Monday, April 2, 2018

TUYỆT PHẨM THIẾU NỮ BÊN HOA HUỆ (Bùi Đức Hào)




Bùi Đức Hào 
22/03/2018

Trong lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam, hội họa có vị trí khiêm tốn, mờ nhạt đến độ gần như vắng mặt. May thay, một trong những hệ quả tích cực nhất mà cuộc gặp gỡ văn hóa Đông-Tây khởi từ thế kỷ XVI[1] đã đem lại là sự ra đời của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội vào năm 1924.[2]

Trong các thế hệ họa sĩ xuất thân từ lò đào tạo chính quy này, Tô Ngọc Vân đứng vào hàng những nhân vật nổi tiếng nhất. Danh tánh ông từ lâu đã vượt ngoài biên giới đất nước và đặc biệt còn hưởng cái vinh dự hoàn vũ cực hiếm là được lấy đặt tên cho miệng một hỏa sơn phát hiện năm 2008 trên Sao Thủy[3].

Song, nếu nhìn kỹ lại, tác phẩm của ông cũng như bối cảnh hình thành và hoạt động của Trường, cùng điều kiện làm việc cụ thể của người làm nghệ thuật thời ấy, ít khi được đề cập một cách quy củ, nghiêm túc và xứng đáng với tầm vóc tài năng nhà danh họa : bài viết này, vì thế, mong được góp phần khơi gợi – gióng lên một “tiếng chuông” nào đó, dù nhỏ nhoi – để ước ao sẽ có ngày nhận biết được thêm những chia sẻ, phân tích và tư liệu bổ sung vào nguồn hãy còn quá ít ỏi hiện giờ của nó.

Tô Ngọc Vân vẽ không nhiều, và phần lớn những tác phẩm hoàn chỉnh nhất của ông lại bị “thất thoát”, lưu lạc ra xứ người. Các thông tin gần đây[4] cho thấy ngày nay trong nước chỉ còn lại những bản chép của bức tranh huyền thoại Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ, mà ngay hình chụp đang lưu hành (theo bản chép hay bản gốc[5]?) và thậm chí cả năm sinh của tác giả (1906 hay 1908?) cũng còn chưa được xác minh thỏa đáng.

Sẽ không có chỗ cho dửng dưng vô cảm trước một sự thực phũ phàng như vậy. Những đánh giá trách nhiệm và biện pháp sửa chữa rồi phải đến.

Nhưng trước mắt là một niềm tiếc nuối vô biên, mỗi khi ta cố lắng lòng để tĩnh tâm chiêm ngưỡng, thả hồn theo chiều kích kỳ vĩ và vẻ đẹp lạ lùng của kiệt tác này…

Xuân sắc và nhịp điệu : đôi cánh nâng lên tầm hiện đại

Bức tranh không giống bất cứ một họa phẩm nào khác, cho dù mang cùng cái chủ đề rất ư cổ điển là hoa với giai nhân[6]. Không phối cảnh (perspective) hay khung cảnh nào hết, nó không như những tranh khác thường gặp, kể cả của chính tác giả. Hình trong tranh gần như trải phẳng trên hai chiều khung vải, cộng thêm với chủ ý « cắt hình » sát nút của người vẽ, tạo nên hiệu ứng làm tập trung nhãn giới vào đối tượng : bỗng chốc nó như được khuếch đại, chiếm hết cả không gian.

Toàn bộ bức tranh là một cái nhìn cận cảnh, xuất phát từ một chủ thể đang ở kề sát vì bị lôi theo cơn mê đắm thôi miên, như một Đinh Hùng trong Đường Vào Tình Sử :

Có những buổi ta nhìn em kinh ngạc
Hồn tan dần trong cặp mắt lưu ly” …

Thiếu nữ bên hoa huệ (1943) [sưu tầm trên mạng (sttm)]

Nhưng cặp mắt thiếu nữ không nhắm một ai. Nàng chìm vào cõi mộng, tay vén nghiêng mái tóc về phía trái – phía của trái tim –, để lộ dưới vành tai e ấp một vùng ót cổ thiên nga ngà ngọc. Như hoa quý khoe hương. Như một nỗi rạo rực đợi chờ. Như Mùa Xuân dâng hiến.

Chỗ nõn nà ửng sáng ấy là điểm nhấn độc đáo, là “cái đinh” hình tượng của tác phẩm : trước và sau họ Tô, trong hội họa Việt Nam, không có ai biểu đạt xuân sắc ý nhị và nồng nàn đến như thế.

Thiếu nữ trong tranh có thân hình cân đối và gợi cảm như một pho tượng Hy Lạp, bó sát trong bộ áo dài tha thướt, biểu tượng sáng giá của những gì mà một cách tân bứt phá có thể đem lại trong kỷ nguyên mới. Mơ màng theo một ý nghĩ riêng tư nào đó, nàng hơi khum người lại như muốn giữ kín niềm tâm sự. Rất có thể nàng cũng mang cùng tâm trạng với người đàn bà đáng yêu trong điệp khúc bất hủ của Phan Vũ-Phú Quang:

Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm”
(Em Ơi Hà Nội Phố)

Toàn bức tranh, thoạt đầu, toát ra một sự tĩnh lặng. Một chút se lạnh loang từ màu sắc chủ đạo. Có người nói đến một nỗi buồn man mác.

Rồi từ bờ vai thon mềm ấy, mỗi cánh tay nhịp nhàng vẽ lên một vòng bán nguyệt đa nghĩa : hai bàn tay đối ứng âm dương, tay dưới vừa đủ chạm đóa hoa chủ với đài hoa căng tròn, nằm ở trung tâm bức tranh – ngang tầm bộ ngực – và cũng là môi giới duy nhất giữa giai nhân với ngoại cảnh. Hoa thường là chỉ phái đẹp, nhưng ở đây, đối ngẫu với kiều nữ, nó trở thành một biểu tượng mang dương tính. Chỉ riêng điều này cũng có khả năng gợi mở cho một diễn dịch dựa vào vô thức, trong chiều hướng phân tâm học theo thuyết lý của Freud[7]







No comments: