Lê Phan
April
14, 2018
Đó
là kết luận của hai chuyên gia về Internet khi bàn về cuộc điều trần ở Quốc Hội
của Tổng Giám Đốc Mark Zuckerberg của Facebook.
Hai
chuyên gia đó là bà Renee DiResta, người đứng đầu về chính sách của tổ chức
Data for Democracy và ông Jonathon Morgan, tổng giám đốc của New Knowledge, một
công ty kỹ thuật mà nhiệm vụ là bảo vệ các nhãn hiệu chống lại những thông tin
sai lầm; ông cũng là sáng lập viên của tổ chức Data for Democracy.
Cuộc
điều trần của ông Mark Zuckerberg ở lưỡng viện Quốc Hội là cao điểm của một vụ
scandal vốn bao trùm công ty kể từ khi một cựu viên chức của Cambridge
Analytica, một công ty tư vấn chính trị, tiết lộ là qua Facebook, công ty này
đã đột nhập và chiếm đoạt được một số lượng khổng lồ trong số các người sử dụng
Facebook và từ đó sử dụng những dữ liệu này để giúp ảnh hưởng cuộc bầu cử năm
2016 ở Hoa Kỳ và cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh.
Nhưng
theo hai chuyên gia của Data for Democracy, đây mới là bước khởi đầu chứ không
phải là kết thúc. Trước những tiết lộ về việc lạm dụng các diễn đàn của họ, và
bị đe dọa những luật lệ kiểm soát không những ở Âu Châu mà còn ngay tại Hoa Kỳ
nữa, Facebook và các công ty truyền thông xã hội khác đang cố gắng chống lại những
điểm yếu trong chính sách cũng như sản phẩm của họ.
Facebook,
theo ông Zuckerberg giải thích trong cuộc điều trần, đang có những thay đổi về
cách người ta có thể lấy dữ liệu qua API, một digital interface (một tiếp diện
digital) qua đó những người thứ ba có thể giao tiếp và lấy dữ liệu từ diễn đàn:
xác nhận ID của những người mua quảng cáo và xác nhận chủ nhân của những trang
với nhiều độc giả. Nhưng mặc cho có những thay đổi này, không có điều gì mà một
diễn đàn có thể làm để giải quyết nạn tin sai, quá khích hóa qua Internet, những
lý thuyết âm mưu hay tin dỏm. Chiến tranh tin học nay là thực tế mới mà chúng
ta phải đối diện.
Ông
Zuckerberg đã than thở, “Không thể hoàn toàn giải quyết vấn đề an ninh. Nó là một
cuộc chạy đua vũ trang. Tôi tin tưởng là chúng tôi đã có tiến bộ đối với các đối
thủ đó, nhưng họ rất lão luyện.”
An
ninh mạng quả là một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng là một cuộc đua mà các công
ty truyền thông xã hội có vẻ đang thua. Cuộc điều tra phát xuất từ việc Nga
thao túng cuộc bầu cử năm 2016 không phải là lần đầu tiên mà Facebook và những
diễn đàn truyền thông xã hội đã không thấy những chỉ dấu quan trọng, hay đã phải
cố gắng có những thay đổi phản ứng trễ trước sự nổi giận của quần chúng.
Hết
lần này sang lần khác, những diễn đàn này đã bị sử dụng để thao túng cuộc đối
thoại trong cộng đồng – từ ISIS tràn ngập Internet với tuyên truyền cho khủng bố
đến những nhóm chơi game online sách nhiễu các nhà báo. Những diễn đàn
laissez-faire dễ dãi này không có đủ khả năng đến đối phó với những hành vi
thao túng ở một mức độ có hệ thống. Công chúng nói chung chú ý đến tin tức về một
tài tử chẳng hạn trong một giây lát, nhưng chu kỳ tin tức nay di chuyển rất
nhanh. Tuy tường thuật về một cuộc chạm súng được loan tải rồi quên đi, cuộc
chiến này nay là thực tế của cuộc sống hiện đại. Và mọi sự bắt đầu từ cách
chúng ta chia sẻ thông tin đã hoàn toàn thay đổi.
Khi
Facebook chào đời năm 2004, chỉ có 63% người Mỹ thường xuyên sử dụng Internet,
và những người đó thường nói là Internet giúp họ tiếp cận một số những lập trường
chính trị đa dạng hơn. Hiện nay, năm 2018, gần 90% người Mỹ sử dụng Internet và
đa số người Mỹ nhận được tin tức từ truyền thông xã hội. Ngày hôm nay, những
feeds tin đã được cá nhân hóa, điều khiển bởi những toán thuật, sản xuất ra những
“bong bóng lọc” vốn tăng cường thêm những thiên vị chính trị của người sử dụng
thay vì đưa cho họ nhiều lập trường khác nhau. Một thế hệ học sinh và sinh viên
đã thay thế gặp gỡ nhau bằng gặp gỡ online. Truyền thông digital đã trở thành
cách chúng ta trao đổi và tìm hiểu thế giới, ngay cả khi chúng ta thấy có những
sai lầm hệ thống trong môi trường thông tin của chúng ta.
Trong
những câu trả lời, ông Zuckerberg đã nói với Quốc Hội là công ty đang có những
thay đổi để giải quyết “tin dỏm, can thiệp ngoại quốc vào bầu cử và những nội
dung thù hận.” Trong khi thật đáng kích lệ là Facebook sau cùng công nhận đe dọa
nghiêm trọng mà diễn đàn của họ đang đối diện, vấn đề của hệ sinh thái thông
tin của chúng ta vượt trên chính trị và chính sách.
Một
bản phúc trình của một ủy ban Hạ Viện đã cho biết chi tiết về những nhà tuyên
truyền Nga đã tìm cách làm mất niềm tin vào kỹ nghệ năng lượng Hoa Kỳ. Ba nhà
kinh tế ở Anh mới đây tiết lộ phương cách mà truyền thông xã hội có thể làm giảm
giá cổ phiếu, và những trolls trên Internet còn tìm cách thao túng và ảnh hưởng
cả đến việc phê bình phim ảnh. Và như ông Zuckerberg chỉ ra, ngay cả khi
Facebook có những bước để tự bảo vệ chống lại những loại tấn công như thế này
“những người ở Nga mà công việc là tìm cách lợi dụng hệ thống của chúng ta và
các hệ thống Internet khác. Họ sẽ ngày càng giỏi hơn và chúng ta cũng cần phải
đầu tư để giỏi hơn họ nữa.”
Tuần
này là phiên của Facebook, nhưng những cuộc điều trần trước đã có sự hiện diện
của Twitter và Google. Với mọi khía cạnh của cuộc đời chúng ta lên mạng, chúng
ta đã nhượng cuộc sống hằng ngày của mình cho một hoàn cảnh bị chế ngự bởi một
số rất nhỏ những công ty to lớn, mạnh mẽ mà lại hầu như không bị kiểm soát tí
nào cả. Thông tin bịa đặt dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Như
Thượng Nghị Sĩ John Kennedy của Louisiana đã nhận xét thật đích đáng, “Miền đất
hứa tin học của chúng ta nay chúng ta mới khám phá, là một bãi mìn.”
Muốn
giải trừ mìn từ bãi mìn đó đòi hỏi sự đóng góp tích cực ở mọi cấp, giữa các ban
ngành chính phủ, giữa chính phủ và truyền thông, giữa chính phủ và doanh nghiệp,
và giữa chính phủ và nhân dân. Nhưng điều quan trọng nhất là một sự chấp nhận
là trong trận chiến này, chính trị đảng phái, tự ái cá nhân và bè phái không có
chỗ đứng. Nếu không chúng ta chưa đánh mà đã bại trong cuộc chiến tin học, bởi
nó là cuộc chiến xảy ra ngay bên trong xã hội của chúng ta.
Riêng
mỗi cá nhân, có lẽ có một điều chúng ta nên tự lưu ý, đó là trên đời này không
có gì miễn phí hết, và khi một sự việc khó tin thì nó không thể nào có thực trừ
phi chúng ta cố tình nhắm mắt làm ngơ tin theo.
Đại
Học Cambridge và một tổ hợp truyền thông Hòa Lan vừa mới tạo ra một trò chơi
mang tên Bad News nhằm giúp tạo cho chúng ta một thứ chủng ngừa đối với tin dỏm.
Trò chơi có mục đích cho chúng ta thấy kỹ thuật tạo tin dỏm và nó không khó gì
cả.
Một
phóng viên của tờ Financial Times đã thử và kể lại, “Chỉ vài phút sau khi bắt đầu
trò chơi, tôi đã tạo một địa chỉ dỏm của Tổng Thống Donald Trump và tweet về
chiến tranh với Bắc Hàn và chọn một cái tên cho địa chỉ dỏm của tôi: Honest
Truth Online. Tôi được một phần thưởng cho mạo danh – một trong sáu chiến thuật
của trò chơi – nhưng tôi vẫn chưa có bao nhiêu người theo và mức tin tưởng vào
địa chỉ của tôi thấp. Tiếp tục trò chơi, tôi được cho lựa chọn: lợi dụng sợ hãi
hay tức giận? Viết một tin dỏm hay tạo một meme? Troll những tổ chức quốc tế
hay chọn một cá nhân? Tôi cũng được cho biết sức mạnh của việc dùng bots để
bành trướng ảnh hưởng. Khi tôi mua 4,000 bots, thông điệp của tôi lan nhanh và
mức khả tin tăng. Vào cuối cuộc chơi tôi có điểm cao.”
Chúng
ta không thể sống cuộc sống hiện đại mà không có Google, Facebook, Twitter và
vô số những diễn đàn khác, nhưng nếu chúng ta không học cách chế ngự những
phương tiện này thì những gì quan trọng nhất cho chúng ta, từ nền dân chủ đến
công bằng xã hội sẽ tan vỡ. Không thể để cho chiến bại trong cuộc chiến tin học
bởi nếu thất bại là mất hết. (Lê Phan)
------------------------------
XEM THÊM
Việt
Nguyên/Người Việt
April
13, 2018
Ngày
10 và 11 Tháng Tư, 2018, Mark Zuckerberg, tổng giám đốc công ty Facebook, ra
trước Quốc Hội điều trần về xì căng đan công ty Cambridge Analytica đã sử dụng
những dữ liệu cá nhân của hơn 87 triệu người dùng Facebook, công ty với Steve
Bannon (cựu chiến thuật gia Tòa Bạch Ốc của Tổng Thống Donald Trump) làm phó chủ
tịch, công ty cũng nhận tài trợ của Robert Mercer đại gia đứng sau lưng ông
Trump.
Hai
tỷ người dùng Facebook mỗi tháng bỗng nhiên rung động khi biết Facebook sử dụng
dữ liệu cá nhân không được xin phép. Trung bình một người lên xem Facebook 50
phút mỗi ngày nay rút khỏi Facebook, đa số là giới trẻ còn người già không thấy
bị ảnh hưởng vẫn trung thành với Facebook.
Người
Mỹ đôi khi hơi buồn cười, lên Facebook phải biết đời tư đã thành đời công nhưng
vẫn ngạc nhiên khi đời tư đã bị tiết lộ. Facebook với những kỹ thuật tiến bộ thế
kỷ 21 không khác nào “chợ chồm hổm” của các bà đi chợ trong mấy ngàn năm, xách
giỏ đi chợ, ngồi xuống trao đổi tin tức gia đình hàng xóm, loan truyền tin vịt,
tin đồn nhảm, cho đến khi xem đồng hồ giật mình phải đi chợ gấp để về làm cơm
cho chồng con!
Năm đại công ty Microsoft, Apple, Facebook, Amazon và Google với những kỹ thuật
điện tử tối tân cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 đã thay đổi thế giới từ lối sống
đến truyền thông. Các nhà tỷ phú trẻ tuổi năng động với lối ăn mặc giản dị, áo
thun, áo polo đi làm, nhân viên vì vậy chú trọng đến năng suất không để ý đến y
phục như những thập niên trước, Mark Zuckerberg, tỷ phú mất hơn $100 tỷ qua trị
giá công ty, đã tự đặt ra sứ mạng khi thành lập công ty Facebook: thay đổi thế
giới để thế giới trở nên cởi mở, khi thế giới cởi mở thì thế giới sẽ tốt hơn.
Năm
2017, tuyên ngôn của Zuckerberg: “Facebook giúp nhân loại với nền nhân bản tiến
đến thành lập hạ tầng xã hội cho cộng đồng thế giới.” Qua các máy điện toán ở
nhà, Facebook lập ra mạng xã hội có tham vọng thành biên thùy mới của thông
minh nhân tạo (A.I.). Bà Hillary Clinton khi còn là ngoại trưởng đã xem
Facebook là diễn đàn tự do, khuyến khích Facebook đến các nước độc tài để dân
có diễn đàn tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Mục đích của Facebook vĩ đại
nhưng Facebook cũng chỉ là phương tiện, một con dao hai lưỡi, các nước Cộng Sản
cũng biết dùng Facebook để truyền đạt bạo lực, thù hận và đàn áp. Tù đày bắt bớ
vẫn là phương pháp hữu hiệu để đàn áp đối lập.
Trong
những ngày đầu của Facebook Zuckerberg được hỏi: “Tại sao mọi người đã đưa hết
tất cả dữ liệu cá nhân cho Facebook?” Nhà tỷ phú trẻ tuổi đã trả lời kiêu ngạo
“vì họ đã tin tôi, đồ ngu!” nay với xì căng đan Cambridge Analytica Zuckerberg
phải sửa đổi để lấy lại niềm tin cho công ty.
Chủ
tịch công ty Cambridge Analytica, Alexander Nix đã thú nhận là cái não vận động
bầu cử của Tổng Thống Trump gồm 40,000 cử tri Michigan, Wisconsin và
Pensylvania đã thay đổi ý kiến trong ngày bầu cử 8 Tháng Mười Một, 2016, bầu
cho Donald Trump nhờ quảng cáo, thông điệp lấy từ dữ liệu cá nhân của cử tri.
Bà Hillary Clinton gọi công ty Cambridge Analytica là cơ quan tuyên truyền quên
đi trong chính trị Facebook chỉ là phương tiện người nào biết sử dụng kẻ ấy thắng.
Xì
căng đan đã cho thấy bộ máy vận động tranh cử của Donald Trump lấy được dữ liệu
của 50 triệu người trên Facebook mà không cần phải xin phép. Đây là bài học cho
những người có đời sống qua mạng lưới điện tử với dữ liệu cá nhân chia sẻ với bạn
bè. Alexander Kogan, tâm lý gia, đã làm ra App để lấy dữ liệu trên 270,000 người
bán cho Cambridge Analytica để Steve Bannon sử dụng trong kỳ tranh cử. Luật bảo
vệ dữ kiện cá nhân bị vi phạm, theo luật mỗi người phải được biết trước khi họ đồng
ý chia sẻ.
Xì
căng đan của Facebook đặt vấn đề mạng lưới điện tử, khác với tuyên ngôn của
Zuckerberg, thập niên 1990 mạng điện tử bị xem là đe dọa cho tư bản chứ không
phải là đe dọa cho các quốc gia độc tài Cộng Sản. Công ty Napster là một đe dọa,
bị xem như là phương tiện theo dõi hữu hiệu rẻ tiền, các người sử dụng dễ bị
theo dõi. Các công ty lúc đầu lỗ lã như công ty Uber nhưng dụ dỗ mọi người bằng
các App càng dùng các công ty càng có những dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các
kinh doanh thương mại. Dữ liệu cá nhân cũng như dầu dưới mặt đất. Các công ty dầu
đào mỏ dầu, các công ty mạng điện tử đào dữ kiện cá nhân. Các công ty như Uber
đào dữ kiện qua mỗi lần hành khách đi xe, các dữ kiện cá nhân, ngày giờ, thái độ
hành xử khi hành khách lên xe xuống xe được phân tích qua các máy quay phim
phân tích nét mặt giọng nói…
Năm
2010, tờ Wall Street Journal đã cho biết các App của Facebook đã thu nhặt dữ kiện
cá nhân của các người sử dụng cung cấp cho các công ty quảng cáo hay các công
ty thu thập tin tức khác mà không hề có sự chấp thuận. Qua sự điều tra của công
tố viên đặc biệt Mueller, Facebook đã bán hàng trăm ngàn đô la quảng cáo cho
các công ty “Dư luận viên” Nga. Hơn 126 triệu người Mỹ đã bị Nga sử dụng dữ kiện
cá nhân để làm tin vịt trong kỳ bầu cử tổng thống từ 2015 đến 2016.
Tổng
giám đốc công ty Facebook, ông Mark Zuckerberg, ra điều trần trước Ủy Ban Năng
Lượng và Thương Mại Hạ Viện hôm Thứ Tư, 11 Tháng Tư. (Hình: Chip
Somodevilla/Getty Images)
Ngoài
Facebook, công ty Google cũng giống như “anh cả” trong truyện George Orwell,
Google biết bạn đã đi đâu, ở đâu, làm gì, vào lúc nào qua các App. Google giữ lại
vị trí của bạn mỗi lần mở máy điện thoại di động, thời khóa biểu khi dùng
Google, giữ tất cả lịch sử truy lùng tìm kiếm, xóa bỏ trên máy. Amazon dùng tất
cả dữ liệu cá nhân để quảng cáo, làm thương mại. Ngoài YouTube các máy ảnh trên
mạng thu thập tất cả tin tức, buổi họp & Dữ liệu cá nhân là dầu của các
công ty điện tử, dầu là nguyên liệu thiên nhiên đem lợi tức đến các công ty dầu
còn dữ liệu cá nhân là tư liệu đem lợi tức cho các công ty điện tử. Người Mỹ
nay có câu: “Các nhà bảo vệ môi sinh
không phá hoại thiên nhiên bằng cách để dầu dưới mặt đất không khai thác còn
các công ty điện tử Silicon Valley không để đầu bạn yên, họ đào óc bạn để khai
thác dữ liệu!”
Mạng lưới điện tử bắt nguồn từ DARPA (Cơ Quan Nghiên Cứu
Các Chương Trình Quốc Phòng) cơ quan này có trách nhiệm thành lập và phát triển
các kỹ thuật quốc phòng mới. Được gọi là “Free Internet” các mạng lưới điện tử
hiện tại được dùng được kiểm soát bởi các công ty tư tuy nhiên kỹ thuật tân tiến
như nhận diện, nói, thông minh nhân tạo của các điện thoại thông minh đều là
thương mại hóa của phát minh quốc phòng.
DARPA
lúc đầu cấp quỹ cho nghiên cứu quốc phòng và giáo dục nhưng tương quan giữa
Silicon Valley và an ninh quốc gia lẫn lộn, các kỹ thuật của Silicon Valley cần
thiết cho quốc phòng như thông minh nhân tạo (A.I.) cần cho máy bay không người
lái (drone). Chính quyền Hoa Kỳ đã cung cấp ngân quỹ cho các đại công ty điện tử
qua cơ quan nghiên cứu sáng tạo cho các thương mại nhỏ (SBIR) lên đến $2.5 tỷ mỗi
năm theo sách của Linda Weiss. Silicon Valley cũng được ngân quỹ từ các cơ quan
CIA, quốc phòng, hải quân, NASA, NGIA (cơ quan tình báo không gian) và Bộ Nội
An trợ giúp. Mục đích chính của ngân quỹ này là tạo ra những phát minh kỹ thuật
cho quốc phòng trong khi bảo đảm các kỹ thuật này sẽ đi vào kỹ thuật dân sự để
nhắm đến tiến bộ kỹ thuật chung cho quốc gia và tư nhân.
Chính
quyền Hoa Kỳ đã ủng hộ sự độc quyền của năm đại công ty điện tử để Hoa Kỳ sử dụng
“sức mạnh mềm” đi chung với bộ máy chiến tranh. Nói đến soft power “sức mạnh mềm”
từ thời chính quyền Bush và Obama đến nay là nói đến sức mạnh của các công ty
điện tử chứ không phải là sức mạnh của đồng tiền như thời chiến tranh lạnh giữa
Hoa Kỳ và Xô Viết.
Sau
khi xong nghiên cứu, chính quyền không giữ bằng sáng chế, các công ty tư làm
giàu nhờ các sáng chế này. Các công ty có quyền bán phát minh cho bất cứ người
nào, bất cứ nước nào, lợi tức không bắt buộc phải chia cho chính phủ, kết quả
như Intel mấy tháng trước báo cho chính quyền Trung Quốc về con “chip” hư có thể
hại đến an ninh quốc gia Trung Quốc trước khi báo động chính quyền Hoa Kỳ.
Tiền
thuế dân Mỹ đóng vì vậy làm lợi cho năm đại công ty (Tổng Thống Trump không chú
ý điều này chỉ đánh Amazon về tội sử dụng bưu điện). Năm đại công ty vừa kinh
doanh hàng trăm tỷ đô la vừa làm chủ dữ liệu của quốc gia và tư nhân. Một phần
vì phụ thuộc vào kỹ thuật của các công ty điện tử, chính quyền Hoa Kỳ đã nhắm mắt
cho khế ước các công ty như Booz Allen Hamilton, Boeing Analytx, Paluatir, SCL
và công ty Cambridge Analytica có phần hùn với SCL.
Chính
quyền Hoa Kỳ xem năm đại công ty Silicon Valley là sự cần thiết cho an ninh quốc
gia. Quyền này phần lớn nằm trong tay Mark Zuckerberg công ty Facebook và Larry
Page cùng Sergey Brin công ty Google vì họ kiểm soát các công ty này với hơn
50% số phiếu công ty. Mục đích lúc đầu là giữ cân bằng giữa an ninh quốc gia và
kỹ thuật tư nhân nay đã nghiêng về quyền lợi vì chính quyền không kiểm soát các
công ty cho đến khi xảy ra xì căng đan Cambridge Analytica.
Từ
lâu, trong nước các phương tiện trên mạng được sử dụng cho vận động bầu cử, báo
chí cảnh cáo nhưng chính quyền không chú ý. Cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều
sử dụng dữ liệu cá nhân trên mạng để nhắm đến cử tri. Anh em nhà Koch với công ty dữ liệu i 360 lấy
được dữ liệu 250 triệu cử tri Mỹ, ảnh hưởng bầu cử qua các text trên điện thoại
di động. Google Double click và Facebook, được liệt kê trên i 360 là phương tiện
hữu hiệu để quảng cáo tranh cử. Google, Facebook, Twitter đều bị tin tặc do dư
luận viên và người máy Nga dùng tên giả (trolls và bots) để ảnh hưởng lên bầu cử
2016 (Tổng Thống Trump do dự nhưng cuối cùng cũng đi bước đầu trừng phạt Nga).
Dân
chúng bắt đầu đặt câu hỏi: An ninh quốc gia có bị xâm nhập với các trolls, bots
của Nga? Tấn công lớn nhất là vào Tháng Mười, 2016, Mirai Bonet đã phá công ty
Dyn (quản trị một phần hạ từng mạng lưới) làm ngưng hoạt động phần lớn mạng lưới
điện tử từ giao thông, máy điện, hồ sơ y khoa…
Facebook
đã ước lượng hơn 11 triệu người Mỹ xem quảng cáo của Nga để làm cuộc bầu cử
nghiêng về cho Tổng Thống Trump. Google cũng cho biết con số kể cả trên YouTube
và Gmail, có khoảng hơn 126 triệu người đã bị nhóm Nga lấy dữ liệu.
Năm
1983, Tổng Thống Ronald Reagan đọc diễn văn đã xem Xô Viết là đế quốc quỷ, mối
thù này V. Putin không quên, nay chiến tranh trên mạng lưới Cyberware được
Putin sử dụng cũng như chính công ty Nga Kapersky Lalo đã khám phá vi khuẩn
Stuxnet của Hoa Kỳ và Do Thái dùng ngăn chặn chương trình nguyên tử của Iran và
sẽ lan đi trên mạng lưới toàn cầu. Chương trình của vi khuẩn này của NSA, cơ
quan an ninh quốc gia năm 2009 thời chính quyền Obama nhằm cảnh cáo các nước là
Hoa Kỳ sử dụng mạng lưới trong mục đích tấn công.
Tỷ
phú Mark Zuckerberg đã nhũn nhặn hơn sau xì căng đan Cambridge Analytica, hứa
dùng mọi cách để sửa chữa lỗi lầm một phần có lẽ vì phản ứng của đa số dân
chúng đã đề nghị chính quyền Hoa Kỳ một nước dân chủ phải có chính sách trong
sáng hơn về mạng lưới hay một đề nghị khác là dùng luật chống độc quyền để phá
vỡ năm đại công ty thành các công ty nhỏ hơn. (Việt Nguyên)
No comments:
Post a Comment