Thursday, January 26, 2017

TUẦN ĐẦU TIÊN CỦA TỔNG THỐNG TRUMP : ĐẦY KỊCH TÍNH & CHAO ĐẢO (Việt Báo)




26/01/2017

(Bản tin tổng hợp)

Ông Trump đã chính thức trở thành tổng thống thứ 45th của Hoa Kỳ vào trưa ngày 20-1-2017 tại thủ đô Washington D.C.

Sau buổi lễ nhậm chức diễn ra trọng thể như truyền thống thường thấy dành cho các vị tổng thống Hoa Kỳ, tân Tổng thống Trump đã bắt đầu giai đoạn “trị vì” bằng nhiều sắc lệnh và các tuyên bố làm “dậy sóng” dư luận, không khác gì thời tranh cử, chỉ khác là kỳ này những điều ông làm hay nói đều có ảnh hưởng thực sự tới đời sống của người dân Hoa Kỳ và có thể làm đảo lộn trật tự, an ninh thế giới.
Những diễn biến xảy ra trong những ngày trị vì đầu tiên của TT Trump đều mang tính chất “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử Hoa Kỳ, và những tuyên bố cũng như sắc lệnh của ông đã khẳng định thêm những đặc điểm về con người cũng như các chủ trương/chính sách của ông, bao gồm: cai trị bằng những dữ kiện hoang tưởng/bịa đặt, bằng sự đe dọa/bạo lực/và chao đảo, đảo ngược lại mọi chính sách theo chiều hướng khác thường/bất ổn, phá tan mọi tương quan với đồng minh và trật tự quốc tế, đồng thời tạo thêm mối hiềm khích với thế giới Ả Rập, thách đố thay vì lắng nghe những tiếng nói khác biệt, cao ngạo và hành xử độc tài, chính sách theo ngẫu hứng nhất thời của cá nhân chứ không phải là một việc làm chính chắn đúc kết từ thảo luận, nghiên cứu và rút tỉa kinh nghiệm ...
 
Hai điểm đáng nói nhất là: a/tân TT Trump đã phải đối mặt với gần 5 triệu người biểu tình chống ông trên khắp thế giới, một diễn biến đồng bộ và cùng một mục tiêu chưa từng xảy ra, và số lượng người biểu tình tại Hoa Kỳ cũng lớn nhất lịch sử, b/Ông Trump đang bị cơ quan giám sát về đạo đức kiện tội vi phạm hiến phá -điều luật “nhận quà của chính phủ ngoại bang;”và c/Những người thân tín của ông đang bị Quốc hội Hoa Kỳ mở cuộc điều tra vì thông đồng với Putin và Nga nhằm phá hoại cuộc bầu cử 2016 của Hoa Kỳ. Cả hai Ủy ban Tình báo của Thượng viện và Hạ viện đã vào cuộc điều tra.
 
Các diễn biến lớn trong tuần qua liên quan tới tân TT Donald Trump bao gồm:

1. Điều đầu tiên là ông Trump chọn tranh cãi về một chuyện rất cỏn con, đó là số người tham dự lễ nhậm chức của ông lớn hơn chứ không thể thua số người tới tham dự lễ nhậm chức của TT Obama năm 2009. Ông thậm xưng là ông có con số kỷ lục, trong khi mọi dữ kiện đều cho thấy số người đến tham dự năm nay thua xa năm 2009, ước tính khoảng 250.000 tới 600.000 so với con số 1,8 triệu người năm 2009.

2. Ông Trump vẫn cay đắng vì thua tới gần 3 triệu phiếu phổ thông đối với bà Hillary Clinton, do đó ông tiếp tục nói dối là đã có từ 3 triệu tới 5 triệu người bỏ phiếu bất hợp pháp tại Hoa Kỳ khiến ông bị thua. Trong khi đó, các chính giới lưỡng đảng và các chuyên gia cho biết không hề có một chứng cớ gì về gian lận bầu cử lớn như vậy (Viện nghiên cứu Pew cho biết chỉ có 31 trường hợp trong số 1 tỷ phiếu bầu).

3. Ông Trump và nhân viên thân tín vẫn tiếp tục gây chiến với truyền thông, đưa ra những câu chuyện hoang tưởng theo thuyết âm mưu (consipracy theory), những con số giả - mà họ dùng mỹ từ là “dữ kiện thay thế (alternative facts).” Ba nhân vật đại diện cao cấp của ông Trump luôn giúp ông Trump tuyên truyền và bênh vực những điều dối trá, đó là bà Kellyanne Conway, ông Sean Spicer and Reince Priebus.

4. Ông Trump đề nghị Hoa Kỳ nên cướp dầu của Iraq trong buổi đến thăm cơ quan CIA (21-1-2017) và lập lại điều này trong buổi phỏng vấn với đài ABC (25-1-2017). Ông đã từng nêu điều này trong lúc tranh cử, nhưng lập lại trong cương vị tổng thống, ông Trump đã đặt đất nước Hoa Kỳ vào tình trạng rất nguy hiểm (xem bài chi tiết bên dưới). Lấy tài nguyên của một quốc gia khác là hành động của tội phạm chiến tranh, vi phạm trầm trọng hiệp ước Geneva.
Tại buổi thăm viếng cơ quan CIA, ông đã bị chỉ trích nặng nề vì thiếu sự tôn kính đối với những người đã hy sinh cho tổ quốc. Hầu hết thời gian nói chuyện với 400 nhân viên CIA, ông Trump chỉ khoe cái tôi, huyênh hoang, tự đại, khoe được lên trang bìa của Times Magazine 15 lần(?), lượng người tới tham dự lễ nhậm chức của ông lên tới 1-1.5 triệu (?), khoe mình thông minh ... Ông còn đem theo một đội ngũ 40 nhân viên tới để vỗ tay và hò reo tán thưởng mình. Những nhân viên CIA có mặt rất bất mãn, và cựu Giám đốc CIA Brennan đã phê bình: “Thái độ tự cao, tự đại của ông Trump thật đáng khinh. Ông Trump nên tự biết xấu hổ!”

5. Ký những sắc lệnh mang tính tranh cãi liên quan tới môi trường, xây bức tường ngăn di dân Mễ, chống di dân và ngưng visa đối với các quốc gia Hồi giáo, đuổi di dân bất hợp pháp và dọa cắt ngân khoản đối với những thành phố đòi chấp chứa di dân không cư trú hợp lệ, bắt đầu hủy bỏ Obamacare, hủy tài trợ giúp phụ nữ ngăn ngừa mang thai và phá thai trên thế giới, ủng hộ việc tra tấn tù nhân và mở ra các trung tâm tra tấn, cho phép xây ống dẫn dầu Keystone XL & Dakota Access, bỏ hiệp định thương mại TPP và xét lại NAFTA, cấm nhân viên của nhiều cơ quan chính phủ ngưng việc thông tin với báo chí và quần chúng.

6. Chỉ 1 ngày sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Trump bị người dân biểu tình chống đối khắp Hoa Kỳ và thế giới, với con số kỷ lục là hơn 670 cuộc biểu tình và số người biểu tình trong một ngày 21-1-2017 ước lượng gần 5 triệu người, kể cả những quốc gia nhỏ bé ở Phi Châu, Á Châu, các cường quốc, và ngay cả các tiểu bang Hoa Kỳ đã bầu cho ông Trump. Riêng tại Hoa Kỳ, các cuộc biểu tình ngày 21-1-2017 đã được coi là đông nhất lịch sử Hoa Kỳ. Hiện các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục rải rác khắp nơi trong những ngày qua, với số lượng trung bình khá đông. Họ tập trung cả ở quốc hội tiểu bang lẫn văn phòng các vị dân cử để làm áp lực chống lại những đạo luật của TT Trump.

Một banner RESIST được 7 nhà hoạt động môi trường treo trước Tòa Bạch Ốc ngày 25-1-2017

7.   Khu vực nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump tại Palm Beach đã tăng tiền lệ phí tham gia ban đầu lên gấp đôi kể từ ngày 1-1-2017, từ $100.,000 lên tới $200.000. Năm 2012, họ phải giảm từ $200.000 xuống $100.000 vì ế ẩm. Ngoài số tiền ban đầu, các thành viên của khu nghỉ mát còn phải đóng thêm $14,000 lệ phí hàng năm và cả tiền thuế.

8. Chỉ trong vòng 24 tiếng sau khi TT Trump ký sắc lệnh dọa cúp tài trợ liên bang cho nơi nào chấp chứa di dân bất hợp pháp, 39 thành phố và 364 quận hạt toàn quốc đã lên tiếng chống đối, và hứa sẽ bảo vệ người dân khỏi lệnh trục xuất. Thị trưởng Boston còn mạnh mẽ thách thức là “nếu cần, chúng tôi sẽ mở cửa tòa thị chính để đồng bào trú ngụ.” Các thượng nghị sĩ tiểu bang California đã thách thức sẽ đưa ông Trump ra tòa vì tội vi hiến khi cưỡng bách tiểu bang phải làm theo điều mà họ không muốn.

Tân tổng thống bị kiện vì ‘nhận quà của ngoại bang là vi hiến’
Ngày 23-1-2017,  Tổng thống Donald Trump đã bị một cơ quan giám sát về đạo đức,  nhóm Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức (CREW) ở Washington, đâm đơn kiện tại tòa án liên bang ở Manhattan ngày 23-1-2017 vì đã vi phạm điều khoản Emolument trong hiến pháp Hoa Kỳ.
Điều khoản này cấm tổng thống nhận quà của ngoại bang. Khi ông Trump cho phép các cơ sở kinh doanh của ông nhận những khoản tiền do các chính phủ ngoại quốc trả, thí dụ như những phái đoàn ngoại quốc tới tham dự lễ nhậm chức của ông Trump đã ngụ tại Trump Hotel ở WDC; và từ lúc ông đắc cử tổng thống, Trump Hotel đã có số lượng khách tăng vọt.
Theo nhóm CREW,  ông Trump đã không chịu rút ra khỏi các thương vụ của ông, và hiện đang nhận tiền lời từ các dịch vụ cũng như các ưu đãi từ các chính phủ nước ngoài, thông qua những vị khách tới cư ngụ tại khách sạn của ông, và thông qua các hoạt động cho thuê các tòa nhà và các giao dịch bất động sản có giá trị ở nước ngoài.
Ông Trump cho biết đã giao các thương vụ lại cho hai con trai, Donald Trump Jr. và Eric, cùng với một trong những giám đốc điều hành của Tổ chức Trump điều hành. Tuy nhiên, theo các chuyên gia luật pháp, đây không phải là phương thức đúng để tránh tình trạng “xung đột lợi ích” giữa cá nhân và đất nước.
Nhóm CREW, một tổ chức không thuộc đảng phái và bao gồm các luật sư đã từng làm việc với các triều đại tổng thống của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, cho biết trong vụ kiện này, họ cũng đòi ông Trump phải nộp các bản sao khai thuế liên bang để nắm vững các mối giao dịch kinh doanh của ông Donald Trump với chính phủ các nước như Trung Quốc và Nga, và hiện ông đang nợ họ bao nhiêu.
Đại diện nhóm CREW là hai cựu luật sư về đạo đức của Tòa Bạch Ốc. Đó là ông Norman Eisen, cố vấn của TT Barack Obama, và ông Richard Painter, người làm việc dưới thời TT George W. Bush.
Đơn kiện nói, “Những vụ vi phạm này vào Điều Khoản Về Thù Lao Ngoại Quốc (Enolument) đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho Hoa Kỳ và các công dân Mỹ.”

Trump tuyên bố không bằng chứng: có 3-5 triệu phiếu gian lận
Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp với các lãnh đạo quốc hội Mỹ ngày 23/1 dành 10 phút để "công kích cuộc bầu cử Mỹ", theo Washington Post. Ông Trump cho rằng có từ 3 đến 5 triệu phiếu bầu không hợp lệ khiến ông thua đối thủ Hillary Clinton về số phiếu phổ thông.
Sau khi kết quả phiếu đại cử tri và phổ thông được công bố từ năm ngoái, cho biết bà Hillary hơn đối thủ gần 3 triệu phiếu, ông Trump vẫn khẳng định:
"Ngoài thắng lớn tại Cử tri Đoàn (sai), tôi lẽ ra còn thắng cả phiếu phổ thông nếu loại bỏ hàng triệu phiếu không hợp lệ", ông viết trên Twitter ngày 28/11.
Các cuộc nghiên cứu của chính giới cũng như các nhà nghiên cứu cho thấy các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ không hề có hiện tượng phi pháp như ông Trump cáo buộc.
Ông Trump còn lầm giữa yếu tố ghi danh ở nhiều tiểu bang cùng một lúc với việc bỏ phiếu gian lận. Nhiều người dân Mỹ khi di chuyển sang một tiểu bang khác để sinh sống, hoặc có thân nhân quá vãng, thường quên không gọi cơ quan bầu cử để thông báo, do đó việc ghi danh bầu cử ở hai, ba tiểu bang là chuyện thường xảy ra. Nhưng cử tri chỉ đi bầu tại địa điểm mới của mình, hoặc người đã chết thì không thể đi bầu hoặc không có ai mượn danh để đi bầu, do đó hiện tượng phiếu gian như ông Trump cáo buộc đã không hề xảy ra.
Các cơ quan truyền thông cũng đã khám phá ra những nhân sự hàng đầu trong đội ngũ của ông Trump chính là những người mang tội “bỏ phiếu gian” theo tiêu chuẩn (sai) của ông Trump vì đã ghi danh ở hai tiểu bang khác nhau, và ba nhân vật này chính là Steven Mnuchin, Steve Bannon, và cô con gái út Tiffany Trump.


Dư luận đang tự hỏi tại sao ông Trump lại muốn tự hạ giá trị cuộc bầu cử khi chính ông là người thắng cuộc? Phải chăng đây là cái cớ để ông sẽ gia tăng một việc làm rất bất công đang xảy ra tại nhiều tiểu bang do đảng Cộng Hòa nắm đa số, đó là “voter suppression”, đưa ra những luật lệ để tạo thêm khó khăn cho những công dân gốc thiểu số, da mầu, vì họ là những thành phần cử tri hay bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ.
  
Tân Tổng thống Mỹ Trump đảo ngược chính sách phá thai
Tổng thống Donald Trump hôm 23/1 đã phục hồi Chính sách Mexico City, qua đó chính quyền Mỹ cấm các nhóm quốc tế cung cấp dịch vụ phá và ngừa thai từ viện trợ của Mỹ.
Chính sách này ban đầu được đưa ra dưới chính quyền cố Tổng thống Ronald Reagan, nhưng năm 2009 đã bị chính quyền Barack Obama hủy bỏ.
Dưới thời cựu Tổng thống Obama, luật pháp Mỹ cũng cấm tài trợ trực tiếp cho dịch vụ phá thai, nhưng cho phép các NGO thực hiện những chương trình liên quan đến việc quảng bá kế hoạch hóa gia đình, phòng ngừa mang thai và chăm sóc sau khi phá thai.
Phó chủ tịch kiêm giám đốc tổ chức Marie Stopes International (MSI) Marjorie Newman-Williams gọi quyết định mới của Tổng thống Trump là "thảm họa", nó dẫn đến việc phụ nữ ở các nước đang phát triển " phải trả giá".
Theo MSI, thiệt hại tổ chức này trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump có thể gây ra 6,5 triệu thai nhi ngoài ý muốn, không tiến hành được 2,2 triệu ca nạo phá thai, 2,1 triệu ca phá thai không an toàn và 21.700 ca tử vong của người mẹ. MSI lưu ý, tổ chức này đã tiến hành 2.843 ca khám tổng quát và phụ khoa và thực hiện 586 ca đặt vòng sau trận động đất 2015 ở Nepal - tất cả được nhận nguồn tài trợ của Mỹ.

Trong khi đó, phe bảo thủ trong Quốc hội và các nhà hoạt động chống phá thai tán thưởng ông Trump ký sắc lệnh điều hành này.
TT Trump ký sắc lệnh xây tường biên giới & cấm cửa người Hồi giáo
Ông Trump ra lệnh cấm người nhập cư đến từ các quốc gia Hồi giáo mà ông cho là có “mối đe dọa với an ninh quốc gia” như Syria, Iran, Iraq, Libya, Yemen, Sudan và Somalia. Việc ngừng cấp visa cho công dân những nước này đang được xem xét để thực hiện.
Hiện chưa rõ ông Trump có xóa bỏ chương trình DACA của người tiền nhiệm Obama hay không. DACA là chương trình tạm hoãn trục xuất những trẻ em đến Hoa Kỳ bất hợp pháp. Trong chiến dịch tranh cử, tỷ phú Mỹ từng nhiều lần khẳng định sẽ chấm dứt sáng kiến này.
Ông Trump cũng đã ký sắc lệnh xây bức tường ngăn cách biên giới Mexico-Mỹ, và cho biết bức tường sẽ dùng thuế của người dân Hoa Kỳ để xây, sau đó sẽ đòi nước Mễ trả lại. Bức tường sẽ tốn kém bao nhiêu thì ông Trump chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng các chuyên gia ước đoán sẽ tốn khoảng $15 tỷ đến $25 tỷ cho một bức tường dài 1000 dặm.
Tổng thống Mễ hôm 25-1-2017 cũng đã lên tiếng là sẽ không trả một xu nào cho bức tường này, và vì sắc lệnh “xây tường” của ông Trump, tổng thống Mễ sẽ hủy bỏ chuyến đi WDC để gặp ông Trump vào tuần tới.
Đề xuất hạn chế người nhập cư vào Mỹ và xây tường ngăn biên giới với Mexico đã từng khiến ông Trump trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái.
Các chuyên gia về biên giới cũng cho biết đây là một việc làm phí phạm tiền thuế của dân và không phải là phương pháp hiệu nghiệm để ngăn ngừa di dân bất hợp pháp. Còn có nhiều cách khác rẻ hơn, hữu hiệp và hợp lý hơn mà ông Trump không chịu tìm hiểu.

Ông Trump cấm nhân viên không được liên lạc và tiết lộ thông tin
Chỉ trong hai ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Donald Trump đã ban chỉ thị cấm nhân viên tại một số cơ quan liên bang không được ra thông cáo báo chí, không được viết tweet hay cung cấp thông tin ra bên ngoài cơ quan. Chỉ thị này được ban hành trong nội bộ các cơ quan và được rò rỉ ra ngoài vào ngày thứ Ba.
Chỉ thị cấm các nhân viên của chính phủ liên bang, bao gồm Bộ Bảo Vệ Môi Trường (EPA), Bộ Nội Vụ, Bộ Giao Thông, Bộ Nông Nghiệp, Bộ Y Tế và Dịch Vụ Xã Hội, đã đưa đến sự lo lắng là chính phủ Trump sắp có thêm những biện pháp kiểm duyệt tất cả các cơ quan của chính phủ liên bang. Chính sách mới này của ông Trump khác hẳn chính sách mở rộng của chính phủ Obama, khi mà các cơ quan được khuyến khích đưa ra thông tin để người dân được biết nhiều hơn.
Trước khi nghe lệnh cấm phổ biến tin tức ra ngoài, các nhân viên của chính phủ liên bang đã nghe một tin không vui khác vào ngày thứ Hai. Đó là chính phủ Trump cấm tất cả các cơ quan, ngoại trừ quân đội, được thâu nhận nhân viên mới. Lệnh tạm ngưng này chưa biết sẽ kéo dài trong bao lâu.
Trước hai biện pháp nói trên, các hội theo dõi hoạt động của chính phủ đang gióng lên lời báo động về sự kiểm duyệt sắp tới của chính phủ Trump mà họ lo ngại là sẽ rất hà khắc, có thể giới hạn quyền tự do của các nhân viên liên bang.
“Lúc này là thời đại đen tối,” bà Liz Purchia đưa ra nhận xét. Bà là trưởng phòng truyền thông của cơ quan EPA dưới chính phủ Obama. “Nhiều người đang lo lắng, hồi hộp về những gì họ có thể làm hoặc không thể làm. Họ không muốn gặp rắc rối với chính phủ mới. Họ chỉ muốn làm đúng chỉ thị.”
Bà Liz Purchia nói thêm, “Lệnh cấm này cũng là điều rất mâu thuẫn, vì trước đây ông Trump đặt nền tảng của cuộc tranh cử của ông hoàn toàn dựa vào Twitter và mạng xã hội, giờ đây ông ta lại cấm các nhân viên chính phủ không được tiếp xúc với dân chúng bằng mạng xã hội.”
EPA là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nhất bởi lệnh cấm của chính phủ Trump. Ngoài việc trao đổi thông tin với báo chí, cơ quan bảo vệ môi trường này cũng không được phép lập thêm hợp đồng mới hoặc tài trợ ngân sách cho bất cứ cơ sở nào bên ngoài. Các lệnh cấm được giới truyền thông phát hiện vào hôm thứ Ba, sau khi EPA phải đình chỉ ít nhất 30 quy định môi trường, được thực hiện trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng Thống Barack Obama. Hành động của chính phủ Trump được coi là bước đầu tiên để xóa bỏ các đạo luật về chính sách bảo vệ môi trường.
Nhiều điện thư đã được gởi đến EPA kể từ sau lễ nhậm chức của ông Donald Trump, yêu cầu cơ quan này không được ra thông cáo báo chí, không đăng bài mới trên blog, và không viết tin trên các tài khoản mạng xã hội của EPA. Cơ quan Bảo Vệ Môi Trường cũng bị ra lệnh ngừng mọi hợp đồng với các nhà thầu, vốn liên quan đến nhiều lãnh vực như kỹ thuật và nghiên cứu khoa học.
Nhân viên phòng quan hệ công chúng của EPA được lệnh phải chuyển mọi yêu cầu của giới truyền thông sang Phòng Quản Lý Hành Chính và Tài Nguyên. Một viên chức cho biết, “Mọi yêu cầu thông tin từ giới truyền thông đều sẽ bị kiểm tra, và chỉ những thông tin quan trọng mới được thông báo ra ngoài cho công chúng.”
Nhiều lệnh cấm liên lạc với giới truyền thông cũng đã được chính quyền Trump gởi tới các cơ quan liên bang khác. Nhân viên Bộ Nông Nghiệp không được cung cấp bất kỳ tin tức, hình ảnh, thông tin nào ra ngoài, và cũng không được đăng tin lên mạng xã hội.
Bộ Nội Vụ và các cơ quan dưới quyền cũng được lệnh ngừng đăng tin lên mạng Twitter, sau khi tài khoản Twitter của cơ quan Dịch Vụ Công Viên Quốc Gia đăng hai bức ảnh, so sánh số người tham dự lễ nhậm chức của ông Trump và ông Obama.
Với ý định thách thức phản ứng của chính phủ, tài khoản Twitter của Dịch Vụ Công Viên Quốc Gia Badlands hôm thứ Ba đã đăng một báo cáo khoa học, về nồng độ carbon dioxide cao kỷ lục trong bầu khí quyển hiện nay. Dòng tin tức này không lâu sau đó đã bị xóa.


Các khoa học gia ‘nổi dậy’ chống Trump
By Steve Gorman, Reuters
25-1-2017: Các khoa học gia thuộc nhiều cơ quan chính phủ liên bang Hoa Kỳ như EPA (Environmental Protection Agency), NASA, NPS (National Park Service), Canh Nông, Y Tế và Dịch vụ Xã hội, FDA (Food and Drug Administration), NIH (the National Institutes of Health), Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh tật, National Weather Service, trong một thái độ chống lại TT Trump, đã thiết lập một hệ thống Twitter cá nhân ngoài luồng, sử dụng những bảng hiệu của cơ quan mình.
Ông Trump không những phủ nhận giá trị nghiên cứu của các nhà khoa học về hiện tượng hâm nóng toàn cầu và các dữ kiện khoa học khác, mà còn ra lệnh cho các cơ quan này phải ngưng liên lạc với truyền thông và quần chúng, một thái độ kiểm duyệt không thể chấp nhận tại Hoa Kỳ.
Các khoa học gia đã mỉa mai: “Không thể chờ đợi được TT Trump gọi chúng tôi là TIN GIẢ (FAKE NEWS - một hiện tượng mà ông Trump và nhân viên thân tín đã tạo ra.”
Tuần trước, tất cả nhân viên thuộc Bộ Nội Vụ (Interior Department – quản trị các cơ quan khoa học nói trên) được lệnh cấm cửa mọi liên lạc với bên ngoài sau khi một nhân viên chuyển đi một tweet nói là số lượng người tham gia buổi lễ nhậm chức của ông Trump thấp hơn của ông Obama, và tweet thêm một điều nữa là mọi dữ kiện về thay đổi khí hậu và dân quyền đã biến mất trên trang nhà của Tòa Bạch Ốc.
Chỉ trong vòng vài tiếng sau khi bị cấm, các tài khoản Twitter “chống trả” đã mọc lên như nấm, tổng cộng 14 chương mục tính tới ngày 25-1-2017. Nhiều tài khoản có mang dấu hiệu #resist or #resistance (kháng chiến).
Chính phủ không thể nào ngăn cấm và kiểm soát được những tài khoản này.

Trump đề nghị Hoa Kỳ nên lấy dầu của Iraq
Ngày 24-1-2017: Trong buổi nói chuyện tại tổng hành dinh CIA hôm 21-1-2017, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ đáng lẽ “nên lấy dầu của Iraq”, nhưng vì đã lỡ cơ hội rồi thì vẫn có thể có cơ hội khác trong tương lai.
Việc lấy dầu của một quốc gia khác là một vi phạm nghiêm trọng luật lệ quốc tế. Ngoài ra, thái độ hành xử này vừa đi ngược lại với những giá trị đạo đức của Hoa Kỳ, vừa làm tổn hại tới uy tín quốc gia và mối bang giao trên trường quốc tế, tạo sự nghi kỵ và có thể khiến cho các quân nhân Mỹ đang trú đóng tại Iraq bị nguy hiểm. Hiện Hoa Kỳ đang có trên 5000 quân nhân phục vụ tại Iraq.
BuzzFeed, cơ quan truyền thông Internet có trụ sở đặt tại New York, tiếp xúc với nhiều người Iraq ngoài mặt trận đang chiến đấu chống lại ISIS, và họ cho biết họ sẵn sàng cầm súng đánh lại người Mỹ nếu người Mỹ tìm cách chiếm tài nguyên thiên nhiên của họ.
Về việc đền bù phí tổn chiến tranh, Iraq gần đây đã vay $5.3 tỷ từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để giúp trả cho chiến phí chống lại ISIS.

Tiểu thuyết ‘1984’ bán chạy sau ngày ông Trump nhậm chức
WASHINGTON, DC (NV) – January 24, 2017
Cuốn tiểu thuyết “1984” của George Orwell bỗng nhiên bán chạy trở lại sau ngày nhậm chức của Tổng Thống Donald Trump.
Theo trang mạng TheHill, tác phẩm biểu tượng từng được xuất bản cách đây 70 năm, trở thành cuốn sách bán chạy hàng thứ sáu trên công ty mạng Amazon vào sáng hôm Thứ Ba.
Ông Sean Spicer, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, đã khẳng định hôm Thứ Bảy rằng buổi lễ nhậm chức thu hút được “số người tham dự đông chưa từng thấy,” mặc dù hình ảnh cho thấy ngược lại: đám đông dự lễ nhậm chức của Tổng Thống Barack Obama hồi năm 2009 rõ ràng là đông hơn hẳn.
Bà Kellyanne Conway, cố vấn cao cấp của ông Trump, hôm Chủ Nhật bênh vực phát biểu của ông Spicer, nói những dữ kiện mà ông Spicer đưa ra không phải là bịa đặt, mà là “dữ kiện thay thế (alternative facts)”.
Nhiều người trên truyền thông xã hội so sánh cách hành xử của ông Trump và những ngưòi thân tính của ông, phát ngôn “bất nhất” và dùng “dữ kiện thay thế” giống hệt lối ngụy biện mà cuốn sách nổi tiếng “1984,” đã nêu ra về xã hội cộng sản, trong đó đưa ra hai dữ kiện trái ngược nhau và nói rằng cả hai đều là sự thật cả.
Theo Wikipedia, bối cảnh cuốn “1984” được đặt ở miền đất Airstrip One (trước đây là nước Anh), một tỉnh của siêu quốc gia Oceania, trong một thế giới hư cấu, nơi chiến tranh xảy ra liên miên, còn chính phủ thì theo dõi và dò xét người dân sát sao, việc tẩy não diễn ra công khai.
Chủ nghĩa cá nhân và tư duy độc lập bị qui tội “nhận thức.”
Nhà nước này hoạt động nhân danh “Big Brother,” tức Anh Cả, lãnh tụ tối cao của Oceania, trong đó Bộ Sự Thật có nhiệm vụ sửa lại các bài báo cũ để mọi dữ liệu của lịch sử luôn phục vụ đường lối hiện tại của đảng “Inner Party.”
“1984” ra đời ở Anh vào năm 1949 và được xem là tác phẩm kinh điển về tư tưởng chính trị và khoa học giả tưởng, nhằm chỉ ra sự lừa gạt công khai, theo dõi ngầm và thao túng quá khứ của một nhà nước toàn trị.
Năm 2005, tạp chí Time xếp “1984” vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh xuất sắc nhất từ năm 1923 đến 2005.





No comments: