22/06/2020
Cái chết của người đàn
ông Mỹ gốc Phi có tên George Floyd tiếp tục làm chấn động thế giới. Bị cảnh sát
Hoa Kỳ đè ngạt thở trong gần tám phút liền, sự kiện George Floyd là giọt nước
tràn ly đối với những bất công có hệ thống liên quan đến sắc tộc và màu da bên
trong nền dân chủ Hoa Kỳ, và rộng hơn là ở các quốc gia dân chủ cấp tiến phương
Tây.
Cái chết của George Floyd
đang tạo nên những biến đổi cơ bản trong mô hình an ninh công cộng, mà quan trọng
nhất là việc Hội đồng Thành phố Minneapolis thống
nhất giải tán Sở Cảnh sát thành phố để nghiên cứu và đầu tư vào các
chương trình trị an dựa trên các sáng kiến cộng đồng.
George Floyd & Lê
Đình Kình. Đồ họa: Luật Khoa
Nhưng cũng trong lúc đó,
cái chết của ông Lê Đình Kình lại đi kèm với những lời cáo buộc cay độc dành
cho người đàn ông đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Theo kết
luận điều tra mới nhất của Bộ Công an, không có bằng chứng cho thấy
ông Lê Đình Kình trực tiếp tham gia vào bất kỳ hoạt động chống đối nhóm công an
gây chết người.
Cũng chính họ ghi nhận rằng
cái chết của ba người thuộc lực lượng trấn áp (tại sân thượng giao giữa nhà Lê
Đình Hợi và Lê Đình Chức) diễn ra cùng thời điểm với lúc nhà ông Lê Đình Kình bị
vây hãm và tấn công bằng đạn thật.
Theo bản kết luận này,
ông Lê Đình Kình bị bắn ngay lập tức hai phát chí tử vì “tổ công tác áp
sát ngách cửa sau nhà ông Kình thì phát hiện ông này đang cầm một quả lựu đạn
trên tay đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong”.
Vì vậy, ngay cả khi chúng
ta chấp nhận thông tin mà phía chính quyền đưa ra rằng ba công an viên chết là
do nhóm ông Lê Đình Chức dám đối đầu trực diện với cơ quan công quyền, không thể
quy bất kỳ trách nhiệm nào cho cái chết của họ cho ông Lê Đình Kình, để từ đó
lý giải cho hành vi sử dụng vũ lực ngay lập tức và không cảnh báo dành cho người
đàn ông đã quá 80 tuổi với các biến chứng chân gãy cách đây hơn hai năm vẫn còn
đó.
Cái chết của ông Lê Đình
Kình là không cần thiết, và cần phải được làm rõ trách nhiệm, tương tự như cái
chết của George Floyd. Tuy nhiên, thứ đang diễn ra tại Việt Nam hoàn toàn ngược
lại với những gì đang diễn ra tại Hoa Kỳ.
Ông Lê Đình Kình bị cho
là xứng đáng bị “tiêu diệt”.
Phần đông dân cư không
bàn, hay thậm chí không biết về cái chết của Lê Đình Kình.
Nếu có biết tới, họ dần
như đều đồng thuận với tất cả những gì chính quyền phổ biến.
Điều gì dẫn đến sự khác
biệt như vậy?
Đàn áp thông tin
Thông tin về cái chết của
George Floyd xuất hiện dày đặc trên báo chí Mỹ. Kể từ thời điểm clip ghi nhận
việc bắt giữ dẫn đến cái chết thương tâm của Floyd đến nay, số lượng kết quả
Google trả về với từ khóa “George Floyd” đã lên đến hơn 200 triệu.
Chúng ta có thông tin về người
kịp thời quay lại cảnh George Floyd bị cảnh sát chèn ngạt thở, kèm theo đó là lời
kêu gọi bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người quay clip trước những lời đe dọa.
Chúng ta có New York
Times kể
về cuộc đời và khát vọng của George Floyd.
Chúng ta có
Newyorker bàn
luận về nền tảng và những vấn đề lịch sử của phân biệt sắc tộc trong
hoạt động trị an tại Hoa Kỳ.
Chúng ta có Wall Street
Journal tìm
hiểu về phản ứng và quan điểm của các CEO các công ty lớn tại Hoa Kỳ.
Các thông tin về thân
thế, tiền sử sai phạm của người cảnh sát gây ra cái chết của Floyd
cũng được điều tra làm rõ.
Thậm chí một số yêu sách,
hay thông tin có phần hơi thái quá và sai vấn đề vẫn được nêu ra, như việc CNN chỉ
trích khả năng cựu cảnh sát viên Derek Chauvin vẫn sẽ được nhận đủ
lương hưu (pension) của mình trong suốt nhiều thập kỷ sau khi anh này đủ 50 tuổi
(lập luận mà tính pháp lý của nó có lẽ sẽ phải dành để bàn luận trong một thời
điểm khác).
Sự đầy đủ, phong phú và
đa dạng của thông tin về vụ việc khiến cho người dân khắp thế giới, dù hiểu hay
không hiểu rõ hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, dù có hay không được trải nghiệm môi
trường chính trị Hoa Kỳ, vẫn có thể có một cái nhìn tương đối đầy đủ về điều gì
đang diễn ra và tự mình xác định câu trả lời.
Đây là những điều hoàn
toàn ngược lại với những gì xảy ra tại Việt Nam.
Ngay sau khi cuộc đụng độ
chết chóc diễn ra vào rạng sáng ngày 9 tháng Một năm 2020, toàn bộ hệ thống tin
tức Việt Nam gần như hoàn toàn không tường thuật được những gì thật sự diễn ra.
Từ ngày 9/1 đến nhiều tháng sau đó, thôn Hoành xã Đồng Tâm bị phong tỏa khiến
cho cả các phóng viên được phép hoạt động tại Việt Nam hay các phóng viên độc lập
đều khó lòng tiếp cận.
Toàn bộ nguồn tin
tức, do đó chỉ đến từ thông tin của Bộ Công an, kèm theo lời khẳng định chắc
nịch rằng mọi quy trình đều được thực hiện “đúng pháp luật”.
Sau ngày 14/1, khi Bộ
Công an chính thức đưa ra thông
tin về vụ việc, báo chí Việt Nam gần như chỉ ghi nhận những gì mà Bộ
này lý giải.
Cảnh sát cơ động tại
hiện trường vụ xung đột ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 9/1/2020. Ảnh:
TTXVN.
“Trừng trị” ý kiến
phản biện
Không ai dám nói rằng nước
Mỹ hoàn hảo.
Cái chết của Floyd chỉ là
một phần rất nhỏ trong hằng hà sa số những vấn đề mà người dân và chính phủ Hoa
Kỳ đã và đang tiếp tục phải đối mặt để tiếp tục giữ vững vị thế siêu cường trên
thế giới. Tuy nhiên, có một điều cần công nhận là nước Mỹ chưa bao giờ né tránh
những cuộc thảo luận khó khăn.
Tính đến nay, báo chí,
các nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền vẫn đang tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ
cả chính quyền liên bang Hoa Kỳ lẫn các tiểu bang. Áp lực lớn từ phía truyền
thông, với những bằng chứng rõ ràng xác đáng, giúp cho quá trình xử lý các cá
nhân liên quan đến vụ giết người nhanh chóng và phù hợp.
Đặc biệt nhất, khi phía Sở
cảnh sát thành phố Minneapolis dự định đổ lỗi cái chết của Floyd cho các bệnh
lý có sẵn của anh, báo chí cùng cơ quan y tế thứ ba nhanh chóng vào cuộc kiểm chứng bằng
quá trình giám định tử thi độc lập để khẳng định điều ngược lại: Floyd bị chết
ngạt vì ngoại lực duy trì. Như vậy nguyên nhân trực tiếp và duy nhất dẫn đến
cái chết của Floyd là vì cảnh sát viên Derek Chauvin chèn cổ anh ta quá
lâu.
Cùng với đặc trưng tranh
tụng công bằng và sòng phẳng của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, các bằng chứng từ bên
thứ ba chắc chắn sẽ được sử dụng để chống lại luận điểm bao biện từ phía cơ
quan cảnh sát. Điều này hoàn toàn trái ngược với thực trạng tại Việt Nam, nơi
mà cơ quan điều tra tự điều tra hành vi sai phạm của mình, với độc quyền thực
hiện giám định tử thi được công nhận trước tòa.
Ngoài những người đòi hỏi
công bằng cho Floyd, và rộng hơn là đòi hỏi sự công bằng trong hệ thống tư pháp
cho người da đen, cũng có nhiều tiếng nói phản biện lại phong trào.
Ví dụ, một số trang báo,
như tờ cánh hữu Washington Times đưa
tin nói rằng Floyd nghiện ngập và từng vào tù ra tội; rằng anh ta
không phải vị thánh cơ đốc tử vì đạo (martyr). Ngay lập tức, nhiều bài viết
khác trên Medium xuất hiện để phản
biện quan điểm này, cho rằng tiền sử phạm tội của Floyd không thể bị
dùng để hóa giải những cáo buộc liên quan đến sự bất công còn tồn tại bên trong
hệ thống tư pháp nước này.
Dù ủng hộ quan điểm nào
đi chăng nữa, sự tự do thảo luận, trao đổi ý kiến, quan điểm trong không gian mở
giữa các công dân Hoa Kỳ đang giúp cho người dân tìm kiếm một tiếng nói chung
nhất, trung hòa nhất và có lợi ích nhất cho tương lai nước Mỹ.
Tại Việt Nam thì sao?
Ngay sau khi sự việc diễn
ra, vài tiếng nói đơn độc chỉ trích chính quyền cũng xuất hiện. Song chúng ngay
lập tức chịu sự trừng phạt từ phía chính quyền.
Nhà hoạt động Trịnh Bá
Phương, một trong những người đầu tiên đưa tin về vụ bố ráp tại Đồng Tâm, bị
triệu tập, bị bêu rếu và thù
địch hóa trên báo chí nhà nước.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh
Tuấn, người có nhiều năm tìm hiểu, theo dõi và đưa tin về tranh chấp đất đai tại
Đồng Tâm cũng liên tục bị truy đuổi, săn đón tại nơi tạm trú, và cuối cùng là bị mời
làm việc “bắt buộc” vào ngày 22 tháng 5 năm 2020.
Đặc biệt hơn, anh Chung
Hoàng Chương đã bị tòa Cần Thơ bỏ
tù 18 tháng đơn giản vì anh này có một dòng chỉ trích vụ việc tại Đồng
Tâm trên Facebook.
Liệu trong môi trường
thông tin như vậy, sự thật có được bảo vệ?
Và những thảo luận cần
thiết về hệ thống tư pháp, tranh chấp đất đai, giới hạn sử dụng vũ lực tại Việt
Nam có phát triển thêm bước tiến nào mới sau cái chết của bốn nhân mạng?
“Chính quyền luôn
đúng”
Một trong những điều kỳ lạ
hơn nữa là dù báo chí và cộng đồng Việt Nam có vẻ rất hào hứng trong việc chỉ
trích hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, họ lại gần như bặt tiếng ngay cả trong việc đặt
một dấu hỏi về cái chết của ông Lê Đình Kình trong vụ Đồng Tâm.
Nếu chỉ trích rằng việc
chèn cổ George Floyd của vị cảnh sát viên, trong tình thế anh ta có đến ba người
cộng sự đi cùng là không cần thiết, là hành vi có chủ đích; thì vài ngàn binh
sĩ cảnh sát cơ động được tranh bị đầy đủ vũ khí và phương tiện tối tân có nhất
thiết phải tấn công bằng đạn thật một nhóm vài chục người đang cố thủ trong hai
ba căn nhà liền kề hay không? Các biện pháp trấn áp khác như bao vây, cắt điện
nước, đàm phán và yêu cầu ra hàng có quá khó khăn để thực hiện trong tình cảnh
đấy? Và các biện pháp cẩn trọng nhằm bảo vệ nhân mạng của cả hai bên đã được áp
dụng một cách phù hợp hay chưa?
Tôi rất tâm đắc câu bình
luận trong bài viết Giới hạn của cưỡng
chế:
“Năng lực và quyền hạn để gia tăng căng thẳng, hay
tiết giảm căng thẳng trong xung đột, cuối cùng là nằm trong tay quan, chứ không
phải trong tay dân.”
Tôi cho là nguyên lý này
đúng với cả Hoa Kỳ và Việt Nam.
Không có gì để biện giải
cho hành vi của bốn viên cảnh sát của thành phố Minneapolis.
Và cùng lúc đó, tôi nghĩ
cũng không có gì để biện minh khi cả ngàn cảnh sát cơ động được trang bị tận
răng đối mặt với nhóm vài mươi người vẫn để dẫn đến kết quả là bốn người chết.
Cái sai hiện rõ trước mắt.
Đáng tiếc thay, chỉ có
người Mỹ nhìn ra vấn đề: Chính quyền không phải lúc nào cũng đúng. Và với quyền
lực tối thượng nằm trong tay họ, điều đầu tiên là làm rõ trách nhiệm của các cơ
quan chức năng, rằng các biện pháp vũ lực họ áp dụng có tương thích, có hợp lý,
có nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích nhân mạng tốt nhất có thể hay không.
***
Khi mà chúng ta tiếp tục
từ chối thảo luận và đấu tranh, từ chối tìm kiếm sự thật và trách nhiệm từ
chính quyền quốc gia, không chỉ trong vụ Đồng Tâm mà còn trong hằng hà sa số
các vụ lạm dụng quyền lực khác, chúng ta đang tự xem nhẹ mạng sống của đồng
bào, những người cùng dòng máu cùng màu da với mình. Cái tội ác ấy, so với phân
biệt chủng tộc, tôi cho là còn kinh khủng hơn nhiều lần.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
No comments:
Post a Comment