Monday, June 29, 2009

CÁC NHÀ LY KHAI CHỈ TRÍCH VỤ BẮT GIỮ LS LÊ CÔNG ĐỊNH

Các nhà tranh đấu dân chủ VN chỉ trích vụ bắt giữ LS Lê Công Ðịnh
VOA - 29/06/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-06-29-voa7.cfm
Hôm thứ Hai, ngày 22 tháng 6 vừa qua, Liên hiệp Âu Châu đã cùng với chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do ngay cho luật sư Lê Công Định, một luật sư nhân quyền nổi tiếng đã bị bắt hôm 13 tháng 6 dựa theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Hầu hết các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam cũng chỉ trích hành động trấn áp của chính quyền Cộng Sản ở Hà Nội. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động đã bày tỏ những quan điểm khác nhau về vấn đề hủy bỏ hoặc sửa đổi Điều 88 – một điều khoản nhiều người vẫn gọi là 'cái còng số 8' mà nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng để hạn chế các quyền tự do cơ bản của người dân. Mời quí thính giả nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Thưa quí vị, việc nhà chức trách Việt Nam bắt giữ luật sư nhân quyền Lê Công Định hồi trung tuần tháng này đã làm bùng ra những vụ xích mích ngoại giao giữa Hà Nội với Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu Châu – là những đối tác quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực hiện đại hóa và hội nhập với thế giới.

Hôm 23 tháng 6 vừa qua, phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng đả kích Liên hiệp Âu Châu về điều mà ông gọi là 'can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam', một ngày sau khi những người đứng đầu các phái bộ của các nước thuộc Liên hiệp Âu Châu tại Hà Nội yêu cầu Việt Nam 'nhanh chóng trả tự do cho ông Lê Công Định và tất cả những người đấu tranh bất bạo động đang bị giam cầm'. Vài ngày trước đó, đại diện của Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an Việt Nam cũng đã gặp gỡ đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để 'chính thức yêu cầu Mỹ không can thiệp vào nội bộ Việt Nam', sau khi Bộ ngoại giao ở Washington đưa ra thông cáo ngày 15 tháng 6 để chỉ trích việc bắt giữ luật sư Định và yêu cầu trả tự do cho ông. Thứ Năm vừa qua, ông Lê Dũng cũng đã chính thức tố cáo rằng thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhân vật tranh đấu cho dân chủ kỳ cựu của Việt Nam, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động của Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu Châu. Từ Chợ Lớn, nơi ông đang bị giam lỏng, Bác sĩ Quế đã phát biểu như sau.
Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế: "Sự lên tiếng của Hoa Kỳ và của Liên hiệp Âu Châu là rất chính đáng và chúng tôi ủng hộ, hoàn toàn ủng hộ những lời lên tiếng đòi hỏi phải thả ngay và vô điều kiện luật sư Lê Công Định. Theo tôi, nhân quyền là quyền của một con người, không có biên giới. Vì Hà Nội đã hình sự hóa nhân quyền - như quyền phát biểu, quyền nhận thông tin, nên từ đó họ mới nói là 'theo luật Việt Nam là vi phạm luật Việt Nam'. Nhưng họ phải nhớ rằng những luật lệ mà họ đưa ra thì nó ngược lại với chính bản hiến pháp của Việt Nam và rõ ràng nó còn ngược lại với luật lệ quốc tế hay những công ước mà Việt Nam đã ký. Vì vậy chúng ta thấy rằng bất cứ cá nhân nào ở bất cứ nơi nào cũng được quyền phát biểu, được quyền ủng hộ những cá nhân đã can đảm đứng lên đòi hỏi nhân quyền cho dân tộc mình."

Về vấn đề liên quan tới Điều 88 Bộ Luật Hình sự mà giới hữu trách Việt Nam đã dùng để bắt giữ và truy tố luật sư Lê Công Định, vị bác sĩ từng bị giam cầm trong nhiều năm vì đã xướng xuất phong trào dân chủ có tên là Cao trào Nhân bản này cho biết ý kiến như sau
Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế: "Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam là một công cụ cực kỳ lợi hại mà Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản sử dụng để bảo vệ độc tài. Điều 88 này cũng là một trở ngại hàng đầu ngăn cản người dân Việt Nam đòi hỏi nhân quyền và dân chủ cho dân tộc mình. Bộ Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam thông qua quốc hội gồm toàn đảng viên của mình đã hình sự hóa quyền tự do phát biểu. Và trên thực tế cái điều 88 nó cố tình không nói rõ đâu là giới hạn giữa ý kiến xây dựng với cái mà Bộ Chính trị cho là chống lại họ. Để xác quyết giới hạn chống hay là không – có chống hay không có chống nhà cầm quyền, thì nhà cầm quyền dùng cái tiểu xảo lắc léo là xin giám định bằng cách hỏi ý kiến của Sở Thông tin Văn hóa. Mà Sở Thông tin Văn hóa lại là cái cơ quan cấp dưới của chính phủ. Nghĩa là chính phủ Việt Nam đã dùng giấy nọ làm chứng cho giấy kia để lừa bịp dư luận quần chúng và lừa bịp dư luận thế giới."

Một trong những nạn nhân của Điều 88 là Mục sư Thân Văn Trường ở Bình Dương, người đã bị bắt năm 2003 sau khi vận động cho tự do tôn giáo và gởi Kinh Thánh biếu cho các ông Nông Đức Mạnh và Lê Khả Phiêu. Mục sư Trường tán đồng đòi hỏi là phải thay đổi Điều 88 – một điều khoản nhiều người vẫn gọi là 'cái còng số 8' mà nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng để hạn chế các quyền tự do cơ bản của người dân.

Mục sư Thân Văn Trường: "Tôi hết sức tán thành với điều đó - là Điều 88 phải được thay đổi. Và trong tương lai tôi nghĩ rằng khi nào mà Đảng Cộng Sản Việt Nam không còn độc quyền cai trị như hiện nay thì Điều 88 mới được thay đổi. Bởi vì nó từ Điều 4 của Hiến pháp, và hệ thống hiến pháp của Việt Nam là căn cứ trên xã hội chủ nghĩa – là một điều cần phải thay đổi. Cái Điều 4 Hiến pháp phải thay đổi mới thay đổi được Điều 88 của Bộ Luật Hình sự. Cho nên tôi hy vọng trong tương lai quyền độc đảng như sự cai trị của Cộng Sản hiện nay phải thay đổi thì mới có tiến triển, mới thay đổi được Bộ Luật Hình sự. Cho nên trong bài viết của tôi về vụ án luật sư Định tôi đã có nói: thật sự là những người tiến hành tố tụng ở Việt Nam họ không thể nhận biết rằng điều mà họ bắt những người dựa vào điều luật đó là sai trái, bởi vì họ bị chi phối bởi học thuyết Mác-Lê Nin – là một học thuyết dối trá, một học thuyết mà người ta lấy cái lý tưởng, mới chỉ là lý tưởng mà người ta cho là thực tế. Và trên cơ sở đó không thể nào có thể cải thiện được tình trạng nhân quyền ở Việt Nam."

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt là một nhân vật tranh đấu cho dân chủ đang sống lưu vong ở Mỹ và được giới hữu trách Hà Nội gọi là 'đối tượng phản động ở nước ngoài'. Tuy tán đồng đòi hỏi sửa đổi hiến pháp, nhưng giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng việc tu chỉnh các luật lệ hiện nay cũng là một điều quan trọng.
Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt: "Trên căn bản thì một cái hiến pháp như hiện nay thì tất cả những cái sửa đổi về luật nó vẫn nằm trong khuôn khổ của một chế độ độc tài đảng trị, trong khi chúng ta muốn thay đổi để nó trở thành một chế độ dân chủ pháp trị. Do đó tất nhiên điều căn bản là bản hiến pháp phải được sửa đổi hoặc là hủy bỏ để có một bản hiến pháp mới. Tuy nhiên, tiến trình đi tới chế độ đó nó trải qua rất nhiều giai đoạn; trong đó giai đoạn hiện nay có lẽ là giai đoạn sửa đổi luật pháp tu chỉnh luật pháp là một điều rất quan trọng trong tình hình Việt Nam hội nhập với thế giới. Trong tiến trình đi tới dân chủ pháp trị đòi hỏi có những thay đổi căn bản về pháp luật, ngoài việc thay đổi hiến pháp hay trước khi có hiến pháp mới. Ít nhất thì những đạo luật này nó cũng không đi ngược với tập tục và công pháp quốc tế, nhất là những điều mà Việt Nam đã cam kết thực hiện là tôn trọng nhân quyền, thí dụ như quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến. Trong nước bây giờ gọi là phản biện nhưng chỉ phản biện trong khuôn khổ của chế độ và nhà nước hiện nay. Điều này không phải là tự do ngôn luận hay tự do tư tưởng mà quốc tế và Bản Tuyên ngôn Quốc tế công nhận. Vì vậy tôi nghĩ rằng điều 88 Bộ Luật Hình sự cần phải hoàn toàn hủy bỏ."

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cũng cho rằng chính quyền Việt Nam chẳng những cần phải hủy bỏ Điều 88 mà cả Chương 11 của Bộ Luật Hình sự liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia cũng cần được sửa đổi vì nhiều điều trong chương này khép tội những hoạt động chính trị, chứ không phải những tội phạm hình sự thông thường.

Trong khi đó, Tiến Sĩ Vũ Tường - một chuyên gia chính trị Á Châu của Đại học Oregon, cho biết ông không đặt nhiều kỳ vọng vào đòi hỏi thay đổi hiến pháp.
Tiến sĩ Vũ Tường: "Những thay đổi về hiến pháp tôi nghĩ là nó cũng có tác động hạn chế thôi. Vì hiến pháp là một chuyện nhưng họ có những luật lệ bên dưới hiến pháp để hạn chế các quyền mà hiến pháp qui định rõ ràng. Tôi không trông mong nhiều vào đề nghị thay đổi hiến pháp, mà tôi nghĩ phải có thay đổi trên cơ bản về quan hệ giữa chính quyền với người dân. Hiến pháp chỉ là một trong các thể chế cần phải thay đổi để có được một chế độ dân chủ."

Giáo sư Vũ Tường cho biết rằng Singapore và Malaysia tuy không có những qui định như Điều 4 của Hiến pháp hay Điều 88 Bộ Luật Hình sự ở Việt Nam, nhưng hai lân bang của Việt Nam này vẫn có thể trấn áp những người bất đồng chính kiến thông qua những vụ kiện dân sự hoặc áp dụng Luật Nội an, là một luật lệ có từ thời thực dân Anh và cho phép nhà cầm quyền bắt người mà không cần đưa ra xét xử hoặc giam cầm vô thời hạn những người bị xem là đe dọa tới an ninh quốc gia.

No comments: