Titi
Mary Trần/Người Việt
Jun 10, 2020
WESTMINSTER, California (NV) – Ocean Vương, tác giả Mỹ gốc Việt Nam đang nổi
danh trên văn đàn nước Mỹ, nói: “Tôi chưa, và có thể không bao giờ xác định được
‘identity’ của chính mình.”
“Identity” có thể dịch là
nhân dạng, là danh phận, danh tánh, hay một từ tiếng Việt khác.
Ocean Vương, tác giả
cuốn tiểu thuyết đầu tay “On Earth We’re Briefly Gorgeous,” được giới trí thức
Mỹ vinh danh là một “Thiên Tài,” khi anh 30 tuổi. (Hình: John D. &
Catherine T. MacArthur Foundation)
Ba mươi tuổi, Ocean Vương
đã được giới trí thức Mỹ vinh danh là một “Thiên Tài.” Anh là tiểu thuyết gia Mỹ
gốc Việt thứ hai nhận giải tài trợ của Quỹ MacArthur trong lãnh vực văn chương,
thường được gọi là giải Thiên Tài, Genius Grant, với cuốn tiểu thuyết đầu tay
“On Earth We’re Briefly Gorgeous.”
Trong lịch sử người Mỹ gốc
Việt tại Hoa Kỳ, có năm nhân vật được vinh danh “Thiên Tài.” Trước đây có nhà
văn Huỳnh Sanh Thông, giáo sư Đại Học Yale, dịch giả “Truyện Kiều.” Gần đây nhất
là Nguyễn Thanh Việt, với tiểu thuyết “The Sympathizer,” đoạt giải Pulitzer.
Giải Thiên Tài MacArthur
“Genius Grant,” trị giá $625,000, được quỹ tư nhân John D. and Catherine T.
MacArthur Foundation thành lập năm 1981. Số tiền đó được tặng không, để người
thụ hưởng khỏi lo về sinh kế trong một thời gian, mà không kèm theo một điều kiện
nào. Mỗi năm, khoảng 20-30 người trong các lãnh vực khác nhau được trao tặng
vinh dự “Thiên Tài.”
.
Ocean Vương kể
chuyện
Tiểu thuyết “On Earth
We’re Briefly Gorgeous,” là một lá thư dài Chó Con viết cho người mẹ mù chữ.
Anh trút cả tâm tư và cuộc sống của anh lên giấy trắng mực đen với mong ước người
mẹ mù chữ hiểu, nhưng biết chắc chắn rằng bà sẽ không thể nào đọc được.
Đa số các nhà văn người Mỹ
gốc Việt thường dùng chiến tranh làm chủ đề chính, để bắt đầu, giải thích, và kết
thúc một mảnh đời hoặc một phần lịch sử nước Việt đang bị cố tình lãng quên.
Riêng Ocean Vương chọn bối
cảnh miền quê nước Mỹ thuộc vùng Hartford, tiểu bang Connecticut, nơi anh lớn
lên. Cuốn tiểu thuyết nói về những mảnh đời của một lớp người tị nạn mới hội nhập
xã hội Mỹ thời thập niên 1990. Trong đó, nhân vật cậu bé Chó Con (Little Dog) sống
với mẹ – tên là Rose – bị chấn thương tinh thần từ thời loạn lạc, và bà ngoại –
tên Lan – mang chứng bệnh tâm thần phân liệt.
Câu chuyện rất gần với cuộc
sống thực của Ocean Vương. Nhưng người đọc sẽ thấy được cách sống mạnh mẽ và
thái độ can đảm của hai người đàn bà quan trọng, mẹ và bà ngoại, của Chó Con.
Ocean không kể lể, không trách móc, mà từ tốn cho người đọc thưởng thức những
thước phim của những mảnh đời không có tiếng nói.
Bà ngoại và mẹ của Chó
Con không có tiếng nói thật. “Họ không biết đọc, không biết viết, nhưng không
vì thế mà họ không phải là nhà văn nhà thơ, nhờ họ tôi biết được các câu ca dao
tục ngữ truyền miệng, những khúc hát dân dã và những chuyện dân gian truyền từ đời
này qua đời khác của Việt Nam,” Ocean nói.
Tiểu thuyết “On
Earth We’re Briefly Gorgeous,” là một lá thư dài Chó Con viết cho người mẹ mù
chữ với mong ước người mẹ hiểu, nhưng biết chắc chắn rằng bà sẽ không thể nào đọc
được. (Hình: npr.org)
Có lần, bà và mẹ của Chó
Con muốn đi mua đuôi bò về nấu bún bò Huế. Lúc đó Chó Con còn nhỏ. Ba người đi
đến tiệm bán thịt nhưng không biết nói “đuôi bò” bằng tiếng Anh. Mẹ của Chó Con
phải diễn tả cảnh con bò đang đi với cái đuôi, nhưng rốt cuộc phải ra về với mấy
mẩu bánh mì và xốt Mayonnaise vì mẹ Chó Con nghĩ đó là bơ của bò nên bà mua.
Quê Ocean Vương ở Gò
Công, cách Sài Gòn khoảng hai tiếng lái xe. Anh theo mẹ và bà chạy tị nạn qua
Philippines lúc một tuổi rưỡi. Năm 1990, Tổ Chức Salvation Army bảo trợ gia
đình định cư tại Hartford, tiểu bang Connecticut, lúc anh 2 tuổi.
Ocean nhấn mạnh anh không
phải là nhà thơ, nhà văn đầu tiên trong gia đình. Sự thật thì anh là người đầu
tiên trong gia đình học hơn lớp 6, vào đại học, tốt nghiệp, và đang làm phụ tá
giáo sư dạy văn chương tại một đại học lớn ở Mỹ.
Từ nhỏ, Chó Con đã thông
dịch cho bà và mẹ. Tiếng Anh ban đầu của Chó Con cũng như ai, đáp trả “như máy”
khi một người bán hàng hỏi mẹ Rose “yours or adopted – con của bà hay là con
nuôi?” vì tưởng lầm mẹ Chó Con là Mỹ trắng, vì bà là con lai, có nước da như Mỹ
trắng.
Chó Con trả lời ngay lập
tức theo giọng người mới học tiếng Anh, “No, madam. That’s my mom. I came out
her asshole and I love her very much. I am seven. Next year I will be eight.
I’m doing fine. I feel good how about you? Merry Christmas Happy New Year.”
Người Mỹ gốc Việt di cư
có ai mà không trải qua tình cảnh tương tự như Chó Con?
Thiên tài của người viết
chuyện nằm ở chỗ, câu chuyện là một hồi ức, không đi theo một đường thẳng mô tả
đời sống từ nhỏ đến lớn của Chó Con, mà nó lẫn lộn như những “vòng xoắn” của một
đời người trộn với lịch sử của người Mỹ gốc Việt. Chuyện này bắt qua chuyện
kia, nối lại chuyện khác, rồi lại trở về phút đầu trong quá khứ sau khi chạm đến
hiện tại và tương lai. Chiến tranh trong quá khứ dẫn đến chấn thương tinh thần
trong hiện tại. Điển hình là một cảnh ở Việt Nam, một người đàn bà bế con đối
diện với một đám lính đang cầm súng và những người đàn ông say xỉn ăn óc khỉ
tươi. Và một cảnh khác ở Mỹ, hai mẹ con Chó Con trang điểm để đi shopping như
là đi lễ hội, và tìm mua một cái áo đầm “có thể chống lửa.” Cảnh hai người đồng
tính lần đầu tiên luyến ái với nhau nhưng thực họ không làm “chuyện đó.” Cảnh bạn
bè ra đi lần lượt vì nghiện thuốc quá liều. Cảnh Chó Con lao động cực nhọc trên
cánh đồng cùng với các công nhân người Mễ. Cảnh Chó Con giúp mẹ mở cửa tiệm
nail và chứng kiến tấm lòng hết mực hy sinh của mẹ…
Ngòi bút của Ocean phối hợp
rất tinh tế, ẩn hiện khái niệm “duyên-nghiệp” của Phật Giáo. Tác giả “On Earth
We’re Briefly Gorgeous” cẩn trọng từng câu từng chữ khi mô tả những tình cảnh,
tâm trạng khiến người đọc phải đọc đi đọc lại hai ba lần để thấu hiểu ý tác giả.
.
Dòng đời là một
vòng xoắn ốc
Ocean Vương trút cả
tâm tư và cuộc sống của anh lên giấy trắng mực đen với mong ước người mẹ mù chữ
hiểu. (Hình: John D. & Catherine T. MacArthur Foundation)
Sau khi “On Earth We’re
Briefly Gorgeous” ra mắt, phóng viên nhật báo Người Việt gọi điện thoại Ocean
Vương, để tìm hiểu thêm về tác giả cũng như quyển tiểu thuyết đem lại danh dự
“thiên tài” cho anh.
Khi hỏi về đề tài của quyển
sách, Ocean nói, “Tôi nghĩ nó rất quan trọng đối với tôi khi đề tài được gọi là
‘On Earth We’re Briefly Gorgeous,’ vì chúng ta là những người Mỹ gốc Việt với
cuộc sống của những người Mỹ gốc Việt. Tôi không muốn quyển sách này là một luận
án giải thích tại sao người Mỹ gốc Việt đẹp và lộng lẫy (gorgeous). Tôi muốn
nói ngay cái sự thật đó, không phải là ‘tôi tin trên thế giới này,’ hoặc là ‘có
thể chúng ta (lộng lẫy) trên thế giới này,’ hay là ‘một ngày nào đó, chúng ta sẽ
lộng lẫy trên thế giới.’ Và chữ ‘briefly’ (tạm thời) trong tựa cuốn sách ám chỉ
thời gian của một đời người. Cuộc đời của chúng ta mất nhiều vào công việc. Cuộc
đời của người Mỹ gốc Việt mất đi nhiều trong các tiệm nail, cố gắng làm việc, để
đạt được ‘Giấc Mơ Mỹ.’ Cuộc đời của chúng ta, sau khi chịu những chấn thương của
chiến tranh, vẫn là tạm thời, nhưng vẫn lộng lẫy. Bạn sinh ra trong một khoảnh
khắc và bạn chết cũng trong một khoảnh khắc. Như tôi nói trong quyển sách, ngay
cả sự sống chết đó cũng là tạm thời. Mặc dù cuộc đời nhìn thấy rất dài nhưng nó
lại rất ngắn. Một con bươm bướm chúa rơi xuống trong lúc thiên di đến chỗ mới
mà không ai để ý. Nhưng tôi muốn nói ngay lúc đầu, câu đầu tiên của tiểu thuyết
là cái tựa đề. Tôi không muốn nó là một câu hỏi hay một giả thuyết, nhưng là một
sự thật rằng cuộc đời của người Mỹ gốc Việt là lộng lẫy. Sau đó, chúng ta có thể
bắt đầu tìm hiểu sâu hơn trong quyển sách.”
“Nhưng anh nói trong tiểu
thuyết, lịch sử không đi theo đường thẳng như chúng ta thường nghĩ, mà nó đi
theo một vòng xoắn, chúng ta đi qua thời gian theo hình tròn, và giống như một
vòng xoắn ốc, mọi thứ bắt đầu từ tâm điểm, vòng xoắn ngày càng lớn hơn vì khoảng
cách tăng dần từ trọng tâm khi chúng ta đi qua thời gian, nhưng lại có cùng một
điểm khởi đầu, chỉ có cái vòng tròn thời gian là ngày càng lớn hơn,” phóng viên
Người Việt thắc mắc.
Trong tiểu thuyết, Ocean
hồi tưởng những kỷ niệm lúc anh 5 tuổi, lúc 7 tuổi, lúc 18 tuổi, lúc 28 tuổi, rồi
trở về lại lúc học tiểu học… Các ký ức được diễn tả trôi chảy theo một vòng xoắn
và không theo một thứ tự nào cả.
Ocean nói, “Trước hết, nó
là một tiểu thuyết. Nhiều cái tôi nhớ, nhiều cái tôi bịa ra. Nó không phải là một
tự truyện, và điều đó rất quan trọng vì tôi đang là tiêu biểu cho nhiều người Mỹ
gốc Việt, những người có lịch sử và ký ức riêng của họ. Và tôi không muốn nói
đây là một sự đại diện tuyệt đối về đời sống của họ. Nó là một tiểu thuyết
trong bối cảnh nhiều cuộc đời. Những bối cảnh này rất thực.”
“Những người Mỹ gốc Việt
sống ở Hartford rất giống với cuộc sống của tôi,” Ocean tiết lộ. “Nhưng những
điều xảy ra, hình ảnh, cách mọi người ăn nói với nhau (trong tiểu thuyết), tất
cả đều là sáng tạo trong đầu của tôi, trong trí tưởng tượng của một người nghệ
sĩ. Tôi cũng có một trí nhớ rất tốt. Mọi người trong gia đình tôi đều vậy cả.
Em trai của tôi có thể kể cho bạn nghe, rất là lạ, em trai của tôi có thể nói
cho bạn biết nó đã ăn gì bảy năm trước. Nhưng nó cũng có chứng khó tập đọc
(dyslexic), rất lạ. Nó không đọc được nhưng nó nhớ còn giỏi hơn tôi. Thật là một
điều kỳ lạ tuyệt vời.”
Đối với những ký ức đau
thương, nhớ nhiều quá đôi khi không phải là một cái phước mà là một lời nguyền.
Ocean thừa nhận, “Thật ra
là cả hai. Ví dụ như trong trường hợp của em trai tôi. Nó 21 tuổi rồi nhưng nếu
tôi hỏi về những điều xảy ra với nó lúc nó 10 tuổi, như là lúc nó bị ăn hiếp
hay lúc nó có một ngày không vui, nó sẽ bắt đầu khóc, ngay ngày hôm nay. Ký ức
gần với mình như thế đấy. Tôi nghĩ thời gian rất là chủ quan vì ký ức rất gần với
chúng ta nhưng lại rất xa. Cái ý của dòng thời gian rất là viển vông, ngay cả
cái cách chúng ta nhìn về chiến tranh. Chính thức thì chúng ta nói chiến tranh
Việt Nam kéo dài từ năm 1965 đến năm 1975, nhưng chúng ta biết nó xảy ra sau đó
nữa. Cuộc chiến của người Việt Nam ở Cambodia chống lại Pol Pot những thập niên
1980 thì sao? Rồi những người chạy tị nạn, những chấn thương tinh thần và những
nỗi kinh hoàng chúng ta vẫn gánh chịu cho đến nay trong cộng đồng của chúng ta
thì sao? Vậy chiến tranh kết thúc lúc nào? Dòng thời gian nói nó kéo dài 10 năm
nhưng chúng ta biết nó vẫn đang kéo dài 40, 50 năm rồi trong ký ức của chúng
ta. Ký ức là phần quan trọng vô cùng trong công việc của tôi.”
.
Đặt tên cho đau
thương để tự chữa lành
Ocean Vương lúc 2
tuổi với mẹ và dì ở trại tị nạn Philippines. (Hình: Ocean Vương cung cấp)
Có lần Chó Con bỏ nhà chạy
trốn trèo lên một nhánh một cây phong, bà ngoại đi tìm và dỗ, “Mẹ của con không
bình thường, okay? Mẹ con khổ. Mẹ con đau. Nhưng mẹ con vẫn muốn con, mẹ con cần
chúng ta. Mẹ con thương con, Chó Con à. Nhưng mà mẹ con bệnh. Bệnh giống bà.
Trong đầu.”
Một lần khác, sau lần ân
ái với Trevor – người tình đầu đời của Chó Con – Chó Con nói, “Bạo lực là chuyện
cơm bữa đối với tôi, và đó là điều tôi biết về tình thương. Nhưng thật là thỏa
mãn khi đặt tên cho những gì đang xảy ra cả đời tôi.”
Chó Con đã tìm ra cách để
tồn tại và tự chữa những vết thương lòng. Đó là nhìn thẳng vào vấn đề và đặt
cho nó một cái tên. Đối với những đau thương trong tâm hồn hay trong ký ức mà
chúng ta không nhìn được bằng mắt thường, hãy gán cho nó một cái tên để biết nó
tồn tại và biết chúng ta đang đương đầu với nó.
Nhưng tìm cách đặt tên
cho những gì chính mình không biết và không nhìn thấy được không phải là một
chuyên dễ dàng.
Ocean nói, “Khó lắm. Khó
để đặt tên cho những chấn thương, và đó là lý do tại sao tôi không viết một bài
luận hay một bài báo. Tôi viết một quyển sách để trình bày và diễn tả điều
không thể đặt tên được. Chúng ta có thể nói PTSD (chứng rối loạn tinh thần),
chúng ta có thể nói chấn thương, nhưng nó như thế nào? Tôi muốn cho độc giả người
Mỹ bản xứ biết nó giống như thế nào. Nhiều người đi ngang qua cộng đồng Việt
Nam. Họ đi ngang qua tiệm nail. Họ đi ngang qua tiệm phở. Họ đi vào. Họ làm
móng tay móng chân. Họ ăn xong rồi họ đi. Tiểu thuyết này cho tôi cơ hội đưa họ
vô nhà của một người phụ nữ Việt Nam, để họ thấy những gì xảy ra sau giờ làm việc,
khi những người Việt phải cạo gió, phải nấu ăn, phải dạy dỗ con cái, phải bươn
chải. Tiểu thuyết tạo không gian lớn cho người cầm bút vì nó cho họ cơ hội làm
thời gian chậm lại. Nó trở thành một lời mời để người đọc đến gần với cuộc sống
của người Mỹ gốc Việt, để họ hiểu được những chấn thương mà một chữ không thể
diễn tả hết được.”
Chính Ocean cũng chịu nhiều
chấn thương tinh thần và khó khăn. Mặc dù anh nói anh không muốn viết về chiến
tranh và chiến tranh không phải là trọng điểm của quyển tiểu thuyết, nhưng sự
thật thì những chấn thương và khó khăn đó có liên quan đến chiến tranh. Một phần
nào đó thân phận của người Mỹ gốc Việt gắn liền với chiến tranh Việt Nam.
Ocean nghĩ “đó là ý muốn
của con người.” Anh chỉ ra rằng “Cái ‘danh phận chiến tranh’ là một văn hóa có
lịch sử bạo lực trong tranh chấp của chính trị và lãnh thổ. Mỹ cũng vậy. Huyền
thoại của một nước Mỹ rộng lớn thật ra thành lập trên lịch sử diệt chủng và nô
lệ của người Mỹ bản xứ ở Châu Mỹ.”
“Đất nước này có nguồn gốc
từ chết chóc.”
“Tôi nghĩ đây là một điều
mà mỗi công dân của mọi nước nên hỏi. Ngay cả người Việt ở trong nước. Hãy nhìn
vào thời kỳ trung cổ. Chúng ta có một chiến tranh diệt chủng với người Chàm,
các thổ dân Việt, chúng ta lấy đất của họ rồi lập ra Việt Nam. Lịch sử của Việt
Nam gần giống như lịch sử của Mỹ. Nó rất phức tạp. Tôi nghĩ hỏi những câu này rất
quan trọng để biết chúng ta là ai trong một dân tộc, và chúng ta có thể làm
gì,” Ocean tiếp tục.
Ocean Vương và mẹ.
(Hình: Ocean Vương cung cấp)
Ocean không giấu diếm anh
là một người đồng tính luyến ái.
Khi hỏi anh nghĩ gì về
“danh phận chiến tranh,” và nó có giúp anh xác định được danh phận của chính
mình là một người Mỹ gốc Việt, là một thành viên của cộng đồng LGBT đồng tình
luyến ái hay không, Ocean điềm đạm trả lời, “Tôi không biết nếu tôi xác định được
gì. Tôi rất nghi ngờ khi người ta hỏi hay đòi hỏi những người có hoàn cảnh tị nạn
hoặc những người thuộc cộng đồng bị đàn áp xác định một cái gì đó vì điều đó rất
vô lý. Chúng ta ít khi nào hỏi những người chế bom đạn, những người sản xuất vũ
khí, hay những người khiêu chiến ‘Bạn có xác định được gì chưa?’ Chúng ta lúc
nào cũng hỏi những người tị nạn xác định những gì họ không tạo ra, xác định những
gì không thuộc quyền kiểm soát của họ. Tôi muốn nói là ‘Không, tôi chưa và có
thể là không bao giờ’ (xác định được danh phận của tôi), nhưng rất quan trọng
là cái sức ép và trách nhiệm giải quyết vấn đề của quá khứ không rơi trên vai của
các nạn nhân.”
Có điều, những người ở
trong tình thể chủ động không thể nào hiểu được nỗi niềm của những người đang ở
trong hoàn cảnh bị đàn áp hoặc đang trong tình thế bị động hay tuyệt vọng. Khi
Chó Con thổ lộ với mẹ anh là người đồng tính luyến ái, mẹ của Chó Con hỏi con
trai của mình, “Mẹ sinh ra một cậu con trai khỏe mạnh, tất cả chuyện này bắt đầu
từ khi nào?”
Đối với sự hiểu biết nông
cạn và có khi vô tình đối với lớp người có hoàn cảnh khó khăn, Ocean đưa ra một
giải pháp. Anh nói về mẹ của Chó Con để người đọc cảm nhận: “Có thể bà hiểu được,
có thể không. Rất khó để biết được, nhưng điều quan trọng là Chó Con không bắt
bà hiểu. Một điều người Việt rất giỏi là chúng ta tiếp tục sống trong hiện tại.
Người Mỹ họ có cái tật là phải nói hết tất cả mọi thứ. Họ phải nói để chữa lành
vết thương tinh thần. Họ đi bác sĩ tâm thần. Điều đó giúp phần nào nhưng tôi
tìm ra một sự khôn ngoan khác trong văn hóa Việt Nam, ngay cả trong nước và ở cộng
đồng hải ngoại, là khi chúng ta cần nhau, chúng ta lập tức làm việc, phục vụ,
chúng ta bắt đầu xích lại gần nhau hơn, và đó là cách chúng ta tự chữa lành.
Chúng ta không đòi hỏi một sự hiểu biết tuyệt đối. Chúng ta làm việc hòa hợp với
nhau trong hoài niệm.”
.
Lá thư cho người mẹ
mù chữ
Trong lá thư Chó Con viết
cho mẹ, tên “Trevor” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Trevor là người bạn
trai đầu đời của Chó Con, và cũng là người khơi dậy những ham muốn của Chó Con,
một đứa trẻ mới lớn. Dẫu biết rằng mẹ của anh sẽ không thể nào đọc được những
dòng chữ đầy cảm xúc và dục vọng của hai thằng con trai đang yêu nhau, đang “thử,”
và đang vật lộn với hoàn cảnh, Ocean vẫn viết, dường như để giải oan, không phải
với mẹ nhưng với chính mình và với cái xã hội Ocean đang sống.
Anh nói, “Nó là một quyển
sách được xuất bản, một lá thư của con trai viết cho người mẹ, cũng là một lá
thư viết cho đất nước (Mỹ). Tôi muốn cho mọi người thấy rằng giấc mơ Mỹ không
những không thật đối với người da màu và những người tị nạn mà còn không thật đối
với người da trắng. Chúng ta nghĩ người da trắng không bị ảnh hưởng gì nhưng sự
thật thì một thanh niên da trắng gặp nhiều khó khăn trong sự tìm kiếm bản chất
của chính mình khi anh phải đối đầu với các gia trưởng và cộng đồng. Để được
làm một người đồng tính luyến ái, anh ta phải vỡ ra từng mảnh vụn. Ý tưởng đàn
ông Mỹ mạnh mẽ làm cho Trevor thất bại. Thật ra, người đàn bà Việt Nam nuôi dưỡng
Chó Con thì lại rất sẵn lòng tha thứ và hiểu được tính dục của con trai mình
hơn, trong lúc cậu bé người Mỹ trắng thì lại bị bó buộc trong khuôn khổ được
cho là mạnh mẽ, quyền lực, và biểu tượng của tự do.”
“Thường chúng ta nghĩ người
tị nạn không có gì hết, nhưng tôi muốn cho thấy những người tị nạn có rất nhiều
khôn ngoan và họ thấu hiểu lẫn nhau. Mẹ của Chó Con hiểu và cho phép Chó Con được
làm chính mình, trong khi đó Trevor và gia đình của anh thì không được,” Ocean
nói tiếp.
.
Danh phận của người
Mỹ gốc Việt
Ocean Vương tại nhà
ở Northampton, Massachusetts. (Hình: John D. & Catherine T. MacArthur
Foundation)
Chó Con viết, “Đừng để ai
nhầm lẫn chúng ta là những hậu quả của bạo lực, nhưng bạo lực khi xuyên ra những
hoa quả này, đã không làm hư nó được.” Câu nói này, Ocean giải thích, nó liên
quan tới danh tánh của người Mỹ gốc Việt.
“Thường chúng ta nghĩ
danh phận của người Mỹ gốc Việt gắn liền với chiến tranh. Bạn là hậu quả của
chiến tranh. Bạn ở đây là nhờ chiến tranh. Trong cái gia đình này, gia đình của
Chó Con, không có chiến tranh anh ta không có trên cõi đời này. Ông ngoại của
anh là một người lính Mỹ. Không có chiến tranh thì không có mẹ anh, không có
anh, cho nên anh ta nợ mạng sống của anh ta với cuộc chiến. Nhưng gần cuối của
quyển sách thì anh ta bắt đầu nhận ra rằng không phải có chiến tranh mới có
anh. Sự tồn tại của Chó Con là do tình yêu đẹp đẽ của hai con người mà
ra. Họ yêu nhau và tạo ra nhân vật Rose, người sinh ra một con trai, và đó là
những gì trái ngược với chiến tranh. Nó tạo ra sinh mạng. Anh ta bắt đầu hiểu
được điều đó, và làm chủ được câu chuyện mà nước Mỹ gán cho anh,” Ocean nói.
Ocean kể, “Hồi nhỏ, ký ức
sớm nhất của tôi về danh tánh người Việt Nam là lúc tôi 9 tuổi, ở tiểu bang
Connecticut. Một cậu bé da trắng hỏi tôi, ‘Bạn từ đâu đến?’ và tôi nói, ‘Việt
Nam, tất nhiên rồi.’ Rồi cậu ấy nói, ‘Bắc hay Nam.’ Tôi không biết câu hỏi đó
có ý nghĩa gì, nhưng cậu ấy biết, cậu ấy hiểu. Điều duy nhất tôi hiểu về Việt
Nam là chiến tranh, không Nam cũng không Bắc. Mẹ của tôi lúc nào cũng nói ‘Con
từ miền Nam,’ bởi vì đó là nơi mẹ sinh ra. Nhưng mà tôi lại thích nghịch ngợm,
tôi nói, ‘Bắc,’ chỉ để làm ngược lại mẹ tôi. Tôi không hiểu gì cả, nhưng cậu ấy
quay nhìn tôi, nét mặt gầm xuống, rồi cậu ấy nói, ‘Ồ, mày là Cộng Sản.’ Mà tôi
cũng không hiểu điều đó có nghĩa gì nữa. Nhưng tôi nhìn thấy gương mặt của cậu ấy
và đã tôi trở thành một thứ gì đó. Tôi nghĩ tôi trở thành cái gì đó thấp hơn.
Tôi thấy được cậu ấy có một hiểu biết về danh phận của người Việt mà tôi không
có, và đó là về chiến tranh. Nhiều thứ ở Mỹ làm việc theo kiểu đó. Mọi thứ lẩn
quẩn xung quanh chiến tranh và tôi muốn viết một quyển sách về cuộc đời, về
tình thương, sự sống còn và tồn tại.”
“Điều quan trọng nhất tôi
muốn nói là tôi thành một nhà văn tốt hơn khi được làm người Mỹ gốc Việt và được
nuôi dưỡng bằng văn hóa Việt. Tôi không trở thành một nhà văn dù tôi nghèo và
dù tôi là người Việt, mà tôi nợ trí tưởng tượng của tôi trong cách dạy dỗ theo
kiểu Việt Nam. Mặc dù tôi đọc nhiều văn bản học thuật, tôi đọc nhiều văn chương
kinh điển của phương Tây, tôi đọc và dạy trong môi trường học thuật, chỉ có văn
hóa Việt Nam cho tôi cái quyền lực để tưởng tượng ra cái thế giới tôi viết,”
Ocean nói thêm.
.
Ta đang ở đâu và
ta sẽ làm gì?
Ký ức thường hay lộn xộn,
vì nó sắp xếp và nối kết theo động lực của yêu thương, chứ không phải theo thời
gian. Trong tiểu thuyết “On Earth We’re Briefly Gorgeous” của Ocean Vương, có một
ẩn dụ liên kết những ý nghĩ sâu xa của người viết từ trang đầu cho đến trang cuối.
Đó là hình ảnh của đàn bướm chúa Monarch.
Ocean giải thích, “Trong
văn chương của người Mỹ gốc Á, hình ảnh con bướm chúa Monarch trở thành một cái
gì đó sáo rỗng, tượng trưng cho người Mỹ gốc Á hiền thục, đẹp đẽ, xa vời, mong
manh. Nhưng khi chúng ta nhìn vào cuộc đời của những con bướm chúa Monarch mới
thấy nó rất kiên cường, vô cùng phức tạp và bền bỉ. Nó bay từ Canada hay từ miền
Bắc nước Mỹ xuống tận Mễ Tây Cơ. Quá trình đó tốn hết năm thế hệ. Năm thế hệ sống
và chết để bay quãng đường một chiều đó. Tôi nắm lấy khoảnh khắc ấy để khẳng định
lại cái ngụ ý của người Mỹ gốc Á. Thay vì bướm chúa là biểu tượng của một cái
gì đó sáo rỗng, tôi biến nó thành một biểu tượng của sự mạnh mẽ và khả năng
thích ứng. Cuộc đời của người Việt, đặc biệt là của những người tị nạn sống tha
phương sau chiến tranh Việt Nam, là mạnh mẽ và sáng tao như những con bướm chúa
Monarch.”
Vậy thì các thế hệ người
Mỹ gốc Việt phải sống và chết bao nhiêu lần để đi đến nơi chúng ta cần đến? Hay
đó là cuộc sống, là lý lẽ dòng đời xoắn ốc của Ocean Vương. Mọi thứ bắt đầu từ
trọng tâm, đi đoạn đường dài trải qua bao thời gian và đau thương để về điểm
đó, chỉ có khoảng cách là xa hơn và ý thức rộng hơn. Cái khôn ngoan của người Mỹ
gốc Việt là gì sau khi trải nghiệm không biết bao nhiêu là chết chóc, gian nan?
Như Ocean Vương đã hỏi,
“Chúng ta làm gì khi chiến tranh đã ở phía sau và làm cách nào để chúng ta đi
tiếp?” [qd]
No comments:
Post a Comment