Từ khóa 'Việt Nam'
trong bàn cờ dịch chuyển của chính trị Campuchia
Bùi Thư
BBC
News Tiếng Việt
Từ Phnom Penh, Campuchia
25 tháng 7 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd14052n14no
Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3f2b/live/bd338490-2aa3-11ee-8e56-e56fa83d34cb.jpg
“Việt
Nam” và “người Việt” là những chủ đề trọng tâm, và đầy nhạy cảm, trong cuộc bầu
cử lần này cũng như trong các tranh luận chính trị ở Campuchia.
Làng Akreiy Ksatr ở tỉnh Kandal, cách thủ đô Phnom Penh một chuyến phà
ngang. Khúc sông này là nơi hợp lưu của dòng Tonle Sap và Mekong nên rộng hơn
bình thường và chỉ mất chừng 10 phút để vượt sông từ trung tâm Phnom Penh tới
ngôi làng nghèo nhỏ bé.
Cách một con sông thôi, nhưng một bên là các khách sạn, tòa nhà văn phòng
cao vút và các sòng bạc NagaWorld lừng lững, còn một bên, dưới những mái tôn
nóng bức dọc theo bến đò là những phận đời người Việt đã sống bên lề xã hội
Campuchia qua nhiều thế hệ.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c865/live/ce9dee00-2a9e-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.jpg
Cách một con sông nhưng một bên là các khách sạn,
tòa nhà văn phòng cao vút và các sòng bạc NagaWorld lừng lững, còn một bên là
khu làng nghèo Akreiy Ksatr
Không
giấy khai sinh
Trong con hẻm nhỏ, bao quanh nhà thờ Đức mẹ Hòa bình là những ngôi nhà
tôn tạm bợ san sát nhau, được sử dụng làm chỗ ở kiêm kinh doanh, gồm các quán
cà phê, tiệm tạp hóa, làm móng và sửa xe.
Chỉ đi ngang qua cũng dễ nhận biết điểm khác biệt của nơi này: già trẻ
gái trai đều nói tiếng Việt, là thứ tiếng miền Nam đã có nhiều biến đổi về ngữ
điệu, vốn là kết quả của bao năm va chạm, cọ xát nơi xứ người.
“Khách chủ yếu là người Campuchia, còn mấy bé thợ là người Việt,” chị
Năng chủ tiệm làm móng giới thiệu với tôi.
Hầu hết những người Việt Nam sống ở đây không có được mảnh giấy lận lưng
vì giấy tờ hợp pháp của họ đã bị tịch thu vào năm 2017. Sau đó, họ được hứa là
khi đóng thuế đủ bốn đợt, mỗi đợt hai năm thì sẽ được cấp quốc tịch. Nhưng
tương lai này có vẻ còn quá xa vời.
Campuchia: Chuyện
'tước quốc tịch' dân gốc Việt
Campuchia 'tước
quyền công dân 70.000 người gốc Việt'
Người Việt ở Biển
Hồ Campuchia lên bờ rồi đi đâu?
Người Việt ở
đâu trong xã hội chính trị phức tạp của Campuchia?
Trước mắt, tất cả những gì họ có chỉ là tấm thẻ vàng tạm trú (thẻ ngoại
kiều). Họ không thể đi học hay xin việc làm, không thể mua đất, cất nhà, mở thẻ
ngân hàng. Đặc biệt là những người lớn tuổi khi đổ bệnh nặng thường được đưa về
Việt Nam thăm khám nhưng cũng phải đi chui vì không giấy tờ.
“Về Việt Nam phải đi chui. Mình có thẻ vàng thì bên phía [xuất nhập cảnh]
Campuchia cho đi vì họ biết, nhưng phía Việt Nam đòi tiền dữ lắm do không có hộ
chiếu. Vậy là phải đi chui,” anh chủ tiệm tạp hóa cặp bên tiệm làm móng chia sẻ.
Chị chủ tiệm móng và anh bán tạp hóa này, cùng với con cái, anh chị em, nằm
trong số khoảng 400.000 đến 700.000 người gốc Việt ở Campuchia và 90% trong số
này là vô tổ quốc và không có giấy khai sinh, theo ước tính của
Minority Rights Group (Quyền của người Thiểu số).
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7dcb/live/b2fed020-2a9d-11ee-8e56-e56fa83d34cb.jpg
Tiệm nail của một người gốc Việt ở làng Akreiy Ksatr
ở tỉnh Kandal
Một số người dân trong xóm nhỏ này, cũng như nhiều người gốc Việt khác
sinh sống thành từng cụm dọc bờ sông Mekong, trước đây ở trên ghe và làm nghề
đánh cá. Nhà nào khá lắm thì có một cái bè to to che nắng che mưa.
Đấy là tháng ngày đen tối, nhất là khi cận kề ngày bầu cử, những gia đình
người Việt luôn đổ dầu đầy bình, lỡ bị đuổi thì nổ máy chạy về phía biên giới
Việt Nam.
“Campuchia có nhiều đảng và có đảng ghét người Việt Nam. Vì vậy, cứ mỗi lần
tới bầu cử là chúng tôi nơm nớp lo sợ, tới khi lên bờ rồi, dù không biết chạy
đi đâu nhưng vẫn hồi hộp, cho tới hai đợt bầu cử gần đây thì mọi người yên tâm
một chút,” chị chủ tiệm làm móng nói với BBC News Tiếng Việt.
Người Việt ở nơi đất khách, trong bối cảnh bị kỳ thị, dần hình thành tâm
lý mặc cảm, tránh giao du ra bên ngoài cộng đồng.
Đấy là một đoạn quá khứ dài dằng dặc và đầy tối tăm mà tới nay vẫn còn di
chứng.
Họ không học hành, không biết tiếng Khmer, cho nên càng không thể hòa nhập
vào xã hội mình ở. Khi các nhà tu thuộc dòng La Salle tới làng Pouthum gần 20
năm trước, họ vất vả vận động bà con Việt kiều cho con cháu đi học, nhưng hầu
như các gia đình đều không chịu, với lập luận rằng họ đâu có cần học hành gì mà
vẫn sống đấy thôi, thì cơn cớ gì phải cho con em đi học.
Thế rồi, khi chính phủ Campuchia có lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Mekong
thì họ phải bỏ ghe lên bờ. Việc tiếp xúc với người Khmer để buôn bán làm ăn đã
giúp những người Việt Nam phần nào ngộ ra một điều tưởng chừng đơn giản: họ
không thể tiếp tục co cụm trong các nhóm đồng hương mong manh của mình; họ cần
phải tiếp xúc với bên ngoài.
Từ lúc ấy, họ bắt đầu thấy việc học, trước hết là học tiếng bản xứ, là điểm
khởi đầu quan trọng. Đặc biệt với trẻ con, việc nói tiếng Khmer sẽ giúp chúng đỡ
bị kỳ thị hơn.
Trường tiểu học La Salle Pouthum nằm cách bến sông Akreiy Ksatr khoảng bảy
cây số. Đây là trường thuộc dòng tu Công giáo La Salle mang sứ mệnh giáo dục.
Trường được lập ra từ năm 2001 và thời gian đầu chỉ dạy các em mẫu giáo.
Sau đó tới năm 2019, trường được nhà nước Campuchia cho phép mở dạy cấp 1 và hiện
đang có khoảng 400 em từ 5-12 tuổi đến theo học.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/bb1c/live/6e4bf960-2aa4-11ee-8e56-e56fa83d34cb.jpg
Trường tiểu học La Salle Pouthum nằm cách bến sông
Akreiy Ksatr khoảng bảy cây số
Thầy giáo Nguyễn Thế Anh, hiệu trưởng trường, nói với BBC News Tiếng Việt
rằng trường mở ra để đón tất cả các bạn nhỏ, không phân biệt là người Khmer hay
người Việt Nam.
“Mục đích của trường là giúp các em được hội nhập vào xã hội Campuchia, đầu
tiên là tiếng Khmer, thứ hai là có thêm bạn bè người Khmer và từ đó, các em sẽ
không lo sợ mà có thể hòa nhập dễ dàng. Quá khứ trước đây, người Việt có bị kì
thị nhưng hy vọng các em trẻ khi được học hành thì mọi thứ sẽ thay đổi,” thầy
giáo Thế Anh nói.
Thầy cũng chia sẻ thêm, sau khi vận động thành công để các bậc cha mẹ cho
con mình đi học thì vấn đề nan giải khác là các em không có giấy khai sinh nên
chỉ học hết lớp sáu thì không thể học lên tiếp nữa.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/150f/live/4ee57010-2a9f-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.jpg
Một góc của trường tiểu học La Salle Pouthum, trường
dòng dành cho những gia đình người Việt và người Khmer có hoàn cảnh khó khăn
Cùng với sự thay đổi của thời gian, của nhận thức con người, dân Việt ở
đây dần hòa nhập vào đời sống bản xứ. Một số người hòa nhập tốt hơn thì có quốc
tịch, có thể mở các cơ sở làm ăn nho nhỏ, như một nhà hàng món Việt ở Phnom
Penh chẳng hạn. Tuy nhiên, số đông vẫn là những người ở bên rìa xã hội, với nhiều
mặc cảm và nỗi lo có thể bị đuổi đi bất cứ lúc nào.
“Cái nhà tôn này là của nhà nước làm cho dân tạm cư mình. Cũng không biết
khi nào họ lấy lại,” anh chủ tiệm tạp hóa nói. Trước mặt anh, cậu con trai lớn
chừng 10 tuổi đang dạy em mình tập đọc sách vỡ lòng tiếng Khmer. Anh nói, những
người Việt sống ở khu này không bị ai làm phiền hay quấy phá nhưng anh mong một
ngày con anh sẽ có giấy tờ, hòa nhập tốt vào nơi mình đang sống.
Câu chuyện của những người Việt Nam bên bến phà Arey Khsat chỉ là một lát
cắt trong những mảnh đời Việt Nam không giấy tờ tại Campuchia.
Dù họ không được đi bầu, cũng không có hơi sức mà suy nghĩ về cuộc bầu cử,
nhưng số phận họ lại chịu ảnh hưởng lớn bởi các chuyển động trên thượng tầng kiến
trúc Campuchia, nhất là khi mà chủ đề Việt Nam luôn nằm ở trung tâm những tranh
cãi chính trị tại vương quốc này.
Từ
khóa “Việt Nam”
Để hiểu được phần nào về cội rễ ảnh hưởng của Việt Nam lên nền chính trị
Campuchia, chúng ta phải quay ngược về tầm quan trọng của ngày 7/1/1979 – ngày
mà Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng cách mạng Campuchia tiến vào
Phnom Penh đánh đổ chế độ Khmer Đỏ.
Đây là ngày mang ý nghĩa lịch sử to lớn đối với người dân Campuchia vì nó
chấm dứt chế độ diệt chủng vốn tàn sát khoảng hai triệu người.
Nhưng ngày 7/1/1979 lại trở sự kiện gây chia rẽ trong lòng Campuchia, đồng thời
biến Việt Nam thành tâm điểm của những cạnh tranh chính trị gay gắt.
Khmer Đỏ và nạn
diệt chủng Campuchia trước khi VN đem quân sang
Khmer Đỏ: Ai từng
trợ giúp phe kháng chiến Pol Pot?
40 năm hậu Khmer
Đỏ: Dân Campuchia nghĩ gì về Việt Nam?
Đảng cầm quyền và đảng đối lập luôn xung khắc với nhau trong cách diễn giải
ngày này. Trong khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) nhấn mạnh 7/1 là ngày Chiến
thắng Diệt chủng Pol Pot thì đảng đối lập với tên gọi Cứu nguy Dân tộc
Campuchia (CNRP) xem đây là ngày Việt Nam xâm lược.
Thủ tướng Hun Sen trong suốt gần 40 năm qua đã xây dựng tính chính danh bằng
việc nhấn mạnh vai trò quan trọng, chủ chốt của ông trong việc mang lại một nền
hòa bình lâu dài, giải phóng người dân khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Ông Hun
Sen gọi 7/1 là “lần
tái sinh thứ hai” và là ngày “Chiến thắng chế độ diệt chủng” – tên gọi
chính thức trong lịch nghỉ lễ quốc gia Campuchia.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1bd8/live/7ead8c10-2aa4-11ee-8e56-e56fa83d34cb.jpg
Thủ tướng Hun Sen trong suốt gần 40 năm qua đã xây dựng uy tín bằng việc mang lại một nền
hòa bình lâu dài, giải phóng người dân khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ
Ngược lại, đảng đối lập như Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) do ông Sam
Rainsy lãnh đạo lại cho rằng, 7/1 là cột mốc mở đầu cho 10 năm trời Campuchia bị
quân đội Việt Nam chiếm đóng. Ông thậm chí lập luận rằng, nếu không có Cộng sản
Việt Nam thì ngay từ đầu đã không có Khmer Đỏ và quy trách nhiệm cho Việt Nam về
những tội ác mà Pol Pot đã gây ra và gọi cuộc giúp đỡ của phía Việt Nam là “màn
trình diễn quân sự và chính trị”.
Để minh họa cho quan điểm trên, ngày
7/1/2016, ông Rainsy đã đăng một bức tranh biếm họa trên trang Facebook của
mình trong đó thể hiện một người lính Việt Nam, đội nón lá, đốt nhà Campuchia
vào năm 1975 và quay lại dập lửa vào năm 1979.
Rainsy
'học cao và ghét Việt Nam'
Ông Hun Sen sẽ
hỏi VN tại Úc về Sam Rainsy?
Hun
Sen: 'Con tôi không phải người Việt'
CNRP từng tố Thủ tướng Hun Sen nhượng đất cho Việt Nam và là “con rối” của
Hà Nội. Ông chất vấn tính minh bạch quanh việc các công ty Việt Nam được khai
hoang đất tô nhượng làm kinh tế (ELC) và cho rằng, những thương vụ ELC này cùng
với việc phân giới cấm mốc là cách Việt Nam thể hiện mưu đồ “nuốt
chửng” lãnh thổ Campuchia.
Nhằm hạ uy tín ông Hun Sen cũng như đảng CPP, trong một cuộc tuần hành
năm 1998, Sam Rainsy đã gọi những người CPP là có “thân
Khmer, đầu Yuon” (“Yuon” là từ ngữ miệt thị người Việt).
Đây là cụm từ đã được chính Khmer Đỏ sử dụng trong các chiến dịch thảm sát Khu
Đông Campuchia giai đoạn 1977-1978 để thanh trừng các thành viên bị cáo buộc
thân Việt Nam. Trong số những người đào thoát khỏi Khmer Đỏ để chạy sang Việt Nam
lúc bấy giờ, có Hun Sen.
Sam Rainsy, thủ lĩnh
lưu vong của Đảng CNRP được cho là theo đuổi đường lối bài Việt Nam, kích động
chủ nghĩa dân tộc để thu hút phiếu bầu
Ở phía bên kia, Thủ tướng Hun Sen và CPP lại ra sức làm mờ nhạt trước
công chúng vai trò của Việt Nam trong cuộc chiến chống Khmer Đỏ. Theo cách diễn
giải này, Việt Nam chỉ giúp sức, còn lực lượng của ông Hun Sen mới là trọng yếu.
Mục đích của cách tuyên truyền này là để CPP tránh bị coi là con rối do chính
quyền Việt Nam dựng lên, một cáo buộc chủ chốt của phe CNRP, theo đánh giá của
tổ chức nghiên cứu độc lập Future Forum (Diễn đàn Tương lai) trong một bài phân
tích. Động thái này của vị thủ tướng thường được một số ý kiến trong công luận
Việt Nam diễn dịch là "vô
ơn".
Ông Hun Sen luôn nhận công trạng duy nhất về lực lượng của mình trong việc
chấm dứt cơn ác mộng của Khmer Đỏ, một diễn ngôn dần trở thành sợi chỉ xuyên suốt
trong đường lối tuyên truyền của CPP và là một phần di sản của ông. Ông Hun Sen
đã không ngần ngại gọi người phản đối ý nghĩa hòa bình của ngày 7/1 là “súc
vật”.
Play video, "Nhìn lại chế độ Khmer Đỏ và nạn diệt chủng ở
Campuchia", Thời lượng 5,31
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd14052n14no
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, nhà quan sát Ou Virak từ Future
Forum nói người dân không muốn nuôi lòng thù mà là những chính trị gia cứ tiếp
tục tận dụng và xoáy sâu vào điều đó. Ông Ou Virak cho rằng thật đáng buồn khi
Campuchia cứ bị kẹt lại ở ngày 7/1 ấy.
“Không khí giận dữ vẫn bao trùm, những câu chuyện kích động tâm lý kỳ thị
và cực đoan cứ tiếp tục được nhấn mạnh. Trong bối cảnh đó, không thể có được những
cuộc đối thoại đúng đắn. Campuchia không thể tiến lên được với những cách tiếp
cận [của các phe phái] hiện nay,” theo ông Virak.
Nhà quan sát Virak nói ông hy vọng mâu thuẫn về ngày 7/1 sẽ không phủ
bóng lên dàn lãnh đạo mới, ở cả hai phía trong nội bộ Campuchia và người dân sẽ
không còn bị lợi dụng, bị “vũ khí hóa” cho những diễn ngôn hận thù như vậy nữa.
Khi trải qua nội chiến, sẽ có hai xúc cảm hình thành là “giận dữ” và “vỡ
mộng”, nó sản sinh ra tâm lý thù địch. Điều này đã gặm mòn người dân Campuchia,
trong khi Việt Nam may mắn không bị nó nuốt chửng.
"Nhưng không có nghĩa là người Việt Nam không có trách nhiệm trong
việc cố gắng hiểu bên còn lại, ở đây là Campuchia", theo ông Virak.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b53e/live/811ab650-2ab6-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.jpg
Nhà quan sát Virak người sáng lập Future Forum
(trái) trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt tại thủ đô Phnom Penh
“Lựa
chọn” của Việt Nam?
Việt Nam có một quan hệ rất phức tạp và nhạy cảm với Campuchia. Không chỉ
là câu chuyện Khmer Đỏ của quá khứ gần. Những vấn đề lịch sử xa xưa của Đế quốc
Khmer, của nhà nước Châp Lạp, và cả chủ quyền của đảo Phú Quốc, cũng thường
xuyên được gợi lên trong các tranh cãi chính trị tại Campuchia – khi mà từ khóa
“Việt Nam” được các bên khai thác triệt để vì tính chất dễ kích thích cảm xúc
công chúng.
"Bất kể Việt Nam làm gì ở Campuchia, họ đều không được lòng
dân", tác giả Philip Short kết luận,
trong cuốn Pol Pot - Chân dung một cơn ác mộng.
Gần đây hơn, Việt Nam còn đặc biệt quan ngại về ảnh hưởng ngày một tăng của
Trung Quốc tại Campuchia.
Vậy nên, về phía mình, chính phủ Việt Nam đã theo dõi chặt cuộc bầu cử tại
Campuchia với một sự thận trọng. Nguồn tin từ trong nước nói với BBC rằng,
“Trung ương” đã chỉ đạo báo chí khi đưa tin về bầu cử ở Campuchia thì không
khai thác, bình luận để tránh ảnh hưởng quan hệ hai nước.
Theo quan sát của BBC News Tiếng Việt, không có nhiều nhà báo từ Việt Nam
sang Campuchia đưa tin cuộc bầu cử. So với số lượng phóng viên đưa tin sự kiện
thể thao SEA Games cách đây hai tháng quả là một trời một vực.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/50c4/live/97971c50-2aa4-11ee-8e56-e56fa83d34cb.jpg
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) ôm Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng khi đến Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh vào ngày 26 tháng 2
năm 2019
Không nói ra, có lẽ điều mà chính phủ Việt Nam mong muốn là Hun Sen và
phe của ông tiếp tục nắm quyền, theo nhận định của nhiều nhà quan sát trong nước.
Trên Facebook cá nhân, ông Trương Huy San (tức nhà báo Huy Đức) bình luận
rằng rất nhiều người Việt Nam mong muốn Hun Sen tiếp tục cầm quyền ở Campuchia
vì Hun Sen là người do Việt Nam đưa lên.
“Nhiều lãnh đạo Việt Nam mà tôi tiếp xúc lo ngại chính quyền rơi vào tay
đối lập. Khi tranh cử, các nhà chính trị đối lập ở Campuchia đã khai thác chủ
nghĩa dân tộc bài Việt của người Khmer. Nhưng, 30 năm qua, chưa có đối lập nào
cầm quyền hoặc đệ trình chính sách chống Việt Nam nào để ta biết chắc họ có thực
sự chống người Việt như họ nói khi vào cuộc tranh giành phiếu. Trong khi đó,
Hun Sen đã chống người Việt bằng chính sách xuyên suốt trong những năm cầm quyền
của mình.”
Theo tác giả Trương Huy San, người từng
có thời gian trong quân đội VN, phục vụ ở Campuchia, một Campuchia ổn định và
không thù địch có ý nghĩa rất quyết định đối với hòa bình ổn định của Việt Nam.
Nhưng theo ông, Campuchia cũng chỉ thực sự ổn định khi các bên tôn trọng sự lựa
chọn dựa trên quyền tự quyết của người dân Campuchia.
“Không nên đánh giá Hun Sen dựa trên quá khứ ‘do chúng ta dựng lên’ mà chỉ
nên đánh giá Hun Sen dựa trên những gì ông ấy đang làm với đất nước Campuchia
và đặc biệt, ông ấy đang đối xử như thế nào với con dân người Việt,” ông Trương
Huy San viết.
Play video, "Thủ tướng Hun Sen đã
nhiều lần tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực cho con trai cả của mình", Thời
lượng 3,41
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd14052n14no
03:41 Chụp lại video,
Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần tuyên bố sẽ chuyển
giao quyền lực cho con trai cả của mình
Nhà quan sát Ou Virak lưu ý thêm rằng, với việc dàn lãnh đạo mới kế nhiệm
cha mẹ mình, dù có thuộc phe CPP hay không, thì thế hệ cầm quyền cũ vốn từng
chia sẻ vận mệnh chung với Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không còn nữa.
“Có mối gắn kết mang tính đồng chí đồng đội giữa giới lãnh đạo Campuchia
và giới lãnh đạo Việt Nam, bất kể là quan hệ giữa hai đảng, hai quân đội, có rất
nhiều ràng buộc, gồm cả sự chung sống hòa bình trong suốt 30 năm qua.
“Nhưng mối quan hệ riêng tư, tình bằng hữu, sự trung thành này sẽ không
còn nữa mà thay vào đó sẽ là quan hệ chuyên nghiệp giữa hai nước láng giềng một
khi thế hệ mới lên nắm quyền,” ông Virak phân tích với BBC News Tiếng Việt.
Giáo sư Carl Thayer từ Úc nhận định với BBC rằng, Việt Nam thà chọn “kẻ
ác mà mình đã nhẵn mặt còn hơn chọn kẻ ác mà mình không biết rõ”.
“Việt Nam có mối quan hệ và đã làm việc thực tiễn với Thủ tướng Hun Sen để
duy trì quan hệ song phương tốt đẹp. Vì cơ hội để Campuchia trở thành một nền
dân chủ đa đảng là vô cùng xa vời, mối quan tâm chính của Việt Nam là việc
Campuchia không rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc và hy sinh Việt Nam,” ông Thayer
đánh giá.
-----------------------
Xem
thêm tường thuật của phóng viên Bùi Thư, BBC News Tiếng Việt, từ thủ đô Phnom
Penh, Campuchia trong kỳ tổng tuyển cử 2023:
Bầu cử Campuchia:
Bóng ma nội chiến, diễn ngôn hòa bình và Đại tướng Hun Manet
Bầu cử Campuchia:
Cuộc chuyển quyền 'trong nhà' từ ông Hun Sen sang Hun Manet sẽ ra sao?
Bầu cử Campuchia: Sợ
hãi và hân hoan trông chờ 'luồng gió mới'
----------------------
TIN LIÊN QUAN
Bầu cử Campuchia:
Bóng ma nội chiến, diễn ngôn hòa bình và Đại tướng Hun Manet
23 tháng 7 năm 2023
·
Campuchia: Cuộc
chuyển quyền 'trong nhà' từ ông Hun Sen sang Hun Manet sẽ ra sao?
21 tháng 7 năm 2023
·
Tổng tuyển cử
Campuchia: Sợ hãi và hân hoan trông chờ 'luồng gió mới'
21 tháng 7 năm 2023
·
Chế độ Khmer Đỏ và bốn năm
'Cánh đồng chết'
9 tháng 1 năm 2019
·
Ai từng trợ giúp Pol Pot
và đồng minh?
17 tháng 11 năm 2018
·
Người Việt ở Biển Hồ
Campuchia lên bờ rồi đi đâu?
30 tháng 7 năm 2019
No comments:
Post a Comment