Friday, January 27, 2017

CHUYỆN KỂ CHIỀU 30 TẾT (Người Buôn Gió)




Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Những ngày cận kề Tết, thằng bạn từ thuở đôi mươi chát qua Facebook hỏi han một hồi. Dùng được Facebook là một cố gắng của nó. Người như nó mình nghĩ chả dùng Facebook làm gì. Nhờ thằng con nó mà nó dùng Facebook để liên lạc với anh em, bạn bè cũ.

Những năm đầu 90, mình ở ven sông Hồng chỗ chân cầu Chương Dương. Bố mình mua một cái nhà có vườn ngoài ấy. Mình ở cùng bố, nó là hàng xóm. Hai thằng cùng xin đi làm cán cao su.

Ở bên cạnh xưởng cán cao su có một nhà trọ, ở đấy có hai em quê ở Hưng Yên trọ bán dứa. Hàng ngày các em ấy lên chợ đầu mối Long Biên mua một sọt dứa, về gọt ra và đi bán rong. Thằng bạn mình cưa một em tên Hoa, lúc đầu mới cưa thường rủ mình và hai em kia đi uống nước xem ca nhạc. Ngày ấy quán cà phê người ta hay mở video ca nhạc hay phim chưởng, các đôi yêu nhau thuộc diện nghèo thường giải trí ở mấy quán vỉa hè như thế. Có lúc làm món gì ăn thì cả hội làm rồi cùng ăn với nhau.

Rồi bạn mình lấy em Hoa, đám cưới nghèo sơ sài nhưng cũng đủ lệ bộ. Em còn lại tên Yến cũng lấy một anh cửu vạn trên bến Long Biên. Còn mình thì đi biệt.

Bạn mình giờ làm nghề xe ôm, vợ nó thì bán hàng nước. Bạn mình làm xe ôm nhưng có mấy mối chở hàng đi giao nên thu nhập cũng ổn định. Vưà rồi chát, nhân tiện mình hỏi cái Yến thế nào. Bạn nói.
- Nó giờ làm ăn trên Bác Cổ.
Mình ngạc nhiên.
- Làm ăn đéo gì ở đấy, bán hàng nước ở vườn hoa à?
Bạn nói.
- Nó đứng đường đón khách ông ạ.
Mình còn ngạc nhiên hơn.
- Đéo gì, u 40 hai nhóc, tàn tạ như xác ve, ra đó đứng đường thì lấy đâu ra khách mà đứng? Sao mà đến nỗi thế?

Bạn mình kể về Yến. Nó lấy chồng được 10 năm, chồng nó được một bà nạ dòng buôn hoa quả từ trong Nam ra Bắc gạ gẫm,nên bỏ vợ con đi theo bà kia vào Nam ở. Bà kia vỡ nợ không buôn chuyến Bắc Nam nữa, chồng nó cũng biệt tăm luôn từ đó. Nó cặp với một ông sau này sinh được hai đứa con thì ông kia chết vì bệnh gan do uống rượu nhiều quá. Cặp với ông đấy thì cũng ở nhà thuê, ông kia có vợ con ở quê rồi nên ông ấy chết là hết, chả có gì để lại. Nó lúc đi bán hoa quả rong, lúc đi làm tiếp thị dầu gội , sữa tắm...Tết này đến nơi mà không có nổi vài triệu về quê. Quẫn quá tối nó đi đứng đường để kiếm đủ vài triệu về quê ăn Tết với các con.

Mình hỏi.
- Giờ đến Tết còn chưa đầy một tuần, một tối liệu nó đi khách được vài trăm không. Nó đi tàu nhanh chắc giá chỉ 100 một nhát, một tối giỏi lắm được 3 khách, tính ra được 300 nghìn. Tuần nữa may lắm được 2 triệu. Khéo còn chả đủ tiền son phấn và cả bao cao su.

Bạn nói.
- Thì nó chỉ cần vài triệu thế thôi, ở quê thế là ăn Tết đủ rồi. Có vài gói bánh, bộ quần áo mới cho con, thêm con gà, cặp bánh chưng, miếng thịt là ổn.

Mình ngậm ngùi nghĩ lại ngày trước, cái Yến mảnh mai thắt đáy lưng ong, đúng dáng người đảm đang, tháo vát. Mà nó cũng đảm thật, ban ngày đi bán dứa, ban tối sang chị hàng xóm cạnh phòng trọ học nghề may. Lần nào cả hội đi chơi, nó chỉ có đúng một bộ quần áo tươm tất lần nào đi cũng chỉ mặc đúng bộ ấy, mãi sau yêu cậu cửu vạn kia thì có mua thêm bộ bò mốc. Chẳng bao giờ nó biết đến phấn son. Mình hỏi ông bạn.
- Nó năm nay là 43 ông nhỉ?
Bạn.
- Nó kém bọn mình 1 tuổi thôi, bốn tư ông à.
Mình bảo.
- Thôi đm, thế thì tôi gửi ông bốn triệu tư, ông đưa nó bảo có ông khách 72 tuổi bất lực, nhưng mà thích mày, ông ấy cho mày nợ 44 phát tàu nhanh. Khi nào ông ấy chơi được ông sẽ gặp.
Bạn mình cười ặc ặc trong khung chát.
- Đm nói thế đau lòng con nhà người ta.
Mình bảo.
- Đùa ông thế chứ, tôi gửi cho nó 4 triệu. Ông nói tôi giờ làm ăn ở trong Sài Gòn, về nhà ăn Tết tiện đưa ông mừng tuổi con nó.
Bạn mình.
- Ừ , nếu thế tôi cho nó thêm 1 triệu. Cho nó về sớm lo Tết cho con, cuộc đời chán quá ông ạ. Ít ai may mắn như ông.

Mấy hôm sau mình chát với bạn. Bạn kể.
- Đưa cho nó rồi, nó còn chả nhớ ông. Tôi nhắc chuyện ngày xưa, tả dáng ông và bảo ông nói ngọng ý, nó mới nhớ ra. Đm nó đứng đường cũng không yên. Bọn gái trẻ nó có bảo kê, bọn nó ép con Yến chỉ được đón khách sau 12 giờ đêm. Giờ cao điểm lúc tối nó không cho đứng, nghe kể mà đau lòng cho nó quá ông ạ. Nó bảo ra Tết nó ra Hà Nội sẽ cám ơn ông, tôi nói ông bận về nhà ăn Tết vài hôm rồi lại vào Nam luôn. Nó gửi lời cám ơn ông.

Cuộc đời của nhiều phụ nữ ở Việt Nam còn rất khổ, Yến là người chăm chỉ, cần cù. Cái này mình chắc chắn khẳng định. Thế nhưng mấy chục năm vất vả, lăn lộn rồi mà chả đâu vào đâu vẫn khổ. Không như phụ nữ bên Tây này. Họ lấy chồng sinh con, không thích bỏ lấy thằng khác lại sinh con. Chả thấy bà nào khổ cả, cứ hồn nhiên như không. Xã hội chẳng ai dè bỉu coi khinh chuyện phụ nữ mấy đời chồng. Cũng chẳng phải lo chuyện ăn mặc cho con, nhà nước trợ cấp hết, càng nhiều con càng nhiều tiền trợ cấp. Cứ để chúng nó đến trường tự khắc bọn trẻ sẽ được giáo dục, đào tạo. Các bà mẹ chẳng phải mất nhiều thời gian lo việc uốn nắn con, bênhh tật gì đưa đến bệnh việc các bác sĩ, y tá chăm sóc đâu ra đó. Không phải đưa cơm, nước nôi chầu chực gì, đưa con đến viện hay đến nhà trường các bà mẹ yên tâm đi làm như thường.

Đàn ông Tây như cách nói của dân Việt mình là sợ vợ, đàn ông Việt ở đây lâu cũng nhiễm tính sợ vợ. Sợ vợ ở Tây không phải là đặc tính xấu, trái lại nó là nét tử tế, chân thành và lịch lãm của người đàn ông. Làm quái gì có chuyện đàn ông Tây sau giờ làm việc bù khú nhậu nhẹt , bia rượu trong hàng quán khi vợ ở nhà lọ mọ cơm nước chăm con. Đa phần các ông la cà rượu bia thế là độc thân hoặc sắp li dị. Còn ở Việt Nam ngược lại đa phần các ông nhậu nhẹt um xùm thế lại đều có vợ con rồi.

30 Tết ở xứ Tây, chả có việc gì tất bật, rảnh nói linh tinh vậy thôi.




No comments: