Monday, July 22, 2019

MỘT HÀNH ĐỘNG THÙ NGHỊCH (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
22/07/2019

Trong cuộc phỏng vấn truyền hình hôm thứ Bảy, 20 tháng 7, Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Penny Mordaunt tuyên bố việc chính phủ Iran bắt giữ chiếc tầu chở dầu Stena Impero của Anh là một hành động thù nghịch.

Cụm chữ một hành động thù nghịch chuyên chở cái ý ngầm là Anh sẽ đối phó với hành động thù nghịch; ngay trong ngày thứ Bảy đó, ông Abbas Ali Kadkhodaei, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Hộ Iran, gián tiếp trả lời ông Mordaunt qua câu tuyên bố “việc Iran bắt giữ tầu dầu của Anh chỉ là một hành động đáp lễ.” 

'Đáp lễ' là chiến thuật của một quốc gia hùng mạnh đối với một đối thủ yếu hơn, như chiến thuật 'đáp lễ linh động' (flexible response), Đại Tướng Maxwell Taylor, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Mỹ tại Đông Dương áp dụng chống Việt Cộng.

Mô tả một cách đại cương về chiến thuật này: Tướng Taylor cho Bắc Việt biết là Mỹ sẽ trả lời Bắc Việt bằng cách oanh tạc, Bắc Việt tấn công lớn tại Nam Việt, Mỹ sẽ oanh tạc quy mô những cơ sở quân sự của Bắc Việt, ngược lại nếu Bắc Việt xuống thang chiến tranh, Mỹ cũng bớt oanh tạc.

Taylor dám chủ trương một chiến thuật nhường cho địch quyết định cường độ chiến tranh, vì ông ta tin vào khả năng vô giới hạn của không lực Mỹ.

Tin tưởng của Tướng Taylor đã được lịch sử chứng minh là sai lầm, thì Iran dựa vào đâu để đáp lễ việc Anh bắt tầu dầu Grace One của họ bằng cách cũng bắt chiếc tầu dầu Stena Impero của Anh?

Nói rõ hơn, nếu Anh ra tối hậu thư bảo Iran: hoặc trả tầu Stena Impero ra biển cả, hoặc Tehran, kinh đô của Iran, sẽ ăn bom; thì Iran sẽ trả lời lá thư tối hậu đó như thế nào?

Câu trả lời có thể là: Iran không sợ, vì lãnh tụ tối cao của họ -tu sĩ Ali Khamenei, đã từng hai lần sỉ nhục Tổng Thống Mỹ Donald Trump mà ông Trump chỉ dọa thôi, chứ không đánh. Lần thứ nhất xảy ra vào ngày 13 tháng Sáu, 2019; ngày đó ông Ali Khamenei bảo Thủ Tướng Nhật Abe là 'Trump not worthy of a reply to message' (Trump không xứng đáng để tôi viết thư trả lời); Khamenei nói như vậy vì Thủ Tướng Abe cầm tay một lá thư của Trump viết cho Khamenei, đến tận thủ đô Tehran trao cho Khamenei.

Lần thứ nhì Khamenei hạ nhục Trump là ngày 20 tháng Sáu, 2019, lực lượng phòng không Iran bắn rơi chiếc drone MQ-4C Triton -loại thám thính cơ trang bị nhiều máy móc tối tân để ghi âm, và thu hình trên cao độ 16 dặm.

Việc bắn hạ chiếc drone thám thính xảy ra trên không phận Eo biển Hormuz.

Chiếc drone MQ-4C Triton (U.S. Department of Defense)

Anh bắt chiếc Grace One của Iran hôm mùng 4 tháng Bảy 2019. (VesselFinder)

Iran bắt chiếc Stena Bulk của Anh hôm 20 tháng Bảy 2019. (ShipingWatch)

Chỉ một ngày sau ngày Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh đe Iran và đòi chính quyền nước này trả chiếc Stena Bulk trở ra biển cả, ông Stena Bulk, người Anh, chủ nhân chiếc tầu Stena Impero, chính thức xin chính quyền Iran cho phép ông tới Iran thăm 23 đoàn viên thủy thủ đoàn. Hãng thông tấn Reuters loan tin là ông Bulk đang chờ giám đốc hải cảng Bandar Abbas chấp thuận lời xin của ông.

CEO của hãng tầu chở dầu Stena Bulk, ông Erik Hanell, phổ biến thông cáo cho biết giám đốc hải cảng Bandar Abbas cho biết họ đã nhận được đơn xin thăm viếng thủy thủ đoàn và sẽ quyết định cho thăm hay không.

Trong một chương trình truyền hình lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran xác nhận họ bắt chiếc tầu dầu Stena Impero tại Eo biển Hormuz ngày thứ Sáu, 18 tháng Bảy, 2019.

Chiếc tầu dầu Grace One bị Anh bắt tại hải phận Gibraltar hôm mùng 4 tháng Bảy, 2019; Gibraltar là nhượng địa của Spain tặng Hoàng Gia Anh để cầu hòa sau khi thất trận năm 1713. Từ căn cứ quân sự Gibraltar người Anh cho binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến dùng xuồng máy ra biển bắt tầu dầu Grace One của Iran theo lời yêu cầu của chính phủ Mỹ.

Sự kiện này khiến Anh có thể đòi Mỹ giải quyết số phận của chiếc tầu dầu Stena Impero; và nếu Mỹ không làm cho Iran thả chiếc Stena Impero ra được, thì có lẽ Anh sẽ thả chiếc Grace 1 để lấy lại chiếc Stena Impero.

Như vậy, cái chìa khóa của tình trạng căng thẳng giữa Iran và Anh đang nằm trong tay Tổng Thống Mỹ -ông Trump; và câu hỏi phải đặt ra là Trump giải quyết bế tắc 'tầu dầu' như thế nào?

Câu trả lời đầu tiên là Trump sẽ không dùng đến giải pháp quân sự, vì bài học Bush 43 để lại 'sa mạc cát lún, lỡ bước vào là không rút chân ra được.'

Cái dở thứ nhì của giải pháp quân sự là cử tri Mỹ chán chiến tranh lắm rồi, đưa quân vào Iran là mất nửa số phiếu của những cử tri đang muốn bầu cho Trump năm 2020.

Nhược điểm thứ ba của giải pháp quân sự là lần này Mỹ sẽ đơn thương độc mã nhảy vào Iran, vì đồng minh Tây Âu -sau khi bị Trump mạt sát trên đường bay đến Helsinki bắt tay Putin- không còn mặn mòi theo Mỹ- như họ từng theo Mỹ vào trận tấn chiếm Iraq nữa.

Đài BBC, trong buổi phát hình sáng thứ Hai, 22 tháng 7, đưa lên nhiều hình ảnh sinh hoạt của thủy thủ đoàn chiếc Stena Impero, do truyền thông Iran phổ biến. Toàn bộ 23 đoàn viên vẫn sinh hoạt tự do trên chiếc tầu bị cầm tù.

Toàn bộ 23 đoàn viên vẫn sinh hoạt tự do trên chiếc tầu bị cầm tù. (IRIB News)

(IRIB News)

Nữ Thủ Tướng Anh, bà Theresa May, ngồi chủ tọa một phiên họp nội các để tìm cách đối phó với Iran; phiên họp không bàn đến khả năng Mỹ can thiệp.

Giải pháp quân sự cũng không được nhắc nhở, Ngoại Trưởng Anh đề nghị đóng băng mọi tài sản của Iran.

Tài sản của Iran có thể đông lạnh, nhưng vấn đề 'thả tầu ra biển' sẽ không bị đông lạnh, và như Iran đã trả lời Anh “việc Iran bắt giữ tầu dầu của Anh chỉ là một hành động đáp lễ.”

Anh bắt giam tầu dầu Grace One của Iran thì Iran bắt giam tầu dầu Stena Impero của Anh; muốn Iran thả chiếc tầu đó ra biển trở lại, thì ... dễ lắm, Anh thả tầu của Iran ra.

Hãy quên việc Mỹ nhờ Anh bắt chiếc Grace One, và trách nhiệm của Mỹ trong việc giải phóng chiếc Stena Impero bị Iran bắt giữ.

Tổng thống Mỹ đang bận lo việc tái ứng cử, không rảnh để giúp Anh chỉ vì Anh đã giúp ổng.






No comments: