Yi-Ling
Liu
BBC Future
22/06/2020
Đại dịch Covid-19 đã định hình lại các mối quan hệ
cá nhân của chúng ta theo những cách chưa từng thấy, buộc chúng ta phải sống gần
gũi hơn với một vài người này và xa cách hơn với những người khác.
Cuộc sống trong thời
phong tỏa khiến ta duy trì sự tiếp xúc gần gũi hàng ngày với gia đình, giữa vợ
chồng con cái, song các biện pháp giãn cách xã hội lại khiến ta tách biệt khỏi
bạn bè, cộng đồng xã hội.
Cả ở Trung Quốc, quốc gia
đầu tiên trên thế giới đã áp dụng biện phong tỏa triệt để khi virus xuất hiện,
lẫn ở Hong Kong, nơi trường học đóng cửa, cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động và
nhân viên nghỉ làm, virus đã được kiểm soát và cuộc sống đã dần trở lại bình
thường. Song đại dịch đã để lại một số rạn nứt trong mối quan hệ gia đình.
Đáng chú ý nhất là môi
trường sống cách ly nhiều áp lực bức xúc, kết hợp với căng thẳng tài chính do nền
kinh tế phải nặng gánh tổn thất từ Covid-19, đã dẫn đến sự gia tăng xung đột
hôn nhân, theo Susanne Choi, nhà xã hội học tại Đại học Trung Văn Hương Cảng.
Ly hôn nhiều hơn
Điều này thể hiện rõ nhất
ở sự tăng đột biến tỷ lệ ly hôn.
Tại thành phố Tây An, tỉnh
Thiểm Tây ở phía tây bắc Trung Quốc, văn phòng đăng ký kết hôn đã tiếp nhận số
lượng lớn các yêu cầu ly hôn nhiều chưa từng có khi họ mở cửa làm việc trở lại
vào tháng Ba.
Trên mạng trực tuyến, việc
đăng ký lịch hẹn giải quyết ly hôn tại Tây An đã tạo nên cơn cuồng phong đạt đến
32 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo.
"Tôi mệt mỏi vì phải
cáng đáng cả hai vai trò - vừa là phụ nữ, vừa là đàn ông trong gia đình,"
một phụ nữ có tên là Xuebi viết trên mạng xã hội Zhihu của Trung Quốc, trong một
mục thảo luận có tựa đề "Sau dịch bệnh, điều đầu tiên tôi muốn làm là đệ
đơn ly hôn".
Là y tá làm việc ở Vũ
Hán, công việc của cô ở bệnh viện ngập đầu vì dịch bệnh bùng phát, chồng cô bị
mất việc, ở nhà với đứa con trai năm tuổi.
Nhưng người chồng chẳng
chịu làm việc nhà, cứ để chất đống chờ cô đi làm về lại phải nai lưng quần quật
tiếp, cô phàn nàn. Cô sẽ đệ đơn ly hôn ngay khi các cơ quan hành chính nhà nước
mở cửa làm việc bình thường trở lại, cô viết.
Tỷ lệ ly hôn đã đều đặn
tăng lên ở Trung Quốc kể từ năm 2003, khi thủ tục ly hôn được thực hiện dễ dàng
và nhanh chóng hơn.
Việc đăng ký cuộc hẹn để
nộp đơn ly hôn giờ đây có thể làm online trên mạng xã hội WeChat.
Năm 2019, có 4,15 triệu cặp vợ chồng đệ đơn ly hôn. Tuy nhiên, luật mới, sẽ có hiệu lực vào ngày
1/1/ 2021, yêu cầu những người muốn chấm dứt cuộc hôn nhân của mình phải trải
qua "thời gian hòa giải" 30 ngày. Thủ tục hòa giải không áp dụng
trong trường hợp có phát sinh bạo lực gia đình.
Và có vẻ như trong một số
trường hợp căng thẳng hơn, những xung đột phát sinh trong quá trình phong tỏa
đã dẫn đến sự gia tăng bạo lực gia đình.
Tại tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm
của đợt bùng phát đầu tiên, các vụ bạo lực gia đình được báo cáo tăng gấp ba lần
so với trước đại dịch.
Mức gia tăng tương tự
cũng đã được báo cáo ở nhiều quốc gia khác trên khắp châu Âu nơi áp dụng phong
tỏa.
Tại Bắc Kinh, tổ chức NGO
Bình Đẳng, hoạt động đấu tranh cho quyền của phụ nữ, nói số các cuộc gọi tới
đường dây trợ giúp của họ vì các vấn đề bạo lực gia đình, đã tăng vọt sau khi
các biện pháp phong tỏa được thực hiện trên toàn quốc vào đầu tháng Hai.
Tại Hong Kong, Harmony
House, trung tâm phòng chống bạo lực gia đình và là nơi nương náu cho phụ nữ, số
lượng chị em đến đây đã tăng từ 10 người trong tháng Giêng lên tới người 40 vào
tháng Tư.
Bình Bình (tên nhân vật
đã được thay đổi để bảo vệ danh tính), đã phải trải qua nạn bạo lực gia đình từ
trước khi có đại dịch.
Nhưng sau khi chồng cô bắt
đầu làm việc tại nhà vào tháng Giêng, tình trạng căng thẳng ngày càng trở nên tồi
tệ.
Họ tranh cãi về cách dọn
dẹp và khử trùng nhà cửa, bất đồng trong việc có cho hai đứa con ra ngoài chơi
hay không, và khi anh không hài lòng với thức ăn cô nấu, anh gắt gỏng cau có với
cô. Nếu cô nói lại, anh tát vào mặt cô và quăng bát đĩa xuống sàn.
"Mặc dù Hong Kong
không bị phong tỏa hoàn toàn, nhưng căng thẳng do đại dịch, áp lực làm việc ở
nhà, đóng cửa trường học, cô lập xã hội... đã khiến cho cách hành xử thô lỗ, bạo
lực gia tăng trong các gia đình," Susanna Lam, chuyên viên cao cấp hoạt
động trong lĩnh vực hỗ trợ cộng động của Harmony House, nói.
Một thế giới mới
Trong các trường hợp xung
đột ít gay gắt hơn, nhiều gia đình và các cặp vợ chồng đã nhận ra họ đang đứng
trước những vấn đề tệ hại mới, điều này có thể làm trầm trọng thêm những căng
thẳng hiện có.
Một điểm chung của sự
tranh cãi, chẳng hạn, là thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như thế nào,
Sharmeen Shroff, nhà tâm lý học lâm sàng làm việc tại Hong Kong, nói.
"Giờ đây thì những
cuộc trao đổi rất đời thường giữa các cặp vợ chồng như, 'có nên cho con đến
chơi chỗ này chỗ kia không', cũng trở thành chuyện tranh cãi sống chết,"
Shroff nói. "Điều này chắc chắn khiến các gia đình lâm vào tình trạng căng
thẳng, và các mối quan hệ bị lung lay."
Một thách thức khác mà
các gia đình đang phải đối mặt là gánh nặng chăm sóc gia tăng do các biện pháp
kiểm dịch và các tình huống trẻ con học tại nhà.
Thường thì cuối cùng là
người phụ nữ luôn phải quán xuyến một lượng công việc lớn hơn, với sự phân chia
điển hình không đồng đều trong lao động gia đình, theo Choi.
Phụ nữ dành nhiều thời
gian hơn gấp 2,5 lần cho các công việc không được trả lương so với nam giới ở
Trung Quốc, và điều này sẽ có tác động lâu dài đến khả năng phụ nữ tham gia vào
lực lượng lao động.
"Lao động nữ có
nguy cơ bị cho nghỉ việc bởi Covid-19 cao hơn so với nam giới," Choi nói,
vừa bởi phụ nữ phải ở nhà chăm sóc gia đình, vừa bởi ở Trung Quốc và Hong Kong,
phụ nữ thường được tuyển dụng vào làm trong lĩnh vực bán lẻ nhiều hơn, như ở
các nhà hàng, khách sạn và hãng hàng không, là những ngành bị ảnh hưởng trầm trọng
nhất bởi đại dịch.
Khi đại dịch ập đến,
Susie Gao, vốn đang làm việc trong ngành thương mại điện tử ở Thượng Hải, đã phải
đi tìm một công việc mới.
Trong giai đoạn cách ly,
điều này là vô cùng thách thức, bởi vì cô còn phải chăm sóc cô con gái hai tuổi,
cháu bé không thể gửi nhà trẻ. Chồng cô làm trong ngành kỹ thuật còn đỡ, cô làm
việc trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, một lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi
đại dịch.
"Ở hầu hết các gia
đình tôi biết, gánh nặng tài chính đổ dồn lên vai người đàn ông nhiều hơn,
trong khi áp lực việc nhà lại trút lên đầu người phụ nữ," Gao nói.
Hơn nữa, nhiều người
trong số những người bị bởi mất việc làm ở Trung Quốc đại lục là lao động nhập
cư, Choi giải thích. Nhiều người đã rời khỏi thành phố để về thăm quê nhà khi dịch
bệnh bắt đầu, đúng vào dịp Tết Nguyên đán và sau đó không thể quay lại làm
việc do lệnh phong tỏa.
Hu Xiaohong, lao động
nhập cư ở Bắc Kinh, về thăm quê ở Sơn Tây, và đã phải ở lại đó với chồng và
hai con.
Cô thì lo lắng vì không
thể kiếm sống ở quê nhà, nơi tiền lương tương đối thấp hơn Bắc Kinh, nhưng con
trai cô thì vô cùng sung sướng.
"Vợ chồng tôi đã để
con ở lại Sơn Tây để đến Bắc Kinh làm việc từ 5 năm trước," cô nói.
"Đây là lần đầu tiên con tôi lại được ở chung với mẹ lâu đến thế."
Giao tiếp kỹ thuật
số
Khi đứng trước xung đột
và áp lực căng thẳng trong các mối quan hệ gia đình, mọi người thường tìm đến bạn
bè và xã hội để được giúp đỡ.
Nhưng với các biện pháp
giãn cách xã hội, hầu hết mọi người đều bị cách ly khỏi các hệ thống hỗ trợ
thông thường và bị cắt đứt khỏi các cơ chế đối phó quen thuộc.
"Những hoạt động
hàng ngày trước đây như giao tiếp xã hội, đi tập gym, tụ tập gặp mặt ăn uống giờ
không còn là lựa chọn phù hợp nữa rồi," Shroff nói. "Vì vậy, chúng ta
phải chuyển sang các phương tiện khác để kết nối với mọi người, như các cuộc họp
video trực tuyến, trao đổi qua tin nhắn và mạng xã hội."
Nhưng cũng tồn tại một sự
phân tầng trong giao tiếp kỹ thuật số, giữa những người có quyền truy cập vào
các công nghệ này và những người không có, Fanny Cheung, nhà tâm lý học tại Đại
học Hong Kong, nói.
Những người cao tuổi ít
quen thuộc với công nghệ trực tuyến nên ít kết nối với gia đình vì các biện
pháp cách ly kiểm dịch, cô giải thích.
Ở phía ngược lại, giới trẻ
phụ thuộc nhiều hơn vào các phương tiện công nghệ trực tuyến để kết nối với người
khác. Và tuy tình bạn ảo có vẻ như là một điều tốt, nghiên cứu cho thấy việc sử
dụng mạng xã hội ngày càng tăng thực sự lại khiến những người trẻ tuổi càng cảm
thấy cô đơn và thu mình hơn trước.
Bất chấp những thách thức
này, đại dịch cũng mang đến cho mọi người cơ hội để xem xét lại các mối quan hệ
của mình.
"Tôi nhận thấy mọi người bắt đầu thiết lập lại
các kết nối lâu ngày đã bị lãng quên, không chỉ với những người khác mà còn với
chính họ," Shroff nói.
"Đại dịch đã tạo cơ hội cho vợ chồng tôi và con
gái dành nhiều thời gian bên nhau hơn," Gao nói thêm.
"Vợ chồng tôi giao tiếp với nhau thường xuyên
hơn và chúng tôi cũng chơi đùa với con gái nhiều hơn nhiều. Vì vậy, tôi nghĩ
chúng tôi đã vượt qua cuộc khủng hoảng này để trở nên một gia đình gắn kết, gần
gũi nhau hơn."
Trên thực tế, trong khi một
số người đang vội vã kết thúc cuộc hôn nhân của họ, thì ở Vũ Hán - nơi được cho
là virus corona khởi phát - những người khác lại đang đổ xô lên mạng để nộp đơn
đăng ký kết hôn - thông qua một hệ thống được thiết lập trên nền tảng thanh
toán di động Alipay - ngay khi 76 ngày phong tỏa được dỡ bỏ.
Ứng dụng này nói số đơn đăng
ký kết hôn trực tuyến từ tháng Giêng đến tháng Tư, đã tăng 300%, thậm chí hệ thống
còn bị sập trong thời gian ngắn do nhu cầu quá cao.
Hậu quả tâm lý
Nhìn xa hơn, ảnh hưởng của
đại dịch và các mối quan tâm liên quan đến sức khỏe tâm thần của chúng ta cũng
phải được xem xét.
Một số chuyên gia sức khỏe
tâm thần tin rằng đại dịch có thể gieo rắc hệ lụy một cuộc khủng hoảng sức khỏe
khác trong thời gian sau dịch. "Nếu chúng ta không hành động nhanh
chóng, các bệnh viện sẽ sớm bị quá tải vì yêu cầu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm
thần," ông Shroff nói.
Một nghiên cứu về người
dân ở Hong Kong sau đại dịch Sars 2002-03 cho thấy, "một năm sau khi dịch
bệnh bùng phát, những người còn sống vẫn có mức độ căng thẳng cao và mức độ lo
lắng về tâm lý," bao gồm trầm cảm và sợ hãi.
Nhưng đó không phải toàn
là tin xấu - một nghiên cứu khác cho thấy kết quả tích cực cũng có, chẳng hạn
như tăng cường mối quan hệ với gia đình và bạn bè, với hơn 60% số người được hỏi
nói rằng họ quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của các thành viên trong gia đình
sau cuộc khủng hoảng và rằng họ cảm thấy một nỗ lực gia tăng để tập trung vào sức
khỏe tâm lý.
Ở Trung Quốc, nơi vẫn còn
nhiều kỳ thị xung quanh các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đại dịch Covid-19 có
thể là một "hồi chuông cảnh tỉnh tích cực," buộc chính phủ phải chú ý
hơn đến việc đầu tư cho các nguồn lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
"Nếu ưu tiên giờ đây
của chúng ta là quản lý sự lây lan của virus, khi chuyển sang giai đoạn tiếp
theo của đại dịch, chúng ta cần tập trung vào việc làm phẳng đường cong sức khỏe
tâm thần," Shroff nói.
Megan Lam, giám đốc điều
hành của Neurum, một công ty chăm sóc sức khỏe trực tuyến có trụ sở tại Hong
Kong, đã chuyển sang các giải pháp công nghệ để giải quyết các vấn đề về sức khỏe
tâm thần, ghép nối người dùng trên nền tảng kỹ thuật số với việc chăm sóc cá
nhân.
Tại nơi làm việc,
"các công ty giới thiệu các sáng kiến về sức khỏe tâm thần, chính sách
công bằng hơn với giờ làm linh hoạt hơn, khiến người lao động của công ty khỏe
mạnh ngay cả trong những môi trường bất ổn nhất," cô nói.
Từ những tiếng hô
"Vũ Hán, hãy vững vàng" của người dân Vũ Hán trên các ban công, cho đến
các nhà hoạt động xã hội Trung Quốc cùng nhau liên kết trên mạng xã hội để hỗ
trợ và chăm sóc cho những người phải trải qua tình trạng bạo lực gia đình và
các tổ chức phi chính phủ địa phương ở Hong Kong phân phát khẩu trang với gel
sát khuẩn cho các tổ chức từ thiện xung quanh thành phố, đại dịch cũng đã củng
cố sức mạnh của các gia đình và cộng đồng, giúp họ gắn bó bên nhau.
"Đã có một ý thức cao hơn về lòng tương thân
tương ái và tình đoàn kết,"
Shroff bổ sung. "Điều này đã tạo ra ý thức chung về tình thân ái cộng đồng
và sự gắn bó với nhau mà tôi chưa từng thấy trước đây."
Bài
tiếng Anh đã đăng trên BBC
Future.
No comments:
Post a Comment