Thứ
Bảy, 28 tháng 1, 2017
Xuân là chuyện của trời đất nhưng
cũng là chuyện của con người. Trời phải hơn người nên năm nào trời cũng vào
xuân, trời quang, mây trắng, hoa muôn sắc. Người thì chỉ có một mùa xuân. Xuân
đi là đi một đường thẳng không hẹn ngày quay lại. Vậy nên cụ Nguyễn Công Trứ mới
xúi chơi xuân kẻo hết xuân đi / cái già xồng xộc nó thì theo sau.
Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, phụ họa
theo bậc tiền bối, xúi bạo hơn nữa:
Người ta sống đủ trăm năm thời có
trăm lần xuân
Nhưng xuân thời xuân, nhưng người
không xuân
Vì thế cho nên
Chị em ơi, người ta bảo rằng:
“Chơi xuân kẻo hết xuân đi”
“Chơi xuân kẻo hết xuân đi”
Nhời nói ấy ý nhị lắm.
Nhà thơ khét tiếng vì “đức tính”
hưởng thụ cuộc sống dễ chi mà dừng xúi người ta được. Ý nhị như thế nào? Cụ Tản
Đà xúi tiếp:
Mỗi năm một tuổi
Như đuổi xuân đi
Măng mọc có lứa
Đôi ta có thì
Chơi đi thôi!
Chơi mau đi thôi!
Cho trống thủng
Cho chiêng long
Cho cờ quấn ngược
Kẻo cái già xồng xộc nó thì theo
sau.
Tôi vốn trọng tài hai cụ Nguyễn
nên hai cụ phán thế nào cứ thế mà làm. Nói vậy cho oai chứ theo chân được hai cụ
có mà khướt! Lũ hậu sinh ngày nay coi bộ khôn hơn. Coi lời phán của hai cụ như
pha. Họ tạo nên một thế hệ lười “chơi”. Xuân đến xuân đi, thây kệ nó!
Cuối tháng 8 vừa qua, đài truyền
hình CNN đưa ra kết quả một cuộc khảo sát của tạp chí Archives of
Sexual Behavior, theo đó thì 15% số người trong độ tuổi từ 20 đến 24
chưa hề biết xuân tình. Vẫn cứ khi đó em còn thơ ngây. Thế hệ
trước đó, con số này chỉ có 6%. Người cầm đầu cuộc khảo sát này, Giáo sư Jean
Twenge của Đại Học San Diego State, vạch ra những nguyên nhân của tình trạng
chay tịnh này. Thủ phạm chính phải kể tới là internet. Bà Jean
lý giải: “Mạng ảo đã chiếm hết thời gian của con người trong thời đại này. Giới
trẻ dành nhiều thời giờ nhắn tin với bạn bè mà ít gặp gỡ, ít có thời gian để gần
gũi người bạn đời hay người yêu của mình. Điều này có nghĩa rằng thời nay người
ta có nhiều lựa chọn hơn để giải trí, và việc quan hệ tình dục trở thành thứ yếu”.
Việc lười yêu này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới, da trắng nhiều hơn da
đen, trình độ trung học nhiều hơn trình độ đại học. Theo dữ liệu của Trung Tâm
Phòng Chống Bệnh Tật Mỹ thì giới trẻ ở độ tuổi trung học có quan hệ tình dục giảm
từ 54% trong năm 1991 xuống còn 41% trong năm 2015. Bà Jean Twenge bình: “Số liệu
giảm xuống rất nhiều theo thời gian. Giới trẻ ngày nay coi tình dục có cũng được
mà không cũng chẳng sao!”.
Giới trẻ Mỹ như vậy, giới trẻ Mỹ
gốc Việt có như rứa không? Nhà báo Đằng Giao của Người Việt ở Cali đã có cuộc
phỏng vấn nhiều nam thanh nữ tú ở Cali. Anh Bean Ngô, 31 tuổi, cư dân
Westminster, có bạn gái là cô Phoebe Trần, 25 tuổi. Họ quen nhau từ lâu nhưng
nhín lại chuyện chung sống. Họ mới góp gạo nấu chung được một năm nay. Được hỏi
sao không vội vã trong vấn đề tình dục, anh trả lời: “Lúc mới quen nhau, chúng
tôi ai cũng lo chuyện học hành, chỉ mong ra trường có điểm cao, tìm được việc
làm tốt. Bây giờ thì, nói thật, đi làm về, cả hai chúng tôi đều mệt nhoài nên
cũng không ai đoái hoài đến chuyện ấy cả. Thương nhau là chính”.
Cô Anh Trần, 27 tuổi, sinh sống tại
Fountain Valley, làm việc tại một công ty quảng cáo của Mỹ, tâm sự: “Tôi và bạn
trai dọn về ở chung gần hai năm và chúng tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi không đặt
nặng chuyện phải thường xuyên ân ái vì chúng tôi có rất nhiều thứ để làm cùng
nhau như nấu ăn, xem phim, leo núi. Nhiều khi chỉ đơn giản là sau khi đi làm về,
mỗi tối nằm trên ghế salon cùng nhau coi một chương trình TV
là đủ lắm rồi”.
Chuyện vất vả làm ăn hình như là
nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lười… xuân. Cô Jasmine Hoàng công nhận như
vậy: “Thử nghĩ đi, cả tôi và chồng đều đi làm từ sáng đến tối mới về, nhiều khi
anh ấy còn phải làm phụ trội, có khi khuya mới xong. Về đến nhà là đã mệt rã rời
rồi, vội ăn uống rối đi ngủ để sáng mai còn tiếp tục đi làm, còn hơi sức đâu mà
làm chuyện kia. Đôi khi những việc bên ngoài đã chiếm hết thời gian của vợ chồng
tôi nên chúng tôi phải ráng chờ tới cuối tuần mới có thời gian bên nhau”. Thực
trạng xã hội đã đánh bạt chuyện xuân tình bồ bịch, chồng vợ. Chung quanh chúng
ta nhan nhản những cặp chung sống nhưng đi làm trái ca nhau. Người này về thì
người kia đi. Cứ như mặt trăng mặt trời. Có trường hợp khi người này về được
nhìn thấy người kia ngủ đã là may mắn. Ít nhất cũng nghe được tiếng ngáy của
nhau cho thêm phần thân mật. Một tuần có bảy ngày. Đi đứt mất năm ngày mặt
trăng mặt trời. Chỉ cùng chung quỹ đạo có hai ngày. Chuyện nhà cửa, chợ búa,
con cái, chuyện ngủ bù, chuyện mệt mỏi vì bị công việc hành suốt tuần đã mất đứt
đi một khoảng thời gian dài của hai ngày nghỉ. Còn chút xíu giờ giấc, vui thì cờ
người bày ra, bã quá thì phớt lờ cho… phẻ! Anh Quang Thái, 34 tuổi, thổ lộ:
“Quan hệ tình dục là bản năng của con người nhưng nó phải phát xuất từ tình yêu
và từ tâm trạng thoải mái của cả hai phía. Chúng tôi có quá nhiều thứ để quan
tâm đến nên chuyện này lâu lâu có cũng được, không có cũng chẳng sao. Miễn sao
chúng tôi có trách nhiệm và luôn thương yêu nhau”.
Anh Larry Bùi, cũng ngụ tại
Westminster, nói về chuyện xuân tình một cách chán chường: “Tôi không có quan hệ
tình dục cho tới năm 27 tuổi. Trước đó tôi không nghĩ tới việc này có lẽ vì tôi
không thấy sự lôi cuốn, thôi thúc của tình dục như thường được mô phỏng trong
sách vở hay phim ảnh. Ý tôi nói là tôi có nghĩ tới chuyện này, nhưng nó không
phải là ‘chuyện phải làm’.” Anh bông đùa tiếp: “Hay là vì điện thoại di động có
phát ra chất phóng xạ hủy diệt hết sức sống của chúng tôi rồi? Không, chúng tôi
không quan tâm tới chuyện này vì cho rằng còn con nít mà đã tay cắp nách mang
là một căn bệnh xã hội đáng tởm: bệnh ngu!”.
Ngu chi mà trai gái sớm cà khịa với
nhau, thế hệ trẻ hôm nay coi bộ chững chạc hơn các bậc tiền bối. Nói gì ngay,
thế hệ chúng tôi, để chuyện làm người lớn tới cái tuổi “băm” là chuyện hiếm
hoi. Hay là vì thời chúng tôi, chiến tranh triền miên, cuộc sống vội vàng hơn,
Tuổi 18 hay 20 là cuộc chiến đã khoác cho chúng tôi bộ đồ lính, sống nay chết
mai, sự bấp bênh của cuộc sống làm chúng tôi vào đời sớm hơn. Cũng có thể là thời
đó, các cụ là những người thiếu nhẫn nại luôn giục giã chúng tôi sớm yên bề gia
thất. Yên rồi các cụ cũng chưa hài lòng, tiến thêm một bước, giục giã chúng tôi
sản xuất cháu cho các cụ, hầu bàn tay ưa bế bồng của các cụ không còn trống trải.
Chúng tôi không có cái thảnh thơi của thời gian như thế hệ thanh niên thiếu nữ
bây giờ. Cô Monique Nguyễn vừa cười vừa nói: “Thực ra chúng tôi thường xuyên
nói chuyện có liên quan đến tình dục hàng ngày nhưng chỉ là để nói cho vui chứ
không ai làm gì hơn cả. Với chúng tôi, tình dục là một đề tài bàn cãi chứ không
phải là ‘công việc’ hay ‘hành động’”.
Chuyện xuân tình leo tuốt lên đầu
thành một chuyện nói cho vui thì còn nước non chi nữa. Nhưng nếu nhìn qua giới
trẻ Nhật, giới được coi là “tinh khiết” nhất thế giới, mới… hỡi ôi! Thế hệ trẻ
Nhật ngày nay được đặt tên là thế hệ “thanh niên ăn cỏ”. Một thế hệ chay tịnh:
không yêu, không tình dục, không hôn nhân.
Chúng ta nhìn vào những con số thống
kê trước. Một cuộc khảo sát của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Dân Số và An Sinh
Xã Hội Nhật Bản (NIPSSR) vào tháng 6 năm 2015 cho thấy có tới 42% thanh
niên Nhật Bổn và 44,2% nữ giới từ 18 tới 34 tuổi chưa từng biết chuyện mây mưa
là cái chi chi. Con số này đã tăng một cách dữ dội. Trong cuộc khảo sát tương tự
vào năm 2010, tỷ lệ chỉ là 36,2% cho nam giới và 38,7% cho nữ giới. Có 8754 người
độc thân và 6598 cặp vợ chồng trên khắp nước Nhật trả lời cuộc khảo sát này.
Nhận định về những con số trên,
ông Futoshi Ishii, người cầm đầu cuộc khảo sát lo ngại về hậu quả của chuyện lười
biếng của thanh niên Nhật: dân số Nhật sẽ giảm một cách đáng kể. Số thống kê
chính thức cho biết dân số Nhật hiện nay là 127 triệu 100 ngàn người, giảm đi tới
0,7% trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2015. Trong khi đó, số sinh của những
cặp vợ chồng đã kết hôn từ 15 đến 19 năm chỉ là 1,94. Mặt khác, theo khảo sát của
Ủy Ban Kế Hoạch Hóa Gia Đình Nhật (JFPA) thì tỷ lệ các thanh niên không muốn con
cái chi phiền phức là 15,8%. Nếu so với tỷ lệ 8,6% trong cuộc khảo sát năm 2002
thì con số này gia tăng khá nhiều. Tương tự, bên nữ giới tỷ số là 11,6% so với
7,2% của năm 2002.
Lý do của sự sa sút xuân tình này
trước hết là sự mệt mỏi của cuộc sống hiện tại. Tháng 4 vừa qua, tôi đã tận mắt
nhìn thấy sự mệt mỏi này. Trên xe lửa, métro, xe buýt, thanh niên
thiếu nữ thi nhau ngủ. Ngủ đứng ngủ ngồi. Họ quá mệt mỏi với công việc. Họ phải
làm việc bốn năm chục tiếng một tuần, làm đêm làm ngày. Ngay chuyện ăn uống họ
cũng chỉ qua loa cho xong. Cảnh tôi thường mục kích là một thanh niên tan sở
làm, vội vàng vào một quán ăn đứng, húp vội tô mì, trả tiền và hối hả ra cửa. Tất
cả chỉ khoảng không đầy chục phút. Ăn còn vậy huống chi đánh cờ người!
Một lý do khác là internet. Sa
vào chốn… điện tử này thì còn biết trời đất chi nữa. Như cậu sinh viên 18 tuổi
Nakamura của Đại học Tokyo. Chẳng bồ bịch, chưa hề biết chuyện gối chăn, nhưng
có hề chi. Cứ ôm cái computer chơi game, tán dóc với
bạn bè là đủ hết thời giờ một cách thích thú rồi. Cần chi phải bồ bịch, cần chi
phải ôm một thân hình đàn bà. Cậu chỉ mê các nhân vật nữ trong các phim hoạt
hình: “Trong phim hoạt hình, tất cả mọi thứ đều hoàn hảo. Con gái thì xinh xắn
yêu kiều, con trai thì bô trai và mạnh mẽ. Đời thực làm chi có những con
người như thế!”.
Suy giảm kinh tế kéo dài cũng làm
thối chí thanh niên trong việc bồ bịch. Muốn đi chơi với bồ phải có tiền trong
khi lương tiền chỉ vừa đủ sống. Điển hình là Yosuke Hiwatashi, 23 tuổi, ở
Kagoshima, làm việc cho một hãng bắt cáp truyền hình. Lương tháng của anh chỉ
150 ngàn yen. Tiền ăn ở đã nuốt mất gần hết số tiền này khiến
anh chỉ còn từ 20 ngàn tới 50 ngàn tiền tiêu vặt. Anh than thở: “Với số tiền kiếm
được, tôi phải dành dụm từng đồng. Giờ đến mua một bộ quần áo cũng phải cân nhắc
thì ma nào thèm ngó ngàng tới tôi!”.
Nói chuyện xuân với các anh chị
tre trẻ ngày nay thật chán mớ đời. Xuân của trời đất năm nào cũng tới nhưng
xuân của đời người chỉ tới một lần. Sau đó sẽ thu tàn, đông tạ, tiếc nuối thời
thanh xuân đến phát khóc. Tiếc nên nếu nghe được câu nói nào hợp ý thì bắt
quàng ngay. Câu nói mới bắt được từ một bài viết của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc làm
tôi ưa ý bắt chết. Đó là: không có cái gọi là già, khi người ta 20-30 tuổi, người
ta còn quá trẻ; 30-40 tuổi, đang trẻ; 40-50 hãy còn trẻ; 50-60 trẻ không ngờ;
60-70 trẻ lạ lùng; và trên 70 người ta trẻ vĩnh viễn!
Lứa tuổi chúng tôi đang trẻ vĩnh
viễn. Ngày nay những xuân thì ở Mỹ, ở Nhật và cả những người trẻ Việt Nam ở Mỹ
đều xuống cấp. Họ mất xuân ngay từ độ đương xuân. Thua xa cả ca dao xưa.
Cô Thỉ cô Thi
Cô đang đương thì, cô kẹo với ai ?
Cô tú kẽo kẹt cô cai
Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông
Mâm cốm kẹo với mâm hồng
Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi
Mâm thịt kẹo với mâm xôi
Thịt bùi xôi dẻo kẹo nơi bà già
Cùi dừa kẹo với bánh đa
Cái đĩa thịt gà kẹo với lá chanh
Nồi cơm kẹo với nồi canh
Quả bí trên cành kẹo với tôm he
Bánh rán kẹo với nước chè
Cô kia cò kè kẹo với ai đây ?
Bà cốt kẹo với ông thầy
Con chim loan phượng kẹo cây ngô đồng.
Cô đang đương thì, cô kẹo với ai ?
Cô tú kẽo kẹt cô cai
Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông
Mâm cốm kẹo với mâm hồng
Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi
Mâm thịt kẹo với mâm xôi
Thịt bùi xôi dẻo kẹo nơi bà già
Cùi dừa kẹo với bánh đa
Cái đĩa thịt gà kẹo với lá chanh
Nồi cơm kẹo với nồi canh
Quả bí trên cành kẹo với tôm he
Bánh rán kẹo với nước chè
Cô kia cò kè kẹo với ai đây ?
Bà cốt kẹo với ông thầy
Con chim loan phượng kẹo cây ngô đồng.
Vạn vật đua nhau kẽo kẹt vì sẽ không
có xuân thứ hai. Đời… trời mỗi năm một xuân, đời người cả đời mới có một xuân.
Vậy nên con người mới tiếc nuối. Thế hệ chúng tôi bây giờ tiếc hùi hụi những
ngày tháng xuân thì xưa. Xuân mất hút từ khuya. Như xuân của Xuân Diệu.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang
qua,
Xuân đang non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
Xuân đang non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
11/2016
Website: www.songthao.com
No comments:
Post a Comment