Saturday, July 18, 2009

THƯ VIỆN VIỆT NAM tại CALIFORNIA TRÒN 11 NĂM


Nhà báo Du Miên nói về sinh nhật 11 của Thư Viện Việt Nam
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt

Friday, July 17, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=98189&z=196
LTS: Vào lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật, 19 tháng Bảy, Thư Viện Việt Nam sẽ mừng sinh nhật thứ 11. Nhân dịp này, một trong 5 sáng lập viên của Thư Viện Việt Nam là nhà báo Du Miên đến thăm tòa soạn Người Việt và dành cho Ðinh Quang Anh Thái cuộc phỏng vấn sau đây.

Phóng ảnh con dấu và chữ ký của Quốc Trưởng Bảo Ðại đang được trưng tại Thư Viện Việt Nam
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/98189-medium_NVHN-090717-THU%20VIEN%20BAO%20DAI.jpg

Phóng ảnh con dấu và chữ ký Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/98189-medium_NVHN-090717-THU%20VIEN%20NGO%20DINH%20DIEM1.jpg

Phóng ảnh con dấu và chữ ký Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/98189-medium_NVHN-090717-THU%20VIEN%20NGUYEN%20VAN%20THIEU1.jpg


ÐQAThái: Thưa anh, Thư Viện Việt Nam chào đời trong bối cảnh nào?
Nhà báo Du Miên: Năm 1999, anh em chúng tôi gồm 5 người là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Bác Sĩ Võ Trọng Di, nhà văn Trầm Lam Giang, nhà văn Nguyễn Ðức Lập và tôi thấy có một nhu cầu là các em trẻ muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt và muốn có một nơi để sinh hoạt. Anh em chúng tôi đa số đều sinh hoạt Hướng Ðạo, các em trẻ cũng trong Hướng Ðạo, các em nêu đề nghị đó; chúng tôi bàn luận với nhau rồi quyết định thành lập Thư Viện Việt Nam.

ÐQAThái: Sinh hoạt những ngày đầu tiên của Thư Viện Việt Nam ra sao?
Nhà báo Du Miên: Tháng Sáu năm 1999 chúng tôi bắt tay vào việc thành lập thư viện. Ba tháng sau thư viện mới chính thức hoạt động. Thoạt đầu, sách báo không có nhiều chỉ có mấy trăm quyển thôi. Nhưng không ngờ chỉ trong vòng ba tháng sau khi thư viện chính thức mở cửa, số lượng sách tăng vọt lên hơn 5 ngàn cuốn. Một chuyện buồn với anh em chúng tôi là thư viện ra đời được 4 tháng thì anh Trầm Tử Thiêng mất.
-ÐQAThái: Nguồn sách khởi đầu từ đâu mà thư viện có, thưa anh?
-Nhà báo Du Miên: Từ ngày thành lập đến bây giờ, tất cả sách báo và những gì hiện thư viện có, đều do đồng bào đóng góp. Anh em chúng tôi lúc nào cũng tâm niệm rằng, đây là “Thư viện của chúng ta.” Nghĩa là, thư viện này của đồng bào, chúng tôi mở cửa hàng ngày để đón tiếp đồng bào và để cho đồng bào chứ không phải thư viện của một nhóm nào.

ÐQAThái: Hiện nay, Thư Viện Việt Nam có tổng cộng bao nhiêu cuốn sách và thuộc những loại nào?
Nhà báo Du Miên: Về số lượng, chúng tôi có 55 đến 60 ngàn “đầu” sách, trong đó đa số là loại sách nghiên cứu sử. Nét đặc biệt của thư viện là sưu tầm và tồn giữ những sách mà vì hoàn cảnh đất nước, hoàn cảnh lịch sử bị mất đi hay bị tiêu hủy. Thư viện may mắn có nhiều cuốn sách xuất bản trước năm 1975 ở miền Mam và sau năm 1975 ở hải ngoại. Những cuốn sách liên quan đến chế độ hiện nay tại quê nhà chúng ta - dù là do bạn mình in ở Việt Nam - chúng tôi cũng không để trong thư viện vì thư viện này của đồng bào chúng ta tại hải ngoại.

ÐQAThái: Tiền điều hành thư viện từ đâu ra ạ?
Nhà báo Du Miên: Mỗi tháng, chi tiêu tổng công của thư viện là 2,450 Mỹ kim. Số tiền này do một số bạn bè và mạnh thường quân khoảng 40 người đóng góp; nếu thiếu thì anh em sáng lập viên đưa lưng ra gánh.

ÐQAThái: Ðồng bào đến thư viện Việt Nam đọc sách có phải đóng góp gì không?
Nhà báo Du Miên: Hoàn toàn miễn phí. Thậm chí chúng tôi có phòng hội 120 chỗ ngồi dành để các tổ chức, hội đoàn và anh em văn nghệ sĩ đến sinh hoạt hoàn toàn miễn phí. Chỉ có điều phòng hội không có máy lạnh nên mùa Hè nóng lắm thành ra ít người mượn để sinh hoạt.

ÐQAThái: Những người đến thư viện thuộc lứa tuổi nào, thưa anh?
Nhà báo Du Miên: Ðộc giả thường trực thuộc lớp lớn tuổi. Nhưng buổi chiều và nhất là Thứ Bẩy, các em trẻ thường đến tìm đọc những loại sách nói về lịch sử Việt Nam và nếu các em có điều gì không hiểu thì đã có một số anh chị lớn tuổi của thư viện hướng dẫn cho các em.

ÐQAThái: Mười năm qua của Thư Viện Việt Nam, những thành quả nào những người chủ trương hài lòng nhất?
Nhà báo Du Miên: Mười năm, anh em chúng tôi cố gắng xây dựng thư viện để đồng bào đến đọc sách. Bây giờ, dù những anh em chủ trương ban đầu có nằm xuống, thư viện vẫn tiếp tục sinh hoạt vì đã có lớp trẻ hơn kế thừa. Có ba công trình là tâm huyết của anh em trong 10 năm qua.
Công trình thứ nhất là Bộ Cổ Tích Việt Nam được xuất bản để phát hoàn toàn miễn phí cho tất cả các trung tâm Việt ngữ. Tiền in cuốn này do bạn hữu và các mạnh thường quân yểm trợ.
Công trình thứ hai là dịch được một cuốn sách mà từ 500 năm qua người Việt Nam mơ ước có để đọc chứ đừng nói là dịch ra tiếng Việt. Từ cụ Nhượng Tống đến Sử Quán Triều Nguyễn đều nghe nói đến cuốn sách đó chư chưa hề trông thấy. Ðó là cuốn Bách Việt Tiên Hiền Chí, nói về gốc gác Việt tộc. Tác giả cuốn sách là sử gia Âu Ðại Nhậm viết thời nhà Minh 500 năm trước.
Người Tầu công nhận giá trị lịch sử của cuốn sách và xếp vào Tứ Khố Toàn Thư. Chúng tôi may mắn có bản chính thức của cuốn sách và anh em trong ban tu thư của Thư Viện Việt Nam như anh Trần Lam Giang, anh Nguyễn Ðức Lập cùng các cụ rất giỏi chữ Nho đã dịch cuốn này và xuất bản năm 2006.
Công trình thứ ba là cuốn Việt Nam Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông và tôi là tác gỉả. Trong cuốn sách này, tôi đã chứng minh được ông Khổng Tử đã lấy ca dao tục ngữ Việt Nam để đưa vào Kinh Thi rồi dạy cho người Tàu về luân lý và đạo đức. Tôi còn chứng minh bằng Sử Ký Tư Mã Thiên, rằng ông tổ của nhà Chu có 3 con trai thì ông đã cho 2 người con trai lớn qua Việt Nam cắt tóc, xâm mình để học văn hóa Việt Nam rồi đem về Tàu dạy cho dân Tàu.

ÐQAThái: Những dự án tương lai của Thư Viện Việt Nam là gì ạ?
Nhà báo Du Miên: Nhằm giúp lớp trẻ Việt Nam lớn lên trên đất Mỹ không giỏi tiếng mẹ đẻ hiểu được văn hóa Việt Nam, hiện nay chúng tôi đang tiếp tục việc dịch Bộ Cổ Tích Việt Nam và cuốn Bách Việt Tiên Hiền Chí sang Anh ngữ. Riêng cuốn Việt Nam Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông, chúng tôi cần hơn hết dịch sang Anh ngữ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện đang bị người Tàu ăn hiếp trong khi chế độ Hà Nội khiếp nhược trước Bắc phương. Dịch cuốn này sang tiếng Anh để lớp trẻ biết rằng văn hóa, sức mạnh của mình cao hơn người Tàu và không có gì khiến chúng ta phải sợ người Tàu; đồng thời cho Tây phương biết văn hóa Ðông phương phát xuất từ Việt Nam chứ không phải từ Trung Hoa như xưa nay người ta lầm tưởng.

ÐQAThái: Câu chót xin hỏi anh, muốn tìm hiểu thêm về Thư Viện Việt Nam, độc giả có thể tìm ở đâu?
Nhà báo Du Miên: Webside của Thư Viện Việt Nam là: www.vnlibraryonline.com , kính mời đồng hương vào xem.
ÐQAThái: Cám ơn nhà báo Du Miên đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

Nhân dịp Thư Viện/Bảo Tàng Viện Việt Nam mừng sinh nhật lần thứ 11, 200 khách quý đến tham dự tiệc mừng sinh nhật sẽ được tặng một bộ CD sách “Gia Ðịnh Thành Thông Chí” của Thượng Thư Trịnh Hoài Ðức. Những người khác muốn nhận bộ sách cũng có thể liên lạc với Thư Viện Việt Nam để biết thêm chi tiết. Ðịa chỉ của Thư Viện là: 10872 Westminster, Westminster, CA # 214-215, Garden Grove, CA 92843; số điện thoại: (714) 638-8448; hoặc vào trang web: www.vnlibraryonline.com .



No comments: