19/06/2020
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2020/06/segregated-school-then-and-now-by-saloncom-1.jpg
Cộng đồng người da
đen ở Mỹ xưa và nay. Ảnh: blogs.baruch.cuny.edu
Bức tranh ảm đạm về thu
nhập thấp, thất học và tệ nạn từ lâu trở thành khuôn định kiến khi một số người
hình dung về người da đen. Có một lối lập luận phổ biến, nhưng đã sáo mòn, là
“vì sao người da đen không phát triển được sau hơn 100 năm giải phóng nô lệ”. Lập
luận kiểu này trải khắp mọi lĩnh vực, chẳng hạn “sao các họa sĩ vĩ đại toàn là
nam giới”, “sao phụ nữ vẫn chưa chiếm lĩnh xã hội dẫu luật pháp đã công bằng”.
“Không dám đến gần
những khu phố da đen”
Đối với những ai chưa bao
giờ ra khỏi biên giới để trải nghiệm cảm giác đi vào những khu phố của người da
đen, thì nỗi sợ khi đi bộ trong các hẻm tối ở các khu phố mất an ninh tại Sài
Gòn có lẽ là một liên tưởng phù hợp. Cảm giác sợ hãi/ ghê tởm của các blogger
khi một người da đen lạ mặt xông đến xin thuốc lá có thể tìm thấy ở những góc tối
tận cùng của các thành phố Việt Nam.
Tôi còn nhớ một cô gái Hà
Nội sau khi bị cướp ở Sài Gòn đã đăng lên Facebook rằng “không bao giờ trở lại
nữa, f*** Saigon!” Ác cảm rõ nét nhất khi người ta đến và nhìn từ bên ngoài.
Người ở chính thành phố đó khó có thể phản ứng giống như vậy, mà ác cảm chỉ gói
lại ở những khu vực và con người cụ thể nào đó. Cũng vậy, sự sợ hãi dành cho
người da đen là một phóng chiếu từ ngoài, khi chúng ta nhìn từ một màu da khác.
Nhằm đóng góp cho cuộc thảo
luận về chủng tộc ở Mỹ, tôi sẽ thử dùng logic của vòng luẩn quẩn đói nghèo
(vicious circle of poverty).
Tại sao cả khu phố
lại cùng tồi tệ?
Trong bài luận “Neighborhood
and the intergenerational transmission of poverty” (Xóm giềng và sự lan
truyền đói nghèo liên thế hệ), giáo sư xã hội học Lincoln
Quillian của Đại học Northwestern (Mỹ) đã khái quát về cái vòng luẩn
quẩn đói nghèo và sự cản trở những con người ở đây tiếp cận vốn xã hội và vươn
lên trong cuộc sống.
Nói theo mô hình đã giản lược
(kết hợp với các luận giải của giáo sư Yuval Harari), ở xuất phát điểm, trẻ em
sinh ra ở các khu phố nghèo dễ bị tổn thương vì tiếp xúc trực tiếp với tệ nạn,
bạo lực và có ít cơ hội tiếp cận giáo dục. Những bất lợi này tiếp nối ở thời kỳ
trưởng thành, khi họ không có kỹ năng và học vấn để có thu nhập tốt. Con cái của
những người này tiếp tục sống như bố mẹ chúng đã từng sống và tiếp xúc với những
tiêu cực của khu vực.
Một thời gian dài, đóng
khung nhận thức từ cộng đồng bên ngoài sẽ sinh ra định kiến về sự yếu kém có hệ
thống của họ, cho rằng có sự liên hệ trực tiếp đến màu da và xuất thân. Điều
này ngăn trở cả những người có năng lực và ý chí của khu phố cố gắng thoát
ra.
Những vòng tròn luẩn quẩn
như vậy cứ lặp đi lặp lại. Những cá nhân bứt phá thuộc về số ít. Sự thành đạt của
họ cũng không đủ xóa bỏ định kiến có trước về cộng đồng của mình. Các chiến dịch
tôn vinh nghệ sĩ da màu – những con người vĩ đại, cũng không đủ thuyết phục những
người có đầu óc kỳ thị rằng nhân vô thập toàn, bất cứ cộng đồng nào cũng có nhiều
bộ mặt. Sau một thời gian đủ dài, người ta dễ gắn bản chất người da đen với lười
biếng, thô tục và tệ nạn.
Tôi lớn lên ở một vùng
quê miền Tây Nam Bộ. Trong số hàng ngàn người trong khu xóm, tôi là người đầu
tiên có bằng cử nhân (2019), trong khi xung quanh nhiều người chưa học hết cấp
2 và có ít nhất năm người mù chữ thế hệ 9X. Những tệ nạn và tiêu cực là không
thể kể hết và có tính truyền thừa. Người Việt có tục ngữ phản ánh khá đúng về
vòng luẩn quẩn đói nghèo, rằng:
“Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa”
Con sãi ở chùa lại quét lá đa”
Bỏ qua vấn đề chủng tộc, vòng luẩn quẩn là một tình trạng phổ quát ở
các cộng đồng thiểu số, dễ tổn thương, nông thôn, ngoại biên khắp nơi trên thế
giới.
“Vì sao người da đen không
phát triển được sau hơn 100 năm giải phóng nô lệ?”
Mỗi lúc xã hội xảy ra biến
động sắc tộc, chúng ta lại thấy các bài viết trích dẫn những dữ liệu nhân khẩu
học đáng ghê sợ liên quan đến người da đen, và kết luận (hoặc gợi ý) về sự tồi
tệ của cả một sắc dân. Dữ liệu hẳn là không sai, nhưng dữ liệu thô chưa qua
phân tích thì không có mấy giá trị.
Tỉ lệ người có thu nhập
dưới 40.000 USD/năm (2005-2009, J. R. Logan. 2014) lần lượt là 12,9, 21,3 và
19,9 cho người da trắng, da đen và Hispanic. Không khó nhận ra người nghèo da
đen chiếm đa số. Tại sao người da đen lại gắn chặt với đói nghèo? Vòng luẩn quẩn
như trình bày ở trên là một mô hình hữu ích.
Người da đen đã có hơn
100 năm tự do? Đây là một hiểu nhầm rất lớn.
Kể từ khi được giải phóng
khỏi đời sống nô lệ (trên giấy tờ) từ sau cuộc Nội chiến (1861 – 1865), một bộ
phận lớn người da đen tiếp tục phải sống trong chế độ nô lệ cho đến đầu thế kỷ
XX. Cộng đồng người da đen tiếp tục trải qua hết chính sách kỳ thị này tới văn
hóa kỳ thị kia, từ phân cách chỗ ngồi trên xe buýt, cơ
sở giáo dục – khu uống nước công cộng – cửa hàng – nhà vệ sinh chia
theo màu da dẫn đến Phong
trào Dân Quyền (Civil Right Movents) thập niên 1950-60. Đến năm
1965, Mỹ mới ra luật cấm
những rào cản kỹ thuật của các tiểu bang vốn được dùng để ngăn người
da đen đi bỏ phiếu.
Đến tận năm 1983, Michael
Jackson mới là một
trong những ca sĩ da màu đầu tiên được chấp nhận chiếu trên kênh âm nhạc
MTV, vốn có truyền thống thuộc về người da trắng. Sự gỡ bỏ các rào cản là chưa
đủ lâu cho tái tạo xã hội và tiếp cận nguồn lực. Quá trình gỡ bỏ đó vẫn đang tiếp
tục. Xoá bỏ ký ức nô lệ, vùng vẫy thoát khỏi những bất công dai dẳng và nỗ lực
tự khẳng định bản sắc không thể là việc một sớm một chiều.
Một điểm nhìn phổ
quát hơn
Một khi đã quen với lập
luận tân tự do (neo-liberal) rằng “mỗi người tự chịu trách nhiệm cho số phận của
mình”, người ta dễ dàng miệt thị những người thất bại. Nhưng nếu không vội chụp
mũ, người ta có thể nhận thấy sự mong manh và bế tắc là tình trạng chung của kiếp
người. Chúng ta đã bứt phá bao nhiêu kể từ lúc được sinh ra, hay cuộc sống
chúng ta đơn thuần là sự phản ánh lại môi trường chính ta sinh trưởng?
Khả năng tiếp cận nguồn lực
của mỗi cộng đồng luôn gắn với đặc trưng lịch sử của họ. Bình đẳng trước pháp
luật (nếu có) không có nghĩa là bình đẳng về cơ hội phát triển. Việc để tâm tới
những cá biệt này có thể giúp đám đông bớt hà khắc hơn trong sự đánh giá của
mình, và những người làm chính sách có cách tiếp cận hiệu quả hơn để giảm bất
bình đẳng xã hội và phá bỏ thế luẩn quẩn không hồi kết.
No comments:
Post a Comment