Sunday, April 1, 2018

CÁ RỒNG ĐỎ : CHÍNH HÃNG REPSOL BỊ TQ 'GÂY ÁP LỰC' ? (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
1 tháng 4 2018

Có nguồn tin nói trong diễn biến ở Biển Đông liên quan dự án Cá Rồng Đỏ, chính đối tác của phía Việt Nam là hãng Repsol đã 'chịu tác động của Trung Quốc' và đề nghị phía Việt Nam 'cho tạm dựng' dự án khoan lại, một nhà phân tích chính trị, an ninh và quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á nói với BBC hôm thứ Sáu.

Repsol là đối tác được Việt Nam thuê tiến hành các hoạt động thăm dò trong dự án Cá Rồng Đỏ, theo giới quan sát.  GETTY IMAGES

Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt hôm 30/3/2018, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore) và thành viên nghiên cứu khách mời thuộc Think Tank Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, London) cũng nêu quan điểm cho rằng trong trường hợp Repsol rút ra khỏi dự án, Việt Nam có thể có các phương án thay thế khác mà chẳng hạn đến từ Mỹ, Nga hay trong khu vực.

Theo nhà phân tích này, dự án đã bị 'tạm dừng' chứ không phải là bị 'hủy' hay 'từ bỏ' hẳn. Nhân dịp này, ông Hà Hoàng Hợp cũng đưa ra một số quan sát, phân tích và dự phóng về tình hình an ninh trên Biển Đông trong trung và dài hạn. Sau đây là nội dung chính cuộc trao đổi của BBC với nhà nghiên cứu:

BBC Tiếng Việt: Thưa tiến sĩ, liên quan sự việc mọi người rất quan tâm ở trên Biển Đôngmới đây diễn ra ở dự án Cá Rồng Đỏ, đã có nhiều thông tin khác nhau, có nguồn nói rằng Việt Nam chịu một áp lực từ phía Trung Quốc nhưng cũng có thông tin cho rằng phía đối tác của Việt Nam bị áp lực ngừng hoạt động khoan, ý kiến của ông thế nào?
TS. Hà Hoàng Hợp: Có nguồn tin nói rằng là phía đối tác Repsol chịu tác động của Trung Quốc và có đề nghị phía Việt Nam cho tạm dừng dự án khoan dầu lại.
Về phía Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, người ta cũng đồng ý thôi. Thế nhưng trước khi đồng ý, người ta cũng có ý kiến xin phép ở đâu đó, cấp trên nữa thì bảo rằng đó là việc của doanh nghiệp. Người ta đồng ý cho tạm dừng, nhấn mạnh tạm dừng, không phải dừng toàn bộ hay là hủy, chứ không thể hủy được.

VIDEO :
TS. Hà Hoàng Hợp bình luận và dự đoán diễn biến về dự án 'Cá Rồng Đỏ' trên Biển Đông

BBC Tiếng Việt: Các nguồn tin nói rằng ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị theo kế hoạch thăm Việt Nam. Liệu ông Vương có nhắc tới câu chuyện Cá Rồng đỏ này không? Và nếu có nhắc tới thì sẽ thế nào và phản ứng Việt Nam có thể ra sao?
TS. Hà Hoàng Hợp: Tôi nghĩ là có rất nhiều chuyện mà hai bên, tức là phía Việt Nam và Trung Quốc trao đổi với nhau. Nội dung trao đổi với nhau như thế nào thì không được biết. Nhưng nếu có trao đổi về chuyện như là ở Biển Đông, tức là với những chuyện cụ thể hơn nữa về mỏ này, mỏ kia thì tôi hiểu rằng ở đây không có gì để xảy ra nhượng bộ.
Tất cả những chỗ ấy là những chỗ thuộc thềm lục địa của Việt Nam, nó không nằm ở trong bất kỳ vùng tranh chấp nào cả, thì việc đặt ra một việc để ép nhau là một điều vô lý, không ai có thể chấp nhận được.
Đường lối ngoại giao, đối nội của Việt Nam rất rõ. Những người Việt Nam ở đó hiểu rằng chỗ nào là chỗ giới hạn cuối cùng người ta không thể vượt qua được, bởi vì vượt qua là phản lại đường lối ấy thì không thể vượt qua được.

'Lùi một bước, tiến ba bước'?

BBC Tiếng Việt: Về thông tin liên quan đến mỏ Cá Voi xanh, theo những gì ông quan sát thì tình hình đến nay có thể cập nhật ra sao?
TS. Hà Hoàng Hợp: Tôi hiểu là người ta đang tiến hành rồi chứ không phải là dừng lại hay người ta không làm gì cả. Thông tin mà ở chỗ khác có thì tôi thấy nó cũng không được đúng, với hiểu biết của tôi là nó không đúng, không trùng khớp với hiểu biết của tôi.
Người ta đang làm một cái gì đó ở đó và làm điều đó rõ ràng là khó mà có một bên khác can thiệp vào được, bởi vì đấy là người ta làm một cách hợp pháp và không vào một vùng nào để bất kì một bên thứ ba nào có quyền nói năng vào đấy cả.
Nhất là khi mà hai bên Việt Nam và Mỹ đã thống nhất, đã nói với nhau rất rõ tại hội nghị thượng đỉnh Apec ở Đà Nẵng, thì người ta không có lý do gì để dừng lại cả.

Tàu chở dầu ngoài khơi biển Vũng Tàu.  HOANG DINH NAM

BBC Tiếng Việt: Trở lại dự án Cá Rồng Đỏ, có ý kiến cho rằng đây là bước lùi 'thậm tệ, tai hại,' nhưng cũng có ý kiến cho rằng biết đâu đây là câu chuyện 'lùi một bước để tiến ba bước' của Việt Nam, quan điểm của tiến sĩ thế nào?
TS. Hà Hoàng Hợp: Thứ nhất, nếu có nhượng bộ gọi là lùi, mà lùi vô điều kiện, thì cái đấy tôi nghĩ là một điều cực kỳ vô lý, không thể xảy ra được. Còn nếu bước lùi xảy ra đúng như thế, mà gọi là một bước lùi thậm tệ, thì nó không đúng lắm. Nó không đúng vì nó tạo dừng chứ không phải người ta bỏ hẳn đi đâu. Gọi là thậm tệ nếu như người ta phải dừng lại toàn bộ và người ta bỏ mỏ đó đi và giao cho một bên nào đó làm thì không phải, cho nên nói thậm tệ là không đúng.
Thứ hai, ngược lại nói đó là một bước lùi để tiến đến ba bước thì tôi cũng không muốn dự đoán theo hướng này. Người ta tạm dừng và người ta sẽ làm. Đấy là cách người ta nói ra ở trong nội bộ là như thế, nên chắc là nói là để tiến hai, ba bước thì chắc cũng không quá, nhưng tạm ngừng để người ta tính một cách nào đấy để người ta tiến lên như bình thường, thì đấy là khả năng thực tế nhất mà chắc cũng là ý định của người ta.

Có phương án thay thế?

BBC Tiếng Việt: Nếu thông tin cho rằng phía Trung Quốc lần này gây áp lực lên Repsol là đúng,mà trong trường hợp ấy, Repsol có thể e ngại đến mức không tiến hành khoan tiếp nữa, thì liệu họ có được thay thế bởi ai hay là không?
TS. Hà Hoàng Hợp: Theo tôi hiểu thì Repsol cũng chỉ xin tạm dừng thôi. Còn nếu như tiếp theo, họ đồng ý không làm nữa, thì việc xử lý hợp đồng giữa họ với nhóm PVN và Yinson (Malaysia) xảy ra rất sớm thôi, nếu họ không làm nữa, việc xử lý hợp đồng để thôi sẽ rất là nhanh thôi. Nếu họ không làm nữa thì chắc chắn nhóm liên doanh này, người ta sẽ phải mời một đối tác khác vào, mà có rất nhiều đối tác mạnh có thể vào để làm việc này. Rất nhiều đối tác mạnh.

BBC Tiếng Việt: Ông có thể cho ví dụ?
TS. Hà Hoàng Hợp:Từ Mỹ, từ Nga, từ đâu đấy, thậm chí trong khu vực có Petronas. Rất nhiều các công ty khoan dầu có thể vào, bởi vì đây là đi khoan thuê chứ không phải là làm chủ, khoan thuê và hưởng hoa hồng.

Nên kỳ vọng vào COC?

Dự án khai thác dầu Dung Quất của Việt Nam.  HOANG DINH NAM

BBC Tiếng Việt: Liên quan đến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), tiến triển của nó hiện ra sao, tiếp cận của các bên có liên quan thế nào, thưa ông?
TS. Hà Hoàng Hợp: Lúc đầu mọi người lạc quan một cách hơi thái quá. COC lần này là do Trung Quốc đặt ra, sáng kiến của Trung Quốc nói là bây giờ chúng tôi đưa ra một dự thảo và ASEAN cùng chúng tôi bàn, cố làm sao trong năm 2018 này ký cho xong. COC là một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý, các bên phải ký vào để tuân thủ. Và các bên không ký vào, ở bên ngoài ASEAN, Trung Quốc, cũng phải tuân thủ.
COC nếu có một nội dung thật tốt, tức là bao gồm tất cả các vấn đề từ trước đến nay xảy ra ở trên biển Đông, đặc biệt là các vấn đề về tranh chấp lãnh thổ, quyền chủ quyền, rồi các tuyên bố thực tế ở trên biển đều phải đưa vào COC. Nếu như COC không đưa vào các yếu tố, nhân tố đó, ví dụ như không đưa vào các việc tranh chấp, không đưa vào các việc về chủ quyền, việc sát nhập, thì không ai người ta gọi đó là COC cả.
Hiện nay đang ở mức độ đàm phán, Trung Quốc nhất quyết không muốn đưa những nhân tố đó vào. Ngoài Trung Quốc, một số nước ở trong ASEAN không đồng ý đưa những điều ấy vào. Nếu mà như thế, mà Việt Nam cứ cố đưa vào, mà theo cách đó Việt Nam là đúng, thì rất có khả năng là không ký được COC. Và nếu COC này không tiến đến, không đưa được các nội dung đó vào, thì COC này chẳng khác gì DOC [Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông] ký năm 2002 cả, cho nên không nên kỳ vọng quá lớn vào COC.

'Mỹ đã tích cực chưa?'

VIDEO : Không quân TQ ‘sẵn sàng cho chiến tranh’ ở Biển Đông

BBC Tiếng Việt: Liên quan vai trò của Hoa Kỳ mà hiện nay đang có những đánh giá được cho khá khác nhau về chính sách của Tổng thống Donald Trump ở khu vực Biển Đông, có bên nói rằng là ông Trump rất tích cực, nhưng bên khác cho rằng chính sách của ông chưa rõ ràng, chú ý bị phân tán bởi các khu vực khác, chẳng hạn như bởi các vấn đề Bắc Hàn, Iran. Một đánh giá như nào thì phù hợp, khách quan, thích hợp nhất?
TS. Hà Hoàng Hợp: Cả một chuỗi sự kiện thực tiễn từ khi mà ông Donald Trump lên làm Tổng thống ở Mỹ, mấy tháng đầu ông không đả động đến Đông Nam Á, Biển Đông cả. Nhưng sau đó nối l việc tuần tra, ông đã ra lệnh cho nối lại tuần tra về tự do hàng hải ở trên Biển Đông và những cuộc tuần tra ấy xảy ra với tần suất lớn hơn tần suất mà trước đây ở các đời Tổng thống trước người ta làm.
Cho nên, nếu nhìn theo sự kiện mà nói, có một thời kỳ lắng đi... một vài tháng, sau đó lại nối lại, thế nhưng có một khác biệt là nếu nói về sự kiện, con số thì cho đến nay thì việc tiếp tục thực hiện chính sách tái cân bằng của đời Tổng thống trước, tức là ông Obama, thì hải quân Mỹ đã đưa một lực lượng hải quân và thiết bị vào châu Á - Thái Bình Dương lớn hơn cả kế hoạch, chính sách của thời trước. Cho nên không có cách gì để nói bây giờ người ta làm ít hơn trước cả.
Thứ hai, có một khác biệt là chính quyền Trump không tuyên bố gì lớn về chuyện Biển Đông cả, nhưng có hai văn bản quan trọng là văn bản về chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ và chiến lược quốc phòng của Mỹ mà được tuyên bố trong một ngày ở Mỹ, đầu tiên của ông Donald Trump tuyên bố và thứ hai là của ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố cách đây khoảng hơn hai tháng, thì trong đó nói rất rõ liên quan đến Biển Đông, với tỷ lệ vừa phải, không nhấn mạnh nhưng cũng không bỏ qua...

BBC Tiếng Việt: Trong tình hình hiện nay, như vụ Cá Rồng Đỏ, rồi Trung Quốc tiến hành trình diễn quân sự khá làm rầm rộ, ông dự đoán gì về kịch bản khả dĩ nhất có thể xảy ra? Và nếu xảy ra, ông có một lời tư vấn, lời khuyên nào về chính sách hay đối sáchcho chính phủ Việt Nam không?
TS. Hà Hoàng Hợp: Tôi không có lời khuyên gì hết, nhưng tôi nghĩ rằng không thể có khả năng xảy ra lớn trong thời gian tới cả. Bởi vì nếu bảo Trung Quốc lần tập trận vừa rồi là họ giương oai, diễu võ hay để họ dọa ai, thì cũng không có cở sở lắm vì tập trận hải quân họ báo trước, báo trước cho tất cả mọi nước. Có việc họ đưa tàu sân bay của họ vào tập trận thì họ không báo. Còn đầu tiên họ cử mấy chiếc SU-35 bay ra biển, họ cũng không báo. Bây giờ tính chất tập trận đã rõ là họ hợp đồng tác chiến giữa hải quân, không quân và phòng không ở ngoài biển.

Đường chín đoạn hay tuyên bố chủ quyền dựa trên bản đồ hình lưỡi bò, chữ U đã được Trung Quốc đưa ra thời gian gần đây. BBC/UNCLOS

Có những cái Trung Quốc không nói ra, nhưng có thể người ta biết, ví dụ như phối hợp giữa hải quân và cảnh sát biển như thế nào, giữa hải quân mà nhìn thấy ở trên mặt nước và từ vệ tinh thế nào với tàu ngầm thì có lẽ họ chẳng nói làm gì cả.
Từ góc độ của một người làm phân tích, tôi hiểu rằng là không có gì phải lo ngại về chuyện họ tập trận cả. Họ cũng không làm gì để cho người khác sợ cả. Nó cũng giống như cuộc tập trận giữa Mỹ và Nhật, giữa Mỹ với Nam Hàn, nó không phải để đe dọa bên nào, không phải để đe dọa ai cả.
Còn sắp tới tôi không tin có điều gì đột biến hay là khác thường xảy ra, ít nhất là từ nay đến tháng Chín..."

Trên đây là ý kiến dựa trên quan điểm riêng của nhà nghiên cứu và phân tích từ Việt Nam, mời quý vị theo dõi toàn văn Audio cuộc phỏng vấn tại đây.


---------------------------------

LIÊN QUAN
Nhà báo, học giả Bill Hayton cập nhật và bình luận về dự án Cá Rồng Đỏ và diễn biến quan hệ Việt - Trung ở Biển Đông.
31 tháng 3 2018
.
Tướng Pháp Daniel Schaeffer đưa ra ba khả năng để Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông, gồm cả khai thác dầu với TQ.
30 tháng 3 2018
.
29 tháng 3 2018
Việt Nam có thể tăng hợp tác dầu khí với Ấn Độ và Nga, nhưng đừng hy vọng Mỹ can thiệp sau khi ngừng dự án Repsol, theo các bình luận quốc tế.
27 tháng 3 2018
.
Sau tin Bộ Chính trị Đảng CS VN đang xem xét tạm dừng hay thôi hẳn dự án Cá Rồng Đỏ có ý kiến nói an toàn cho khai thác 'cần được đảm bảo'.
27 tháng 3 2018
.
26 tháng 3 2018
.
Bill Hayton / BBC News
23 tháng 3 2018
.
Bill Hayton / BBC News
5 tháng 7 2017







No comments: