Sunday, January 8, 2017

XUẤT KHẨU CHỦ NGHĨA ĐỘC TÀI (Richard Bernstein - Wall Street Journal)




Richard Bernstein  -  Wall Street Journal
Dịch giả: Song Phan
Posted by adminbasam on 09/01/2017
.
Sách Tiananmen Redux (Thiên An Môn nhìn lại) của tác giả Johan Lagerkvist Peter Lang, 363 trang, giá $94,95
.
Trong nhiều thập niên, người ta đã kỳ vọng rằng chủ nghĩa tư bản sẽ làm cho Trung Quốc giống phương Tây hơn. Nhưng một điều gì đó hoàn toàn trái ngược lại đang xảy ra.

Một trong những điều trớ trêu lớn trong lịch sử gần đây là Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ dân chủ hơn và đi theo các giá trị phương Tây hơn nếu như cuộc biểu tình lớn ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989 đã không xảy ra— hoặc, ít nhất, nếu như những người biểu tình đã quay trở lại lớp học trước khi các nhà lãnh đạo Cộng sản đè bẹp cuộc vận động của họ với xe tăng và súng máy. Sự việc xảy ra theo hướng trái ngược đã trực tiếp dẫn đến việc nhà lãnh đạo có đầu óc tự do táo bạo nhất từng chiếm vị trí chóp bu trong hệ thống Cộng sản Trung Quốc, tổng bí thư Triệu Tử Dương, bị loại bỏ. Ông bị quản thúc tại gia và khả năng cải cách dân chủ cũng bị giam hãm cùng với ông.

Ngày của cuộc đàn áp, 4 tháng 6 năm 1989, trong ý nghĩa này đánh dấu một thời điểm quyết định trong lịch sử lâu dài của Trung Quốc. Nhưng nhà Hoa học người Thụy Điển Johan Lagerkvist đi xa hơn trong cuốn “Tiananmen Redux: The Hard Truth about the Expanded Neoliberal World Order” (Thiên An Môn nhìn lại: Sự thật khắc nghiệt về Trật tự thế giới tự do mới mở rộng). Đối với Lagerkvist, Thiên An Môn không chỉ là một bước ngoặt trong lịch sử Trung Quốc mà còn là một bước ngoặt đối với thế giới, quan trọng về mặt tác động thường xuyên của nó nhiều hơn nhiều sự kiện xuất hiện gần cùng lúc với sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự tan rã của Liên Xô.

Lập luận chủ yếu của ông như thế này: Kết cục bạo lực của cuộc biểu tình Thiên An Môn đã đem tới một cái gì đó nhiều hơn sự tiêu diệt dứt khoát bất kỳ sự phản kháng nào đối với thẩm quyền của nhà nước độc đảng. Nó cũng nới lỏng cho nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi của Trung Quốc từ một nước theo chủ nghĩa Mao nghèo nàn, thành một nước tư bản giàu có và hùng mạnh. Điều quan trọng nhất theo sơ đồ của Lagerkvist là Thiên An Môn cho phép họ Đặng 84 tuổi ấn vào các đồng liêu già miễn cưỡng trong đảng một chương trình hoạt động kinh tế tự do mới, với nó ông muốn nói tới một loại chủ nghĩa tư bản man rợ, với mức lương thấp, phúc lợi xã hội giảm sút và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Như vậy, tất cả các căn bệnh được biết rõ của toàn cầu hóa đều có nguồn gốc từ quyết định của Trung Quốc chạy theo tăng trưởng kinh tế nhanh bằng mọi giá.

Điều này lại tạo ra sự trớ trêu khác. Trong nhiều thập niên, niềm hy vọng và kỳ vọng lan khắp bên ngoài Trung Quốc là chủ nghĩa tư bản sẽ làm cho đất nước này giống chúng ta nhiều hơn. Như Lagerkvist buồn bã chỉ ra rằng, một điều gì đó hoàn toàn trái ngược lại đang thực sự xảy ra. Thay vì Trung Quốc bị Tây hóa, phương Tây đang bị Hoa hóa. Ông viết “Sẽ là thiếu thận trọng khi bỏ qua thực tế rằng thế giới quả thật có thể trở nên độc tài và dân tộc địa phương chủ nghĩa hơn mặc dù có hay chính xác hơn là do những tác động của việc toàn cầu hóa tự do mới”.

Khó tưởng tượng ra một cách nhìn đáng báo động và bi quan hơn, nhưng cách nhìn đó có đúng đắn không? Và có phải tất cả điều này xảy ra đều do thảm kịch ở Thiên An Môn không? Một nửa cuốn sách của Lagerkvist chứa một lịch sử chi tiết và xúc cảm của sự kiện năm 1989 để lại cho người đọc một cảm giác ám ảnh về những gì có thể đã xảy ra. Các lãnh đạo sinh viên của cuộc biểu tình không hiểu rằng việc họ không chấp nhận ngưng lại cuộc vận động này trước khi xe tăng ập đến đã tạo thêm lợi thế cho phe cứng rắn và gây nguy hiểm chết người cho Triệu Tử Dương. Và chính ông tổng bí thư này lại bị Thủ tướng Lý Bằng, kẻ đã nổi lên ở đây như một tên vô lại điêu ngoa, ma mảnh đằng sau cuộc đàn áp, qua mặt.

Hậu quả nghiêm trọng và Leninnist về bản chất. Trong khi phương Tây chờ cho Trung Quốc trở nên cởi mở và dân chủ hơn, một nhà nước Orwell lại được hình thành ở Trung Quốc, gồm cả những gì nhà văn Louisa Lim đã gọi một cách thích đáng  là “Cộng hòa Nhân dân Amnesia”—bản thân việc đè nén ký ức công chúng về Thiên An Môn, Tường [thành] lửa, việc tận diệt ý niệm về sự thật tồn tại  bên ngoài sự kiểm soát của đảng. Bất kỳ khát vọng nào về tự do cá nhân đều bị gò ép chuyển hướng thành một khao khát về sự giàu có cá nhân. Lagerkvist nói “Tự do dường như chỉ có thể đạt được qua việc tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu dành riêng”.

Ông Lagerkvist coi tầm quan trọng sâu sa của Thiên An Môn như là một vấn đề đức tin, qua việc nêu đi nêu lại nó trong một cuốn sách có nhiều chỗ lập lại tệ hại—cũng như có một chất lượng không đồng đều cùng với nhiều chỗ vụng về về cú pháp và hiệu đính kém. Không phải tất cả các sự kiện đều nhất thiết ăn khớp với giả thuyết đề ra. Chẳng hạn Lagerkvist nói tới sự phản đối của một vài bậc lão thành trong đảng đối với chương trình cải cách của Đặng Tiểu Bình và khẳng định rằng Thiên An Môn vừa làm cho sự phản đối đó có thể xảy ra vừa giúp Đặng Tiểu Bình vượt qua nó—nhưng không có bằng chứng hậu thuẫn cho khẳng định nào trong hai khẳng định này. Quả thế, có vẻ vẫn có khả năng xảy ra việc Đặng Tiểu Bình thông qua được cách tiếp cận “tự do mới” ngay cả không có cú sốc địa chấn Thiên An Môn, bởi vì đó là điều sẽ sinh ra thứ mà ông ta muốn—việc khuếch trương kinh tế bùng phát nhất trong lịch sử thế giới.

Các câu hỏi tương tự có thể được nêu lên khi Lagerkvist nói đến ảnh hưởng của tất cả điều này lên phương Tây, đặc biệt là lập luận của ông rằng chủ nghĩa tự do phương Tây đã thực hiện bước quay ngược sang độc tài do vụ thảm sát năm 1989 tại Trung Quốc. Việc phương Tây thực hiện bất kỳ bước quay ngược nào như vậy, tự nó gây tranh cãi, còn quy việc đó là do Thiên An Môn thậm chí còn gây tranh cãi nhiều hơn. Lagerkvist nêu ra việc NSA giám sát hồ sơ điện thoại của công dân Mỹ để minh họa cách mà “các nước phương Tây hiện nay đang phạm cùng các tội lỗi như các chế độ độc tài mà các giá trị của các chế độ đó họ không chấp nhận”. Ông có quyền nêu ra ý kiến cực đoan đó, nhưng ông không đưa ra các lý lẽ thuyết phục để tin rằng chương trình của NSA có nhiều thứ dính dáng với các tác động bất chính trong “trật tự thế giới tự do mới mở rộng”.

Tuy nhiên, Lagerkvist đã đúng khi cho rằng “một luồng gió độc tài đang thổi xuyên qua khắp thế giới”, và nó bắt nguồn từ Trung Quốc. Phương Tây không phải quá hiểm nghèo như ông nghĩ, nhưng các tổ chức của nó đã uốn mình chiều theo những đòi hỏi chính trị của Trung Quốc—đó là việc các lãnh đạo châu Âu từ chối gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma hay việc Yahoo chuyển thông tin của các blogger cho nhà chức trách Trung Quốc. Thách thức của Trung Quốc không chỉ về những thứ như việc bành trướng ở biển Đông hay quan hệ với Bắc Triều Tiên. Đó còn là thách thức đối với các giá trị và lề thói tự do dân chủ, đối với chính tự do, và ông Lagerkvist cần được tuyên dương vì đã chỉ ra điều này một cách mạnh mẽ và khẩn thiết.

--------
Mr. Bernstein là tác giả của cuốn sách mới vừa xuất bản “China 1945: Mao’s Revolution and America’s Fateful Choice” (Trung Quốc 1945: Cách mạng của Mao và sự chọn lựa có tính định mệnh của Mỹ)





No comments: