Tuesday, July 30, 2019

CHÍNH QUYỀN BẤT CHÍNH (Đỗ Ngà)




30-7-2019

Nhu cầu cơ bản, thì nhà nước dùng tiền thuế của dân để thực hiện, nhu cầu nâng cao thì muốn dân phải bỏ tiền túi ra mua.

Trong giao thông, đường quốc lộ tỉnh lộ là nhu cầu thiết yếu của người dân di chuyển từ nơi này đến nơi khác, đó là nhu cầu cơ bản nên việc xây dựng những tuyến đường này là trách nhiệm của chính phủ.

Đường cao tốc, là nhu cầu nâng cao, ai muốn đi nhanh và đi trên đường tốt thì phải trả phí, chính vì thế mà với loại đường cao tốc, chính phủ nước nào cũng vậy, họ kêu gọi các nhà đầu tư bỏ tiền ra làm và thu phí người dân nếu dân có nhu cầu sử dụng.

Gần bên Việt Nam, như Thái Lan họ chỉ thu phí cho cao tốc – nơi mà ai có nhu cầu đi nhanh thì trả tiền, còn quốc lộ thì chính phủ có trách nhiệm xây dựng và di tu bằng tiền thuế của dân.

Và kế bên Việt Nam, Campuchia được coi là nghèo hơn Việt Nam, khi chính phủ của họ còn khó khăn thì họ cho đầu tư BOT quốc lộ, nhưng khi dân khá hơn đóng thuế cho chính phủ nhiều hơn, thì chính phủ nước này đã khai tử BOT quốc lộ cách đây 4 năm.

Nói như thế để thấy, nghèo như Campuchia và chính phủ họ cũng không trong sạch gì so với thế giới, nhưng so với chính phủ của chính quyền CSVN thì họ sạch hơn nhiều và có trách nhiệm với nhân dân họ hơn rất nhiều.

Câu hỏi đặt ra là, Chính phủ của chính quyền CSVN không thể nghèo hơn chính phủ Campuchia, nhưng tại sao hiện nay chính phủ Campuchia lo đường quốc lộ miễn phí cho dân họ được, còn chính phủ Việt Nam đang phải dùng quốc lộ để móc túi dân là sao? Câu trả lời là, bởi sự tham lam và khốn nạn tột cùng khi xem dân như là đối tượng để trục lợi nên chính quyền CSVN mới làm vậy.

Chính phủ Campuchia cũng đánh thuế dân Campuchia, chính phủ Việt Nam cũng đánh thuế dân Việt Nam, thậm chí đánh rất nặng nhưng chính phủ Việt Nam lại không có trách nhiệm bỏ tiền đầu tư đường quốc lộ? Vậy thì trách nhiệm của chính phủ đâu? Tiền thuế nhân dân đã đi về đâu?

Có thể nói BOT quốc lộ hiện nay là cơn đại dịch của đất nước Việt Nam. Nó thể hiện sự vô trách nhiệm của chính phủ với dân với nước. Thuế thì ăn rất đậm nhưng trách nhiệm đầu tư hạ tầng thì không làm. Lấy ví dụ như quốc lộ 1A, có chiều dài 2360 km nhưng có đến 40 trạm BOT, xấp xỉ 62 km một trạm. Nghĩa là liên minh chính quyền và doanh nghiệp sân sau đang là những con đỉa, cứ tầm từ 50-60 km đường quốc lộ thì thả một con cắm vòi hút máu nhân dân.

Thời Pháp thuộc và thời VNCH không hề có trạm BOT nào cả, nhưng nay chỉ riêng quốc lộ 1 có 40 trạm BOT. Có thể nói, CS đang hút máu dân kinh khủng hơn cả thời Pháp thuộc. Toàn thế giới, chính phủ nước nào thu thuế dân thì họ cũng có trách nhiệm xây đường cho dân đi, còn chính phủ của chính quyền CS Việt Nam thì khác, họ thu thuế để biến thành của riêng, và đường xá thì họ lại xem đây là nơi để đặt vòi hút máu.

Nói đến dịch BOT dày đặc trên quốc lộ không chỉ nói đến cái vô trách nhiệm của chính quyền CS, mà còn nói đến trò lừa đảo bên trong mỗi cái BOT đó. Trong đó nó chất chứa sự gian xảo của chính quyền và trò lừa đảo được bảo vệ bằng quyền lực.

Thực ra, nếu họ xây con đường nào họ thu tiền con đường đó thì dân cũng không phản ứng làm gì. Đằng này, liên minh giữa chính quyền và doanh nghiệp sân sau đang trấn lột luôn cả những người không hề sử dụng đường mà họ đầu tư.

Càng thâm hiểm hơn, chính quyền này còn muốn duy trì trò trấn lột đó nhờ sự mù mờ thông tin của người dân. Đa phần người dân mà không quân tâm đến chính trị, họ không hề biết bản chất xâu xa của trò lừa đảo này. Hầu hết người dân tới trạm thì đóng tiền chứ ít ai quan tâm là tuyến đường mình vừa đi đó, chúng nó có bỏ tiền ra xây dựng hay không? Chỉ có những người quan tâm đến chính trị họ mới thấy hết trò lừa đảo trấn lột này.

Sự lừa đảo của đại dịch BOT chủ yếu nằm ở 3 dạng:

Thứ nhất, đó là dạng lùa hốt tất cả. Là sao? Tức là thế này, có tuyến đường A và B khác nhau, nhưng cả tuyến A và B sẽ nhập lại thành tuyến C. Chính quyền và doanh nghiệp chỉ đầu tư xây dựng tuyến A, nhưng họ đặt trạm thu phí tại C để hốt tiền cả những người dùng tuyến A lẫn B để làm giàu bất chính. Điều này đã xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy – Tiền Giang.

Thứ nhì là hốt thêm. Là sao? Nghĩa là trạm BOT đã thu đủ thời gian, đã hoàn vốn và đủ lợi nhận như dự kiến, nhưng vì thấy nếu giữ trạm sẽ thu được rất nhiều mà dân không biết, nên doanh nghiệp thỏa thuận với chính quyền thu thêm để ăn chia. Như trạm thu phí Hầm đèo Ngang và Trạm Thu Phí An Sương.

Thứ 3 là, làm đường một nơi nhưng đặt BOT một nẻo. Nơi mà liên minh chính quyền và doanh nghiệp cho đặt trạm BOT là nơi có lượng xe thật đông đúc để hốt thật nhiều tiền thay vì thu đúng tuyến ít tiền hơn. Tuyến Cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài được xây dựng bằng BOT, trạm đặt tại đường này đã thu phí đến hết thời hạn. Thế nhưng vì lưu lượng xe quá lớn, chính quyền và doanh nghiệp không muốn nhả ra nên dùng nó tiếp tục thu phí cho 2 tuyến khác, đó là tuyến QL2 và đường tránh Thành Phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Nhìn vào việc làm của chính quyền này, chúng ta thấy rất rõ sự bất chính của cái chính quyền CS tự xưng là “nhà nước của dân, do dân và vì dân” này. Càng khốn nạn hơn, khi hôm nay, chính quyền này đã đem những người phản đối BOT bẩn ra tòa xét xử. Nếu xét cho đúng thì liên minh giữa chính quyền và doanh nghiệp sân sau đang phạm tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản nhân dân.

Những người phản đối BOT bẩn chính là những người chống lại một hành động phạm pháp. Nói thẳng ra, họ là những người đã thi hành đúng chức năng của một công dân, sự phản đối của họ như là một hành động yêu cầu chính quyền và doanh nghiệp sân sau phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nhưng trớ trêu thay, xứ “pháp quyền XHCN” này thì kẻ phạm pháp đã bắt và truy tố người sống đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Việt Nam khốn khổ là vậy đấy!
______

Tham khảo:












No comments: