Friday, June 26, 2009

CON KIẾN MÀ KIỆN CỦ KHOAI

Ở Ba Lan: Công dân thắng kiện nhà nước;
ở Việt Nam: Con kiến mà kiện củ khoai
Lê Diễn Đức
26/06/2009 7:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=6640
Năm nay nhà nước Ba Lan lại tiếp tục thua các vụ kiện của công dân mình trước Toà án Nhân quyền châu Âu.
Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza và các cơ quan truyền thông khác trong ngày 23/06/2009 đều đưa tin về phán quyết của Toà án Nhân quyền châu Âu.

Vụ thứ nhất. Một công dân thành phố Gdansk bị tạm giam về tội lừa gạt. Lần hỏi cung đương sự đầu tiên được thực hiện cách đây 13 năm! Mấy ông bên chấp pháp hình như… quên luôn anh ta. Chịu không nổi, anh ta đâm đơn kiện.
Các vị thẩm phán của Toà án Nhân quyền châu Âu không một chút nghi vấn nào, ghi nhận Ba Lan vi phạm Công ước Nhân quyền châu Âu, trong đó bảo đảm cho người có tội thời hạn xét xử ngắn nhất.
Theo phán quyết của Toà, nhà nước Ba Lan phải trả cho đương sự hai lần tiền, hơn 11 ngàn euro cho việc vi phạm và trả thêm hơn 10 ngàn euro nữa trong khuôn khổ bồi thường thương tổn cho phạm nhân.

Vụ thứ hai. Một công dân vùng Woikowic bị tạm giam vì tội giết người. Anh ta đã ngồi tù ba năm mà chưa có án. Cũng với phán quyết tương tự, Toà án buộc nhà nước Ba Lan bồi thường tổn thất cho đương sự một ngàn euro.
Thú vị hơn là trường hợp hôm 24 tháng 2/2009. Trên tờ báo địa phương ở Kolbuda Kolbudzki ABC , thuộc tỉnh Gdansk, nhà báo Jacek Dulgolecki viết bài chỉ trích cách làm ăn thiếu hiệu quả kinh tế của một quan chức vùng đó. Bài báo đặt nghi vấn về scandal trong hợp đồng khai thác nguồn nước ở Pregow. Viên quan chức nọ đâm đơn kiện với tội danh thoá mạ. Toà án tỉnh đã phán quyết theo điều 216 bộ Luật Hình sự về tội mạ lỵ người khác, buộc nhà báo phải trả một số tiền vào lợi ích công cộng và án phí.
Jacek Dlugolecki đã kiện lên Toà án Nhân quyền châu Âu với lý do toà án Ba Lan vi phạm điều 10 của Công ước Nhân quyền châu Âu.
Toà án Nhân quyền châu Âu cho rằng, với nghề làm báo, việc chỉ trích các nhân vật xã hội cần phải được bao dung. Ngoài ra, không được hạn chế quyền tự do ngôn luận. Những chỉ trích của nhà báo hoàn toàn nằm trong giới hạn có thể chấp nhận. Chánh án Nicolas Bratza còn nhấn mạnh rằng, các nhà báo không thể bị trừng phạt bằng bất kỳ hình thức nào khi họ phê phán các nhân vật hoạt động chính trị, xã hội.
Nhà nước Ba Lan phải trả tiền bồi thường danh dự cho nhà báo Jacek Dlugolecki ba ngàn euro. Sau khi nhận được tin, nhà báo Dlugolecki nói rằng, “quan trọng không phải là tiền bạc mà là một thắng lợi, một thông điệp cho các nhà báo”.
Đọc xong tin này chắc nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị đi tù trong vụ PMU 18 sẽ khóc thầm?

Xin nói sơ qua về Toà án Nhân quyền châu Âu và đôi lời liên hệ với Việt Nam.

Toà án Nhân quyền châu Âu ETPC (Tiếng Anh: European Court of Human Rights - Tiếng Pháp: Cour Européenne des Droits de l’Homme) - có trụ sở tại Strasbourg thành lập năm 1998 trên cơ sở Công ước Nhân quyền châu Âu, là định chế tư pháp quốc tế kiểm soát sự tôn trọng nhân quyền.
Thẩm phán của ETPC là những luật gia chuyên về bảo vệ nhân quyền tại châu Âu và được Liên Quốc hội của Hội đồng châu Âu chọn với nhiệm kỳ 6 năm và có thể được bầu tiếp.
Liên Quốc hội của Hội đồng châu Âu có 47 thành viên, nên toà án có 47 vị thẩm phán từ mỗi nước. Trong thời gian giữ chức thẩm phán của ETPC, các vị này làm việc toàn phần thời gian, không được có hoạt động gì khác bên ngoài, không được tư vấn, cố vấn cho bên nguyên đơn hay bị đơn - nhằm bảo đảm tính khách quan đối với các phán quyết. Sau khi được bầu chọn, thẩm phán không làm việc với tư cách đại diện cho quốc gia của mình và không được nhận các chỉ thị, hướng dẫn từ phía quốc gia mình. Chính vì thành phần và trách nhiệm của thẩm phán như vậy mà phán quyết của Toà án Nhân quyền có hiệu lực ngay và không được khiếu nại.

47 thành viên Liên Quốc hội châu Âu của Hội đồng châu Âu với số ghế đại diện như sau:
Albania (4), Andora (2), Armenia (4), Austria (6), Azerbaijan (6), Belgium (7), Bosnia & Herzegovina (5), Bulgaria (6), Croatia (5), Cyprus (3), Motenegro (3), CH Czech (7), Denmark (5), Estonia (3), LB Nga (18), Finland (5), France (18), Greece (7), Geogia (5), Spain (12), Netherlands (7), Ireland (4), Iceland (3), Macedonia (3), Liechtenstein (2), Lithuania (4), Luksemburg (3), Latvia (3), Malta (3), Moldova (5), Monaco (2), Đức (18), Norway (5), Poland (12), Portugal (7), Romania (10), San Marino (2), Serbia (7), Slovakia (5), Slovenia (3), Switzerland (6), Sweden (6), Turkey (12), Ukraine (12), Hungary (7), Italy (18), United Kingdom & Noth Ireland (18).

Ở Ba Lan, công dân muốn nộp đơn kiện lên Toà án Nhân quyền chỉ cần vào mạng, ví dụ trang web
http://witryna.fucio.pl/panas/skarga.htm theo chỉ dẫn để điền vào mẫu đơn với 22 mục. Đương sự hoặc tự bào chữa, hoặc thuê luật sư, trong trường hợp không có tiền, có thể đề nghị các tổ chức xã hội, phi chính phủ giúp đỡ. Đa số người Ba Lan tận dụng trường hợp thứ hai để kiện nhà nước Ba Lan.

CHXHCN Việt Nam vào ngày 24/09/1982 đã rất long trọng ký kết Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, cũng như Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, trong đó có hai điều sau:
- “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ” - Điều 19.2, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
- “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp, và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào và không có biên giới“ - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.
Cả hai điều trên trích từ cuốn “Các văn kiện quốc tế về quyền con người“, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, NXB TP HCM, 1/1997, trang 25 và 117.
Chỉ cần đọc xong hai điều vừa dẫn, chẳng cần phải suy nghĩ, ta thấy CHXHCN Việt Nam thường xuyên nhổ ra rồi lại liếm vào!

Các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, những người am tường luập pháp, mà cũng đành bất lực trước luật rừng, luật maphia của tập đoàn cộng sản Ba Đình.
Không có điều gì tốt đẹp trong các văn bản công pháp quốc tế mà CHXHCN Việt Nam không đưa vào hiến pháp, vào các bộ luật, nhưng luôn luôn thòng thêm cái đuôi to tổ bố: “trong khuôn khổ pháp luật“. Ví dụ, tự do biểu tình, tự do cư trú, tự do đi lại, vân vân… “trong khuôn khổ pháp luật”. Nhưng pháp luật ở đây được hiểu như thế nào? - Là Đảng, là nằm trong tay mấy ông Chúa Đảng ở Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ba Lan từ khi bỏ chế độ cộng sản, thiết lập thể chế dân chủ, bị công dân của mình kiện tới lui và bị thua hoài.
Với 20 năm dân chủ non trẻ, vẫn còn khối thứ phải hoàn thiện, song song với việc các tổ chức xã hội, nhân quyền luôn khuyến khích và hỗ trợ công dân phê phán sự tắc trách của nhà nước, Ba Lan được liệt vào hàng đầu trong các nước thuộc Liên hiệp châu Âu bị công dân thưa kiện, nhiều nhất trong lĩnh vực tư pháp và quyền tự do ngôn luận.
Người Việt trong nước nghe những câu chuyện bên Ba Lan chắc hẳn tưởng bịa đặt hoặc là những chuyện cổ tích.
Cũng dễ hiểu thôi!

©
http://ledienduc.wordpress.com
© talawas blog

Nguồn: Nhật báo Ba Lan Wyborcza ngày 24/02/2009 và 23/06/2009.

No comments: