Thursday, June 11, 2020

CÁI CHẾT CỦA GEORGE FLOYD LÀM "CHẤN ĐỘNG LƯƠNG TÂM" NƯỚC MỸ (Trương Nhân Tuấn)




Trương Nhân Tuấn
11/06/2020

Vụ George Floyd cho thấy nước Mỹ “có nhiều vấn đề” mâu thuẫn nội tại. Kỳ thị chủng tộc chỉ là phần nổi băng sơn.

Cái chết của George Floyd làm sống dậy phong trào toàn thế giới chống kỳ thị chủng tộc. Người ta lo sợ một nước Mỹ, xưa nay vốn “vĩ đại và độ lượng”, vừa giàu có về tiền bạc, vừa mạnh bạo về quốc phòng, luôn đóng vai “cứu tinh” cho các dân tộc bị áp bức vì các chế độ độc tài. Họ lo sợ nước Mỹ “đổi chiều” với sự trỗi dậy của chủ nghĩa “da trắng ưu việt”.

Thế hệ người Mỹ hôm nay đang phung phí thành quả của tổ tiên họ. Những thế hệ tiên phong Mỹ đã đổ máu xương để xây dựng lên một nước Mỹ giàu đẹp và độ lượng như đã từng thấy. Họ đang phung phí tài sản nước Mỹ như một kẻ chơi cờ bạc với tiền cướp được của người khác.

Cái chết của George Floyd làm “chấn động lương tâm” nước Mỹ. Những giá trị “nền tảng” xây dựng lên nước Mỹ – pháp trị và nhân quyền – đã bị phá hoại.

Những nhà trí thức cũng như những chính trị gia lỗi lạc đồng loạt “quì gối” trước linh cữu của George Floyd. Đây là một dấu hiệu “mạnh”, không phải vì cá nhân Floyd, mà nhằm thể hiện sự ăn năn. Vì trong vai trò “trí thức” hay “đại diện nhân dân”, họ đã không thể ngăn cản được sự phá hoại (và phung phí) đó.

Hành vi của viên cảnh sát Derek Chauvin dùng đầu gối ghè cổ George Floyd (trong hơn 8 phút) đã được pháp luật Mỹ nhìn nhận là hành vi “cố ý giết người”.

Điều này “kinh khủng” vì nó “công khai” trước ống kính của truyền hình. Kinh khủng vì nó kéo dài (hơn 8 phút) mà không một ai tỏ thái độ can thiệp để cứu một sinh mạng. Càng kinh khủng hơn vì kẻ giết người là một “nhân viên công lực”, tức người “đại diện cho pháp luật”.

Yếu tố “da màu” khiến cho điều “kinh khủng” này trở thành một “phong trào” bạo động, phá hoại, hôi của… trong các thành phố nước Mỹ.

Lại càng “kinh khủng” hơn vị tổng thống nước Mỹ có chủ trương sử dụng quân đội để áp chế sự bạo động…

Điều 5 bản Tuyên ngôn về nhân quyền và quyền công dân năm 1789 của Pháp có những ý kiến “phổ cập” về chế độ “pháp trị”, sau này trở thành nền tảng xây dựng các quốc gia dân chủ tự do như Mỹ, Tây Âu…

Những lời mở đầu bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 khẳng định lại: “Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền“.

Về “nhân quyền”, tức “quyền của con người”, “quyền được sống” là quyền “cao” nhứt. Quyền này của George Floyd đã bị tước đoạt, công khai trước ống kính truyền hình.
Người đã tước đoạt quyền sống của George Floyd là một nhân viên công lực, người có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, tức có nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng của mọi công dân.

Chế độ “pháp trị” của Mỹ đã bị xâm hại. George Floyd đại diện cho Pháp luật mà Pháp luật “La Loi n’a le droit de défendre que les actions nuisibles à la Société – Pháp luật chỉ có quyền tự vệ trước những hành vi làm tổn hại cho xã hội” (Tuyên ngôn 1789).
Pháp luật (nước Mỹ), qua đại diện George Floyd, giết người thay vì bảo vệ mạng sống con người.

Tổng thống Trump, tổng thống của mọi người Mỹ mà hành xử như vị tư lịnh của đám kỳ thị chủng tộc KKK. Ông này chủ trương sử dụng quân đội để đàn áp các cuộc bạo loạn nổi dậy do vụ Floyd.

Quyền lực của Trump đã không còn chính đáng. Dưới sự lãnh đạo của Trump nước Mỹ trở thành “nguy hiểm”.

Hy vọng rằng “hiện tượng Trump” ở nước Mỹ chỉ là “ngoại lệ”, là một “dấu ngoặc” 4 năm hoặc 8 năm, một vết đen trong lịch sử huy hoàng của nước Mỹ.






No comments: