Thursday, June 25, 2009

CÙ HUY HÀ VŨ KHÔNG PHẢI LÀ LUẬT SƯ ?

Luật sư Cù Huy Hà Vũ không phải là… luật sư?
talawas blog
25/06/2009 3:57 chiều
http://www.talawas.org/?p=6637

Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội ra
thông báo trên trang nhà ngày 10/6/2009 về việc ông Cù Huy Hà Vũ không phải là luật sư.
Bài phỏng vấn ngày 26/1/2007 của ông Cù Huy Hà Vũ trên báo Công an Nhân dân cho biết ông có bằng tiến sĩ luật của Đại học Sorbonne.

ANH CÙ HUY HÀ VŨ KHÔNG PHẢI LÀ LUẬT SƯ
http://luatsuhanoi.vn/index.php?page=productView&viewParent=289&id=1154

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------o0o------
Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2009

THÔNG BÁO

Gần đây có một số người gọi điện về Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hỏi, anh Cù Huy Hà Vũ có phải là luật sư hay không?
Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trả lời như sau:
Anh Cù Huy Hà Vũ không phải là luật sư.
Sở dĩ có một số người coi anh Cù Huy Hà Vũ là luật sư vì có một Văn phòng lấy tên là “Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ” nên một số người nhầm tưởng anh là luật sư.
Đoàn luật sư thành phố Hà Nội thông báo để mọi người biết.

TUQ. CHỦ NHIỆM
Chánh văn phòng
(Đã ký)
Luật sư Vũ Văn Thắng


Công An Nhân Dân
Hoạ sĩ, luật gia Cù Huy Hà Vũ, một năm ba lần khuấy động công luận

10:30, 26/01/2007
http://vnca.cand.com.vn/vi-VN/doisongvanhoa/2007/1/51697.cand?Page=1


LS Cù Huy Hà Vũ, từ luật pháp đến công chúng
Trần Khải Thanh Thủy
Tuesday, June 23, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96919&z=2

Người của luật pháp


Hà Nội những ngày tháng sáu nắng nóng khủng khiếp, chưa bao giờ bầu không khí trở nên hầm hập như hôm nay. Nhiệt độ thường xuyên từ 42 đến 45 độ C.
Giữa bầu không khí tưởng thiêu đốt ấy thì có đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của luật sư Cù Huy Hà Vũ, con trai cả của nhà thơ- bộ trưởng bộ Văn hóa đầu tiên của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Cù Huy Cận, người nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám với tác phẩm “Vũ Trụ Ca”.
Ngồi với anh tại văn phòng luật sư, giữa trung tâmthành phố, tôi hỏi:
- Tên Hà Vũ của anh có nguồn gốc từ đâu vậy? Ngoài họ Cù và đệm Huy là của bác Cận cho còn đệm Hà có phải tên vợ anh - luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, người bào chữa cho tướng Quắc trong phiên tòa xử cùng hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Phạm Văn Hải hay không?
Mỉm cười ý nhị, anh bảo:
- Chữ Hà là Hà Tĩnh, quê hương tôi nơi được coi là 'địa linh nhân kiệt' nổi tiếng về thiên nhiên khắc nghiệt cũng như văn chương, khoa bảng và anh hùng ...Còn Hà Nội là nơi tôi sinh ra, sau này mới trở thành tên vợ. Riêng tên Vũ là do bố tôi yêu mến tác phẩm 'Vũ Trụ Ca' của mình mà lấy tên tác phẩm đặt cho con. Ý bố tôi muốn lớn lên tôi sẽ bay vào vũ trụ
- Thảo nào anh dám kiện cả đương kim Thủ tướng - một việc hi hữu mà trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam từ trước đến nay chưa từng xảy ra - tôi thành thật bày tỏ.
- Có gì đâu, anh khẳng định: - Luật pháp sinh ra để thực thi nhiệm vụ của mình. Là thủ tướng hay dân thường cũng phải bình đẳng trước pháp luật chứ. Đâu phải chỉ dân thường mới phải chịu hình phạt của pháp luật, còn quan chức nhà nước, nguyên thủ quốc gia thì được ngồi xổm trên luật do chính mình đề ra?
- Vâng, tôi bộc bạch: - Dư âm vụ khởi kiện của anh lớn lắm, bầu không khí cứ nóng lên từng ngày. Đi đâu, ở đâu và bao giờ người ta cũng nhắc đến tên anh cùng vụ kiện hi hữu này. Anh bây giờ là người của công chúng rồi. Trước anh là người của luật pháp, lọt ở trí dân, thì bây giờ anh là người của công chúng, lọt ở lòng dân, mọi người phấn khởi ghê lắm. Giới nhà văn chúng tôi cho rằng đây chính là một sự vùng lên của trí tuệ Việt Nam, còn giới luật sư bấy lâu nay, người bị giam cầm, người bị vô hiệu hóa thì hồ hởi phát biểu anh đã 'rửa mặt' cho họ, lấy lại vị thế của luật pháp cũng như chỗ đứng của họ trong thể chế nhà nước xã hội chủ nghĩanày, giúp họ tin tưởng vào ngành nghề họ lựa chọn và ngẩng cao đầu trước công luận.
-Tôi chỉ là người sắp xếp lại các câu chữ trong Bộ Luật Hình Sự Việt Nam thành những ô vuông thành sắc cạnh rồi áp dụng vào cuộc sống mà thôi, có gì mới mẻ đâu.

Bề ngoài Cù Huy Hà Vũ thật sự khác với những tấm ảnh nhiều người đã chụp. Anh giống bên ngoại, mẹ anh, bà Ngô Xuân Như và bác ruột Ngô Xuân Diệu nên có thể nói anh trắng trẻo, thư sinh, linh động hơn rất nhiều so với những bức ảnh.
Từng tốt nghiệp đại học Sorbonne Pháp, là tiến sĩ luật học, còn là thạc sĩ văn chương, ngoài ra anh còn là một nhà hội họa giỏi. Nét vẽ của anh về chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp hay chị Dung Hà - vợ anh - thật vô cùng sống động, chỉ bằng vài nét phác họa đã lộ ra cái thần của nhân vật. Nói bằng ngôn ngữ ông bà truyền lại thì anh đúng là một thứ 'của hiếm trời cho', đẹp về cả hình thể, lẫn tâm hồn , thể chất.
Ở tuổi 53 (sinh năm 1957), anh vẫn tràn trề nhiệt huyết với dân với nước, tuy cơ chế và luật pháp xã hội chủ nghĩa còn đầy lỗi thời, định kiến, khiến anh nhiều phen ngã ngựa, muốn bay không nhấc nổi mình mà bay, song không vì thế mà anh thành một thứ 'Từ Hải chết trong vây' quy phục mọi phép tắc của triều đình cộng sản.
Năm 2006 nghe tin đồi Vọng Cảnh tại tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi có đàn âm hồn của vua Thành Thái lập ra để siêu tụ các binh lính chết trận - một di sản Quốc gia cũng là di sản thế giới bị chính quyền địa phương 'mổ thịt”, xây khách sạn, làm du lịch rồi bỏ tiền túi chia nhau, anh đã làm đơn khởi kiện cả Ủy ban nhân dân tỉnh từ đích danh chủ tịch đến cán bộ phòng văn hóa thông tin...Vì tội cố tình biến tài sản vô giá, phi vật thể của nước nhà, của UNESCO thành tài sản kếch sù vào túi cá nhân.
Tin vào việc làm của mình, anh kiên trì theo đuổi vụ kiện tới cùng. Kết quả các củ khoai không những không dám đè bẹp chú kiến càng là anh hoặc sai người bẻ chân, răng, cổ của kiến mà lẳng lặng bãi bỏ quyết định tham tàn, ngu xuẩn, phi lịch sử, phi văn hóa, phi luật pháp của mình, đồi Vọng Cảnh được giữ lại vị trí yên bình từ nghìn năm. Các linh hồn của hàng vạn binh lính tại đàn âm hồn vĩnh viễn được yên nghỉ ngàn thu.

Hỏi anh lý do sao không vào Đảng để thành 'ông nọ bà kia', làm một quan chức uy quyền như cách làm của các vị 5C, 5D* khác? Anh cười hiền lành , bày tỏ:
- Thực tế thập kỷ 80 tôi cũng có ý thức vào Đảng làm một Đảng viên tốt như thế hệ cha chú - những người cộng sản đầu tiên đầy ý tưởng, hoài bão, ước mơ trong một nền độc lập tự do dân chủ giàu mạnh ở Việt Nam... Đến năm 1983, các ý kiến đóng góp cho tôi đã dán đầy các phòng ban của bộ Ngoại giao, việc kết nạp chỉ còn trong tầm tay, tôi hồ hởi đón nhận ngày mình trở thành Đảng viên Đảng cộng sản, không ngờ một biến cố bất ngờ xảy ra: người lãnh đạo chi bộ hỏi:
- Xin đồng chí cho biết vai trò và vị trí của đảng cộng sản Việt Nam.
Tôi hồn nhiên trả lời:
- Đảng cộng sản Việt Nam là một trong số các chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam.
- Không đúng, bí thư sửa lại: - Là một chính đảng duy nhất lãnh đạo toàn dân.
Bực mình trước sự hiểu biết nông cạn của người được coi là bí thư, đứng đầu cấp đảng tại cơ quan, tôi vặc lại:
- Thế thì anh chẳng biết gì về đảng cộng sản Việt Nam cả. Đảng cộng sản có rất nhiều tên khác nhau. Ngay đảng Lao Động cũng là một trong số những đảng trước đây của Việt Nam nằm trong khối cộng sản.
Không hài lòng với câu trả lời 'hỗn xược' của tôi, bí thư hỏi:
-Anh có biết Lê Nin ở đảng nào không?
-Tất nhiên tôi đáp: -Trước khi Lê Nin thành lập ra đảng Bôn Sê Vic, thì đảng đó đã có tên là đảng công nhân xã hội dân chủ rồi.

Bị loại khỏi cuộc chơi, nhưng không vì thế anh lấy làm buồn. Thay vì bày tỏ sự thất vọng chán ngán, anh khẳng định: 'Nếu theo những tiêu chí đảng cộng sản đưa ra: 'Lo cho dân cho nước, đem lại lợi ích cho dân tộc, thì cá nhân tôi cũng không thua kém đảng về mặt này.
Sau đó nhiều người khuyên anh, phải biết lựa thời lựa thế, qua sông phải luỵ đò, anh bình thản đáp:
- Nếu vào đảng để được đi nước ngoài nhiều hơn, thêm đồng lương đồng thưởng thì tôi không cần, tôi vào vì lý tưởng của mình, đến lý tưởng mà cũng phải luỵ thì cứ để đò đảng trôi qua trước mặt cũng được, tôi không lụy.
Cả chục năm trời tiếp theo, mỗi lần chuẩn bị đào tạo, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới lại có người khuyên anh nên viết lại đơn để xét, anh thẳng thừng từ chối:
- Cù Huy Hà Vũ là người có thói quen cái gì cũng chỉ làm một lần, vào đảng cũng như lấy vợ, chỉ bày tỏ một lần, viết đơn một lần, không có chuyện viết đơn lần hai.
'Quả là gan to bằng trái núi', tôi nhận định - thời điểm 1983, lẽ ra đảng nhất, anh nhì, thì anh lại dám coi thường tổ chức đảng, coi đảng như 'cá mè một lứa' với anh vậy, chắc nhiều người cho anh là dại dột, ngông ngạo lắm.
Thoáng chút đăm chiêu, anh bộc bạch:
- Kỳ thực tôi muốn họ phải ngộ ra một điều là trong số những nhân sự ngoài đảng, rất nhiều người có năng lực, chính Hồ Chí Minh khi còn sống cũng đứng lên kêu gọi quần chúng có tài ra giúp nước.

Kể từ ngày 11-6-2009, anh trở thành tâm điểm của sự chú ý, vì thế sáng hôm đó, 19-6-2009 anh nhận được giấy mời của toà, nhiều người theo dõi từng bước chân, lời nói của anh với chánh toà Hà Nội. Chính vì vậy, chỉ ngồi với anh hơn một tiếng mà điện thoại liên tục đổ hồi, hết điện thoại bàn lại điện thoại cầm tay, cái nào anh cầm cũng nóng máy, hết bạn bè, đồng nghiệp, người quen, lại đài BBC, RFA, Chân Trời Mới, Tiếng Nước Tôi …
Chờ anh dừng điện thoại, tôi vội hỏi:
- Còn lần anh kiện Bộ trưởng Văn hoá Thông tin nữa? Cũng làm thiên hạ phải ngơ ngẩn về bản lĩnh làm người của anh, trong thời đại 'vô cảm, sợ sệt, lờ đờ tư duy' này - lý do gì mà anh dám đưa cái ghế của ông ta ra giữa toà hình sự vậy?
- À, người ta hành xử thiếu lịch sự và kém hiểu biết qúa, dám ra một văn bản trái pháp luật là thành lập phòng trưng bày các tác phẩm của Xuân Diệu, trong khi không thèm hỏi ý kiến gia đình tôi một tiếng.
- Kết quả thế nào ạ? Tôi tò mò - Không hiểu vị bộ trưởng sẽ xử sự như thế nào khi cứ cố tình mở cửa ngôi đền thơ ca của nhà thơ Xuân Diệu mà lại bỏ qua vị thần cây đa là gia đình anh? Trong khi ông bà bảo: “Muốn vào đền thì phải thờ thần đa' hoặc 'lời mời cao hơn mâm cỗ'.
- Thực ra ai chẳng muốn vinh danh cho người thân của mình, - anh khẳng định, không chút e dè, ngần ngại - nhưng làm Bộ trưởng Bộ Văn Hoá mà phép tắc ứng xử của ông ta còn ở mức sơ đẳng thế thì làm sao có thể chấp nhận được, vì thế sau khi nhận được đơn khởi kiện của tôi ông ta phải trốn biệt, bỏ ngay cái ý định trưng bày ấy đi vì không muốn ra hầu toà.
- Ra vậy, còn hai lần anh ứng cử chức bộ trưởng và đại biểu quốc hội nữa thiên hạ cũng không ngớt ngạc nhiên, coi anh là người khùng của thế kỷ 21, hoặc người từ trên trời rơi xuống, không hiểu mình và không hiểu đời?
- Ôi anh gạt đi, tôi ra ứng cử vì nhìn vào lợi ích của người dân chứ đâu có nhìn vào cơ chế.
- Ý kiến của mọi người trước việc anh ứng cử như thế nào?
- Nhiều ý kiến trái ngược lắm, ông Võ Văn Kiệt thì bảo: 'Nếu là một đất nước có thể chế dân chủ, tiến bộ, thì tôi hoàn toàn xứng đáng', còn ông Phan Văn Khải lại viết thư cám ơn tôi vì việc đã mạnh dạn ra ứng cử, nhưng trong thư lại nói rõ lý do tôi không trúng cử vì... phải bổ nhiệm cán bộ theo quy hoạch. Bởi từ xưa đến nay trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, chưa có tiền lệ nào cán bộ cấp bộ hoặc thành viên chính phủ lại không phải là đảng viên, cuối cùng mong muốn tôi sẽ tích cực đóng góp cho đất nước.

Còn vô vàn điều muốn hỏi, muốn biết nhưng lịch làm việc buổi chiều của anh đã có sẵn, trong khi tiếng chuông điện thoại vẫn liên tục đổ dồn, tôi ra về, hy vọng còn gặp anh ở buổi khác, vì Hà Nội bé bằng lòng bàn tay, hắt hơi đầu này nghe tiếng vọng từ đầu kia dội lại. Với một người đầy 'tên tuổi, tai tiếng' như anh thì còn bao nhiêu việc phải hỏi, phải viết, đặc biệt trong vụ khởi kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì việc khai thác bô xít Tây Nguyên lần này.

Người của công chúng

Có thể nói chưa một vụ kiện nào gây nhiều “bức xúc” như vậy, đến mức từ quan toà đến các nguyên thủ quốc gia nóng lòng, nóng ruột như ngồi trên đống lửa vì bị kiến đốt. Trong vòng 8 ngày trời phải cử người đến gặp anh tại văn phòng trao giấy mời để thảo luận về vụ án mà người bị kiện là đích danh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người từ khi leo lên chức vụ mới, chỉ liên tiếp đưa lại cho đất nước hết vấn đề căng thẳng này lại vấn nạn nguy hiểm khác. Hiện tại là bô xít Tây Nguyên mà hậu hoạ của nó không chỉ là bùn đỏ, mà là 'hạt giống đỏ ' của Trung Quốc đang gieo hoạ trên mảnh đất Tây Nguyên và dần dần trải dài khắp nước, theo đúng khẩu hiện mà tất cả những người có chút tri thức, hiểu biết đều thuộc làu: “Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, Lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai.”
Mười sáu chữ vàng của hai đảng cộng sản Việt - Trung làm vàng mắt 6 triệu người dân Tây Nguyên.

Ngay từ ngày 11-6-2009, nghe tin anh gửi đơn kiện, tôi đã mạo muội hỏi anh vì sao lại có hành động...vung giời thế. Những con người vô sản, tay trắng như dân oan, dân nghèo còn sợ sự chuyên chính của công an và lãnh đạo nhà nước nữa là một người hữu sản như anh. Vừa là luật sư giỏi , vừa là hoạ sĩ tài, lại còn là 'con ông cháu cha', 'nhà mặt phố, bố làm to' nữa chứ. Không sợ sự chuyên chính của đảng sao? Liệu công an có để anh ngồi yên mà hành nghề không? Hay đang quay vù vù như cánh quạt giữa bầu trời oi bức tháng 6, lại bị chính quyền rút công tắc ra khỏi ổ cắm, rồi tống vào trong 'kho' như luật sư Lê Công Định, luật sư Lê Trần Luật, luật sư Lê thị Công Nhân , Nguyễn văn Đài...

Câu trả lời của anh thực sự gây 'xốc' cho tôi. Anh bảo: “Trong đời tôi chưa từng biết đến chữ sợ. Việc kiện thủ tướng là một việc làm đương nhiên của những công dân có trách nhiệm trước hiểm hoạ khó lường của việc khai thác bô xít gây ra. Chính những người công an cũng đến văn phòng tôi bày tỏ: 'Chúng tôi ủng hộ anh, anh Vũ ạ. Anh phải làm bão lớn thổi bạt những hệ luỵ xấu xa của chính thể này đi. Chúng tôi ở trong lòng nó song thực sự chúng tôi chán ngán lắm rồi... Trước chúng tôi tự hào vì bộ sắc phục trên người mình bao nhiêu, tự hào vì công việc mình được xã hội phân công giao phó bao nhiêu thì bây giờ trước hiểm hoạ xâm lăng của Trung Quốc, trước nỗi khổ của người dân, chúng tôi hổ thẹn chừng ấy.'

Vâng, điều không sợ của anh có lẽ xuất phát từ ảnh hưởng trực hệ, dòng họ Cù Huy nhà anh nổi tiếng với cố nội Cù Huy Sán - một võ tướng giỏi của Triều đình nhà Nguyễn, lấy công chúa và được vua phong làm thượng thư Bộ Binh- tương đương với Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng bây giờ.
Là người may mắn được sinh ra trong một gia đình túc nho, khoa bảng, lớn lên được đi Pháp du học, tiếp cận với nền văn minh thế giới, anh vừa thừa kế, vừa hấp thụ và tiếp thu những tinh hoa, tinh chất của văn hoá truyền thống cũng như văn minh nhân loại. Cho nên không thể làm ngơ trước nỗi khổ của dân lành do sai lầm chết người của tầng lớp lãnh đạo đảng và đất nước gây ra...Cụm từ mà anh hay dùng trong kho tàng ngôn ngữ vô cùng phong phú, chuẩn xác của mình là: 'Nỗi đau nhân thế'
- Làm sao có thể ngồi yên được khi một vị khai quốc công thần như đại tướng Võ Nguyên Giáp, hết làn này lần khác viết thư gửi quốc hội, gửi Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngừng việc khai thác lại, rồi 2,500 con người, từ giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn… đã chỉ rõ hiểm hoạ của bô xít Tây Nguyên, mà người khóc cứ khóc, kẻ ký cứ ký? Đâu cần biết đến một hậu quả nhỡn tiền là hàng triệu triệu người dân Tây nguyên đang ký thác đời mình vào chính chữ ký ấy. Nếu không có biện pháp mạnh, ngăn chặn sự sai lầm nghiêm trọng này, thì bao nhiêu con người phải 'thác' oan sau chữ ký chết người của thủ tướng đây?
Giữa đường gặp cảnh bất bằng đâu tha, từ bộ trưởng bộ văn hoá thông tin, đến Uỷ ban nhân dân tỉnh, và bây giờ là đương kim thủ tướng. Thời thế đã buộc anh phải 'nâng cấp' các đương sự trong danh sách khởi kiện của mình .

Nhìn anh bước vào phiên toà, bao nhiêu ánh mắt tò mò, ngưỡng mộ trông theo, từ người dân đến chánh toà, bảo vệ, thẩm phán… Tuy không nói ra bằng lời, nhưng ai cũng ngầm biểu lộ sự tán đồng cùng anh.
Khi chánh toà Nguyễn Tuấn Vũ, đưa mắt hất hàm về phía chiếc ghế trống, có ý mời anh ngồi, anh thoáng vẻ không hài lòng và chủ động lên tiếng trước.
- Anh là ai?
Nhận được câu trả lời, thay vì e dè sợ sệt như tất cả những công dân chỉ biết trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí khác taị Việt Nam, anh bày tỏ sự ngạc nhiên:
-Tuấn Vũ à, nghe quen quen như đã gặp được ở ngoài đời rồi thì phải, ca sĩ Tuấn Vũ phải không?
Ông chánh toà tuổi chừng 50 người nhỏ thó, biết rằng mình đang chơi trò văn minh với ông luật sư nổi tiếng hành xử theo lối Tây học, thích chơi trò dân chủ, tự do, con của nhà thơ nổi tiếng, vội nở nụ cười thân thiện, rồi đứng dậy chìa tay cho anh bắt, và nhã nhặn mời anh cùng ngồi xuống ghế trống trước mặt để hai bên cùng bàn bạc trao đổi.
- Có thế chứ, anh nhẹ nhàng bảo: ông là chánh toà thì phải đứng dậy mời khách theo đúng phép lịch sự của người văn minh, lịch sự. Đâu có cái lối người ngồi, kẻ đứng, hất hàm ban ơn như thế được?
Trình bày quan điểm của mình anh nói ba ý cụ thể, dứt khoát:
- Việc thụ lý hồ sơ vụ án phải nhanh, không thể để chìm xuồng theo kiểu từ trước đến nay với dân được
- Thứ hai phải xử lý đúng người, đúng tội, không được để 'sai một ly, đi một dặm' vì Việt Nam bây giờ không phải là ốc đảo. Các luật sư cũng không chỉ là tập sự, bào chữa, còn quan toà thì mặc kệ, mặc luật sư yêu cầu kiến nghị, còn án vẫn là án bỏ túi
-Thứ 3, không nhất thiết ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra toà nhưng phải huỷ quyết định 167, đó là mong muốn và ước nguyện, hạnh phúc của tôi cũng như toàn thể người dân Việt Nam

Cho đến giờ phút này anh đã thực sự là người của công chúng. Lá đơn khởi kiện cho dù có được chấp thuận hay không thì việc làm của anh đã thu phục lòng người, xua đi bao nhiêu nỗi sợ hãi, sự kém hiểu biết trong lòng mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là giới luật sư, văn nghệ sĩ. Cho dù có là một con kiến thì anh cũng là một chú kiến càng khoẻ mạnh, hiểu biết, đốt rất đau những củ khoai thối, để nó không những giẫy nẩy trên ghế nóng, lo ngại, sợ hãi mà còn không thể tiếp tục gây hại cho dân cho nước được nữa.
Mảnh đất Việt Nam qúa nhiều đau thương chồng chất chỉ vì luật pháp không được thực thi đúng lúc, đúng chỗ, người ban hành luật cứ ban hành, còn sử dụng hay không lại phụ thuộc vào quyền của họ ... Thông điệp mà anh thông qua việc gửi đơn khởi kiện lần này là tất cả các nguyên thủ quốc gia đều phải quen với việc bị kiện, để nếu có tội thì phải bị trừng phạt. Không thể cứ ăn trên, ngồi trốc, ngồi xổm trên luật pháp, kéo lùi lịch sử dân tộc hết thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác.
Anh cũng đã làm được một việc ngoài sức tưởng tượng là làm cho hàng đàn kiến lửa, kiến gió, kiến đen, kiến đỏ, phải bừng tỉnh, thoát ra khỏi sự sợ sệt, mê lú, theo tiếng gọi của sự dũng cảm, của tình người, lương tâm, hất đổ những củ khoai thối, ngu tối, hết giá trị sử dụng để lập lại tự do, công bằng cho mình, cho người và cho dân tộc... Đó là con đường tất yếu mà bất kỳ thể chế dân chủ nào cũng phải theo.

Hà Nội 24-6-2009
TKTT


*: 5C và 5D: Viết tắt của cụm từ: “Con -cháu- các- cụ- cả” và “Đếch -đẩy- đi- đâu -được”.


No comments: