Tuesday, June 2, 2020

KIẾN NGHỊ : HÃY CỨU LẤY ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Tập thể các nhân sĩ trí thức Việt Nam)




Tập thể các nhân sĩ trí thức Việt Nam
01/06/2020

Kính gởi
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng kính gởiÔng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi chiếm 90% mức xuất khẩu gạo, vùng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, cây trái lớn nhất cả nước nhưng là nơi mà cơ sở hạ tầng lại thấp nhất so với các vùng khác. Đời sống người dân ở đây còn khó khăn muôn bề. Trong khi đó tình hình biến đổi khí hậu cũng như tác động xấu của con người vào môi trường sống dự báo sẽ có những hậu quả tai hại khôn lường. Người dân ĐBSCL vì thế sẽ phải đương đầu ra sao để bảo vệ và phát triển cuộc sống? Trước tình hình bức xúc này, một số nhân sĩ, trí thức, chuyên gia nông nghiệp, thủy lợi chúng tôi cùng nhau viết bản kiến nghị này với mong muốn góp phần với Nhà nước trong việc vạch ra một chính sách chiến lược phát triển hợp lý hữu hiệu để phát huy các mặt thuận lợi có sẵn của vùng miền đồng thời khắc phục những sai sót đã phạm phải, nhằm giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long được phát triển đúng hướng, bền vững trong xu thế phát triển chung của cả nước.

Mới đây, ngày 26.5.2020, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm, người đứng đầu Chính phủ đã có yêu cầu cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng khu vực ĐBSCL, nên thiết tưởng bản kiến nghị này, được xây dựng trên tinh thần nghiên cứu khoa học vô tư khách quan, sẽ có thể cung cấp thêm được một nguồn tham khảo bổ ích cho đại cuộc phát triển đất nước.

Nhiều năm nay, việc xâm nhập mặn các dòng sông và nạn hạn hán, thiếu nước ngọt trong canh tác trong sinh hoạt thường xuyên xảy ra ở một số tỉnh ĐBSCL. Việc tăng vụ trồng lúa đã có hiệu quả làm tăng sản lượng gạo và lượng gạo xuất khẩu, nhưng nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Xuất khẩu gạo càng tăng, thành tích chính phủ càng lớn thì chi phí đầu tư càng lớn, nạn ô nhiễm môi trường càng gia tăng do qui mô sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật  ngày càng lớn, môi trường sống càng bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhìn lại chặng đường dài, không thể không hỏi vì sao một vùng đất màu mỡ, giàu tiềm năng mà vẫn là vùng trũng về kinh tế, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục. Nhiều người trẻ vẫn phải đi xuất khẩu lao động, làm “osin” hoặc lấy chồng mà không có tình yêu, cực khổ muôn bề chỉ vì hy vọng kiếm ít tiền gởi về cho cha mẹ.

Về môi trường tài nguyên thiên nhiên, biểu hiện dễ thấy là sự bức tử dòng sông Mê-Kông. Trung Quốc xây đập thủy điện thượng nguồn sông Mê-Kông góp phần gây hạn hán (trong những năm ít nước, do phát điện gián đoạn), ngăn chặn một phần phù sa di chuyển về hạ lưu, tiêu diệt một số loài thủy sản vì chúng mất môi trường sinh đẻ tự nhiên. Lào ngăn đập làm nhà máy thủy điện với tham vọng là bình điện của Châu Á… Việc tăng vụ sản xuất lúa, xây dựng cơ sở hạ tầng, tàn phá rừng tự nhiên trong lưu vực sông đã góp phần làm khô hạn; và  phía Việt Nam cũng đã góp phần không nhỏ trong việc gây nạn hạn này.

Môi trường và tài nguyên tự nhiên suy thoái một phần là do biến đổi khí hậu, khai thác thiếu bền vững ở thượng nguồn sông Mê-Kông, song nguyên nhân chính là Chính phủ đã thiếu một chiến lược lâu dài thích ứng với tự nhiên và xu thế phát triển của khu vực. Không thể đổ lỗi cho khách quan mà  phải tìm cách thích ứng với các tác động không mong muốn khách quan ấy. Một thời gian quá dài, Chính phủ ưu tiên cho sản xuất lương thực ngay cả khi đã dư thừa cho nhu cầu trong nước. Chính phủ  đã quá tự hào với việc trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đóng góp vào an ninh lương thực thế giới, bất chấp việc khai thác quá mức tài nguyên đất, nước với việc gia tăng sử dụng hóa chất  bảo vệ thực vật và không có hành động đáng kể nào để bảo vệ sức khỏe của đất cũng như môi trường. Cũng chính vì tư duy phải đứng ở “hàng đầu” trong xuất khẩu gạo mà Chính phủ đã bỏ quên lợi thế so sánh về thị trường các cây trồng khác, thu nhập cao hơn, sử dụng tài nguyên ít hơn và cuối cùng là sản xuất bền vững hơn.

Việt Nam không thể di chuyển ĐBSCL đi xa người láng giềng xấu bụng Trung Quốc. Việt Nam cũng không thể ra lịnh cho Lào, Thái Lan. Việt Nam cũng không thể chống lại biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam chỉ có thể làm cho người nông dân giàu hơn, ĐBSCL phát triển hơn bằng chính sách biện pháp phù hợp, thuận với qui luật thiên nhiên.
Gần đây trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội đang có sự tranh luận gay gắt giữa việc dừng hay tiếp tục xuất khẩu lúa gạo. Đây là việc nhỏ, song nó cho thấy việc thiếu chiến lược trong điều hành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, chính sách hướng đến sự an toàn cho Chính phủ hơn là đứng về phía lợi ích của người dân.

Chính phủ quá nhấn mạnh đến an ninh lương thực mà không nhấn mạnh đến an ninh dinh dưỡng trong khi cả thế giới từ lâu đã thực thi an ninh dinh dưỡng với việc đa dạng hóa nguồn thực phẩm. Đây chính là lý do tại sao Việt Nam xuất khẩu gạo thứ 2-3 thế giới trong rất nhiều năm mà chỉ số An ninh lương thực (GFSI) của Việt Nam năm 2019 chỉ xếp thứ 57 trong 113 nước được quốc tế đánh giá, trong khi tại ASEAN, Singapore không sản xuất một cân gạo nào lại xếp thứ 12 thế giới. Điều này cũng phản ánh qua chỉ số hạnh phúc toàn cầu (WHI), khi VN chỉ được xếp thứ 94 trong 156 quốc gia được xếp hạng.

Vì những lẽ trên, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, khẩn thiết kiến nghị Chính phủ:

1. Rà soát, bổ sung Nghị định 120 năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL để có một  chiến lược phát triển dài hạn, toàn diện về ĐBSCL thuận theo tự nhiên.  Có chiến lược phát triển phù hợp từng vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái. Đa dạng hóa sản phẩm theo điều kiện tự nhiên. Thay đổi cơ cấu sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản trước hết vì mục tiêu an ninh dinh dưỡng của dân tộc.

2. Mọi chính sách cần đặt lợi ích của người dân nói chung và người nông dân nói riêng làm trung tâm. Sản xuất thông minh, hài hoà giữa các yếu tố đáp ứng thị trường, bảo vệ tài nguyên, bảo đảm lợi ích người trồng lúa, loại bỏ tư duy Việt Nam làm “an ninh lương thực thế giới”.

Riêng về sản xuất lúa gạo, cần qui hoạch sản xuất lúa vừa đủ ăn và có dự trữ trong 3 tháng và chỉ sản xuất tại những vùng thuận lợi nhất, trên cơ sở sử dụng thông minh tài nguyên đất, nước và bảo vệ môi trường… Không làm lúa 3 vụ, chỉ làm 2 vụ ở thời điểm thuận lợi về thiên nhiên. Ở vùng bị xâm mặn chỉ duy trì một vụ lúa vào mùa mưa, thời gian còn lại nuôi tôm cá hoặc những thủy hải sản phù hợp. Chuyển đổi một phần đất sang trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Để chuyển đổi đất lúa cần có giải pháp để sản xuất hiệu quả, nhất là giải pháp về logistics, về chế biến, và bảo quản.

3. Áp dụng kỹ thuật canh tác tận dụng ưu thế tự nhiên. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các trường đại học ĐBSCL, đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu  để cùng với nông dân tìm những kỹ thuật canh tác cây lúa, cây trái,  nuôi trồng phù hợp, đem lại lợi ích cao nhất cho người nông dân.

Trên cơ sở Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018, về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ cần có một chính sách dài hơi khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản, thủy sản theo hướng chuỗi giá trị bền vững hài hòa với cơ sở hạ tầng phát triển, logistics hiện đại để thực sự doanh nghiệp là động lực phát triển của đất nước. Có chính sách hỗ trợ bằng miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu.

4. Chỉ đạo các địa phương không nên cưỡng bức nông dân và các thành phần khác vào hợp tác xã, không đặt chỉ tiêu phát triển hợp tác xã. Khi người dân có nhu cầu liên kết với nhau, họ sẽ chủ động xây dựng hợp tác xã. Qua quá trình phát triển, nhà nước có thể hướng dẫn họ cách tổ chức điều hành hợp tác xã theo phương thức sản xuất kinh doanh tiên tiến hiện đại như các nước phát triển, trên tinh thần tự nguyện của các thành viên.

5. Tăng cường phát triển giao thông, hạ tầng ĐBSCL. Bỏ Tổng cục Dự Trử Quốc Gia, lập Quỹ Dự Trữ Quốc Gia cho doanh nghiệp đấu thầu thực hiện.

Đối với nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt đời sống hàng ngày, chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tại chỗ với chính sách ưu đãi và lâu dài. Chính phủ có kế hoạch  hướng dẫn giúp đở người dân tích trử nước ngọt bằng nhiều hình thức trong mùa mưa và đưa vào trường chương trình giáo dục các em học sinh tiết kiệm nước trong sinh hoạt.

6. Bằng mọi biện pháp thích hợp, phục hồi lại rừng tự nhiên Tây Nguyên trên diện rộng để bảo vệ lưu vực và nguồn nước sông Cửu Long và phục hồi các khu rừng tự nhiên vốn có ở ĐBSCL. Việt Nam cần có kế hoạch thực hiện  khai thác điện gió, điện mặt trời nổi, điện mặt trời, điện hải lưu và các nguồn năng lượng tái tạo khác vừa nhanh vừa rẻ. Quá trình đó sẽ làm giảm dần đi đến chỉ còn một phần thủy điện thật sự hữu ích với qui vận hành thích hợp (phát điện, chống lũ, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp), duy trì hoặc trả lại từng phần dòng chảy tự nhiên trên các sông suối. Nhà nước VN nâng cao ý thức và trách nhiệm ủy viên Ủy Ban Sông Mê-Kông, trước mắt cũng như về lâu dài cần thúc đẩy nhanh đối thoại giải quyết việc phục hồi sông Mê-Kông giữa các nước trong Ủy ban Sông Mê-Kông và Trung Quốc để hài hòa lợi ích các nước liên quan. Phục hồi các vùng ngập mặn ở các cửa sông, các vùng ven bờ biển để vừa giữ biển vừa lấn biển vừa tạo môi trường sống cho các loài ven biển.

7. Chính phủ hãy nhanh chóng điều chỉnh chính sách quốc gia trên cơ sở hài hòa lợi ích các vùng trong cả nước, không để cho ĐBSCL đóng góp 90% lương thực xuất khẩu, là chủ lực về thủy sản, cây trái… mà hạ tầng kém phát triển, cuộc sống của người dân về mọi mặt đều xếp cuối so với các vùng khác.

Ngày 1 tháng 6 năm 2020

DANH SÁCH KÝ TÊN:

1.    Vũ Trọng Khải, PGS Tiến Sĩ, Chuyên gia độc lập Chính sách Nông nghiệp.
2.    Đào Công Tiến, PGS, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế T/p HCM
3.    Nguyễn Thế Hùng, GSTS, Đại học Đà Nẵng
4.    Nguyễn Quang A, TS Tin học, Hà Nội
5.    Phạm Xuân Yêm, GS Vật lý, Paris, Pháp
6.    Nguyễn Đình Nguyên, TS Y Khoa, Australia
7.    Phan Thị Hoàng Oanh, TS Hóa học, Sài Gòn
8.    Nguyễn Mai Oanh, ThS Kinh tế Phát triển, Sài Gòn
9.    Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội
10. Đặng Thị Hảo, TS Văn học, Hà Nội
11. Trần Đức Quế, Chuyên viên hưu trí, Hà Nội
12. Nguyễn Thị Kim Chi, Nghệ sĩ ưu tú, TP HCM
13. Võ Văn Thôn, nguyên GĐ Sở Tư pháp TP HCM
14. Nguyễn Thu Giang, nguyên PGĐ Sở Tư pháp TP HCM
15. Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo SGGP
16. Bùi Nghệ, Kỹ sư, Sài Gòn
17. Lê Phú Khải, Nhà văn, Nhà báo, Sài Gòn
18. Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, Sài Gòn
19. Lê Thân, Nhà hoạt động Xã hội, Sài Gòn
20. Hoàng Hưng, Nhà thơ-nhà báo tự do, TPHCM
21. Mạc Văn Trang, TS Tâm lý học, Hà Nội
22. Nguyên Ngọc, Nhà văn, Hội An
23. Hoàng Dũng, PGSTS Ngữ văn, TPHCM
24. Phạm Đình Trọng, Nhà văn, Sài Gòn
25. Giáng Vân, Nhà thơ, Hà Nội
26. Trần Bang, Kỹ sư, Sài Gòn
27. Trần Tiến Đức, Nhà báo độc lập, Đạo diễn truyền hình và phim tài liệu, Hà Nội.
____

Để cứu lấy Đồng bằng Sông Cửu Long, rất cần sự lên tiếng của tầng lớp Thân sỹ Trí thức. Chúng tôi soạn bản kiến nghị này trình lên Chính phủ. Các Thân sỹ, Trí thức quan tâm đến thực trạng của đất nước, muốn đồng hành cùng chúng tôi, và đồng ý ký tên xin soạn rõ theo cú pháp: {Họ Tên, chức danh/nghề nghiệp (nếu có), Tỉnh hoặc Thành phố (và quốc gia nếu ở nước ngoài) đang cư trú}. Gửi về địa chỉ emailtuyenbodbscl@gmail.com

Trân trọng cám ơn






No comments: