Bình), nhà vật lý chuyên về công nghệ laser của Đại Học Monash có 10 bằng sáng chế dưới tên Đại Học Công Nghệ Vũ Hán trong thời gian ông làm việc ở Đại Học Monash; Giáo Sư Qiaoliang Bao (Bảo Kiều Lương), chuyên gia công nghệ nano có 24 bằng sáng chế đứng tên Đại Học Soochow (Đông Ngô) trong lúc làm việc và hưởng lương của Đại Học Monash; Giáo Sư Dongke Zhang (Trương Đông Khoa), Đại Học Tây Úc, sau khi tiêu hết $48 triệu đô la Úc tài trợ nghiên cứu của chính phủ Úc và Mỹ bỗng trở thành giáo sư của trường Đại Học Thiểm Tây và Đại Học Hàng Không Không Gian Thẩm Dương dù vẫn lãnh lương toàn thời gian của Đại Học Tây Úc; chín phát minh của ông này đều thuộc về các đại học Trung Quốc…

 

Từ những trường hợp trên, báo Úc nhận định, kế hoạch TTP của Bắc Kinh thực chất là một chương trình gián điệp công nghệ. Các nhà khoa học tham gia TTP không chỉ chuyển cho Bắc Kinh những thành quả nghiên cứu của riêng họ – dù làm như vậy đã là phạm pháp – mà còn “đánh cắp” công trình nghiên cứu của các đồng sự, của các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu hay trường đại học mà họ đang làm việc.

 

Đáng chú ý những nhà khoa học được Trung Quốc để ý tuyển mộ cho kế hoạch TTP không chỉ là người xuất sắc trong lĩnh vực của họ mà còn là những người được quyền tiếp cận những công trình nghiên cứu bí mật về công nghệ mới, những nguồn tài nguyên bí mật của chính phủ và quân đội. Việc ông Zhengdong Cheng mới bị bắt trong khi đang làm nghiên cứu ở NASA là một ví dụ.

 

Ông Chen Yonglin (Trần Vĩnh Lâm), một quan chức ngoại giao Trung Quốc đào thoát sang Úc sau nhiều vụ căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước năm 2005, nói rằng TTP thực chất là “thủ đoạn ăn cắp trắng trợn” và cảnh báo chính phủ cũng như các đại học phương Tây phải hết sức cẩn thận. “Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới một số lĩnh vực công nghệ cao mà nước Úc thuộc nhóm hàng đầu thế giới như vật lý lượng tử, công nghệ sinh học, công nghệ nano và vật liệu mới, vật liệu siêu dẫn, y học và các lĩnh vực công nghệ cao khác. Phương Tây nên ngừng ngay lập tức mọi cuộc hợp tác cấp cao về khoa học và công nghệ với đảng Cộng Sản Trung Quốc,” ông Chen nói với The Australian.

 

Mãi đến gần đây, các chính phủ phương Tây như Úc, Mỹ, Canada mới nhận ra sự nguy hiểm của chương trình tuyển mộ nhân tài của Trung Quốc và có biện pháp đối phó.

Tháng Mười Một năm ngoái, Thượng Viện Hoa Kỳ ra tuyên bố kế hoạch Ngàn Tài Năng của Trung Quốc là mối đe dọa cho lợi ích quốc gia của Mỹ. Năm 2019, Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ cấm tất cả viên chức, chuyên gia của bộ tham gia các chương trình tuyển mộ của nước ngoài, kể cả Trung Quốc. Cũng từ đầu năm ngoái, chính phủ Mỹ giao cho Bộ Tư Pháp nhiệm vụ “nhổ cỏ” các nhà khoa học đánh cắp thành quả của các viện nghiên cứu của Mỹ. Bộ Tư Pháp cho biết, trong hai năm 2018-2019, bộ này đã buộc tội ít nhất bốn chục trường hợp liên quan tới hoạt động do thám, gián điệp về kinh tế, khoa học và công nghệ do Trung Quốc điều hành, phần lớn đều có dính dáng tới kế hoạch TTP.

 

Mới đây nhất, ngày 20 Tháng Tám, 2020, Sở Tình Báo và An Ninh Canada cảnh báo cho tất cả các đại học và viện nghiên cứu của Canada phải đề cao cảnh giác với kế hoạch TTP của Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc đang tuyển mộ các nhà nghiên cứu và khoa học gia khắp thế giới để thuyết phục họ chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ – hoặc tự nguyện, hoặc cưỡng ép.

 

Muộn còn hơn không. Dù vấp phải sự phản đối của giới khoa bảng rằng hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu của phát triển khoa học, những chiến dịch ngăn chặn bàn tay của Trung Quốc trong các cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu chuyên sâu của Mỹ và phương Tây đã được khởi động. Phản ứng mạnh của Mỹ và các nước phương Tây chắc chắn sẽ làm cho Trung Quốc thêm khó khăn, nhất là vào lúc Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đòi hỏi Bắc Kinh phải thu hút nhân tài hàng đầu thế giới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phẩm chất cao như ông tuyên bố tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thẩm Quyến hôm Thứ Hai, 24 Tháng Tám vừa qua. [qd]

 

 

 

 

 

 


No comments: