Wednesday, August 12, 2020

CUỘC THI TIẾNG HÁT TRUYỀN HÌNH MỸ PHÓNG TÁC TỪ EUROVISION (Tuấn Thảo - RFI)

 


Cuộc thi hát truyền hình Mỹ phóng tác từ Eurovision

Tuấn Thảo  -  RFI

Đăng ngày: 12/08/2020 - 10:23

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200812-cu%C3%B4%CC%A3c-thi-ha%CC%81t-truy%C3%AA%CC%80n-hi%CC%80nh-my%CC%83-pho%CC%81ng-ta%CC%81c-t%C6%B0%CC%80-eurovision

 

ại châu Âu, cuộc thi hát truyền hình Eurovision là một trong những sự kiện lớn nhất làng giải trí. Được tổ chức hàng năm vào mùa xuân, Eurovision thu hút gần 200 triệu khán giả nhờ được phát sóng trực tiếp tại 40 quốc gia. Hơn 60 năm sau ngày ra đời, Eurovision được "xuất khẩu" sang Hoa Kỳ. Phiên bản của Mỹ dự kiến ra mắt vào cuối năm 2021. 

 

Được đặt tên là ‘‘American Song Contest’’, cuộc thi sẽ diễn ra ở quy mô lớn, áp dụng những điều lệ giống như cuộc tranh tài Eurovision. Thí sinh có thể là ca sĩ hát đơn, song ca hay diễn theo nhóm, bất kể là nghiệp dư hay chuyên nghiệp, miễn là nghệ sĩ này trình bày một ca khúc mới không quá 3 phút, có thể là sáng tác của chính mình, hay của một tác giả khác.

 

Tính tổng cộng, sẽ có 50 thí sinh, mỗi người đại diện cho một bang của nước Mỹ và như vậy quá trình tuyển chọn có thể làm nổi bật những nét đặc trưng âm nhạc của từng vùng miền. Do có khá nhiều người tham gia, chắc hẳn cuộc thi sẽ bắt đầu với nhiều vòng sơ tuyển ở cấp địa phương, rồi sau đó mới tới các vòng bán kết và chung kết toàn quốc. 

 

Cho dù các cuộc thi hát truyền hình chẳng có gì thật sự là mới lạ tại Hoa Kỳ (khán giả Mỹ vẫn còn hưởng ứng các cuộc thi như ‘‘The Voice’’,‘‘American Idol’’ và trong một chừng mực nào đó cuộc thi AGT cũng thu hút nhiều thí sinh trỗ tài ca hát), thế nhưng nhà sản xuất người Thụy Điển Anders Lenhoff hứa hẹn là ‘‘American Song Contest’’ sẽ mang đến cho khán giả nhiều điều thú vị, khác lạ. Tất cả các thể loại âm nhạc đều có thể đưa vào các vòng thi đấu. Trong 50 bang nước Mỹ, có những bang là chiếc nôi của dòng nhạc blues, country, jazz, folk, rock …. Một số bang nổi tiếng nhờ các trường đào tạo thanh nhạc, kể cả cổ điển opera hay nhạc kịch. Cuộc tranh tài giữa 50 tiểu bang Hoa Kỳ vì thế mà hứa hẹn nhiều màn quyết liệt, hào hứng.

 

Còn theo lời nhà đồng sản xuất người Mỹ Ben Silverman, dự án chuyển thể phóng tác cuộc thi châu Âu Eurovision thành một phiên bản tiếng Anh dành cho thị trường Bắc Mỹ đã có từ lâu. Nhóm sản xuất đã ấp ủ giấc mơ này trong 20 năm qua. Theo ông Ben Silverman, vào lúc nước Mỹ đang bị chia rẽ bởi nhiều vấn đề xã hội, điều thực sự giúp cho người Mỹ có thể đoàn kết với nhau chính là nền văn hóa quốc gia. Âm nhạc có thể giúp cho con người vượt qua nhiều biên giới hay rào cản vô hình. 

 

Để thích nghi nội dung cuộc thi với thị hiếu của khán giả Hoa Kỳ, phía châu Âu đã ký hợp đồng với công ty Propagate Content, chuyên sản xuất các chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng, như ‘‘The Office’’ hay là ‘‘The Biggest Loser’’.

 

Thách thức đầu tiên của nhóm sản xuất là thành lập ban giám khảo sao cho hợp với các tiêu chuẩn của một cuộc thi ‘‘đa tài đa năng’’, tránh lặp lại khuyết điểm của một số chương trình thi hát, khi mà thí sinh khi hát trực tiếp, còn hay hơn cả một số thành viên trong ban giám khảo. Đồng thời, sự bình chọn của công chúng cũng mang tính quyết định, chứ không phải là chỉ để tham khảo, và như vậy có thể đi ngược lại với sự chọn lựa đầu tiên hay cách chấm điểm của ban giám khảo.

 

Theo ban giám đốc cơ quan châu Âu UER, chuyên về việc tổ chức và phát sóng truyền thanh cũng như truyền hình, nghiệp đoàn truyền thông này đã nhượng lại quyền khai thác và phát hành cuộc thi cho các đối tác Hoa Kỳ. Theo thông lệ, kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1956 cho tới nay, cuộc thi Eurovision luôn được phát trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước, tại Pháp kênh France 2 luôn phổ biến chương trình này vào tháng 5. Nhưng tại Mỹ, điều này không có gì là chắc chắn cả, hiện vẫn chưa có đài truyền hình nào được tuyển chọn để phát sóng cuộc thi ‘‘American Song Contest’’ trên toàn nước Mỹ.

 

Trong gần 65 năm hoạt động, Eurovision chưa bao giờ bị hủy bỏ. Thế nhưng năm nay, dịch Covid-19 đã buộc ban tổ chức châu Âu lần đầu tiên phải dời lại cuộc thi hát chính thức cho tới tháng 5 năm 2021. Thay thế vào đó là một phiên bản trực tuyến, nơi các nghệ sĩ biểu diễn trên mạng để bày tỏ tình đoàn kết với giới nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.

 

Còn trong kỳ thi năm 2019 tổ chức tại Israel, với sự tham gia đặc biệt của Madonna trong lúc chờ đợi phần công bố bảng điểm, rốt cuộc giải nhất đã về tay ca sĩ Duncan Laurence, đại diện cho Hà Lan. Chính nhân cuộc thi này, mà mạng Netflix đã quay khá nhiều cảnh phim cho tác phẩm hài hước ‘‘Eurovision Song Contest : The Story of Fire Saga’’ với cặp diễn viên Will Ferrell và Rachel McAdams trong vai chính. 

 

Bộ phim kể lại câu chuyện khôi hài nhưng không kém phần dí dỏm, châm biếm về một ban song ca nghiệp dư, nuôi tham vọng đại diện cho Iceland tham gia cuộc thi hát truyền hình châu Âu, kể từ khi họ được xem ‘‘bộ tứ thần kỳ’’ Abba đoạt giải nhất cuộc thi vào năm 1974 với nhạc phẩm Waterloo. Ban đầu bị mọi người dèm pha chê bai, thậm chí chế nhạo giễu cợt, ban song ca Will Ferrell-Rachel McAdams bất chấp mọi chỉ trích vẫn đeo đuổi cho tới cùng giấc mơ của họ.

 

Theo lời Will Ferrell, vợ của anh là người gốc Thụy Điển và cuộc thi Eurovision đối với nhiều người Bắc Âu là một thứ gì đó khiến cho họ cảm thấy tự hào. Qua câu chuyện của những nghệ sĩ ‘‘ngoại khổ, lập dị’’, bộ phim The Story of Fire Saga cũng là câu chuyện ngụ ngôn về các cộng đồng thiểu số, buộc phải có nghị lực để phấn đấu vươn lên. Bộ phim còn khá thành công nhờ sự xuất hiện của các tên tuổi như ca sĩ người Áo Conchita Wurst, ca sĩ Pháp Bilal Hassani hay là thần đồng vĩ cầm người Na Uy Alexander Rybak. Phần âm nhạc do tác giả Savan Kotecha đảm trách, người đã từng hợp tác với Britney Spears hay là ban nhạc One Direction, để tạo ra những giai điệu dễ lọt tai, nằm lòng.

 

Một phần cũng vì bộ phim này được phát hành trên mạng Netflix, khán giả ở Bắc Mỹ bắt đầu làm quen với cuộc thi châu Âu Eurovision cách đây một năm, trước khi họ chính thức xem cuộc thi tại Mỹ dự trù diễn ra vào cuối tháng 11. Trong chiến lược đa dạng hóa các nội dung, mạng Netflix cũng đã khôn khéo quay một bộ phim truyện về Eurovision, để rồi sắp tới đây khi cuộc thi hát truyền hình châu Âu diễn ra trực tiếp, mạng Netflix mua lại quyền phát hành Eurovision dành cho khán giả Bắc Mỹ.

 

 

 

 

 

 

 


No comments: