Saturday, June 13, 2020

NƯỚC MỸ PHÂN HÓA : KHÔNG CHỈ BỚI MÀU DA (Tuổi Trẻ Online)




Tuổi Trẻ Online
12.06.2020, 12:00

Cuộc khủng hoảng cảnh sát - người da màu ở Mỹ hiện tại chỉ là một mảng của tình trạng phân hóa xã hội ở Mỹ, mà nguyên nhân đồng thời cũng là hậu quả là do mỗi cộng đồng đã tự đóng kín trong khu vực của mình, dù đó là một khu ổ chuột thật sự, một tòa tháp ngà học thuật, hay một khu nhà giàu kín cổng cao tường…

Tinh thần Mỹ, tranh của Norman Rockwell. Ảnh: Rockwell Museum

Sau hai tuần khủng hoảng vì người da màu nổi loạn, chính giới Mỹ đã tỏ ra nhún nhường chưa từng thấy. Ngược lại, người da vàng nói chung ở Mỹ (hay ở cả châu Âu) đã nhiều lần lên tiếng phàn nàn việc họ bị kỳ thị chỉ vì đeo khẩu trang khi người bản xứ chưa biết sợ mà chịu đeo. 

Đồng thời tháng 5 vừa qua, giữa cao điểm khủng hoảng sắc tộc tại Mỹ, không ít người Việt định cư tại Mỹ đã phải nức nở vì cửa hàng (tiệm nail, tiệm ăn) bị đập phá tan nát... trong các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd.

Một nghiên cứu của Trung tâm Pew về “chủng tộc ở Mỹ” công bố tháng 4-2019 giúp giải thích thêm cuộc khủng hoảng hiện giờ. 2/3 người Mỹ nói người da đen bị đối xử ít công bằng hơn người da trắng khi đụng chuyện với cảnh sát (67%), và khi có vấn đề liên quan đến hình sự (65%).

Dư luận chia rẽ hơn về sự phân biệt với người da đen trong các lĩnh vực dân sự, như khi xin vay hoặc thế chấp mua nhà, lương bổng, hay học hành. Song, hầu hết tin rằng người da trắng và người da đen được đối xử như nhau.

Màu da khuất lấp

Thiệt ra, không chỉ người da đen mới bị kỳ thị. Tờ Orange County Register 8-5-2020 cảnh báo: nhiều báo cáo cho thấy số vụ tấn công, hạch sách và kỳ thị chủng tộc chống lại người Mỹ gốc Á đang ngày càng tăng.

Tổ chức đa truyền thông WHYY ở vùng Philadelphia (gồm các bang Delaware, New Jersey và Pennsylvania) nêu vấn đề: “Cuộc đối thoại về chủng tộc và phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ có xu hướng tập trung vào việc người da đen và quyền lực tối cao của người da trắng. Đôi khi câu chuyện nhị phân này đã che khuất chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người Á”.

Trên thực tế, sự kỳ thị người Mỹ gốc Á cũng đã và đang là một vấn đề. Theo phân tích số liệu thống kê của AAPI - nhóm nghiên cứu chính sách và nhân khẩu học người Mỹ gốc Á, số người Mỹ gốc Á tăng hơn 25% từ năm 2010 đến 2017, 2/3 người Mỹ gốc Á sinh ở nước ngoài, trong đó nhiều người đến Mỹ với tiếng Anh hạn chế, càng khiến việc hòa nhập của họ thêm khó khăn.

New York Times 14-2-2020 nhắc lại lời dân biểu Hạ viện Mỹ gốc Hoa Gene Wu (Ngô Nguyên Chi): “Người Mỹ gốc Á đã bị “xuống hạng”, thành một nhóm thiểu số thứ yếu. Chúng tôi không phải người da đen. Thường thì chúng tôi chỉ được nghĩ đến sau cùng”.

Chính vì “chỉ được nghĩ đến sau cùng”, các vụ bạo lực chống người Mỹ gốc Á đã không được quan tâm đúng mức. Một bài phân tích của Tổ chức Public Inegrity cùng NBS News công bố hôm 16-4 vừa rồi cáo giác: “Các cơ quan liên bang đã chẳng làm gì mấy trước sự kỳ thị chống người gốc Á gia tăng”.

Từ khu phố người Hàn ở Los Angeles tới khu (da trắng) Greenwich Village ở New York, người gốc Á thường xuyên bị tấn công do mang tiếng là “nguồn lây virus”.

Website Stop AAPI Hate (Chấm dứt sự kỳ thị người Mỹ gốc Á) cung cấp sẵn tờ khai báo các trường hợp bị phân biệt đối xử bằng các thứ tiếng Hoa, Việt, Hàn, Khmer, Nhật, Tagalog (Philippines) ghi rõ: “Công cụ này nhằm mục đích hỗ trợ người dân trong cộng đồng báo cáo những sự cố mang tính phân biệt đối xử liên quan đến COVID-19.

Việc bạn báo cáo bằng mẫu đơn này sẽ giúp chúng tôi theo dõi tất cả mọi trường hợp phân biệt đối xử liên quan đến COVID-19 ở bang California và trên toàn quốc”. Số ngôn ngữ của báo cáo (6) cho thấy phần nào quy mô của câu chuyện kỳ thị người Mỹ gốc Á.
Kết quả hoạt động cũng cho thấy cường độ của vấn đề: tính đến 13-5, sau 6 tuần hoạt đông, Stop AAPI Hate đã nhận được hơn 1.710 khai báo từ 45 bang và thủ đô Washington D.C., trong đó 9/10 người cho biết họ “bị nhắm vào vì màu da” và 37% các sự cố xảy ra ở nơi công cộng.

Cuộc khủng hoảng kép của người Mỹ gốc Việt

Trong cộng đồng người Việt cũng có nhiều người đồng cảm, chia sẻ với người da màu trong cuộc phản kháng Black Lives Matter (Sinh mệnh người da đen là quan trọng). Như có thể thấy trong cuộc biểu tình tại Garden Grove (hạt Orange) hôm thứ tư 3-6. Có những người Việt tham gia với tư cách cá nhân hoặc tổ chức (như Viet Rainbow of Orange County, một tổ chức người Mỹ gốc Việt với lăng kính đa dạng về xu hướng tính dục và bản sắc giới).

Hình ảnh video cho thấy những người tham gia đa số là người trẻ, thuộc đủ màu da và cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, bắt đầu từ Tòa thị chính Garden Grove trên đại lộ Acacia, qua đường Brookhurst - một con đường có đoạn mà mơ màng một chút thấy giống đường Cộng Hòa ngày xưa (nay là Nguyễn Văn Cừ ở Sài Gòn) với những hàng cây hai bên đường, rồi ra các đường Main, Euclide, Chapman...

Xuống đường tuần hành phản kháng cảnh sát bạo lực là một trong nhiều sự chia sẻ với xã hội của người Việt. Ngay khi đại dịch lên cao điểm, rất nhiều người Việt đã có những đóng góp thiết thực cho các địa phương nơi mình sống.

Những câu chuyện này được NBC News tập hợp và đăng tải hôm 12-4, như trường hợp của hàng chục chủ tiệm nail ở Mobile, Alabama - đáp lời kêu gọi của một chủ tiệm thuốc tây người Việt tại đấy - đã biếu 134.000 cặp găng y tế và 23.000 khẩu trang cho một bệnh viện địa phương.

Một chủ tiệm nói với NBC: “Chiến đấu với virus là trách nhiệm của mỗi người chúng tôi. Chúng tôi không làm việc trong lĩnh vực y tế, vì vậy chúng tôi không thể trực tiếp tham gia, nhưng chúng tôi muốn chia sẻ trách nhiệm của mình và những gì chúng tôi có với cộng đồng”.

Tuy nhiên, cũng đã có những cơ sở làm ăn của người Việt bị đập phá, hôi của trong những ngày này, trong đó có ở thành phố Minneapolis. Hay như tại Chicago, mà theo tờ Chicago Sun-Times 1-6, các chủ hiệu đã bị hôi của đến chẳng còn gì, trong khi cảnh sát lại ưu tiên bảo vệ khu The Loop, trung tâm kinh doanh của thành phố.

Chính thị trưởng thành phố Lori Lightfoot đã than vãn: “Những người kinh doanh nhỏ đã hi sinh và dành dụm tiền để thực hiện ước mơ của họ. Họ đã mướn nhân viên từ khu phố các người để phục vụ chính các người [những người da đen].

Vậy mà các người lại tước đi hi vọng của họ, chà đạp hi vọng đó. Chúa nào giúp được chúng ta nếu chúng ta nghĩ rằng mình có thể bày tỏ nỗi đau bằng cách phá hủy hi vọng, ước mơ và vận may của người khác”.

Những tổn thất mới này đã thêm gánh nặng cho các chủ tiệm người Việt, vốn đã rất chật vật rồi vì dịch bệnh buộc họ phải đóng cửa tiệm và giãn cách xã hội. Ở California, nơi cộng đồng người Việt tập trung đông nhất ở Mỹ chẳng hạn, tới giờ các tiệm nail vẫn chưa được mở lại.

Ngành dịch vụ làm móng này quy tụ rất đông kiều bào: đến 80% trong số 11.000 tiệm nail ở California là của người Mỹ gốc Việt. Orange County Register bình luận các biến cố dồn dập đã khiến người Việt “rúng động cả vật chất lẫn tinh thần”.

Mới đây đã nổ ra một cuộc biểu tình tại khu thương xá Phước Lộc Thọ (thành phố Westminster) đòi công bằng cho nghề này tại California với khẩu hiệu ban đầu nửa Mỹ, nửa Việt: “California/USA, mở tiệm nail”, sau đó sửa lại thuần Mỹ: California/USA, open nail salons”.

Cũng đã nổ ra tranh cãi khi thống đốc California Gavin Newsom từng có phát biểu ngụ ý các tiệm nail là ổ lây dịch, điều sau đó ông đã phải “nói lại” qua báo chí. Những người biểu tình cũng đòi ông Newsom công bố tên tiệm nào là ổ lây dịch, chớ không thể nói chung chung rồi bắt đóng cửa nhất loạt như vậy được.

Cố thủ trong “xó xỉnh” của mình

Có thể thấy ở Mỹ, dù vỏ ngoài xã hội là “nồi hầm thập cẩm” (melting pot) các nền văn hóa và chủng tộc khác nhau, sâu trong ruột, các nhóm chủng tộc - văn hóa vẫn sống rất “bản sắc”, mỗi nhóm giữ hình hài riêng. Thật ra, họ giống với món xà lách trộn hơn là nồi hầm vì dù ở cạnh nhau, món nào vẫn đi món đó.

Nghiên cứu của Trung tâm Pew nêu trên cho thấy “bức tranh khảm” này: “74% số người da đen trưởng thành cho rằng người da đen rất quan trọng đối với cách họ nghĩ về bản thân... Trong khi đó, chỉ 59% người gốc Tây Ban Nha nói người gốc Tây Ban Nha đối với họ là quan trọng; và chỉ 56% người châu Á nói điều tương tự về việc là người châu Á. Ngược lại, chỉ có 19% người da trắng nói người da trắng quan trọng đối với họ và khoảng 47% nói chủng tộc của họ hoàn toàn không quan trọng với cách họ nghĩ về bản thân”.

Các con số trên phần nào cho thấy mức độ “đóng” (hay mở) trong khuôn khổ gốc gác của mỗi nhóm chủng tộc trong quá trình “Mỹ hóa”. Sự đóng chặt hơn có lẽ cũng do cảm thấy thách thức nhiều hơn, như một phản ứng co cụm: 64% người da đen trưởng thành cho biết khi còn nhỏ, họ thường xuyên nghe gia đình nói chuyện về các thách thức do chủng tộc. Trong khi đó, 91% người da trắng, 64% người gốc Tây Ban Nha và 56% người châu Á cho biết hiếm khi gia đình họ nói tới điều này khi họ còn nhỏ.

Lằn ranh chủng tộc cũng được phản ánh trên chính trường Mỹ. Ông Joe Biden, người cuối tuần qua đã chính thức trở thành ứng cử viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, đã lên tiếng rất nhiều trong mấy ngày qua.
Có thể ông thành thật phân ưu và chia sẻ, dù cũng có người hồ nghi cho rằng ông chỉ muốn kiếm phiếu, đặc biệt là với đội ngũ cử tri da đen cơ sở của ông. Shane Goldmacher của The New York Times 4-6 cho rằng trong những ngày này, khi phản kháng nổ ra, ông Biden đã tự cho mình là lực lượng hàn gắn trong đất nước đang sôi sục tranh cãi về chủng tộc: “Ông Biden đưa ra hai thông điệp.
Một mặt, ông muốn cho thấy ông cảm thấu nỗi đau thống khổ của người Mỹ gốc Phi, mặt khác vẽ ra một hình ảnh tương phản với một tổng thống đang sôi máu đáp trả”.

Hữu Nghị






No comments: