BTV
Tiếng Dân
16/06/2020
Tin Biển Đông
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đưa tin, Tàu Hải Dương 4
của Trung Quốc đang ở trong vùng biển Việt Nam. Vào lúc 8h23′ sáng nay, tàu này đã vào sâu thêm khoảng 8 hải lý trong vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải
lý, đi chậm với tốc độ 2,4 hải lý.
Bản đồ Biển Đông
qua AIS. Nguồn: Đức Tâm/ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Cũng trang này cho biết, tàu hải cảnh TQ 5202 “đã rời Đá Chữ Thập đi về
hướng tây, có khả năng con tàu này sẽ tham gia vào di chuyển của tàu Hải Dương
Địa Chất 4 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Tạp chí Diễn Đàn Doanh
Nghiệp có bài phân tích về vụ đâm chìm tàu cá ngư dân: Càng ngang ngược ở Biển Đông, Trung Quốc thiệt hại càng nhiều.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, Cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công
an nói:
“Bản chất của Trung Quốc từ xưa đến nay là vậy, rất
nhiều lần bất chấp luật pháp quốc tế, ưa dùng vũ lực. Dù tòa quốc tế có phán
quyết hay không thì họ vẫn tiếp tục cư xử như vậy… Bắt đầu từ khi Trung Quốc vượt
Nhật Bản về tổng lượng GDP vào năm 2010, khi đứng thứ 2 thế giới về kinh tế thì
họ bắt đầu hung hăng và tần suất vi phạm luật pháp quốc tế tại khu vực Biển
Đông tăng lên rất nhiều”.
VnExpress có bài: Indonesia phản đối ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tin cho biết, hôm 12/6, phái đoàn thường trực Indonesia ở Liên Hiệp quốc đã
trình công hàm lên Tổng thư ký António Guterres, khẳng định, “quyền lịch sử” của
Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp UNCLOS. Công hàm này của Indonesia nhằm phản
hồi công hàm của Trung Quốc gửi LHQ ngày 2/6.
Công hàm nêu rõ: “Không
thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được hưởng Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) hoặc
thềm lục địa, do đó không thực thể nào tại đây tạo ra vùng chồng lấn với EEZ hoặc
thềm lục địa của Indonesia“.
RFI có clip:
Tạp chí Forbes đưa tin
hôm qua: Tàu sân bay mới của Trung Quốc biến mất. Nguồn tin cho
biết, dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh, tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc
mang tên Type-003 đang được chế tạo, đã biến mất khỏi nhà xưởng đóng tàu ở Thượng
Hải, trong khoảng thời gian từ ngày 25 đến 28/5.
Theo các chuyên gia quân
sự nhận định, tàu sân bay Type-003 mới này của Trung Quốc rất hiện đại, có Hệ
thống phóng máy bay điện từ tương đương những chiếc hàng không mẫu hạm của hải
quân Mỹ, và vượt trội hoàn toàn so với 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông đang
phục vụ trong hải quân Trung Quốc hiện nay.
Hôm qua, CNN có
bài: “Ba tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ cùng lúc tuần tra ở Thái
Bình Dương, Trung Quốc không hài lòng”. Bài viết cho hay, theo thông
tin từ Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ, nói rằng, các
tàu sân bay Mỹ có thể đe dọa quân đội Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đang tranh
chấp.
Một chuyên gia quân sự của
Trung Quốc nói: “Bằng cách tập trung các tàu sân bay này, Mỹ đang cố gắng
chứng minh cho cả khu vực và thậm chí cả thế giới biết rằng, họ vẫn là lực lượng
hải quân hùng mạnh nhất, có thể tiến vào Biển Đông và đe dọa cho quân đội Trung
Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các tàu thuyền đi qua vùng
biển gần đó, vì vậy Mỹ có thể thực hiện ý đồ quyền bá chủ về chính trị”.
Báo Indian Express của Ấn
Độ có bài: Tình hình Biển Đông ra sao sẽ rất quan trọng đối với an ninh của
Ấn Độ. Tác giả, ông Vijay Gokhale là cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc và Bộ
trưởng Ngoại giao, nhận định, sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, tạo điều
kiện cho các nước có cơ hội theo đuổi sự thịnh vượng kinh tế mà không gia tăng
đáng kể chi tiêu quốc phòng. Theo tác giả, “không có nhóm quốc gia nào được
hưởng lợi từ sự hiện diện của Mỹ hơn là ASEAN”.
Thủy thủ Mỹ vạch trần tham vọng Biển Đông của Trung Quốc, bài trên báo Pháp Luật TPHCM. Bài viết dẫn
tin từ tạp chí The Diplomat, trích lời ông Zachary Williams, một sĩ
quan thủy quân lục chiến phục vụ Hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết, tham vọng
chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông từ đầu năm đến nay có thể tóm gọn trong bốn
sự kiện chính:
(1) Tàu hải cảnh TQ đâm chìm tàu cá Việt Nam gần khu
vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 4; (2) Nhóm
tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 cố tình quấy rối hoạt động của tàu West
Capella từ tháng 4 đến tháng 5; (3) Tàu sân bay Liêu Ninh liên tục tập trận
trên Biển Đông và Đài Loan vào cuối tháng 4; (4) Bắc Kinh cho lập cái gọi là
“quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của
Việt Nam.
Nguồn tin này còn cho biết,
nhiều khả năng Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức thêm một số cuộc diễn tập hải
quân và đổ bộ bờ biển ở một số đảo trên Biển Đông.
Mời đọc thêm:
.
