Nguyễn
Quang Dy
20/06/2020
Hiện nay có nhiều vấn đề
phải bàn trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Nhưng có hai vấn đề chính cần
tháo gỡ để phát triển bền vững là chủ nghĩa thân hữu ăn sâu bám rễ và đầu tư nước
ngoài chệch hướng. Nếu không tháo gỡ vấn đề thân hữu thì chống tham nhũng bất
khả thi. Nếu đầu tư nước ngoài không đúng hướng thì khó phát triển bền vững.
Chủ nghĩa tư bản
thân hữu
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng
(nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương), chủ nghĩa tư bản thân hữu thực chất
là sự bành trướng và biến tướng của nhóm lợi ích. Ở Việt Nam, nhóm lợi ích đang
chuyển biến dần sang chủ nghĩa tư bản thân hữu. Đây là nguy cơ lớn nhất đang
hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của chế
độ. (Nguy cơ lợi ích nhóm bao trùm lên mọi nguy cơ khác, Vũ Ngọc
Hoàng, Nhân dân, 28/7/2016).
Chủ nghĩa tư bản thân hữu
đã ăn sâu bám rễ ở Việt Nam do các nhóm lợi ích liên kết giữa các quan chức suy
thoái và các doanh nghiệp nhà nước (SOE) đã thao túng “định hướng XHCN”. Nhưng
khi các SOE (như Vinashin và Vinalines) chỉ còn là những đống đổ nát do thua lỗ,
thì họ sẽ bị lấn át dần bởi các tập đoàn tư nhân (như Vingroup và
Sungroup).
Theo ông Trần Đình Thiên
(nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và thành viên tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng),
hầu hết các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đều rất nhỏ, trừ một số ngoại lệ
như Minh “Him Lam” hay Vũ “Trung Nguyên”. Ngoài ra là các các “đại gia” xuất
thân là “tướng soái” làm giàu và đi lên từ buôn lậu tại thị trường Liên Xô và
Đông Âu cũ.
Các “đại gia” đó đã trở về
Việt Nam từ thập niên 1990 khi đất nước bắt đầu mở cửa để đổi mới. Họ đầu tư chủ
yếu vào bất động sản và xây dựng quan hệ là hai thứ tài sản có lợi nhất trong
thời quá độ. Với túi tiền và kinh nghiệm tham nhũng ở Liên Xô và Đông Âu cũ, họ
là những người cơ hội (như “carpetbaggers”) đặc trưng của thời kỳ tích tụ tư bản
hoang dã.
Đó là vắn tắt bối cảnh thời
kỳ quá độ của kinh tế thị trường và chủ nghĩa thân hữu ở Việt Nam. Hầu hết các
tập đoàn tư nhân đầu tư vào bất động sản, tuy một số đa dạng hóa đầu tư vào
lĩnh vực khác như ngân hàng (VP, VIB, Liên Việt), hàng không (Vietjet), thực phẩm
(Masan), siêu thị (Vinmart), y tế (Vinmec), giáo dục (Vinschool), và xe hơi
(Vinfast).
Các tập đoàn này đã đóng
góp đáng kể vào xây dựng hạ tầng, đặc biệt là bất động sản (property
development). Từ các triệu phú, nay một số đã nhanh chóng trở thành tỷ phú đầu
tiên của Việt Nam. Nhưng có một nghịch lý đáng buồn là trong khi họ làm giàu
nhanh thì đa số người dân nghèo đi, và đất nước vẫn tụt hậu, với năng xuất lao
động càng thấp.
Tại một xã hội chuyển đổi
như Trung Quốc và Việt Nam, người ta quen thu tô (rent seeking). Đó là miếng đất
màu mỡ cho chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng, nên khó phát triển bền vững. Theo
Minxin Pei (China’s Crony Capitalism, Harvard University Press,
2016), “gốc rễ của chủ nghĩa tư bản thân hữu nói chung và tham nhũng nói riêng
đã ăn sâu”.
Ông lý giải “sự tương tác
của các thay đổi về thể chế trong quyền sở hữu nhà đất và phản ứng thuận chiều
của giới tinh hoa đã sinh ra chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Một phát hiện quan trọng
của ông là chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc do đặc tính phân cấp. Các doanh
nghiệp tư nhân có năng lực vượt trội so với nhà nước trong việc khai thác tài sản
công.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu
cho rằng một khi các doanh nghiệp tư nhân đã giàu có về kinh tế và có quyền lực
chính trị thì họ sẽ theo chủ nghĩa tư bản tự do thay vì chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Sự trỗi dậy và cố thủ của chủ nghĩa tư bản thân hữu trong kinh tế chính trị
Trung Quốc là hệ quả tất yếu của mô hình chuyên chế để hiện đại hóa kinh tế của
Đặng Tiểu Bình.
Khi giới tinh hoa nắm quyền
lực không hạn chế thì họ sẽ dùng nó để chiếm đoạt thành quả của tăng trưởng
kinh tế, làm cho quá trình chuyển đổi khó khăn và bất ổn hơn. Hệ lụy của chủ
nghĩa tư bản thân hữu (như bất bình đẳng về tài sản, thế lực mafia địa phương,
sự cố thủ của giới tài phiệt có đặc quyền) tạo điều kiện cho những kẻ chiếm được
nhiều tài sản bất minh trong xã hội có thế lực chính trị mạnh hơn trong một nền
dân chủ mới còn đầy bất ổn.
Khi quyền lực không bị kiểm
soát thì các nhóm lợi ích thân hữu là “bên thắng cuộc” sẽ coi thường dư luận và
thao túng báo chí như công cụ của họ. Vụ AVG là một ví dụ điển hình, khi hai bộ
trưởng phụ trách truyền thông phải vào tù. Nhưng AVG chỉ là phẩn nổi của tảng
băng chìm, vì tập đoàn Masan có thể thuê báo chí để diệt nước mắm truyền thống.
Sungroup có thể thao túng các quan chức để phạt báo Phụ Nữ thành phố vì dám điều
tra các dự án nghỉ dưỡng của họ xâm phạm rừng quốc gia Tam Đảo và
quy chế bảo vệ môi trường.
Đầu tư nước ngoài
chệch hướng
Đầu tư nước ngoài trực tiếp
(FDI) là một nhân tố quan trọng để giúp các nước chuyển đổi như Việt Nam phát
triển. Nhưng muốn phát triển bền vững thì chính sách thu hút FDI của Việt Nam
phải cài đặt đúng hướng. Theo giáo sư Trần Văn Thọ (thành viên Tổ tư vấn
Kinh tế của Thủ tướng Việt Nam), có bốn tiêu chí cơ bản để đánh giá chất lượng
FDI.
Một là FDI phải được đặt
trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh. Hai là phải tạo điều kiện để
các dự án FDI theo mô hình liên doanh với các đối tác trong nước. Ba là phải
liên kết giữa FDI với các công ty trong nước để hỗ trợ nhau. Bốn là phải đánh
giá xem các dự án FDI đến từ các nước tiên tiến hay từ các nước mới phát triển
xung quanh Việt Nam. (FDI, Trung Quốc và kinh tế Việt Nam, Trần Văn
Thọ, the Leader, 21/5/2020).
Trong thời kỳ bắt đầu đổi
mới (thập niên 1990) cho đến khi gia nhập WTO (2006) Việt Nam còn sợ FDI chi phối
nền kinh tế nên luật đầu tư nước ngoài chưa thông thoáng, và khi áp dụng lại
gây khó dễ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Quy trình xét duyệt để cấp phép rất
phức tạp và tốn thời gian, làm nản lòng nhiều doanh nghiệp lớn từ các nước tiên
tiến. Sau này, người ta nhớ tới giai đoạn mở cửa ban đầu đó như là “bình minh ảo”
(false dawn).
Nhưng từ khi gia nhập
WTO, Việt Nam lại quá dễ dãi trong quy chế phân quyền xuống các địa phương
(decentralization). Vì vậy, các tỉnh thường tranh nhau dự án, và chạy dự án bằng
mọi giá, thậm chí bất chấp rủi ro về môi trường và an ninh quốc gia. Khi đánh
giá về FDI, Việt Nam thường chỉ chú ý đến số vốn, chứ ít khi chú ý đến chất lượng.
Dự án thép Formosa và đường
sắt Cát Linh-Hà Đông là những ví dụ điển hình và bài học đau đớn. Cũng may mà
dư luận phản đối mạnh làm Thủ tướng chính phủ phải dừng lại không cho làm dự án
thép Hoa Sen Cà Ná (Ninh Thuận) với tổng số vốn ảo $10 tỷ mà ông Lê Phước Vũ chủ
tập đoàn Hoa Sen đã từng tuyên bố “ngu gì mà không làm thép”.
Gần đây, thế giới cảnh
giác hơn vì Trung Quốc đã bộc lộ ý đồ chi phối nền kinh tế và can thiệp vào
tình hình chính trị các nước khác thông qua hình thức đầu tư, và họ đã đưa ra
nhiều biện pháp để ngăn ngừa. Ví dụ, Nhật Bản vừa mới sửa luật về ngoại hối,
quy định chặt chẽ tỉ lệ tối đa doanh nghiệp nước ngoài có thể mua cổ phần của
doanh nghiệp Nhật.
Các nước phương Tây khác
như Mỹ, Úc, Pháp, cũng đang tìm cách ngăn ngừa Trung Quốc mua bán và sát nhập
(M&A) những công ty thuộc diện có ảnh hưởng tới an ninh kinh tế và an ninh
quốc gia. Họ đã thông qua việc ban hành các đạo luật mới hoặc sửa đổi các đạo
luật cũ nhằm ngăn ngừa các dự án FDI có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Việt Nam là một nước đang
phát triển và đang chuyển đổi, có vị trí địa lý liền kề Trung
Quốc, nên việc cảnh giác
và đối phó với ý đồ thao túng của Trung Quốc lại càng hệ trọng hơn so với các
nước tiên tiến nói trên. Theo Bộ Quốc Phòng Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc
đang tìm cách sở hữu các vị trí đất nhạy cảm đối với an ninh của Việt Nam.
Với tham vọng
lãnh thổ và “kinh tế cưỡng đoạt”, hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc
luôn ẩn tàng âm mưu bành trướng của chính quyền Trung Quốc. Gần đây, Bộ Quốc
Phòng Việt Nam đã nói rõ các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thường núp bóng để
thâu tóm các bất động sản có vị trí quân sự xung yếu (tại Vân Đồn, Phú Quốc, Đà
nẵng, v.v).
Tuy Quốc Hội không thông
qua Luật Đặc khu vì sức ép dư luận, nhưng các nhóm lợi ích gắn với đặc khu
không chịu bỏ cuộc, mà sẽ lặng lẽ vận động Quốc Hội và Chính Phủ tìm cách khác.
Theo báo Dân Trí (25/11/2019), Quốc Hội đã bỏ phiếu thông qua quy định miễn thị
thực cho người nước ngoài tới các “khu kinh tế đặc biệt”. Với quy định này, Vân
Đồn và Phú Quốc sẽ biến thành đặc khu cho người Trung Quốc mà không cần thông
qua luật.
Do ảnh hưởng bởi chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung và Covid-19, nhiều doanh nghiệp Mỹ và phương Tây sẽ
rút khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những nước để họ chọn. Việt Nam
không nên lo ngại rằng nếu các doanh nghiệp Trung Quốc không đến, thì các nước
khác cũng không đến, vì có nhiều doanh nghiệp khác nhau. Nay hiệp định CPTPP và
EVFTA sẽ giúp Việt Nam hội nhập đa dạng hơn, để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Đối với các nước phương
Tây như Mỹ, EU và Nhật Bản, ngoài vốn đầu tư thì họ có công nghệ cao, văn hóa
kinh doanh lâu đời, và trách nhiệm xã hội trong đó có ý thức bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, doanh nghiệp các nước mới phát triển như Trung Quốc hay Đài Loan
vẫn thiếu hụt văn hóa và đạo đức kinh doanh, cũng như trách nhiệm xã hội cần
thiết.
Nay Việt Nam đã trở thành
nền kinh tế phụ thuộc cao độ vào FDI. Khu vực FDI chiếm tới 50% sản lượng công
nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu, nhưng không giúp Việt Nam chuyển dịch cơ cấu
công nghiệp, không đưa Việt Nam tiến lên cao hơn trong chuỗi cung ứng giá trị,
trong khi công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Tuy Việt Nam thu hút nhiều FDI,
nhưng xét theo bốn tiêu chí của giáo sư Trần Văn Thọ về FDI thì Việt Nam không thành
công.
Theo giáo sư Trần Văn Thọ,
Việt Nam phải kịp thời cài đặt lại toàn bộ chiến lược thu hút FDI. Đã đến lúc
Việt Nam phải sửa lại luật đầu tư nước ngoài và sớm ban hành luật về an ninh
kinh tế để ngăn ngừa người nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm về an
ninh quốc phòng, và có các điều khoản cụ thể để xử lý người trong nước tiếp tay
cho người nước ngoài lách luật. (Việt Nam cần cảnh giác trước đầu tư của
Trung Quốc, BBC, 7/6/2020).
Lời cuối
Muốn đổi mới thể chế cần
đồng thuận quốc gia, muốn chống tham những cần minh bạch. Đáng mừng là quá
trình “chống dịch như chống giặc” đã giúp Việt Nam kiến tạo được đồng thuận quốc
gia và minh bạch thông tin, là hai tài sản qúy hiếm để đổi mới thể chế. Nếu
không đổi mới thể chế kịp thời thì Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội đón nhận sự chuyển
dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, và làm triệt tiêu luôn cả hai tài sản quý hiếm
nói trên.
Gần đây, Việt Nam hay nói
đến “dọn tổ để đón đại bàng”. Đúng là có nhiều đại bàng đang rời Trung Quốc,
nhưng tại sao 27 đại bàng Mỹ vừa rời Trung Quốc lại không đến Việt Nam? Nếu
không trả lời được câu hỏi đó để kịp thời tháo gỡ ách tắc, thì nhiều đại bàng
khác sắp rời Trung Quốc sẽ đến Indonesia hay Ấn Độ, chứ không đến Việt Nam. Nếu
chỉ chú trọng dọn tổ ở Vân Đồn và Phú Quốc thì Việt Nam chỉ đón được kền kền
Trung Quốc.
Thế giới phụ thuộc quá
nhiều vào Trung Quốc, nhất là về thiết bị y tế và dược phẩm. Đó là một nghịch
lý và tử huyệt mà Mỹ và phương Tây đã nhận ra sai lầm vì dính líu quá nhiều và
quá lâu với Trung Quốc, nhưng vẫn “đồng sàng dị mộng”. Nay Mỹ đang cố đảo ngược
thực trạng đó bằng cách “tách đôi” (decoupling), nhưng đây là một bài toán nói
thì dễ nhưng làm rất khó, vì Mỹ-Trung đã mắc kẹt vào cái “bẫy phụ thuộc lẫn
nhau về kinh tế”.
Đối đầu Mỹ-Trung khác với
đối đầu Mỹ-Xô thời chiến tranh lạnh. Nếu trước đây Mỹ-Xô chỉ đối đầu về quân sự
và ý thức hệ, thì nay Mỹ-Trung còn đối đầu về kinh tế và công nghệ, vì Trung Quốc
là siêu cường kinh tế thứ hai thế giới. Trong khi thế giới phải đối phó với đại
dịch, thì Việt Nam có cơ hội “biến nguy thành cơ”. Tuy Việt Nam có cơ hội thoát
khỏi ngã ba đường ý thức hệ, nhưng cơ hội này có thể mất nốt nếu đổi mới thể chế
quá chậm và quá ít.
NQD. 20/6/2020
No comments:
Post a Comment