Có
phải người Nga luôn chơi theo kiểu của họ
Thu
Phong Sơn Cước
Dịch từ Historyextra.com
12/08/2020
https://nghiencuulichsu.com/2020/08/12/co-phai-nguoi-nga-luon-choi-theo-kieu-cua-ho/
Nhìn lại sự ủng hộ Assad
của Nga tại Syria, vai trò đáng ngờ của quốc gia này trong việc đầu độc một sĩ
quan tình báo tại Salisbury và sự can thiệp có chủ đích trong cuộc bầu cử tổng
thống tại Mỹ, chín sử gia đã đưa ra quan điểm về việc những hành động ấy có phản
ánh thái độ lịch sử của nước Nga trước những quy ước quốc tế đã được công nhận
hay không
SỬ GIA JANET HARTLEY
Phương Tây và châu Âu đều hiểu rằng Nga không phải
là “một trong số họ”
“Nước Nga là một quốc gia
châu Âu”. Catherine Lớn, nữ hoàng Nga, đã phát biểu như vậy năm 1767 trong Chỉ
dụ của bà – một kiểu văn kiện có tính hướng dẫn – về các dạng chính quyền ‘kiểu
châu Âu’ mà nước Nga chia sẻ với các nước ‘văn minh’ khác ở đông và trung Âu. Nữ
hoàng Catherine là người gốc Đức, những gì bà khẳng định đã có từ người tiền
nhiệm, Peter Đại đế, người đã cố gắng hiện đại hóa xã hội và các thể chế của
Nga dọc theo các tuyến đường đông Âu, cũng như cháu nội bà là Alexander I, người
đã giải cứu châu Âu khỏi bạo chúa Napoleon, và tất cả những sa hoàng cho tới
năm 1917. Đế quốc Nga là một phần của châu Âu, và vì thế tuân theo những luật lệ
của châu Âu.
Vậy thì ‘tính châu Âu’ được
biểu hiện thế nào? Nga có chung những truyền thống Kitô giáo của châu Âu, và
góp phần trong mọi dạng văn hóa châu Âu. Tư tưởng và triết học châu Âu – về thể
chế chính quyền, xã hội, tội phạm và trừng phạt – đều có dính dáng tới Nga. Nga
tuân thủ những quy tắc ngoại giao châu Âu và là thành viên được chấp nhận trong
hệ thống các nước châu Âu. Quân đội Nga có chung kiểu đánh trận với các đạo
quân châu Âu khác. Hơn thế nữa các sa hoàng rất có thể đã sao chép cả những thể
chế châu Âu, luật pháp và những tước hiệu quý tộc. Họ thoải mái nhào nặn xã hội
thượng lưu và thành thị để cho thần dân của mình hành xử, và thậm chí là ăn mặc,
cho giống người châu Âu.
Nhưng có hai vấn đề. Thứ
nhất, việc áp dụng các thể chế kiểu châu Âu luôn bị cản trở bởi những đặc tính
mà chỉ Nga mới có: quy mô rộng lớn của đế quốc khiến cho việc muốn thay đổi gì
đó rất khó; sự tồn tại của giai cấp nông nô cho tới năm 1861 đã giới hạn sự
phát triển kinh tế xã hội; các sa hoàng không muốn giảm bớt quyền lực của mình
cho tới khi buộc phải làm vậy do cuộc cách mạng năm 1906; ý thức pháp luật và
cơ chế chính quyền tiến triển rất chậm.
Thứ hai, đông và trung Âu
đều nhận thức rằng nước Nga không phải là một trong số họ; Nga lạc hậu và không
đáng tin. Tuy Nga cũng cố gắng, hoặc được xem là cố gắng, tuân thủ các luật lệ
châu Âu, nhưng người ta vẫn không bao giờ xem Nga là một nước châu Âu toàn diện.
Mối quan hệ lỏng lẻo kiểu như vậy tiếp diễn cho tới khi Liên Xô phá vỡ các quy
tắc ngoại giao năm 1918, đe dọa sự phát triển của thế giới và đi con đường
riêng của mình.
SỬ GIA HELEN RAPPAPORT
“Nga cô lập do họ vẫn tự nghĩ rằng mình đang bị bủa
vây bởi các thế lực thù địch”
Nữ hoàng Victoria đã đặt
vấn đề về cách hiểu nước Nga. Năm 1838, quan tể tướng Viscount Melbourne đã chỉ
ra thành trì tư tưởng của nước này. Nga, ông giải thích, rồi sẽ thu mình về góc
trời của mình, trong tuyết phủ và sương mù. Hoảng sợ trước “sự bá đạo” của Nga,
nữ hoàng Victoria coi đó là một mối đe dọa. Người nga “rất không đáng tin” và
“đối lập hoàn toàn với Anh quốc.”
Những kỳ vọng đã thay đổi
khi Peter đại đế lên ngôi đầu thế kỷ 18 và hướng về phương tây, ông tìm cách hiện
đại hóa một nước Nga lạc hậu. Nhưng vương quốc của ông vẫn rất khác người: lạ
lùng, bán châu Á, suy nghĩ đơn giản, không giống chúng ta. Noi gương Thụy Điển
và Pháp, Nga chống lại những xâm phạm của phương Tây và luật lệ của nó. Sa
hoàng Alexandra nói rằng người Nga không hiểu cộng hòa là gì – họ chỉ hiểu luật
lệ chuyên chế mà thôi.
Khi Nga áp đặt Công ước
Warsaw, một thứ hiệp ước bảo vệ toàn diện giữa các nước cộng sản đông Âu với
nhau, trong những năm hậu Thế chiến thứ 2, cho thấy họ kiên quyết chống lại sự
xâm phạm của Nato và các giá trị tự do của nó. Tuy có thời gian ngắn ngủi nối lại
quan hệ dưới thời Gorbachev, và sau khi cộng sản sụp đổ năm 1991, nhưng Nga vẫn
cô lập do tự nghĩ rằng họ đang bị bủa vây bởi các thế lực thù địch.
Biểu hiện gần đây về thái
độ của Nga trước những quy tắc đó là các vụ scandal sử dụng doping trong thể
thao. Họ xem thường những luật lệ – và khi phải nhận hình phạt thích đáng thì
Nga tiếp tục vi phạm luật quốc tế và nhân quyền: sát nhập Crimea, ủng hộ phe ly
khai Ukraina và Assad tại Syria. Thế giới phản đối – nhưng vô ích. Nga vẫn chơi
theo kiểu của họ, như kiểu của Liên Xô ngày xưa.
Những sự kiện tại
Salisbury tháng 3/2018 đã khơi lại những thù hằn thời Chiến Tranh lạnh. Nhưng
trên thực tế những thù hằn ấy vẫn luôn nằm đó. Chủ nghĩa dân tộc của các sa
hoàng đã hồi sinh với sự trỗi dậy không thể ngăn cản nổi của Vladimir Putin – một
gã chính khách muốn thâu tóm toàn bộ chính quyền vào tay, như đã từng thấy
trong những chính sách bức hại thời Xô Viết. Như một người Nga có lần từng nói
với Munster, một nhà ngoại giao người Đức thế kỷ 19: “mọi quốc gia đều có thể
chế riêng. Ở chỗ chúng tôi là chủ nghĩa toàn trị vận hành bằng sự thủ tiêu.”
DAVID V GIOE VÀ MICHAEL S
GOODMAN
Theo tiêu chuẩn của người Nga thì không có giới hạn
nào cho sự phản bội
Ngày 4/3, Sergei Skripal,
nguyên sĩ quan tình báo quân đội Liên Xô, và con gái ông là Yulia được phát hiện
bất tỉnh tại Salisbury, miền nam nước Anh, khả năng rất cao là do bị trúng độc
Novichok, một loại độc tố người ta biết là có tại Nga.
Theo các bài báo thì
Skripal từng phục vụ tình báo Anh ít nhất một thập niên, đã cung cấp những
thông tin hủy hoại Nga. Skripal bị bắt và kết tội phản quốc năm 2006 tại Nga,
nhưng 2010 được trao đổi trong một thỏa thuận tình báo giữa Nga, Anh, và Mỹ.
Ông định cư tại Anh và sống ẩn mình.
Moscow có một lịch sử dài
về việc mưu sát những kẻ thù của quốc gia sống ở những nơi xa. Những người hợp
tác với phương Tây, nhất là trong mảng tình báo, sẽ là mục tiêu ám sát đặc biệt.
Năm 1937, Ignace Reiss, sĩ quan tình báo Liên Xô mới bỏ đảng trước đó bị hành
quyết tại Thụy Sĩ; bạn ông và đồng nghiệp cũ là Walter Krivisky ly khai sau đó
một tháng và bị giết tại Washington DC năm 1941. Trong nước thì các vụ ám sát xảy
ra dưới nhiều kiểu khác nhau nhắm vào cả chính trường.
Những kẻ thù của nước
Nga, cũng như trong thời Liên Xô, sẽ bị kết liễu bằng nhiều cách. Ném qua cửa sổ,
bỏ đói, đánh đến chết, đều là những cách giết kinh khủng, nhưng kiểu chơi của
Nga thường là dùng độc, vì một số lý do. Thứ nhất, nhẹ nhàng và có thể thực hiện
ở bất cứ đâu; thứ hai nạn nhận sẽ phải chịu đau khổ ngay trước mặt người khác.
Sau vụ đầu độc Skripal,
Boris Johnson, bộ trưởng ngoại giao Anh, nói rằng “Đây là lần đầu tiên một độc
chất thần kinh được sử dụng tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II.” Lời phát biểu
này đã bỏ qua vụ mưu sát Georgi Markow năm 1978 bằng chất rixin trên Cầu
Waterloo. Tuy rixin về mặt kỹ thuật không phải một chất thần kinh, nhưng phát
biểu của Johnson không phân biệt sự khác nhau cho những cách thức đầu độc của
người Nga tại Anh kể từ vụ mưu sát Markov.
Thông điệp người Nga gửi
tới những tình báo ly khai, những phóng viên và những kẻ thù chính trị, là rất
rõ ràng – hãy chọn phe cho cẩn thận và tự hỏi: chúng có bảo vệ được ngươi được
mãi hay không? Theo quan điểm của Nga thì không có bất kỳ quy tắc giới hạn nào
cho sự phản bội. Một tình báo, như Skripal, được trao đổi với phương tây trong
một thỏa thuận tình báo, không có nghĩa là anh ta đã được tha thứ – cũng không
có nghĩa là người Nga quên đi sự phản bội.
DINA GUSEJNOVA
Chính sách ngoại giao của Nga không còn mang tính quốc
tế nữa, nhưng là sự trả đũa
Từ “Nga” có phải là “Liên
bang Nga” hay không, hay chỉ là một cách gọi khác của Liên Bang Xô Viết và Đế
quốc Nga? Đưa ra hình ảnh đó để thấy rằng đất nước này vẫn duy trì chế độ toàn
trị trên toàn diện lãnh thổ về cả mặt địa lý lẫn văn hóa. Nhưng khi bước ra thế
giới thì những khác biệt trở nên nghiêm trọng.
Dưới chế độ Xô Viết và
quân chủ, ý tưởng về ‘định mệnh’, gắn với chế độ chuyên chế, Chính Thống cũng
như học thuyết đảng trị Xô Viết, được áp dụng nguyên si khi chơi với nước khác.
Sức mạnh mềm được dùng rộng rãi, từ Liên Minh Thần Thánh hình thành tại Nga năm
1815 giữa Nga, Áo, và Prussia, cho đến việc thể chế hóa việc phân xử quốc tế tại
Hague cuối thập niên 1890, trong đó các luật sư Nga đóng vai trò trung tâm áp đặt
các chính sách Xô Viết về chủ nghĩa quốc tế theo kiểu Quốc tế Cộng sản.
Liên bang Nga ngày ngay
không có cái khả năng lý tưởng ấy. Những gì còn lại là những mảng vỡ của quá khứ:
ý tưởng về một thế giới Chính Thống thiết lập trên đế quốc Ottoman, sự thống trị
của Công giáo và Tin Lành, hay quan điểm thô bạo của Bolshevik nhắm vào các hệ
thống pháp lý phương Tây. Phương pháp hỗ trợ các phe phái chính trị tại những
khu vực bất ổn thông qua các biện pháp can thiệp tình báo bí mật, vốn có từ thời
Nội Chiến Tây Ban Nha, mà Nga thường sử dụng tiếp tục được tái diễn.
Đế quốc Nga và Liên bang
Xô Viết theo chủ nghĩa quốc tế ở vẻ ngoài khi họ ủng hộ một số con đường cụ thể;
ngược lại, ngày nay, chính sách ngoại giao của Nga là một thứ hình thức can thiệp
trả đũa. Cũng như những nước nhỏ hơn trong Hiệp ước Warsaw tìm kiếm sự bảo vệ từ
EU và Nato, nước Nga hậu Xô Viết là một mảng liên minh chắp vá lỏng lẻo và chống
lại cả hai. Không có cơ chế ý thức hệ thay thế như thể Quốc tế Cộng sản, nước
Nga cũng không muốn định hình các thể chế luật lệ quốc tế hiện có thành kiểu
mình thích. Thay vì đó, các lãnh đạo chính trị, bao gồm cả tổng thống, ngành
ngân hàng và giáo hội, cùng xây dựng những nguyên tắc cá nhân trong nền kinh tế
toàn cầu. Trong khi Nga đang thích nghi với một thế giới thay đổi nên người Nga
thật sự đang chơi theo luật riêng của mình.
GEOFFREY ROBERT
Sau khi những người Bolsheviks chiếm được quyền lực
tại Nga năm 1917 thì họ nhắm mục tiêu bẻ gãy tất cả mọi luật lệ về quan hệ quốc
tế bằng cách thúc đẩy một cuộc cách mạng toàn cầu nhằm tiêu diệt chủ nghĩa tư bản
và thiết lập một liên bang cộng sản toàn cầu dựa trên sự đoàn kết giai cấp.
Những nỗ lực truyền bá
cách mạng của những người Bolshevik do Quốc tế Cộng sản (Comintern) lãnh đạo,
và các nhà ngoại giao Liên Xô tích cực hỗ trợ. Những người này hành xử như những
kẻ kích động hơn là những đại sứ nhà nước. Kiểu kết hợp giữa cách mạng và ngoại
giao này càng thêm mạnh mẽ do có sự can thiệp mạnh của thế lực nước ngoài vào Nội
chiến Nga. Viễn cảnh tận thế của nước Nga Xô Viết cuốn lấy cuộc đấu tranh sinh
tử với chủ nghĩa tư bản quốc tế trở thành trung tâm khẳng định danh tính hậu
cách mạng của những người Bolshevik.
Ngoại giao của Liên Xô trở
về vai trò truyền thống sau cuộc nội chiến. Khi nhìn nhận ngoại giao thì việc
thương mại và chung sống hòa bình là những ưu tiên hàng đầu. Mặc dù những người
Bolshevik vẫn muốn lật đổ chủ nghĩa tư bản thế giới, nhưng họ đã chuyển sang
dùng giao truyền thống và các quy tắc của nó. Thật vậy, vào những năm 1930, khi
Liên Xô gia nhập Liên Hiệp Quốc, Moscow đi đầu về bảo chủ quyền quốc gia và
nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác. Moscow tiếp tục can thiệp
vào công việc nội bộ của các nước khác thông qua Comintern nhưng các nhà ngoại
giao Liên Xô khẳng định đó hoàn toàn là vấn đề của đảng cộng sản. Một thế kỷ
sau, chế độ Putin vẫn cam kết tuân theo các nguyên tắc được đề ra bởi ngoại
giao Liên Xô trong những năm 1920. Nhưng không liên hệ gì với Quốc tế Cộng sản.
Giống như tất cả các cường
quốc, Nga luôn quan tâm đến chủ quyền của quốc gia nhưng sẽ bảo vệ lợi ích của
mình bằng mọi cách, kể cả can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Nước Nga Xô
Viết muốn lật đổ nền dân chủ tự do phương Tây, nhưng mục tiêu của Putin hạn chế
và mang tính phòng thủ hơn nhiều: biên giới an toàn, láng giềng thân thiện và
Nga được nhìn nhận là một nhà chính trị toàn cầu được kính trọng.
Chỉ có một chi tiết là
Putin thực sự là một đứa con tư tưởng của Cách mạng Bolshevik – với quyết tâm
cách ly nước Nga khỏi những âm mưu thay đổi chế độ lấy cảm hứng từ phương Tây.
CATHERINE DANKS
Putin ủng hộ một ‘nền dân chủ có quản lý’, đề cao
lòng yêu nước và các giá trị truyền thống của Nga.
Trong những năm 1920, những
người theo chủ nghĩa xã hội Nga đã phát triển một khái niệm gọi là Chủ nghĩa Á
Âu như một tư tưởng thay thế cho chủ nghĩa Bolshevik. Họ tin rằng Nga là một nền
văn minh độc đáo, và không cần xài chủ nghĩa tự do và dân chủ phương Tây, nhưng
cũng không bác bỏ hoàn toàn. Bằng cách dựa trên sự đa dạng phong phú của Âu-Á
và kết hợp những gì tốt nhất từ cả phương tây và phương
đông, họ tin rằng Nga có thể tạo ra thứ phù hợp nhất với văn hóa và truyền thống
của mình.
Trong những năm 1990, nước
Nga thời hậu cộng sản bắt đầu trở thành một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, tự
do, dân chủ, kiểu phương Tây với chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa Đại Tây
Dương. Đây là thời kỳ hỗn loạn, bất ổn và đói kém đối với hầu hết người Nga.
Theo một cuộc khảo sát dư luận năm 1997, 60% người Nga từ chối mô hình tư bản
chủ nghĩa theo cảm hứng của Washington và tin rằng Nga đang đi sai đường.
Một loại hình chủ nghĩa Á
Âu mới, vốn buộc tội phương Tây đã cài cắm một gói cải cách ngoại lai với mục
đích làm suy yếu nước Nga, nhận được sự ủng hộ của cả những người cộng sản và
người theo chủ nghĩa dân tộc.
Putin đã không theo tân
chủ nghĩa Á Âu này khi trở thành tổng thống vào năm 2000. Ông tìm kiếm một mối
quan hệ mang tính xây dựng với Hoa Kỳ, bắt đầu củng cố nhà nước và củng cố quyền
lực ở Điện Kremlin. Tuy nhiên, vào thời điểm trở lại nhiệm kỳ vào năm 2012,
Putin ngày càng sử dụng các ý tưởng của chủ nghĩa Á Âu để đưa ra lời giải thích
lịch sử và văn hóa về lý do và cách thức mà Mỹ (phương Tây) đang tìm cách làm
suy yếu Nga. Vào năm 2014, ông thậm chí còn khuyên các công chức và chính trị
gia nên đọc các nhà văn theo trường phái Á âu. Nhưng người này nhấn mạnh vai
trò thiên sai của Nga trong lịch sử thế giới và tầm quan trọng của việc bảo tồn
và khôi phục các biên giới lịch sử của Nga và của giáo hội Chính thống Nga.
Putin cũng ủng hộ một “nền
dân chủ có quản lý”, đề cao lòng yêu nước và các giá trị truyền thống của Nga.
Hệ quả là xảy ra một cuộc đàn áp các tổ chức phi chính phủ do nước ngoài tài trợ,
đạo luật chống lại các hành vi tình dục “phi truyền thống” và cấm “tuyên truyền
đồng tính”.
Thời gian sẽ trả lời liệu
Putin có kiên trì với chủ nghĩa Á âu hay không, hay chỉ nhận ra sự hữu ích của
một hệ tư tưởng sẵn có, lợi dụng nó làm cơ sở lý luận cho những chính sách của
mình. Putin thực dụng và am hiểu quyền lực; Chừng nào chủ nghĩa Á Âu còn hữu dụng
thì ông ta sẽ không từ bỏ nó.
CHARLOTTE ALSTON
Các nhà lãnh đạo Liên Xô sử dụng biện pháp ngoại giao
truyền thống, vừa sử dụng các hành lang bên ngoài
Câu hỏi liệu Nga có tuân
theo các tiêu chuẩn do Tây Âu đặt ra hay không đã có từ lâu. Vào thế kỷ 19, các
chính khách và nhà tư tưởng Nga đã chỉ ra những viễn cảnh khả dĩ mà nước Nga và
đế chế của nó sẽ trở thành. Nga có nên xây dựng ‘nền văn minh’ kiểu phương Tây
không? Hay nên bám lấy truyền thống của riêng mình và trở thành tiên phong theo
cách đó. Vào những thời điểm lịch sử quan trọng – năm cách mạng 1917 và sau khi
Liên Xô sụp đổ năm 1991 – các nhà quan sát phương Tây kỳ vọng Nga sẽ đi theo
con đường Tây phương hóa và dân chủ hóa, và họ phải thất vọng cả hai lần.
Ngay cả khi Nga đi theo
con đường riêng của mình, với tư cách là cường quốc Slav hàng đầu trong thế kỷ
19 hay là nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới vào thế kỷ 20, họ vẫn
trông về phía Tây. Sự phát triển công nghiệp dưới thời Stalin kèm theo những
tuyên bố hùng hồn về việc theo kịp và vượt qua các cường quốc công nghiệp lâu đời.
Điều này cũng đúng với các thành tựu khoa học và văn hóa trong Chiến tranh Lạnh.
Trong suốt thời gian tồn tại của Liên Xô, các nhà lãnh đạo vừa sử dụng chính
sách ngoại giao truyền thống (thông qua các liên minh trong thời chiến, hay
Liên Hiệp Quốc trong thời bình) vừa có những hành lang bên ngoài (thông qua ngoại
giao cách mạng và ủng hộ các đảng cộng sản ở nước ngoài).
Một đặc điểm đã có từ lâu
khác trong mối quan hệ giữa Nga và Tây Âu là trong suốt thế kỷ 19 và 20 xảy ra
một cuộc di cư chính trị của người Nga. Vào cuối thế kỷ 19, các nhà cách mạng
Nga đã tổ chức và vận động ở nước ngoài chống lại chế độ Nga hoàng. Trong những
năm 1920, những người phản đối chế độ Xô Viết sơ khai đã vận động ở các thủ đô
nước ngoài. Vào cuối thế kỷ 20, văn học bất đồng chính kiến đã định hình cách hiểu của
phương Tây về hệ thống Xô Viết. Những mạng lưới như vậy đã được chính phủ Nga
giám sát chặt chẽ. Vào cuối thế kỷ 19, văn phòng Okhrana (cảnh sát mật Nga
hoàng) ở Paris để mắt đến những người cách mạng ở London; vào những năm 1920, Tổ
chức Trust do GPU (cảnh sát mật Liên Xô) bảo trợ đã thao túng các đối thủ ở nước
ngoài.
Rõ ràng, có sự khác biệt
rõ rệt về kinh tế và chính trị giữa giới đầu sỏ chính trị Nga ngày nay và những
cuộc di cư cách mạng hoặc phản cách mạng của những thập kỷ trước, giống như giữa
nước Nga của Vladimir Putin và các chế độ trước đó. Nhưng câu hỏi về mối quan hệ
của Nga với các đối tác phương Tây là một câu hỏi dai dẳng.
EVAN MAWDSLEY
Những người chịu trách nhiệm với nước Nga cảm thấy bất
an theo cách mà những nhà lãnh đạo ‘bình thường’ khác không có.
Câu hỏi đặt ra giả thuyết
rằng có những quy tắc, và sẽ có một số tình trạng được coi là “bình thường”, số
khác thì không; cả hai giả định đều cần tìm hiểu. Tuy nhiên, ta chấp nhận rằng
về cơ bản Nga đã hành xử khác với các nước lớn khác ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Vấn đề ‘chơi theo luật’ nảy
sinh ngay sau năm 1945, khi các chính phủ phương Tây tranh cãi về việc nước Nga
Xô Viết đột ngột đảo ngược quá trình tái hội nhập thời chiến vào hệ thống quốc
tế. Tìm hiểu bản phân tích năm 1946 về “cách Liên Xô ứng xử” của nhà ngoại giao
Hoa Kỳ George Kennan, ta có thể xác định một số yếu tố liên quan đã khiến nước
này hành xử như một kẻ ngoại đạo trong gần 75 năm, bao gồm hơn 25 năm của nước
Nga thời hậu Xô Viết (Liên Bang Nga)
Trước hết, trong phần lớn
lịch sử của mình, Nga bị cô lập với thế giới bên ngoài, và khi nước này thực hiện
hiện đại hóa (dưới thời cộng sản) thì quốc gia mới đã nỗ lực hết sức để kiểm
soát và hạn chế tiếp xúc. Đây là một khía cạnh mà Liên Bang Nga khác hẳn với
Liên Xô, nhưng Vladimir Putin và thế hệ lãnh đạo hiện tại đã được nuôi dưỡng
theo tư duy của Liên Xô.
Ngoài ra, những người nắm
quyền nhà nước Nga, trong suốt thời kỳ này, cảm thấy bất an theo cách mà các
nhà lãnh đạo của các chính phủ ‘bình thường’ không có. Thảm họa của cuộc xâm lược
và chiếm đóng của Đức trong năm 1941–45, và cuộc khủng hoảng tồn tại kéo theo sự
sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, không có gì sánh được. Những nguồn cơn gây bất
an bao gồm sự bất mãn lan rộng với điều kiện kinh tế, và xung đột sắc tộc trong
một không gian địa lý với nhiều bản sắc trái ngược nhau.
Nước Nga đương đại có lẽ
yếu hơn về địa lý, nhân khẩu, kinh tế, quân sự và ngoại giao so với bất kỳ thời
điểm nào trong thế kỷ qua. Để đối phó với tình huống đáng sợ này, chính phủ ở
Moscow đã có lợi thế hơn các đối thủ quốc tế về sức mạnh thể chế của mình so với
xã hội dân sự Nga. Cả dưới thời những người cộng sản và dưới thời những người kế
nhiệm của họ, có rất ít sự kiểm tra về những gì nhà nước Nga có thể làm – quốc
gia này luôn có luật riêng của nó.
No comments:
Post a Comment