Vụ Hồ Duy Hải: “cửa
hẹp nhưng còn hy vọng”
Báo Tuổi Trẻ đưa tin trưa
nay: Đa số ủy viên Ủy ban Tư pháp đề nghị xem lại quyết định giám đốc
thẩm vụ Hồ Duy Hải. Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội
thảo luận về Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về
vụ án Hồ Duy Hải, đa số thành viên trong Ủy ban Tư pháp nhận định, những
vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án là nghiêm trọng, có thể
làm thay đổi bản chất vụ án.
Do đó các thành viên
trong Ủy ban Tư pháp sẽ kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét lại
quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải theo đúng thẩm quyền tại điều 404 Bộ luật
Tố tụng hình sự.
Điều 406 của Bộ luật này
quy định, khi Ủy ban tư pháp Quốc hội có kiến nghị, trong vòng 30 ngày, Hội đồng
Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định trước đây của
mình. Như vậy, trong trường hợp Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp
theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc Hội, mà vẫn giữ nguyên quyết định giám đốc
thẩm vụ Hồ Duy Hải như trước đây – tức là không chấp nhận hủy án để điều tra lại,
thì đây là dấu chấm hết theo thủ tục tố tụng nhằm đảo ngược bản án tử hình đối
với Hồ Duy Hải.
Nếu điều này xảy ra, con
đường sống của Hồ Duy Hải càng trở nên mong manh, chỉ còn có thể trông đợi vào
sự ân xá của Chủ tịch nước, hoặc hy vọng hung thủ gây án thật sự sẽ ra đầu thú
và khai báo, mới có thể giúp giải oan cho Hồ Duy Hải.
Cũng tin liên quan đến
TAND tối cao, trong bối cảnh hôm qua Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phản ảnh
về các vụ xét xử oan sai, rằng: “Chưa bao giờ niềm tin vào ngành Tư pháp Việt Nam thấp như bây
giờ! , thì trong cùng ngày, TAND tối cao không lấy sự thanh liêm,
tinh thần pháp luật và tình yêu công lý để cải thiện hình ảnh của mình, mà cơ
quan này lại sử dụng đến biện pháp khốn cùng là ra văn bản, vận động người
trong ngành tòa án… xem phim ca ngợi về quan tòa!
Văn bản của TAND tối
cao ban hành hôm 15/6 đề nghị cán bộ tòa án cần quán triệt… xem phim. Nguồn:
Internet
Nội dung văn bản cho biết,
TAND tối cao đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, sản xuất bộ phim truyền
hình nhiều tập mang tên “Lựa chọn số phận”, nhằm mục đích tuyên truyền về “hình
ảnh cao đẹp của người thẩm phán, một chức danh tư pháp cao cả mà Đảng, nhà nước
và nhân dân giao phó”.
Khôi hài hơn, văn bản này
còn nói rằng, việc lan tỏa bộ phim là một “nhiệm vụ chính trị quan trọng của
hệ thống Tòa án”, cho thấy cơ quan này dưới sự lãnh đạo của ông Chánh án
TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, không những nát bét vì các nhiệm vụ chính trị mà
còn thể hiện quan điểm trái với tinh thần luật pháp của người đứng đầu hệ thống
xét xử.
.
Bán đảo Triều Tiên
bên bờ vực chiến tranh
Quan hệ hai miền Triều
Tiên căng thẳng lên cao, khi hôm nay Bắc Triều Tiên đánh sập văn phòng liên lạc với phía Hàn Quốc,
theo Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc (KBS). Nguồn tin dẫn lời phát ngôn viên của
Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo: “Bắc Triều Tiên đã cho nổ sập văn phòng
liên lạc ở Kaesong vào lúc 14 giờ 49 phút”.
AP có clip ghi lại cảnh Bắc
Triều Tiên cho nổ sập văn phòng liên lạc Hàn Quốc:
RFI dẫn tin chính thức từ Thông tấn xã Triều Tiên,
khẳng định, quân đội Bắc Triều Tiên “hoàn toàn sẵn sàng” hành động chống Hàn Quốc.
Cụ thể, Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên thông báo đang vạch ra một
“kế hoạch hành động để biến giới tuyến thành pháo đài”.
Trước đó, hôm 9/6, Bắc
Triều Tiên tuyên bố cắt đứt mọi đường dây liên lạc với Hàn Quốc, bao gồm cả đường
dây nóng giữa các nhà lãnh đạo, nhằm đáp trả thất bại của Chính phủ Seoul trong
việc ngăn chặn các tổ chức dân sự Hàn Quốc rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng
sang bên kia biên giới, Đài KBS cho
hay.
Các nhà hoạt động
Hàn Quốc sử dụng bóng bay để thả thông tin, thực phẩm và những thứ khác qua
biên giới Bắc Triều Tiên. Nguồn: AP
Dù Phủ Tổng thống Hàn Quốc
đã chỉ rõ việc rải truyền đơn sang Bắc Triều Tiên là hành vi vi phạm Luật giao lưu hợp tác liên Triều, nhưng
có vẻ Seoul cũng bất lực, không thể ngăn cấm việc rải truyền đơn, vì đó là một
quyền tự do cơ bản của người dân Hàn Quốc, được Hiến pháp bảo hộ.
Chính phủ Hàn Quốc từng
xúc tiến xây dựng luật ngăn chặn rải truyền đơn liên quan đến Bắc Triều
Tiên từ hơn 10 năm trước, nhưng lần nào cũng thất bại, vì luật này
xung đột với các quyền tự do cơ bản của người dân Hàn Quốc, đó là “quyền tự do
ngôn luận” và “quyền tự do biểu đạt”, dẫn tới sự phản đối của phe đối lập.
Các nguồn tin cho biết,
những tổ chức người tị nạn ở Hàn Quốc dự kiến sẽ rải tiếp 1 triệu truyền đơn
sang bên kia biên giới vào ngày 25/6 tới.
Mời đọc thêm:
No comments:
Post a Comment