Thursday, June 18, 2020

CÔNG HÀM INDONESIA VÀ BƯỚC ĐI TIẾP THEO CỦA VIỆT NAM? (Nguyễn Ngọc Chu)





1. Sau công thư ngày 1/6/2020 của Hoa Kỳ, ngày 12/6/2020 Chính phủ Indonesia đã gửi lên Liên hiệp quốc một công hàm trả lời công hàm CML/46/2020 ngày 2/6/2020 của Trung Quốc. Công hàm của Chính phủ Indonesia đã cứng rắn tuyên bố rằng Trung Quốc không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hay bất cứ quyền lịch sử nào tại quần đảo Trường Sa. Do vậy Indonesia không đàm phán với Trung quốc về lãnh hải hay bất cứ vấn đề gì liên quan đến đòi hỏi của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.

Công hàm của Chính phủ Indonesia nêu rõ 2 điểm đinh:

“1. Không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, do vậy không có thực thể nào sinh ra vùng biển chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Indonesia.

2. Không có quyền lịch sử nào của CHND Trung Hoa tồn tại trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Indonesia. Nếu có quyền lịch sử nào đó tồn tại trước khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, thì các quyền này đã bị các điều khoản của UNCLOS 1982 hủy bỏ”.

Và Chính phủ Indonesia dõng dạc tuyên bố:

“Do vậy, Chính phủ Indonesia thấy không có lý do pháp lý nào theo luật pháp quốc tế để tiến hành đàm phán về xác định biên giới biển với CHND Trung Hoa, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến quyền hàng hải, hoặc những đòi hỏi quyền lợi được đưa ra trái với luật pháp quốc tế”.

2. Trong một trạng thái khác, nhằm thúc đẩy một liên minh đoàn kết chống lại các yêu cầu kẻ cướp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teddy Locsin đã đăng trên Twitter rằng: “Sự quyết đoán chủ quyền của tôi ở biển Nam Trung Hoa là hình mẫu cho Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á. Tôi đã đứng lên vì sự độc lập của chúng tôi như chưa bao giờ có một ngoại trưởng nào trong lịch sử của chúng tôi ”.

3. Chỉ mấy tháng gần đây đã có 5 quốc gia không hẹn mà đồng hành động – gửi công hàm phản đối mạnh mẽ yêu sách côn đồ của Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á. Đó là Hoa Kỳ, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia. Như vậy, đã hình thành một ngũ giác các quốc gia chống lại sự xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á.

4. Chưa khi nào chính quyền Trung Quốc bị cả thế giới cô lập như bây giờ. Không chỉ cô lập trong quan hệ mà bị lên án mạnh mẽ. Không chỉ lên án mạnh mẽ mà bị căm ghét thực sự.

Sáng ngày 18/6/2020 Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký thông qua Đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Trước đó, Đạo luật đã nhận được sự tán đồng cao của lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Đạo luật yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt các cá nhân Trung Quốc vì “giam giữ, tra tấn và quấy rối” người Duy Ngô Nhĩ cùng các tộc người thiểu số khác ở Tân Cương. Chính quyền Bắc Kinh đang giam dữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ với mục đích hủy diệt và khuất phục.

Sự cô lập của Trung Quốc buộc Trung Quốc không dám hung hăng đẩy cao căng thẳng với Ấn Độ, mà đã phải đồng ý hòa đàm. Nếu không vì ở tình thế trăm bề thọ địch, Trung Quốc đã bạo ngược hơn nữa với Ấn Độ ở biên giới Trung – Ấn.

5. Chính quyền Trung Quốc cộng sản không chỉ ở tình thế trăm bề thọ địch ở mặt ngoài, mà nội bộ cũng trăm phương có giặc. Không chỉ Hongkong, Tân Cương, Tây Tạng mà ở Trùng Khánh nước Thục, ở Quảng Châu nước Ngô, ở Thượng Hải nước Sở, ở Thiên Tân nước Tề, ở Cáp Nhĩ Tân nhà Mãn Châu… đâu đâu cũng có giặc.

6. Ở Biển Đông Nam Á, Trung Quốc đang ngũ diện thọ địch.

Nếu trước đây, dùng kế sách đi đêm song phương, Trung Quốc gặm nhấm từng đối thủ, thì bây giờ cả 4 nước trong ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia đã đồng lòng đối mặt với Trung Quốc. Cùng với Hoa Kỳ đã hình thành một ngũ giác quốc gia chống lại một Trung Quốc đơn độc ở Biển Đông Nam Á. Đó thực sự là một BLOCK mạnh. Vì chung quyền lợi bị Trung Quốc xâm lược.

Các nước khác ở trong khối ASEAN, rồi cũng sẽ không im tiếng.

Đây là cơ hội để Việt Nam đi nước cờ tiếp theo. Kiên quyết không lùi bước ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; Và kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.








No comments: