Friday, June 26, 2009

SÔNG MEKONG KÊU CỨU

Sông Mekong đang kêu cứu
Thanh Quang, phóng viên RFA
2009-06-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Upstream-dams-on-the-mekong-river-remain-serious-threat-to-lowest-mainstream-vietnam-06262009125249.html
Trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên tiếp tục báo động về hậu quả vô lường do sự xuất hiện ngày càng nhiều của các đập nước trên dòng sông Mekong, nhất là ở vùng thượng nguồn.
Việc TQ xây đập nước bừa bãi trên vùng thượng nguồn sông Mekong luôn là nỗi ám ảnh của khu vực hạ nguồn, nhất là VN.

ĐBSCL trong cơn hấp hối
Nhiều chuyên gia quy trách một loạt hệ thống 8 đập nước ở khu vực thượng lưu trên lãnh thổ Hoa Lục, từ các đập Mạn Loan, Đại Triều Sơn tới Cảnh Hồng, và sắp sửa có đập Noạ Trát Độ, đặc biệt là đập nước Tiểu Loan cao nhất thế giới – gần 300 mét – độc chiếm dòng sông Mekong, khiến đe doạ tới lượng nước, nguồn thuỷ sản, hệ sinh thái, môi sinh và cả hoa màu tại vùng hạ nguồn Mekong, nhất là Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Theo nhận xét của Thạc sĩ Ngô Xuân Quảng thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới trụ sở tại Saigòn, thì vùng ĐBSCL đang hứng chịu toàn bộ tác động của các đập nước xây tràn lan ở vùng thượng nguồn.
Báo Tuổi Trẻ online trích dẫn lời Thạc sĩ Ngô Xuân Quảng giải thích rằng “vùng đồng bằng phía Nam của VN mất đi sự trù phú vì không còn phù sa từ dòng chảy Mekong mang về mỗi mùa lũ, và đất đai cho việc trồng trọt bị ảnh hưởng nặng hơn, do phèn tiềm tàng không được rửa trôi”.
Vẫn theo Thạc sĩ Ngô Xuân Quảng thì tình hình này, cộng thêm mực nước biển dâng cao hơn vì sự biến đổi khí hậu, khiến tình trạng nhập mặn vào sâu trong đất liền diễn ra đáng ngại tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, làm thiệt hại hàng trăm ha lúa như đã từng xảy ra tại Gò Công, Tiền Giang, Bến Tre... – tình hình mà hồi tháng rồi, TS Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Viện Biến đổi Khí hậu cho biết đang tác động đáng kễ đến dòng chảy, làm trầm trọng thêm nạn hạn hán, nhập mặn tại vùng ĐBSCL.

Khai thác đến tận cùng

Thạc sĩ Ngô Xuân Quảng lưu ý thêm rằng không chỉ TQ, việc các nước thuộc vùng thượng lưu Mekong, gồm Thái Lan, Lào, Campuchia có kế hoạch xây 11 đập nước thuỷ điện quy mô sẽ góp làm trầm trọng vấn đề, nhất là sinh kế của của cư dân vùng ĐBSCL liên quan hoạt động sản xuất lương thực, phát triển thuỷ sản.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên-Môi trường TP Cần Thơ mới đây cũng đề cập tới nhiều tác hại do những đập thượng nguồn mang lại cho khu vực hạ lưu, nhất là vùng ĐBSCL. Lên tiếng với phóng viên đài ACTD, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh cho biết:
TS Kỷ Quang Vinh: “ Hiện nay trên những dòng sông, nếu có những đập ngăn nước như vậy, thì rõ ràng dòng nước chảy xuống phía dưới có những biến động rất lớn. Thí dụ nó làm thay đổi về mặt sinh thái, thay đổi về mặt chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến các nước ở vùng hạ nguồn rất nhiều.
Đó là chưa kể về số lượng nước, khi người ta lợi dụng những công trình đập thủy điện để người ta dẫn nước sang nơi khác, khiến gây thiếu nước cho khu vực hạ lưu”.

Theo Tân Hoa xã thì Bắc Kinh dự trù chi khỏang 3 tỷ đô-la để thực hiện kế họach chuyển dòng chảy từ các sông lớn ở miền Nam lên miền Bắc của Hoa Lục đang thiếu nước thường xuyên, góp phần đe dọa thêm nữa những nước hạ nguồn Mekong.

Những hậu quả vô lường
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh lưu ý thêm rằng những công trình thủy điện trên dòng Mekong khiến các nguồn thủy sinh, rong tảo, vi sinh vật vốn có khả năng điều hòa, cân bằng sinh thái sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Và tầm tác hại của những đập nước thượng nguồn ấy có thể dẫn tới việc xóa sổ cả đặc trưng vùng ĐBSCL - là mùa nước lũ.

Các chuyên gia vùng ĐBSCL lên tiếng sau khi LHQ, cách nay không lâu, công bố một bản phúc trình lưu ý rằng kế hoạch đầy tham vọng của TQ cho xây một loạt 8 đập nước trên dòng Mêkong có thể tạo nên mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với con sông dài 4.800 km này chảy qua 6 nước, trong đó, VN nằm ở vị trí cuối nguồn.
Những cuộc nghiên cứu mới đây của Ủy ban sông Mekông cũng đề cập tới hậu quả đáng ngại liên quan nguồn thủy sản do các đập nước gây ra, kể cả việc gây trở ngại cho sự di chuyển của cá, tôm và làm thóai hóa nơi cư trú của các giống lòai thủy sinh.

Tổ chức Bảo Vệ Các Dòng Sông Quốc Tế cũng báo động qua website rằng việc xây các đập thuỷ điện chẳn khác nào là một hình thức “bức tử” đối với ngành ngư nghiệp phong phú cùng sinh kế của hàng triệu ngư dân bên dòng Mekong.

Hôm thứ Năm, Liên Minh Cứu Vãn Sông Mekong, bao gồm nhiều tổ chức phi chính phủ cùng mọi thành phần xã hội từ giới học giả cho tới thường dân thuộc trong và ngoài các nước có dòng Mekong chảy qua đã thúc giục các chính phủ liên hệ hãy tạo điều kiện cho dòng Mekong tự do lưu chảy để có thể phục hồi nguồn thuỷ sản phong phú cùng sinh kế và nguồn thu nhập của các thế hệ hiện tại và mai sau vốn sống lệ thuộc vào dòng sông Mekong.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: