Tuesday, July 23, 2019

BẢN TIN NGÀY 23-07-2019 (Báo Tiếng Dân)




23/07/2019

Tin Biển Đông

Báo Kiến Thức có bài phỏng vấn Thiếu tướng Lê Mã Lương : Âm mưu Trung Quốc đưa tàu Haiyang Dizhi 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? TướngLương bình luận: “Thực ra việc đưa tàu Haiyang Dizhi 8 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc lại đưa ra một phép thử nữa đối với Việt Nam. Những hành động trên của Trung Quốc chính là xem thái độ của Việt Nam ứng xử những chuyện nhiều người cho là nhỏ nhưng nhiều người khác lại không cho là nhỏ”

Lưu ý, Thiếu tướng Lê Mã Lương chính là người từng tiết lộ rằng có lãnh đạo cấp rất cao trong đảng CSVN ra lệnh “không được nổ súng” dẫn đến cái chết của 64 người lính VN trong trận Gạc Ma. Nay báo Kiến Thức làm bài phỏng vấn tướng Lương trong hoàn cảnh quan hệ Việt – Trung căng thẳng trở lại, cho thấy sự trỗi dậy của tiếng nói chống Trung Quốc trong giới lãnh đạo, tướng tá VN.

PGS. TS Vũ Thanh Ca có bài: Xung đột vũ trang trên Biển Đông sẽ là thảm họa. Ông Ca lưu ý: “Trên ảnh vệ tinh mà tôi theo dõi, có lúc tàu Địa Chất Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đã vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tới khoảng cách cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý”.

Cuối bài vẫn là quan điểm né tránh chiến tranh: “Quan điểm của Việt Nam là luôn cố gắng hết sức mình để tránh xung đột vũ trang… vì xung đột vũ trang trên Biển Đông sẽ là thảm họa không chỉ đối với Việt Nam và Trung Quốc mà còn là thảm họa cho toàn khu vực, thậm chí là đối với thế giới”. Chuyện gì sẽ xảy ra Trung Quốc cứ lấn tới, quyết ngăn cản VN khai thác dầu trong vùng đặc quyền kinh tế VN, trong khi Việt Nam ngại đối đầu, cũng không dám kiện TQ ra tòa án quốc tế? Có lẽ chuyện mất lãnh thổ, lãnh hải là không thể tránh khỏi.

                            https://www.youtube.com/watch?v=afN2W5EJe5g

Vụ Bãi Tư Chính: Trung Quốc nói Mỹ ‘vu khống’, ‘vô trách nhiệm’, theo VOA. Đáp lại vụ Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố hôm ngày 20/7, lên án các hành động khiêu khích của Trung Quốc nhắm vào hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của các nước ASEAN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/7 nói rằng, “các tuyên bố của quan chức Mỹ về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông” mang tính “vu khống”.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Vụ bãi Tư Chính nhìn từ ‘chiến lược vùng xám’ của Trung Quốc. Bài báo phân tích: “Từ năm 2009 cho tới nay, TQ đã áp dụng một chiến lược tổng thể để thực hiện cho được mục tiêu thâu tóm Biển Đông. Giới phân tích gọi đó là ‘chiến lược vùng xám’, một chiến lược được sử dụng chủ yếu bởi các quốc gia xét lại như TQ”.

“Chiến lược vùng xám” của TQ thực hiện trên Biển Đông là: “Bắc Kinh có thể thực hiện những động thái o ép, ức hiếp các quốc gia khác, khiến căng thẳng có thể được đẩy lên cao, nhưng không bao giờ Bắc Kinh để căng thẳng vượt quá lằn ranh đỏ, vốn có thể khơi mào một cuộc xung đột vũ trang lớn”.

Tình hình “chiến tranh” dầu khí Biển Đông: Malaysia cũng bị Trung Quốc ‘ngăn trở’, BBC đưa tin. Ngày 17/7, báo South China Morning Post của Hồng Kông cho biết, tàu Haijing 35111 của Cảnh sát biển Trung Quốc đã tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia, phía nam quần đảo Trường Sa từ ngày 10 đến 27/5, gồm một lô dầu khí được cấp phép cho công ty Sarawak Shell của Malaysia.

AMTI xác nhận, khi Malaysia điều hai tàu tiếp tế đến khu vực này, chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc đã chạy quanh khiêu khích, “tiếp cận trong phạm vi 80 mét”. Tàu cảnh sát biển 35111 của Trung Quốc đã quấy rối ở vùng biển Malaysia trước khi đến quấy phá khu vực Bãi Tư Chính từ ngày 16/6.

Tổng thống Philippines thừa nhận làm ngơ cho tàu cá Trung Quốc trên biển Đông, theo báo Tiền Phong. Trong bài phát biểu về các chính sách quốc gia ngày 22/7, Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng, ông chấp nhận thỏa thuận để tàu cá Trung Quốc vào vùng biển Tây Philippines đánh bắt cá vì cho rằng việc đó không vi phạm hiến pháp, đồng thời thỏa thuận đó sẽ bảo đảm chiến tranh không nổ ra. Ông Duterte nói: “Chúng ta sở hữu biển Tây Philippines nhưng Trung Quốc kiểm soát nó. Đó là thực tế”.

VOA có clip, ghi lại cảnh biểu tình của người dân Philippines: Tổng thống bênh vực mối quan hệ với TQ, dân biểu tình.



Cao tốc Bắc Nam: Đa số nhà thầu Trung quốc

Zing đưa tin: Doanh nghiệp Trung Quốc áp đảo khi dự sơ tuyển dự án cao tốc Bắc – Nam. Có 16 nhà đầu tư Trung Quốc đến sơ tuyển tại dự án cao tốc Bắc – Nam, với một số tên tuổi như Tập đoàn Cục 16 đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn Cục 21 đường sắt Trung Quốc. Hàn Quốc xếp hạng nhì nhưng chỉ có 5 nhà đầu tư. Còn lại là 2 doanh nghiệp đến từ Pháp, một doanh nghiệp từ Singapore và một từ Philippines.

Bài báo lưu ý: “Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm số lượng đông nhất với 29 đơn vị. Tuy nhiên, không nhiều hồ sơ độc lập. Đa số doanh nghiệp chọn cách liên danh với nhau hoặc với nhà đầu tư Trung Quốc”. Nghĩa là viễn cảnh “bạn vàng” sẽ thu tóm được dự án cao tốc “xương sống” của đất nước đã dần hiện rõ.

Nhà thầu Trung Quốc chiếm số lượng áp đảo trong số các nhà đầu tư ngoại nộp hồ sơ sơ tuyển cao tốc Bắc – Nam. Hình: Ngọc Tân/Zing

Tình hình dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Nghệ An: Di dời gần 800 hộ dân, quy hoạch 32 khu tái định cư. Dự án đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua tỉnh Nghệ An có chiều dài hơn 88 km, trong đó “sẽ có 767 hộ phải di dời khỏi vùng dự án. Theo đó, các huyện, thị xã sẽ bố trí 32 khu tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống”.

Hiện nay, “25/32 vị trí tái định cư đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt gồm: huyện Quỳnh Lưu 2/4 vị trí, Diễn Châu 9/9 vị trí, Nghi Lộc 2/2 vị trí, Hưng Nguyên 12/14 vị trí”. Các khu tái định cư còn lại đang chờ phê duyệt, nhưng cũng chỉ là vấn đề thời gian trước khi người dân VN tiếp tục mất nhà, mất đất bởi sức ép và tiền bạc từ Bắc Kinh.


Chuyện làm ăn của cô “con gái rượu” của cựu Thủ tướng

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: 2 tỉ phú USD cho bà Nguyễn Thanh Phượng ‘vay’ tiền.  Hai tỉ phú đô la là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, TGĐ VietJet và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, vừa cho Công ty chứng khoán Bản Việt của bà Phượng “vay”, tổng số tiền là 385 tỉ đồng.

Trong đó, bà Thảo cho “vay” nhiều nhất với con số là 350 tỉ đồng, còn ông Quang là 35 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có một cá nhân ẩn danh khác cho “vay” 103 tỉ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài  cho “vay” 10 tỉ đồng. “Vay” ở đây bằng hình thức, các cá nhân này mua trái phiếu của Công ty chứng khoán Bản Việt.

 huy động hàng trăm tỷ đồng, bà Nguyễn Thanh Phượng vẫn “gặp khó” kinh doanh, theo báo Dân Trí. Công ty của con gái “đồng chí X” vừa công bố báo cáo tài chính quý II với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Doanh thu hoạt động của Bản Việt “trong kỳ giảm 11,2% so với cùng kỳ còn xấp xỉ 406 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 19,3% còn hơn 77 tỷ đồng. Đáng chú ý là doanh thu từ môi giới giảm tới 64% còn gần 121 tỷ đồng; thu từ tư vấn đầu tư chứng khoán giảm 6,5%”.


Vụ cán bộ dùng xe công tới dự đám cưới của con trai Trưởng đoàn ĐBQH Sóc Trăng

Báo Thời Đại đặt câu hỏi: Tổ chức đám cưới “khủng” cho con, nữ Trưởng ban dân vận Sóc Trăng nói gì? Ngày 22/7, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho biết, bà đã gặp lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng để báo cáo vụ tổ chức đám cưới cho con gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.

Bà Đào nói: “Mấy anh em ở các tỉnh đến tỉnh mình công tác, hay tin vui thì đến chúc mừng. Một số anh em này có hoạt động ở trường chính trị tại Cà Mau nên sẵn dịp ghé qua. Tôi là Trưởng đoàn ĐBQH nên đâu dám mời nhiều, chỉ mời một số anh em thân tình thôi… Để xảy ra vụ việc như vậy, bản thân tôi rất áy náy, sẽ rút kinh nghiệm”.

Tỉnh ủy Sóc Trăng kiểm tra vụ xe công đi ăn cưới con Trưởng đoàn ĐBQH, theo báo Tiền Phong. Ông Huỳnh Văn Sum, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sóc Trăng, xác nhận, Tỉnh ủy đã nắm được thông tin phản ánh vụ nhiều cán bộ tỉnh sử dụng xe công đi đám cưới. Ông Sum nói:

“Theo phản ánh, có nhiều xe mang biển số công vụ của tỉnh nhưng chưa xác định rõ là xe của đơn vị nào. Thế nên hiện tại, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kết hợp với Phòng CSGT tiến hành tra cứu biển số của tất cả xe bị phản ánh. Sau đó, chúng tôi sẽ làm việc, xác định rõ người nào trực tiếp sử dụng, vì không loại trừ khả năng một số cán bộ khác mượn xe để đi”.

VTC đặt câu hỏi: Xe biển xanh dự đám cưới con Trưởng đoàn ĐBQH Sóc Trăng của những đơn vị nào? Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng, thừa nhận: “Trong 5 xe, huyện ủy Châu Thành có 2 xe, Văn phòng Uỷ ban huyện Kế Sách có 1 xe, Công an Ngã Năm có 1 xe, Đảng Uỷ khối các cơ quan có 1 xe. Đa phần là các đơn vị cho các cán bộ hưu trí mượn xe”.


Phó Bí thư Thành ủy Kon Tum hư đốn

Ngày 22/7, UBKT Tỉnh ủy Kon Tum thông báo kết luận việc Chủ tịch HĐND thành phố bị tố quan hệ với phụ nữ có chồng, báo Dân Trí đưa tin. Trước đó, ông T.Q.T, người ở TP Pleiku, Gia Lai đã làm đơn tố cáo ông Phạm Minh Xem, Chủ tịch HĐND TP Kon Tum, Phó Bí thư Thành ủy Kon Tum, có quan hệ bất chính với vợ mình là bà T.T.L.P. “Ông Xem và bà P. có nhiều tin nhắn qua lại mang nội dung tán tỉnh, yêu đương, hẹn hò đi chơi”.

Ông Phạm Minh Xem trong một bức ảnh tình tứ với vợ dân. Ảnh của chồng bà P. cung cấp.

Nay UBKT Tỉnh ủy Kon Tum thừa nhận toàn bộ nội dung tố cáo của ông T là đúng sự thật, nhưng “hình ảnh siêu âm thai nhi do đã bị hư thai nên không thể xác minh ADN của thai nhi, nên không thể kết luận đó là kết quả của mối quan hệ bất chính giữa ông Xem và bà  P”. UBKT Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum.


Cưỡng chế “dự án ma” của Alibaba

Sáng ngày 22/7, lực lượng chức năng thị xã Phú Mỹ đã tổ chức cưỡng chế “dự án Alibaba Tân Thành” ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Infonet đưa tin. Bài báo cho biết, mảnh đất bị cưỡng chế có diện tích 24.500m2, phía trước có tấm biển ghi “Khu dân cư Alibaba Tân Thành”, do Công ty cổ phần địa ốc Alibaba phân phối sản phẩm đất nền với đối tác dưới tên dự án “Alibaba Tân Thành Center City 1” và có tòa nhà ghi “Tập đoàn địa ốc Alibaba”.


Vụ cưỡng chế dự án “ma” của Địa ốc Alibaba: Chủ khu đất không có mặt, theo báo Người Đưa Tin. Lúc 8 giờ 10 phút sáng, đại diện Ban cưỡng chế là Chủ tịch UBND xã Châu Pha, thông qua lệnh cưỡng chế, nhưng “do thời điểm công bố quyết định cưỡng chế không có mặt chủ đất là ông Sự nên Ban cưỡng chế mời các đơn vị đại diện đọc quyết định và ký xác nhận hiện trạng thực hiện công tác cưỡng chế”.

Sau buổi cưỡng chế, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ thông báo, sẽ tiếp tục cưỡng chế công trình nhà ở, nhà làm việc của Alibaba, VOV đưa tin. Ông Nguyễn Văn Thắm cho biết: “Sắp tới sẽ rà soát các thủ tục, định vị các thửa đất đang có công trình nhà ở công nhân, trụ sở giao dịch của công ty Alibaba tại thôn Tân Tiến, xã Châu Pha, trong vài ngày tới sẽ tiếp tục cưỡng chế phần diện tích xây xây vượt quy định trên đất ở nông thôn”.


Tin giáo dục

Báo Đất Việt đưa tin: Á khôi-doanh nhân xúc phạm hiệu trưởng vì con lưu ban. Đó là vụ bà Hồ Thị Thanh Hương, Á khôi doanh nhân ở Phú Quốc, lên mạng xúc phạm nặng nề thầy hiệu trưởng và trường THPT Phú Quốc về chuyện cho con của mình ở lại lớp. Trong status đăng trên trang cá nhân, bà Thanh Hương viết: “Đạo đức và lương tâm của thầy hiệu trưởng và hội đồng nhà trường đã bị chó tha hết rồi”. Còn phía nhà trường cho rằng, con gái bà này đã nghỉ học 50 ngày trong năm học 2018 – 2019.

Hiệu trưởng ở Phú Quốc lên tiếng vụ bị “Á khôi doanh nhân” chửi là “chó tha”, theo báo Người Lao Động. Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định, trường đã họp hội đồng thi đua nhà trường và hội đồng thống nhất cho con bà Hương ở lại lớp: “Trong quá trình nghỉ học vì ốm đau, thì bà Hương cũng chưa bổ sung hồ sơ giấy tờ bệnh án con của bà cho nhà trường. Trong trường hợp bổ sung đầy đủ hồ sơ bệnh án thì nhà trường sẽ xin ý kiến của sở xem xét lại, chứ làm trái quy định thì ai chịu trách nhiệm?”

Nữ giám đốc xúc phạm hiệu trưởng viết tâm thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT, Zing đưa tin. Tối 22/7, bà Hương xác nhận đã ký tâm thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT để trình bày những bất bình và kiến nghị bổ sung, điều chỉnh một phần nội dung Thông tư 58. Thông tư này quy định học sinh nghỉ quá 45 buổi trong năm học (có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nhiều lần cộng lại) sẽ không được lên lớp.


***






No comments: